ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2000/QĐ-UB-CNN | TP.Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 01 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA UBND THÀNH PHỐ VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ HUYỆN CẦN GIỜ.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 12 tháng 8 năm 1991 và Nghị định số 17/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng ;
Căn cứ Quyết định số 1171/QĐ.LN ngày 30 tháng 12 năm 1986 của Bộ Lâm nghiệp ban hành các loại quy chế rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ;
Căn cứ Quyết định số 169/QĐ-UB-CNN ngày 07 tháng 01 năm 2000 của Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ ;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tại Công văn số 481/CV-UB ngày 24 tháng 9 năm 1999, của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tại Tờ trình số 970-TT/NN/LN ngày 13 tháng 9 năm 1999, Công văn số 1048/CV/NN/LN ngày 30 tháng 9 năm 1999 và của Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố tại Tờ trình số 215/TCCQ ngày 10 tháng 12 năm 1999 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế tổ chức hoạt động của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ HUYỆN CẦN GIỜ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06 /2000/QĐ-UB-CNN ngày 31 tháng 01 năm 2000 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh).
Chương 1:
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 1.- Vị trí.
Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp, thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ giao và chịu sự quản lý chuyên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 2.- Chức năng, nhiệm vụ hoạt động của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ :
1. Quản lý thống nhất toàn bộ diện tích rừng và đất rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Cần Giờ nhằm phát triển vốn rừng phòng hộ và không ngừng nâng cao tác dụng phòng hộ của rừng để đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường sinh thái, các yêu cầu khác của thành phố và các vùng phụ cận có công nghiệp và dân cư ;
2. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố trong việc xây dựng các chính sách, chủ trương, các quy trình kỹ thuật phù hợp với việc tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ Cần Giờ ;
3. Tổ chức hoàn chỉnh hệ thống quản lý bảo vệ rừng từ huyện đến cơ sở, thực hiện việc giao đất, giao rừng cho các hộ dân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ, nhằm tạo ra những vùng lâm nghiệp xã hội bền vững, ngày càng ổn định đời sống của nhân dân và cán bộ công nhân trực tiếp làm nghề rừng ;
4. Xây dựng các kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để quản lý bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ ; trong đó bao gồm việc xây dựng và thực hiện các dự án lâm-ngư-dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp, các đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học-kỹ thuật cho rừng phòng hộ nhằm nâng cao chất lượng của rừng ; tăng cường công tác khuyến lâm và không ngừng tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao ý thức phát triển và bảo vệ rừng trong nhân dân.
5. Tổ chức hoạt động sản xuất lâm ngư kết hợp, các dịch vụ khoa học- kỹ thuật và dịch vụ phục vụ tham quan du lịch, làm tăng thêm giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội của rừng phòng hộ ; góp phần cải thiện đời sống cho các hộ dân giữ rừng và cán bộ, công nhân trực tiếp làm nghề rừng.
Điều 3.- Quyền hạn của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ :
1. Xây dựng các dự án, kế hoạch hoạt động về quản lý, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Cần Giờ để Nhà nước duyệt cấp kinh phí hàng năm ;
2. Tổ chức thiết kế và thi công các công trình chuyên ngành, như trồng rừng, điều chế, chăm sóc rừng, các mô hình sản xuất-kinh doanh tổng hợp dưới tán rừng không trái với các quy định của Nhà nước ;
3. Quan hệ tìm đối tác liên doanh-liên kết, hoặc các dự án trợ giúp nhân đạo của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước về đầu tư phát triển rừng phòng hộ Cần Giờ theo quy định của Nhà nước ;
4. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ thống nhất quản lý các sản phẩm rừng phòng hộ, việc sử dụng sản phẩm rừng nói trên theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.
Chương 2:
TỔ CHỨC BỘ MÁY HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ HUYỆN CẦN GIỜ
Điều 4.- Bộ máy hoạt động của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ.
1. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ do Trưởng ban phụ trách và có từ 1 đến 2 Phó Trưởng ban giúp việc. Trưởng ban, các Phó Trưởng ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Việc bổ nhiệm Trưởng ban cần có sự thỏa thuận của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ có trách nhiệm quy định cụ thể về tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự theo nguyên tắc bộ máy tinh gọn, có hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ.
3. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ trực tiếp quản lý 24 Tiểu khu rừng ngập mặn ven biển thuộc địa bàn các xã Thạnh An, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Long Hòa và Cần Thạnh. Mỗi Tiểu khu có một Tiểu khu trưởng và một Tiểu khu phó do Trưởng ban bổ nhiệm.
4. Biên chế và quỹ tiền lương của Ban quản lý được Ủy ban nhân dân thành phố giao chung với biên chế và quỹ tiền lương sự nghiệp của huyện Cần Giờ.
5. Căn cứ vào tình hình thực tế, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ được tuyển dụng lao động hợp đồng hoặc lao động thời vụ phù hợp với nhiệm vụ quản lý chăm sóc và bảo vệ rừng theo kế hoạch được duyệt hàng năm.
Chương 3:
CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH, KINH PHÍ XÂY DỰNG BẢO VỆ RỪNG PHÒNG HỘ HUYỆN CẦN GIỜ
Điều 5.- Kinh phí xây dựng, quản lý chăm sóc và bảo vệ rừng phòng hộ huyện Cần Giờ do ngân sách Nhà nước Trung ương và thành phố cấp phát hàng năm. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tài chính hiện hành đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp có thu.
Điều 6.- Các nguồn thu khác ngoài ngân sách Nhà nước của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ gồm thu từ các hoạt động sản xuất phụ, kết hợp dịch vụ khoa học-kỹ thuật, phục vụ tham quan du lịch, hợp tác quốc tế và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Chương 4:
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 7.- Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ có mối quan hệ công tác như sau :
1. Đối với Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, là cơ quan chủ quản trực tiếp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giao kế hoạch và duyệt kế hoạch ; giám sát, kiểm tra và giải quyết các yêu cầu hoạt động của Ban Quản lý theo trách nhiệm quản lý hành chính Nhà nước của Ủy ban nhân dân huyện ;
2. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, là cơ quan quản lý chuyên ngành lâm nghiệp có trách nhiệm phê duyệt các dự án liên quan về kỹ thuật của rừng phòng hộ huyện Cần Giờ (thông qua Ban Quản lý rừng phòng hộ môi trường thành phố) ;
3. Đối với ngành Kiểm lâm, căn cứ vào pháp luật về phát triển và bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ có mối quan hệ hợp tác và chịu sự giám sát, kiểm tra về pháp chế bảo vệ rừng theo Luật định ;
4. Đối với các phòng ban chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ có mối quan hệ hợp tác, phối hợp để thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất rừng phòng hộ trên địa bàn ;
5. Đối với Ủy ban nhân dân các xã có rừng và đất rừng phòng hộ, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ phối hợp cùng Chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân tham gia quản lý bảo vệ rừng phòng hộ, đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá rừng, khai thác, sử dụng rừng và đất rừng phòng hộ trái phép, chăm lo sản xuất và đời sống của các hộ giữ rừng trên địa bàn xã. Lấy ý kiến và thông báo cho địa phương biết kế hoạch xây dựng, phát triển và bảo vệ rừng của thành phố và huyện để cùng theo dõi, phối hợp chỉ đạo thực hiện ;
6. Đối với các đơn vị, hộ gia đình và cá nhân được giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ (gọi tắt là bên A) ký các hợp đồng dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Định kỳ kiểm tra việc thực hiện nội dung hợp đồng để báo cáo Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ xem xét thu hồi diện tích rừng và đất rừng phòng hộ đã giao khoán đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8.- Bản Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và được áp dụng tại huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 9.- Mọi sửa chữa, bổ sung bản Quy chế này do Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ đề nghị, thông qua Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, Ban Tổ chức Chính quyền thành phố và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt mới có hiệu lực thi hành./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- 1Quyết định 95/2003/QĐ-UB điều chỉnh mức tiền công khoán bảo vệ rừng phòng hộ huyện Cần Giờ do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 53/2012/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 118/2005/QĐ-UBND về thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ thành phố Đà Nẵng
- 3Quyết định 3360/QĐ-UBND năm 2007 về quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Sông Trâu trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận
- 4Quyết định 3358/QĐ-UBND về quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận.
- 1Quyết định 95/2003/QĐ-UB điều chỉnh mức tiền công khoán bảo vệ rừng phòng hộ huyện Cần Giờ do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 1171-QĐ năm 1986 ban hành các loại quy chế rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp ban hành
- 3Luật Bảo vệ và phát triển rừng 1991
- 4Quyết định 53/2012/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 118/2005/QĐ-UBND về thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ thành phố Đà Nẵng
- 5Quyết định 3360/QĐ-UBND năm 2007 về quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Sông Trâu trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận
- 6Quyết định 3358/QĐ-UBND về quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận.
Quyết định 06/2000/QĐ-UB-CNN về Quy chế tổ chức hoạt động của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 06/2000/QĐ-UB-CNN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/01/2000
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Thanh Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 31/01/2000
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết