Hệ thống pháp luật

BỘ LÂM NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1171-QĐ

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1986

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CÁC LOẠI QUY CHẾ RỪNG SẢN XUẤT, RỪNG PHÒNG HỘ VÀ RỪNG ĐẶC DỤNG

BỘ TRƯỞNG BỘ LÂM NGHIỆP

Căn cứ Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 6-9-1972;
Căn cứ nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Xét yêu cầu cấp bách của công tác quản lý, sử dụng 3 loại rừng là rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm lâm nhân dân,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này 3 bản quy chế:

- Quy chế quản lý, kinh doanh rừng sản xuất;

- Quy chế quản lý rừng phòng hộ;

- Quy chế quản lý rừng đặc dụng.

Điều 2. Các bản Quy chế này được áp dụng cho việc quản lý rừng trên phạm vi cả nước.

Những quy định trước đây trái với 3 Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục kiểm lâm nhân dân, Thủ trưởng các vụ , viện có liên quan, giám độc Sở Lâm nghiệp, Tổng giám đốc Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, Liên hiệp nguyên liệu giấy, Liên hiệp gỗ trụ mỏ, Giám đốc lâm trường quốc doanh chịu trách nhiệm thực hiện quyết định này.

 

 

Phan Xuân Đợt

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, KINH DOANH RỪNG SẢN XUẤT
(ban hành theo Quyết định số 1171-QĐ ngày 30-12-1986)

Rừng sản xuất (mã số III) là rừng và đất rừng dành để kinh doanh sản xuất gỗ và các lâm sản, đặc sản rừng khác.

Bản quy chế này được ban hành nhằm mục đích đưa công tác quản lý kinh doanh rừng sản xuất vào nền nếp, đạt hiệu quả cao, chấm dứt tình trạng kinh doanh rừng một cách tuỳ tiện, lãng phí.

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Rừng sản xuất chia ra 4 loại:

- Rừng sản xuất gỗ lớn;

- Rừng sản xuất gỗ nhỏ;

- Rừng sản xuất tre, nứa;

- Rừng sản xuất đặc sản.

Điều 2. Rừng sản xuất được giao cho các Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, Liên hiệp nguyên liệu giấy, gỗ mỏ, lâm trường, hợp tác xã, cơ quan, đơn vị khác và hộ gia đình để sản xuất, kinh doanh phải thực hiện chuyên canh, thâm canh, nông lâm kết hợp để tạo ra nhiều sản phẩm.

- Đối với rừng giàu, rừng trung bình, khi khai thác lâm sản phải theo đúng quy hoạch, kế hoạch, phương án điều chế, thiết kế sản xuất, quy trình kỹ thuật và chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước giao hàng năm.

- Đối với rừng nghèo, kiệt, phải nhanh chóng tu bổ, cải tạo để làm giàu rừng; những nơi đất trống, đồi núi trọc phải trồng rừng kịp thời theo đúng quy hoạch và bảo đảm mục đích kinh tế.

Điều 3. - Các đơn vị và hộ gia đình được Nhà nước giao đất, giao rừng để sử dụng, kinh doanh đều phải tuân theo sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cơ quan lâm nghiệp các cấp trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ, luật pháp của Nhà nước về lâm nghiệp và bản Quy chế này.

Chương 2:

MỤC 1. VỀ XÂY DỰNG CƠ CHẾ QUẢN LÝ RỪNG

Điều 4. Trên toàn bộ diện tích rừng hiện còn và đất rừng của từng đơn vị tỉnh, huyện, Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, lâm trường đều phải xây dựng cơ chế quản lý theo 3 nội dung sau:

a) Phân loại rừng:

Phải xác định trên bản đồ, trên thực địa, làm rõ vị trí, giới hạn, diện tích của rừng và đất rừng sản xuất, phân biệt với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các đất đai khác, để thuận tiện cho việc tổ chức xây dựng, quản lý và kinh doanh rừng.

b) Về tổ chức rừng:

Rừng sản xuất phải được quy hoạch xác định mục đích và phương hướng sử dụng, kinh doanh để làm căn cứ lập kế hoạch, tổ chức sản xuất và kiểm tra việc sử dụng rừng.

1. Đối với khu vực rừng do ngành Lâm nghiệp tổ chức kinh doanh, toàn bộ rừng và đất rừng sản xuất phải được phân chia thành các đơn vị để thống nhất việc quản lý và kinh doanh:

- Lâm trường là đơn vị kinh tế cơ sở của ngành Lâm nghiệp, có nhiệm vụ quản lý và kinh doanh rừng, cần được bố trí gọn trong địa bàn một huyện, với diện tích trung bình 20.000 hécta.

- Phân trường bao gồm nhiều tiểu khu rừng, là cấp quản lý rừng, quản lý kế hoạch sản xuất của lâm trường có diện tích từ 4.000 - 5000 hécta.

- Tiểu khu rừng là đơn vị cơ bản để quản lý rừng có diện tích trung bình 1.000 hécta.

- Khoảnh là đơn vị thống kê tài nguyên rừng và lập hồ sơ thiết kế sản xuất hàng năm, có diện tích trung bình 100 hécta.

- Lô là đơn vị chia nhỏ của khoảnh có diện tích trung bình 10 hécta.

2. Đối với khu vực rừng giao cho các hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị khác kinh doanh, tuỳ theo điều kiện địa lý, đất đai, loại rừng, luân kỳ kinh doanh, trình độ quản lý mà phân chia thành các đơn vị quản lý như tiểu khu, phân trường hoặc có thể là lâm trường. Đối với diện tích giao mới thì giao theo đơn vị tổ chức rừng.

c) Về tổ chức quản lý:

Căn cứ vào tổ chức rừng để bố trí lực lượng chuyên trách quản lý rừng:

- Ở lâm trường:Giám đốc lâm trường là người chịu trách nhiệm cao nhất về công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ rừng ở lâm trường. Giám đốc uỷ nhiệm một Phó giám đốc chuyên trách công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ rừng và tổ chức phòng quản lý, bảo vệ rừng để làm tham mưu giúp Giám đốc về công tác này.

- Ở phân trường: Bố trí Quản đốc phân trường có trình độ kỹ sư hoặc trung cấp lâm nghiệp lâu năm và cán bộ chuyên trách xây dựng, quản lý, bảo vệ rừng.

- Ở tiểu khu rừng: Bố trí tiểu khu trưởng có trình độ trung cấp lâm nghiệp hoặc cán bộ quản lý, bảo vệ rừng lâu năm có kinh nghiệm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng ở tiểu khu.

Biên chế của lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng nói trên thuộc biên chế lâm trường. Chi phí về tiền lương của số cán bộ, nhân viên này, được tính vào giá thành sản phẩm do cơ quan chủ quản duyệt cấp.

Điều 5. Các lâm trường, phân trường, tiểu khu rừng đều phải có đường ranh giới rõ ràng, có mốc, bảng chỉ dẫn trên thực địa, có bản đồ và hệ thống sổ sách quản lý rừng theo quy định của Bộ.

MỤC 2. NGUYÊN TẮC, THỦ TỤC KINH DOANH RỪNG

Điều 6. - Việc đưa rừng sản xuất vào kinh doanh phải tuân thủ nghiêm túc các văn bản được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt:

- Luận chứng kinh tế kỹ thuật,

- Phương án điều chế,

- Hồ sơ thiết kế sản xuất,

- Quy trình, quy phạm và các quy định khác về kinh doanh rừng.

Điều 7. Việc tổ chức khai thác lâm sản trong rừng sản xuất phải được thực hiện theo 3 bước:

Bước 1.  Chuẩn bị rừng và giao rừng cho khai thác.

Căn cứ vào phương án quy hoạch, phương án điều chế, các lâm trường xúc tiến việc thiết kế khai thác hàng năm cho đơn vị mình. Thiết kế khai thác hàng năm phải được xét duyệt từ cơ sở theo trình tự như sau:

- Ở các lâm trường địa phương, giám đốc lâm trường chủ trì việc xét duyệt, có trưởng phòng quản lý, bảo vệ rừng, các trưởng phòng nghiệp vụ, kỹ thuật khác của lâm trường, hạt trượng lâm nghiệp - kiểm lâm nhân dân huyện sở tại tham gia xét duyệt; sau đó, Giám đốc lâm trường báo cáo lên Giám đốc Sở Lâm nghiệp phê duyệt.

- Ở các Sở Lâm nghiệp, lâm trường, Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp và các đơn vị khác trực thuộc Trung ương, thủ trửong các đơn vị đó chủ trì việc xét duyệt; có trưởng phòng quản lý, bảo vệ rừng (ở Sở Lâm nghiệp là Chi cục trưởng kiểm lâm nhân dân) và các trưởng phòng nghiệp vụ, kỹ thuật khác của đơn vị tham gia xét duyệt; sau đó, thủ trưởng đơn vị tổng hợp báo cáo lên Bộ Lâm nghiệp phê chuẩn chính thức.

Khi thiết kế khai thác được Bộ Lâm nghiệp phê duyệt cùng với quyết định của Bộ cho phép mở cửa rừng để khai thác, Giám đốc lâm trường phải tiến hành bàn giao khu vực rừng khai thác cho đơn vị khai thác tại thực địa với tài liệu thiết kế khai thác kèm theo biên bản giao rừng để đơn vị khai thác chuẩn bị thi công.

Bước 2. Chặt hạ và dọn rừng sau khai thác.

Phải chặt đúng cây có dấu bài; gỗ chặt hạ đến đâu phải vận xuất ngay đến đó. Thời gian cho phép tối đa để vận xuất hết gỗ ra khổi lô không quá 20 ngày kể từ khi chặt hạ, cắt khúc cây cuối cùng. Nếu khả năng vận xuất không cân đối với chặt hạ thì cấm không được khai thác các lô tiếp theo nữa.

Chặt xong lô nào phải dọn rừng ngay lô đó. Thời gian hoàn thành dọn rừng tối đa là 1 tháng kể từ khi vận xuất hết gỗ ra khỏi rừng và không quá 1 tháng 15 ngày kể từ khi chặt hạ xong cây cuối cùng trong lô.

Bước 3. Nghiệm thu rừng sau khai thác.

Thời hạn khai thác quy định từ khi giao nhận đến khi nghiệm thu rừng xong là 1 năm tính từ ngày 1 tháng 1 đến hết ngày 31 tháng 12. Trường hợp cá biệt có thể cho phép kết thúc không quá ngày 15 tháng 1 năm sau.

Sau khi khai thác xong, đơn vị khai thác phải báo cáo với Giám đốc lâm trường. Tiếp đó Quản đốc phân trường, Tiểu khu trưởng, Đội trưởng đội khai thác cùng kiểm tra tại hiện trường tình hình thực hiện quy trình kỹ thuật đồng thời xử lý các sai sót, lập biên bản thu hồi rừng và đóng cửa rừng.

Điều 8. Trong phương thức chặt chọn, tuyệt đối tôn trọng quy trình kỹ thuật khai thác của Bộ ban hành, cường độ khai thác thay đổi tuỳ theo độ dốc và kết cấu sản lượng đối với độ dốc:

- Từ 250 đến 300, sản lượng lấy ra không quá 25% trữ lượng rừng.

- Trên 300 sản lượng lấy ra không vượt quá 15% trữ lượng rừng.

Rừng trồng đưa vào khai thác phải căn cứ vào tuổi thành thục công nghệ, nhưng đối với rừng hỗn loại tự nhiên bảo đảm được luân kỳ nuôi dưỡng.

Điều 9. Những diện tích rừng đưa vào tu bổ, cải tạo , tỉa thưa, những diện tích đất đưa vào trồng rừng đều phải được thiết kế cụ thể theo quy trình, quy phạm kỹ thuật của Bộ Lâm nghiệp ban hành và phải được cơ quan chủ quản xét duyệt mới được thực hiện.

Những diện tích rừng trồng sau khi đã hết giai đoạn chăm sóc ban đầu phải được nghiệm thu, đánh giá số lượng, chất lượng rừng.

Các diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng bị chết, bị cháy, bị chặt phá nghiêm trọng... phải được Hội đồng thanh lý xác định cụ thể để xử lý trách nhiệm và điều chỉnh lại số liệu.

Hội đồng thanh lý do cơ quan chủ quản cấp trên triệu tập và chủ trì, có đại diện cơ quan tài chính, ngân hàng, hạt lâm nghiệp kiểm lâm nhân dân sở tại và cơ quan, đơn vị kinh doanh các diện tích rừng ấy tham dự.

Điều 10. Các Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, lâm trường, cơ quan, đơn vị, hợp tác xã được Nhà nước giao đất, giao rừng để kinh doanh, hàng năm phải đăng ký tình hình diện tích rừng, diễn biến tài nguyên rừng, việc sử dụng, kinh doanh rừng với cơ quan chuyên trách quản lý bảo vệ rừng cấp huyện sở tại (hạt lâm nghiệp kiểm lâm nhân dân để theo dõi ghi vào sổ quản lý rừng và báo cáo lên cấp trên theo hệ thống quản lý bảo vệ rừng). Đối với Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp địa bàn trên nhiều huyện thì đăng ký tình hình tài nguyên rừng theo lãnh thổ của từng huyện.

Những diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao cho đơn vị nào sử dụng, kinh doanh thì Ban lâm nghiệp xã sở tại có trách nhiệm đăng ký với hạt lâm nghiệp kiểm lâm nhân dân huyện.

Điều 11. Cứ 5 năm một lần, các cơ quan, đơn vị được giao đất, giao rừng quản lý, kinh doanh phải tiến hành phúc tra tài nguyên rừng để đánh giá tình hình diện tích, trữ lượng rừng và hiệu quả của việc quản lý kinh doanh rừng, đồng thời làm cơ sở cho việc xây dựng phương án điều chế phù hợp với tình hình tài nguyên rừng và tổ chức quản lý.

Điều 12. Rừng sản xuất giao cho cơ quan, đơn vị đến kỳ khai thác (quy mô lâm trường) thì phải thực hiện đầy đủ các điều 6, 7, 8, 9 nói trên. Riêng thiết kế khai thác phải được Giám đốc Sở Lâm nghiệp phê duyệt. Trong quá trình chuẩn bị và thực hiện khai thác phải tuân theo quy trình kỹ thuật.

Đối với rừng của hợp tác xã đến thời kỳ khai thác cũng phải được hạt lâm nghiệp - kiểm lâm nhân dân sở tại hướng dẫn, kiểm tra và phải tuân theo quy trình kỹ thuật khai thác.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ KINH DOANH RỪNG SẢN XUẤT

MỤC 3 TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC LIÊN HIỆP LÂM - NÔNG - CÔNG NGHIỆP, LÂM TRƯỜNG

Điều 13. Các Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, lâm trường có trách nhiệm quản lý xây dựng, bảo vệ vốn rừng của đơn vị mình theo đúng chế độ, thủ tục như quản lý bảo vệ các loại tài sản khác mà Nhà nước giao cho liên hiệp, lâm trường.

Tổng Giám đốc các Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, Giám đốc lâm trường quốc doanh khi chuẩn bị thay đổi công tác phải tổ chức đánh giá lại tài nguyên rừng để xác định hiệu quả quản lý, kinh doanh rừng của nhiệm kỳ ấy và bàn giao coi như bàn giao tài sản cố định; nếu có sự hao hụt người Giám đốc cũ phải báo cáo rõ và chịu trách nhiệm.

Giám đốc Sở Lâm nghiệp, Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm nhân dân có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và chứng kiến việc đánh giá tài nguyên và xác định hiệu qủa quản lý, kinh doanh rừng trong nhiệm kỳ của Tổng giám đốc Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, Giám đốc lâm trường.

Điều 14. Các Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, lâm trường:

- Phải có biện pháp thực hiện để ngăn chặn mọi hành động làm cháy rừng, phá rừng làm rẫy, chặt phá rừng bừa bãi, sâu bệnh phá hại rừng, lấn chiếm rừng trái phép, săn băn chim thú rừng bừa bãi;

- Không được để diện tích rừng hao hụt, đất rừng thoái hoá mà phải làm cho tài nguyên rừng ngày càng phát triển;

- Phải giao nộp đầy đủ sản phẩm cho Nhà nước theo quy định;

- Phải có biện pháp tham gia xây dựng kinh tế địa phương như thu hút lao động làm lâm nghiệp, vận động định canh, định cư... góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển.

Điều 15. Tổng giám đốc Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, Giám đốc lâm trường phải bảo đảm cho trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng, quản đốc phân trường, tiểu khu trưởng được quyền bảo lưu ý kiến của mình trước Tổng giám đốc, Giám đốc về những việc làm trái với luận chứng kinh tế kỹ thuật, phương án kinh doanh, thiết kế sản xuất, quy trình, quy phạm... và báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên.

MỤC 4 TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, HỢP TÁC XÃ, HỘ GIA ĐÌNH TRONG VIỆC SỬ DỤNG KINH DOANH RỪNG

Điều 16. Các cơ quan, đơn vị, hợp tác xã được Nhà nước giao đất, giao rừng để kinh doanh phải nghiêm chỉnh chấp hành các chính sách, luật pháp về lâm nghiệp, các điều khoản của quy chế này và các điều khoản khác được quy định khi giao đất, giao rừng.

Điều 17. Phải tổ chức xây dựng, quản lý bảo vệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, không để rừng bị chặt phá, đất rừng bị thoái hoá mà phải đưa nhanh, đưa hết diện tích nói trên vào sản xuất kịp thời, đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Khi cần thu hồi lại rừng và đất lâm nghiệp đã giao Nhà nước xem xét đền bồi thiệt hại về những công trình xây dựng trên đất ấy hoặc có thể đổi cho một diện tích khác để sử dụng.

Điều 18. Cơ quan, đơn vị, hợp tác xã nhận đất, nhận rừng để kinh doanh, được Nhà nước hướng dẫn hoặc đầu tư một phần để xây dựng công trình phòng cháy, chữa cháy, phòng trừ sâu, làm vườn ươm cây giống... cũng như đào tạo kỹ thuật viên lâm nghiệp; được tận dụng đất đai làm nông lâm kết hợp, tận dụng lâm sản, phế liệu Nhà nước không thu mua; được hưởng toàn bộ gỗ và lâm sản khác tự trồng trên đất ấy.

Điều 19. Hộ gia đình được giao đất, giao rừng để lập vườn rừng phải chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ bảo vệ rừng, phải sử dụng đúng vị trí, diện tích đất được giao, phải đưa vào sử dụng hết diện tích, không được bỏ hoang hoá, không được mua bán, đổi chác hoặc cầm cố đất vườn rừng.

Điều 20. - Hộ gia đình được hưởng toàn bộ sản phẩm làm ra từ vườn rừng, được thừa kế các sản phẩm trên vườn rừng do gia đình gây trồng nên.

Trường hợp bị kẻ khác lấn chiếm đất đai hoặc chặt phá cây cối sẽ được xử lý theo luật pháp hiện hành.

Chương 4:

KIỂM TRA, THANH TRA VIỆC CHẤP HÀNH CÁC CHẾ ĐỘ VỀ SỬ DỤNG KINH DOANH RỪNG SẢN XUẤT

Điều 21. Uỷ ban Nhân dân và cơ quan lâm nghiệp các cấp có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra tình hình sử dụng, kinh doanh rừng sản xuất trong phạm vi đơn vị mình quản lý.

Cơ quan chuyên trách quản lý bảo vệ rừng (Cục kiểm lâm nhân dân, Chi cục kiểm lâm nhân dân, hạt lâm nghiệp kiểm lâm nhân dân) có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nguyên tắc, thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành Lâm nghiệp về việc sử dụng, kinh doanh rừng sản xuất.

Quản đốc phân trường, Tiểu khu trưởng giúp Tổng giám đốc Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp và Giám đốc lâm trường thực hiện việc giám sát, kiểm tra thường xuyên tất cả các hoạt động sản xuất của lâm trường như khai thác, tu bổ, cải tạo, chăm sóc, tỉa thưa, trồng rừng tại địa bàn phân trường, tiểu khu theo đúng thiết kế sản xuất được duyệt, để ngăn ngừa sai sót và xử lý hoặc đề nghị cấp trên xử lý những vi phạm xảy ra.

Điều 22. Việc thanh tra, kiểm tra nhằm mục đích phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các hiện tượng.

- Các bản thiết kế sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng đơn vị thực hiện làm trái với thiết kế. Trách nhiệm này thuộc về đơn vị trực tiếp thi công. Do đó Tiểu khu trưởng, Quản đốc phân trường hoặc cơ quan quản lý rừng cấp trên lập biên bản yêu cầu sửa chữa và không chấp nhận nghiệm thu.

Những quy định về nguyên tắc, thủ tục kinh doanh rừng nói ở chương II, chương III không được chấp hành đầy đủ để rừng bị tàn phá, trách nhiệm này thuộc về Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị kinh doanh rừng. Trường hợp này cơ quan chuyên trách quản lý bảo vệ rừng các cấp lập biên bản, có quyền ra quyết định đình chỉ việc kinh doanh rừng ở khu vực ấy; đồng thời xem xét trách nhiệm và hiệu quả kinh doanh rừng của thủ trưởng đơn vị ấy để xử lý hoặc đề nghị lên cấp trên xử lý theo luật pháp.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. - Căn cứ Quy chế này, các Sở lâm nghiệp, Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp lâm trường, các cơ quan, đơn vị, hợp tác xã được giao rừng sản xuất, kinh doanh cần có kế hoạch cụ thể, toàn diện để bảo đảm việc thi hành nghiêm túc Quy chế tại đơn vị mình, địa phương mình.

Điều 24. - Trường hợp vi phạm một trong các điều quy định của bản Quy chế sẽ bị xử lý theo Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng. Trường hợp vi phạm nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như đã quy định trong Bộ luật hình sự.

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG RỪNG PHÒNG HỘ
(ban hành theo Quyết định số 1171-QĐ ngày 30-12-1986)

Rừng phòng hộ (mã số II) là rừng và đất rừng giành cho việc bảo vệ, phòng chống các nhân tố khí hậu có hại, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Khu rừng phòng hộ được xây dựng với mục đích sử dụng khả năng phòng hộ là chính.

Các khu rừng phòng hộ có nhiều mục đích phòng hộ nhưng để tiện cho việc quản lý, bảo vệ , xây dựng, cần chia các khu rừng phòng hộ có mục đích khác nhau nhưng cùng dạng địa hình, cùng biện pháp tác động, tổ chức quản lý thành 3 loại như sau: phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ chắn gió chống cát bay, phòng hộ chắn sóng.

Khu rừng phòng hộ cần được xây dựng ổn định lâu dài; việc chuyển dịch khu rừng phòng hộ sang mục đích khác phải được cấp đã quyết định thành lập khu đó ra quyết định.

Điều 2. Khu rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho bất cứ cấp nào, ngành nào hoặc tổ chức nào quản lý, bảo vệ, xây dựng đều là vốn rừng quốc gia do Nhà nước thống nhất quản lý.

Điều 3. Mỗi khu rừng phòng hộ phải có bộ máy quản lý, phải chia thành các đơn vị quản lý cơ bản có diện tích bình quân 1000 hécta gọi là tiểu khu, phải được sử dụng đúng mục đích đã được xác định khi quyết định thành lập khu rừng phòng hộ đó.

Chương 2:

TỔ CHỨC XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ BẢO VỆ KHU RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 4. Phân loại các khu rừng phòng hộ.

a) Khu rừng phòng hộ đầu nguồn: điều tiết nguồn nước để hạn chế lũ, lụt; cung cấp nước cho các dòng chảy, hồ trong mùa khô; hạn chế xói mòn bảo vệ đất; hạn chế bồi lấp các lòng sông, hồ.

b) Khu rừng phòng hộ chắn gió chống cát bay; ngăn cản tác hại do gió, bão, chắn cát di động để bảo vệ xóm làng, đồng ruộng, đường giao thông, v. v... cải tạo bãi cát thành đất canh tác.

c) Khu rừng phòng hộ chắn sóng: ngăn cản sóng để bảo vệ các công trình ven biển, cố định bùn cát lắng đọng để hình thành đất mới ...

Điều 5. Trong khu rừng phòng hộ, diện tích có rừng phải được bảo vệ, diện tích chưa có rừng phải được trồng rừng hoặc khoanh nuôi để đạt được mục tiêu định hình của từng loại phòng hộ như sau:

a) Phòng hộ đầu nguồn, tận dụng hết khả năng lập địa tạo nên rừng hỗn giao, không đều tuổi, nhiều tầng, mật độ dày, bộ rễ sâu và bám chắc, diện tích tán lá lớn, có độ tán che 0,6, có lớp thảm mục dày.

b) Phòng hộ chắn gió chống cát bay có từ hai đai chính trở lên, bề rộng mỗi đai 20m, kết hợp với các đai phụ tạo thành ô khép kín, mỗi đai gồm nhiều hàng cây khác loài hay khác tuổi khép tán theo cả bề mặt cũng như chiều thẳng đứng.

c) Phòng hộ chắn sóng có ít nhất hai đai, mỗi đai rộng 30m, đã khép tán, các đai có cửa sổ so le nhau theo hướng sóng chính.

Điều 6. Tuỳ theo diện tích, tầm quan trọng , vị trí của từng khu rừng phòng hộ mà thẩm quyền quyết định thành lập được phân cấp như sau:

a) Theo đề nghị của Bộ Lâm nghiệp, Hội đồng Bộ trưởng quyết định khu có diện tích từ 50.000 hécta trở lên hoặc nhỏ hơn nhưng có tầm quan trọng đặc biệt đối với lợi ích quốc gia, nằm trên lãnh thổ của nhiều tỉnh.

b) Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp quyết định khu có diện tích trên 10.000 hécta đến dưới 50.000 hécta và các khu nằm trong Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, lâm trường trực thuộc Bộ.

c) Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định khu có diện tích từ 5000 hécta đến 10.000 hécta hoặc khu rừng phòng hộ nằm trên lãnh thổ nhiều huyện (hoặc cấp tương đương).

d) Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện quyết định khu có diện tích nhỏ hơn 5000 hécta nằm trong lãnh thổ huyện.

Điều 7. Tổ chức Bộ máy quản lý các khu rừng phòng hộ được quy định như sau:

a) Khu rừng phòng hộ như điểm a, điều 6 thì thành lập Ban quản lý trực thuộc Bộ Lâm nghiệp.

b) Khu rừng phòng hộ như điểm b, c, điều 6 thì thành lập trạm quản lý trực thuộc Sở Lâm nghiệp.

c) Khu rừng phòng hộ nằm trong các liên hiệp, lâm trường, nông trường, công ty, đơn vị vũ trang, v.v... Thủ trưởng các cơ quan này có trách nhiệm tổ chức việc quản lý, bảo vệ, xây dựng theo kế hoạch, luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được duyệt.

d) Khu rừng phòng hộ nằm trong phạm vi giao cho xã, hợp tác xã, thì Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ, xây dựng dưới sự hướng dẫn về nghiệp vụ, kỹ thuật của hạt kiểm lâm nhân dân sở tại.

Chương 3:

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, XÂY DỰNG LỢI DỤNG LÂM SẢN

Điều 8. Các biện pháp tác động vào khu rừng phòng hộ đều phải tuân theo luận chứng kinh tế kỹ thuật (hay dự án đầu tư), kế hoạch, thiết kế đã được cấp có thẩm quyền duyệt và tuân theo quy phạm, quy trình, các luật lệ về lâm nghiệp hiện hành. Tuyệt đối không được để chặt phá rừng, làm nương rẫy trái phép, gây cháy rừng trong khu rừng phòng hộ.

Điều 9. Hàng năm tiểu khu trưởng phải thống kê các công việc cần tiến hành trong tiểu khu của năm sau, báo cáo để giám đốc các ban, trạm quản lý hay thủ trưởng các cơ quan quản lý khu rừng phòng hộ đó lập kế hoạch, thiết kế trình cấp có thẩm quyền duyệt.

Điều 10. Duyệt kế hoạch, thiết kế được tiến hành muộn nhất là quý III năm trước và được phân cấp như sau:

a) Bộ Lâm nghiệp duyệt kế hoạch, thiết kế cho các ban quản lý khu rừng phòng hộ, các khu rừng phòng hộ nằm trong các liên hiệp, công ty, lâm trường trực thuộc Bộ và hồ sơ tổng hợp về rừng phòng hộ của Sở lâm nghiệp.

b) Sở Lâm nghiệp duyệt thiết kế, kế hoạch cho các trạm quản lý khu rừng phòng hộ, các liên hiệp, lâm trường, các cơ quan thuộc tỉnh quản lý và hồ sơ tổng hợp về rừng phòng hộ của các hạt kiểm lâm nhân dân.

c) Hạt kiểm lâm nhân dân xác nhận thiết kế, kế hoạch của các khu rừng phòng hộ thuộc các xã, hợp tác xã quản lý và tổng hợp trình Sở duyệt.

Điều 11. - Tiểu khu trưởng có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi các đơn vị, tập thể, cá nhân đến thi công trong tiểu khu mình theo thiết kế, kế hoạch đã được duyệt, nghiệm thu, xác nhận sau khi công việc hoàn thành và có quyền đình chỉ những hành động làm sai thiết kế, kế hoạch hoặc xét thấy có hại nghiêm trọng tới khả năng phòng hộ của khu rừng.

Điều 12. Lợi dụng lâm sản trong rừng phòng hộ:

a) Những khu rừng phòng hộ đầu nguồn trong quá trình nuôi dưỡng được chặt tỉa những cây ở nơi mật độ quá dày, cây già, cây sâu bệnh, được thu hái hạt giống, đặc sản, ở những nơi trữ lượng giàu có thể được khai thác lâm sản chính với cường độ chặt không quá 20%.

b) Những khu rừng phòng hộ chắn gió chống cát bay, phòng hộ chân sóng khi đã khép tán, được chặt tỉa cành, thu hái lá, hoa , quả, v.v... khi đã phát huy cao độ chức năng phòng hộ, có thể được chặt tỉa hay khai thác theo hàng nhưng phải trồng lại vào vụ trồng rừng ngay sau đó.

c) Lợi dụng lâm sản chính phải có thiết kế, lợi dụng đặc sản phải có kế hoạch; thiết kế và kế hoạch phải được duyệt từ năm trước.

Chương 4:

KINH PHÍ QUẢN LÝ, XÂY DỰNG KHU RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 13. Cán bộ, nhân viên thuộc ban, trạm quản lý khu rừng phòng hộ thuộc biên chế kiểm lâm nhân dân, công nhân thuộc các tổ đội lâm sinh, lợi dụng lâm sản, xây dựng, v.v... không thuộc biên chế kiểm lâm nhân dân, kinh phí do quỹ nuôi rừng đài thọ.

Điều 14. Cán bộ, nhân viên quản lý các khu rừng phòng hộ nằm trong quy hoạch các cơ quan thuộc biên chế của các cơ quan này, kinh phí do quỹ nuôi rừng đài thọ.

Điều 15. Đối với những khu rừng phòng hộ giao cho hợp tác xã thì hợp tác xã cử người quản lý, bảo vệ, xây dựng bằng vốn của hợp tác xã. \'ebnhững nơi điều kiện tự nhiên khó khăn, trồng rừng phải đầu tư lớn thì được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí trích từ quỹ nuôi rừng.

Điều 16. Các khu rừng phòng hộ lớn, phục vụ cho lợi ích quốc gia thì các ngành, các cơ quan nào được sử dụng thành quả do khu rừng phòng hộ đó đem lại có trách nhiệm đóng góp kinh phí để quản lý, bảo vệ, xây dựng.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Những hàng cây, dải cây, đồi cây mặc dù có tác dụng phòng hộ, đang làm chức năng phòng hộ nhưng không mang tính chất ổn định lâu dài,

không được Nhà nước quyết định là khu rừng chuyên phòng hộ thì không thuộc đối tượng áp dụng Quy chế này.

Điều 18. Cá nhân, tập thể vi phạm Quy chế này sẽ bị xử lý theo Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng. Những trường hợp vi phạm nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như đã quy định trong Bộ luật hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

QUY CHẾ

QUẢN LÝ RỪNG ĐẶC DỤNG
(Ban hành theo Quyết định số 1171-QĐ ngày 30-12-1986).

Rừng đặc dụng (mã số I) là rừng và đất rừng do Nhà nước quy định nhằm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ di tích lịch sử, bảo vệ sức khoẻ, nghiên cứu khoa học hoặc phục vụ các lợi ích đặc biệt khác, như đã ghi ở điều 3 của Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Rừng đặc dụng là một thành phần của vốn rừng quốc gia, được xây dựng nhằm các mục tiêu sau đây:

- Bảo tồn các mẫu sinh cảnh rừng khác nhau;

- Bảo tồn nguồn gen động vật và thực vật rừng;

- Bảo tồn các khu rừng có giá trị về cảnh quan, về văn hoá, về lịch sử, về bảo vệ sức khỏe;

- Nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo.

Điều 2. Tiêu chuẩn để tuyển chọn rừng đặc dụng:

- Khu vực còn rừng nguyên hoặc ít bị tàn phá, đại diện cho các hệ sinh thái rừng khác nhau của nước ta;

- Khu rừng hiện đang là nơi sinh trưởng của các loại động vật, thực vật có giá trị về khoa học hoặc kinh tế;

- Khu rừng có các di tích lịch sử hoặc văn hoá đã được Nhà nước xếp hạng;

- Khu rừng có phong cảnh đặc sắc, có tác dụng bảo vệ môi trường, vui chơi giải trí phục vụ các trung tâm dân cư lớn, nơi nghỉ mát hoặc các vùng công nghiệp.

Điều 3. Rừng đặc dụng do ngành Lâm nghiệp thống nhất quản lý và được phân loại, phân cấp quản lý như sau:

1. Vườn quốc gia là khu bảo vệ có giá trị sử dụng toàn diện về các mặt bảo vệ thiên nhiên, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích văn hoá, phục vụ tham quan du lịch. Các vườn quốc gia do Bộ Lâm nghiệp quản lý và xây dựng.

2. Khu rừng bảo tồn thiên nhiên là khu bảo vệ có giá trị khoa học, giữ nguồn gen động vật và thực vật có thể mở cho nghiên cứu khoa học nhưng không mở rộng cho việc phục vụ du lịch hoặc các nhu cầu văn hoá khác. Các khu bảo tồn thiên nhiên tuỳ theo diện tích, tính chất quan trọng do Bộ Lâm nghiệp quản lý, hoặc do Uỷ ban Nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm quản lý và xây dựng. Riêng các khu rừng đặc dụng bảo tồn thiên nhiên nằm trong các Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp do ngành Lâm nghiệp chịu trách nhiệm quản lý và xây dựng.

3. Khu rừng văn hoá và bảo vệ môi trường là khu rừng có các di tích lịch sử, văn hoá và các cảnh quan có giá trị thẩm mỹ hoặc bảo vệ môi trường, có tác dụng phục vụ tham quan du lịch, giải trí, nghỉ ngơi. Các khu rừng này do Bộ Lâm nghiệp thống nhất quản lý và tuỳ theo diện tích và tính chất mà có thể giao cho các ngành liên quan quản lý, xây dựng.

Chương 2:

NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ XÂY DỰNG RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 4. Mỗi khu rừng đặc dụng được thành lập do quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh có rừng.

Điều 5. Mỗi khu rừng đặc dụng nói chung đều phải phân chia thành các phân khu và các tiểu khu.

Mỗi vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu văn hoá và bảo vệ môi trường lớn được chia thành các phân khu chức năng, có 3 loại phân khu chức năng:

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

- Phân khu bảo vệ vùng đệm và phục hồi sinh thái.

- Phân khu dịch vụ, hành chính, sản xuất, vui chơi giải trí.

Các khu rừng văn hoá và bảo vệ môi trường có diện tích nhỏ vài trăm hécta không áp dụng cách phân chia như trên và chỉ tổ chức một khu duy nhất do một trạm thống nhất quản lý.

Một vườn quốc gia hoặc khu rừng bảo tồn thiên nhiên có thể có 1 hoặc nhiều phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Giữa các phân khu này hoặc bao quanh chúng, có thể bố trí các phân khu bảo vệ vùng đệm (gọi tắt là phân khu đệm).

Phân khu dịch vụ hành chính phải được bố trí xa các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Việc phân chia các phân khu thành các tiểu khu phải căn cứ vào tính chất đồng nhất về sinh thái và mức độ khó, dễ của việc quản lý bảo vệ.

Điều 6. Mỗi khu rừng đặc dụng phải có một luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư do cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi đã có ý kiến của Bộ Lâm nghiệp và các địa phương có liên quan.

Điều 7. Nội dung cơ bản của luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư phải bao gồm:

- Tình hình cơ bản, đánh giá các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá, lịch sử, khoa học; các tiềm năng khác của khu rừng.

- Những vấn đề về kinh tế, xã hội của vùng có dự kiến khoanh rừng đặc dụng.

- Tình hình sử dụng đất đai hiện tại.

- Mục tiêu thành lập khu rừng đặc dụng xếp loại - tên gọi.

- Phân chia các phân khu chức năng, các tiểu khu, bố trí mạng lưới giao thông, các công trình.

- Bố trí mạng lưới quản lý, bảo vệ.

- Kế hoạch và chương trình về tốc độ - hướng đi - nhu cầu lao động, vật tư, vốn.

- Đề xuất những biện pháp cần thiết về chuyển hướng sản xuất - phối hợp trách nhiệm giữa các ngành và các địa phương.

- Hiệu quả (ước tính hiệu quả các mặt kinh tế, văn hoá, môi trường và các mặt khác).

- Phân công và phân cấp thực hiện.

Điều 8. Những diện tích rừng đã được quyết định thành rừng đặc dụng, nếu vì lý do đặc biệt cần thay đổi mục đích và xếp loại khác thì phải được Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định.

Điều 9. Các vườn quốc gia được thành lập Ban giám đốc vườn quốc gia và các trạm quản lý bảo vệ do quyết định của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.

Các khu rừng đặc dụng khác được thành lập Ban quản lý hoặc trạm quản lý khu rừng đặc dụng do quyết định của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh có rừng.

Đối với các khu rừng đặc dụng nằm trong các Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp thì Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp ra quyết định thành lập Ban quản lý của khu rừng đặc dụng.

Điều 10. Biên chế bộ máy quản lý bảo vệ rừng các khu rừng đặc dụng được trích trong tổng biên chế kiểm lâm nhân dân.

Chương 3:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN QUẢN LÝ RỪNG ĐẶC DỤNG VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TIỂU KHU TRƯỞNG

Điều 11. Giám đốc Vườn quốc gia, Trưởng ban Ban quản lý khu rừng bảo tồn thiên nhiên hoặc Trưởng trạm quản lý khu rừng văn hoá và bảo vệ môi trưởng là thủ trưởng cơ quan quản lý khu rừng đặc dụng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh sở tại về toàn bộ tình hình tổ chức hoạt động của khu rừng đặc dụng được giao.

Thủ trưởng cơ quan quản lý rừng đặc dụng có trách nhiệm:

- Xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật hay dự án đầu tư của khu rừng đặc dụng.

- Tổ chức thực hiện luận chứng kinh tế kỹ thuật hay dự án đầu tư được duyệt sao cho vừa thực hiện được mục tiêu của khu rừng đặc dụng, vừa tận dụng được các lợi ích khác của khu rừng, giảm nhẹ nguồn chi cho ngân sách Nhà nước.

- Xây dựng nội quy và tổ chức thực hiện nội quy đó trên toàn bộ khu rừng được giao.

- Quản lý hoạt động, chỉ huy trực tiếp các tiểu khu trưởng.

- Báo cáo tình hình đầy đủ, kịp thời, chính xác lên cấp có thẩm quyền quản lý.

Điều 12. Mỗi tiểu khu rừng đặc dụng do một Trưởng tiểu khu trực tiếp phụ trách, dưới sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý. Trưởng tiểu khu của những khu quan trọng có thể có một số nhân viên giúp việc.

Điều 13. Trưởng tiểu khu rừng đặc dụng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Nắm sát tình hình rừng, tình hình động vật, thực vật rừng và các tài nguyên khác trong tiểu khu thông qua việc lập lý lịch tiểu khu và duy trì nhật ký tiểu khu.

2. Tổ chức tuần tra rừng, kiểm tra kiểm soát, hướng dẫn những người được phép vào rừng. Ngăn ngừa việc phá rừng, chặt cây, lấy sản phẩm rừng trái phép, lấn chiếp đất rừng, vi phạm nội quy khu rừng cấm.

3. Tổ chức thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng trừ sâu hại rừng.

4. Tổ chức ngăn chặn việc săn bắt chim thú rừng, câu cá ở những nơi không được phép.

5. Phối hợp với cấp trên để tổ chức thực hiện phương án quy hoạch quản lý, bảo vệ và phương án quy hoạch mở mang đã được xét duyệt cho tiến hành trong phạm vi tiểu khu.

6. Phối hợp với các tiểu khu bạn để thực hiện nhiệm vụ chung của cả khu rừng đặc dụng khi cần thiết.

7. Tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng trong địa phận (nếu có) và bồi dưỡng cho lực lượng này.

8. Lập biên bản và tạm giữ tang vật của các vụ vi phạm báo cáo Giám đốc xử lý.

Chương 4:

NGUYÊN TẮC VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 14. Ranh giới khu rừng đặc dụng phải được xác định bằng hệ thống biển mốc kiên cố.

Toàn bộ tài nguyên trong khu rừng đặc dụng phải được điểu tra tỷ mỷ, ghi thành lý lịch ở cấp khu rừng và tiểu khu rừng và phải được thể hiện trên bản đồ.

Toàn bộ diễn biến các mặt hoạt động của rừng và của tiểu khu rừng đặc dụng phải được ghi thành nhật ký của khu rừng và tiểu khu phải xuất trình cho cấp trên kiểm tra khi cần thiết.

Điều 15. Mọi hoạt động và sự đi lại trong khu rừng đặc dụng phải tuân theo đúng nội quy chung và nội quy riêng của từng loại phân khu chức năng.

Một số quy định cơ bản để áp dụng trong các bản nội quy rừng đặc dụng:

1. Đối với tất cả các khu rừng đặc dụng cấm săn bắt động vật rừng với bất kỳ hình thức và phương tiện nào; cấm gây cháy rừng.

2. Đối với các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt:

a) Không được làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng.

b) Không được thả rông gia súc, gia cầm.

c) Không được mang các loại động vật, thực vật của nơi khác vào trong rừng.

d) Không được đốt lửa bừa bãi. Chỉ được đốt lửa ở những nơi quy định.

e) Không được ô nhiễm môi trường hoặc có các hành động có hại đến sinh sống bình thường của các loài động vật.

g) Không được tiến hành các nội dung nghiên cứu khoa học, lấy mẫu nếu không được phép.

h) Người ngoài ban quản lý khu rừng đặc dụng không được tự do ra vào hoặc ngủ lại đêm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt nếu không được phép.

i) Không mang vũ khí, chất nổ vào phân khu.

3. Đối với các phân khu đệm:

a) Được Tiến hành các công việc dọn rừng, trồng rừng, tu bổ rừng nhằm phục hồi cảnh quan rừng theo đúng như đã được duyệt trong luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư.

b) Không được chặt cây rừng theo kiểu chặt trắng.

c) Có thể cho cắm trại ở lại ban đêm.

d) Không được phát rừng làm rẫy.

4. Đối với phân khu dịch vụ - sản xuất.

a) Có thể xây dựng các công trình kiên cố, đường sá, cầu cống phục vụ cho cán bộ, công nhân viên ban quản lý rừng đặc dụng và khách đến làm việc hoặc tham quan.

b) Có thể cho thu hái một số sản phẩm của rừng như nấm, cây thuốc theo một danh sách do ban quản lý quy định.

c) Có thể cho tiến hành các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt.

d) Có thể cho đánh cá, câu cá bằng những phương tiện được phép.

Chương 5:

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1171-QĐ năm 1986 ban hành các loại quy chế rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 1171-QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/1986
  • Nơi ban hành: Bộ Lâm nghiệp
  • Người ký: Phan Xuân Đợt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản