Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 05/2012/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRỒNG RỪNG VÀ CÂY XANH THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;

Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

Căn cứ Quyết định số 4109/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt số liệu chi tiết diện tích rừng, đất lâm ngiệp và cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn thành phố năm 2010 (Thời điểm 31 tháng 12 năm 2010);

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1829/TTr-SNN-KHTC ngày 29 tháng 11 năm 2011 về phê duyệt “Đề án trồng rừng và cây xanh thành phố giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Đề án trồng rừng và cây xanh thành phố giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 theo nội dung đề án đính kèm.

Điều 2. Căn cứ nội dung Đề án trồng rừng và cây xanh thành phố giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt, các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân

 

ĐỀ ÁN

TRỒNG RỪNG VÀ CÂY XANH THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

Phần 1

ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC TRỒNG CÁC LOẠI RỪNG VÀ CÂY XANH

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN:

1. Vị trí địa lý:

Thành phố Hồ Chí Minh có tọa độ 10°10' - 10°38' Bắc và 106°22' - 106°54' Đông, phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang. Thành phố Hồ Chí Minh là một đầu mối giao thông quan trọng về cả đường bộ, đường thủy và đường không của cả nước.

Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, địa hình thành phố thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông, vùng cao nằm ở phía Bắc - Đông Bắc và một phần Tây Bắc, có độ cao trung bình so với mặt nước biển 10 đến 25 mét. Vùng trũng nằm ở phía Nam - Tây Nam và Ðông Nam thành phố, có độ cao trung bình trên dưới 1 mét, nơi thấp nhất 0,5 mét.

2. Điều kiện tự nhiên:

2.1. Khí hậu:

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiệt độ cao đều trong năm và hai mùa mưa - khô rõ rệt. Mùa mưa được bắt đầu từ tháng 5 tới tháng 11, còn mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau.

2.2. Thủy văn:

Về thủy văn, nằm ở vùng hạ lưu hệ thống sông Ðồng Nai - Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch rất đa dạng, sông Ðồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, hợp lưu bởi nhiều sông khác, có lưu vực lớn khoảng 45.000 km². Ngoài các con sông chính, Thành phố Hồ Chí Minh còn có một hệ thống kênh rạch chằng chịt: Láng The, Bàu Nông, Rạch Tra, Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Cầu Bông, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé, Lò Gốm, Kênh Tẻ, Tàu Hũ, Kênh Ðôi... Hệ thống sông, kênh rạch giúp Thành phố Hồ Chí Minh trong việc tưới tiêu, nhưng do chịu ảnh hưởng dao động triều bán nhật của biển Ðông, thủy triều thâm nhập sâu đã gây nên những tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp và hạn chế việc tiêu thoát nước ở khu vực nội thành.

II. THỰC TRẠNG TRỒNG RỪNG VÀ CÂY XANH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010:

Theo Quyết định số 4109/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt số liệu chi tiết diện tích rừng và đất lâm nghiệp và cây phân tán trên địa bàn thành phố đến ngày 31 tháng 12 năm 2010 có 42.523,27 ha, độ che phủ rừng đạt 18,76%, so với năm 2005 diện tích rừng đất lâm nghiệp và cây phân tán trên địa bàn thành phố 33.771,50 ha độ che phủ rừng đạt 16,11%; như vậy độ che phủ của rừng trong 05 năm qua tăng lên 2,65%.

Diện tích trồng rừng, chuyển hóa rừng từ năm 2006 - 2010 tại Bình Chánh, Củ Chi, Đền Hùng, Cần Giờ đạt 386ha, diện tích trồng cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn thành phố 750ha.

Diện tích công viên cây xanh và mảng xanh trên địa bàn thành phố đến năm 2010 đạt 739,7253ha, trong đó diện tích công viên vườn hoa 372,7078ha, mảng xanh công cộng 199,6764ha, mảng xanh khác 167,3411ha.

1. Trồng rừng và cây xanh thành phố:

a) Rừng phòng hộ môi trường huyện Bình Chánh:

- Dự án đầu tư phát triển rừng phòng hộ môi trường được trồng từ năm 2008 với mục đích tăng mảng xanh và phòng hộ môi trường thành phố.

- Rừng phòng hộ môi trường thuộc ấp 3, 6, 7 xã Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh được trồng chuyển hóa, chăm sóc rừng từ năm 2008, diện tích rừng được trồng chuyển hóa, chăm sóc, bảo vệ tại ấp 3 là 171,03ha và tại ấp 6, 7 là 91,64 ha, với các loài cây trồng chuyển hóa là cây Sao, Dầu, Bằng lăng, Chiêu liêu, Mù u, Gáo vàng…

b) Vườn thực vật Củ Chi:

Xây dựng khu sưu tập cây thân gỗ và sinh cảnh Vườn thực vật Củ Chi Thành phố Hồ Chí Minh là một khu trồng cây sưu tập những loài cây bản địa Việt Nam gồm các loài cây quí hiếm, đặc hữu và Sao, Dầu, cây họ bộ để nghiên cứu khoa học bảo tồn đa dạng sinh học, là nơi học tập, tham quan nghiên cứu giao lưu khoa học trên diện tích 40ha, thực hiện từ năm 2010 - 2015.

c) Trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Tân tạo:

- Rừng Đặc dụng tại Trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Tân Tạo triển khai thi công các hạng mục: Vườn cảnh, Khu sưu tập, Bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái, Nuôi dưỡng rừng trồng hiện hữu, Chăm sóc tu bổ rừng, Trồng rừng khảo nghiệm, Rừng giống và vườn giống, Trồng chuyển hóa các mô hình cấu trúc những quần xã thực vật, Trồng chuyển hóa rừng thực nghiệm, Nông lâm kết hợp trên diện tích rừng 29,92 ha, với các loài cây xanh, cây tạo hình, cây trổ hoa, cây trang trí, cây lá màu, cỏ, thực vật thủy sinh các loài như: Tràm chua, Bạch đàn, Sao xanh, Cà na… đã hoàn thành vào năm 2010. 

d) Trồng cây cảnh quan tại khu vực Đền tưởng niệm các Vua Hùng:

Xây dựng các khu trồng cây xanh cảnh quan vừa đan xen kiến trúc xây dựng tạo cảnh quan liên hoàn kết hợp với các mô hình quần thể hỗn giao các loài cây đặc hữu của rừng Việt Nam phù hợp với các khu tái hiện các truyền thuyết diện tích 12ha.

đ) Trồng cây phân tán:

Hàng năm Chi Cục Lâm nghiệp cung cấp cây trồng phân tán cho các đơn vị hành chính sự nghiệp, các trường học, bệnh viện, doanh trại quân đội…, bình quân từ 250 - 300 ngàn cây một năm; cây trồng phát triển tốt góp phần phát triển mảng xanh, cải thiện môi trường sinh thái của thành phố, phối hợp tổ chức thực hiện Môi trường Xanh - Sạch - Đẹp. Giai đoạn từ năm 2006 - 2010 đã trồng được 1,2 triệu cây tương đương với 750ha.

e) Trồng 500.000 cây xanh ven sông, kênh, rạch:

Trồng 500.000 cây xanh ven sông, kênh, rạch (các loài Tràm chua, Tràm úc, Nhạc ngựa nước, Trâm, Dầu, Gáo, Sao, Săng máu, Gõ biển, Dừa nước…) tại các Quận 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, thời gian thực hiện từ 2011 - 2015.

g) Trồng cây xanh Khu chế xuất Tân thuận:

Trồng cây xanh khu chế xuất Tân thuận có diện tích 28 ha theo văn bản 6817/UBND-ĐTMT ngày 29 tháng 12 năm 2010 về quy hoạch lại khu cây xanh đô thị 28 ha bên cạnh Khu Chế xuất Tân Thuận, Chủ đầu tư là Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận.

h) Trồng cây xanh cách ly:

Trồng cây xanh cách ly 34,95 ha tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước huyện Bình Chánh.

2. Thực trạng trồng cây xanh và phát triển cây xanh do Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh quản lý:

a) Hiện trạng cây xanh đường phố:

- Hiện nay các Khu Quản lý giao thông Đô thị trực thuộc Sở Giao thông vận tải đang quản lý khoảng 82.000 cây xanh (trong đó có trên 70.700 cây xanh đường phố và 11.300 cây xanh trong công viên, dinh thự công).

- Đối với khu vực nội thành cũ mặc dù đang có rất nhiều chủng loại cây trên các tuyến đường khoảng 100 loài, nhưng cây trồng chỉ tập trung chủ yếu ở cá loài như Viết (13,9%), Lim sét (13,8%), Dầu rái (13,6%), Sao đen (11,6%), Me chua (9,6%), Phượng vĩ (6,7%), Bằng lăng (5,5%), Xà cừ (4,1%), Long não (2,4%), Bò cạp nước (1,9%), Me tây (1,7%), Nhạc ngựa nước (1,6%), một số loài cây khác thuộc nhóm cây trồng đường phố như Mặc nưa, Móng bò, Sến cát, Giá tỵ, Sò đo cam… chiếm tỷ lệ dưới 1%.

- Đối với khu vực nội thành phát triển mới và một số huyện ngoại thành hệ thống cây xanh đường phố đang trong quá trình hình thành, phần lớn được trồng theo các dự án làm đường và qua công tác làm mới cây xanh trong vài năm gần đây, số lượng cây còn nhỏ (mới trồng và loại 1) chiếm tỷ lệ rất lớn khoảng 70%, chủng loại cây trồng trong thời gian qua trên các tuyến đường thuộc khu vực này khá đơn điệu, chủ yếu là cây Viết, Xà cừ, Bằng lăng. Số lượng cây thuộc danh mục cấm trồng và hạn chế trồng trên đường phố đều chiếm tỷ lệ lớn trên 20%.

b) Hiện trạng diện tích công viên và mảng xanh trên địa bàn thành phố:

- Hiện nay diện tích công viên và mảng xanh trên địa bàn thành phố do các đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị khác quản lý được phân bố như sau:

- Công viên: khu cây xanh được trồng tập trung trong một diện tích đất lớn nhằm mục đích phục vụ công cộng, là khu sinh hoạt ngoài trời, nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố, ngoài cây xanh công viên có các công trình kiến trúc và công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

- Vườn hoa: các công viên nhỏ, hạn chế về quy mô và nội dung.

- Mảng xanh công cộng: mảng xanh của các công trình thuộc khu vực sở hữu công cộng như: mảng xanh trên dải phân cách, mảng xanh trụ cầu, tường dẫn cầu, trong đó mảng xanh của các công trình là phần diện tích trên mặt đất, trên tầng cao hoặc không gian đứng của công trình được che phủ bằng các loài cây bụi, hoa, cỏ, dây leo và các loài cây trang trí khác.

- Mảng xanh khác: mảng xanh trong Hội trường Thống nhất, Bảo tàng Hồ Chí Minh và các dinh thự công khác.

Qua thống kê, hiện trạng chỉ tiêu đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 1m2/người, rất thấp so với chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 là 2,4m2/người đối với khu vực nội thành hiện hữu và 7,1m2/người đối với khu vực nội thành phát triển mới, 12m2/người đối với khu vực ngoại thành.

3. Công tác quản lý bảo vệ rừng:

a) Chi Cục Lâm nghiệp:

Quản lý công tác xây dựng, phục hồi, sử dụng và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; phát triển lâm nghiệp xã hội, lâm nghiệp đô thị; nghiên cứu sưu tập, bảo tồn các loại cây lâm nghiệp, xây dựng kế hoạch triển khai quy định của ngành về phát triển rừng. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, thẩm định đúng quy trình kỹ thuật của các công trình, dự án chuyên ngành lâm nghiệp, tổ chức việc kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Bước đầu theo dõi và nắm bắt số liệu về sản xuất kinh doanh ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn thành phố, tham gia đóng góp cho các văn bản pháp lý chuyên ngành về lâm nghiệp.

b) Chi Cục Kiểm lâm:

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quản lý rừng, bảo vệ rừng và lâm sản; Phòng cháy, chữa cháy rừng; Bảo vệ và phát triển động vật hoang dã.

- Về mặt tổ chức, có hai Hạt là Hạt Kiểm lâm Củ Chi chịu trách nhiệm khu vực phía Bắc của thành phố và Hạt Kiểm lâm Cần Giờ gồm 5 trạm chủ yếu quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm thành phố còn có 1 đội Kiểm lâm cơ động - phòng cháy, chữa cháy rừng và 1 Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã.

- Chi Cục Kiểm lâm đã làm tốt vai trò của đơn vị trong thời gian qua, góp phần tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn thành phố: Thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng, trong những năm qua không có vụ cháy rừng nào xảy ra trên địa bàn thành phố; chỉ có một số vụ cháy cỏ, cây phân tán trồng trên đất nông nghiệp. Kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vụ vi phạm quản lý rừng. Từ năm 2006 - 2010, hàng năm Chi cục đã phát hiện và xử lý khoảng trên 200 vụ vi phạm.

c) Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ:

- Thành lập vào năm 2000 để quản lý diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ được bàn giao từ Ban Quản lý Rừng phòng hộ môi trường Thành phố thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cho Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, với tổng diện tích rừng là 35.496,89 ha (trong đó có 19.849,55 ha rừng trồng; 12.479,65 ha rừng tự nhiên tái sinh và 3.167,69 ha đất lâm nghiệp).

- Năm 2010, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2010 về việc phê duyệt phương án thống nhất quản lý rừng phòng hộ môi trường, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ là chủ rừng Cần Giờ theo Quyết định này. Hiện nay, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ trực tiếp quản lý 5 phân khu và 4 tiểu khu, giao khoán bảo vệ rừng cho 14 đơn vị gồm 14.971,78 ha như: Công ty Dịch vụ Công ích TNXP (có 30 hộ dân), Nông trường Cholimex, Nông trường Duyên Hải quận Gò Vấp, Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ (có 3 hộ dân), Công ty Du lịch sinh thái Vàm Sát, Công ty Du lịch sinh thái Cần Giờ, Huyện đội Cần Giờ, Xã đội Tam Thôn Hiệp, Đồn Biên phòng 558, Đồn Biên phòng 562, Đồn Biên phòng 554, Hải đội 2 Biên phòng, Hạt Kiểm lâm Cần Giờ và Công ty Minh Thành. Ngoài ra Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ cũng giao khoán bảo vệ rừng trực tiếp cho 137 hộ dân (10.545,88 ha).

d) Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi: Thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh quản lý trực tiếp 120,63 ha rừng phòng hộ thuộc khu Bến Đình và Bến Dược ở huyện Củ Chi. Hiện nay, kết hợp với công tác quản lý bảo vệ rừng, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi khai thác dịch vụ du lịch và tạo nơi này thành nơi bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước đồng thời giới thiệu đến bạn bè quốc tế lịch sử giành độc lập của cách mạng của dân tộc Việt Nam.

4. Nhận xét, đánh giá: Được sự quan tâm sâu sát của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với quyết tâm bảo vệ, phát triển rừng và cây xanh thành phố. Ngành Lâm nghiệp thành phố đã đạt một số thành tựu nhất định: năm 1990 diện tích rừng của thành phố là 26.617 ha chiếm 12,72% diện tích tự nhiên của thành phố. Đến năm 2000 diện tích rừng tăng lên 32.696 ha chiếm 15,60%, đến năm 2005 diện tích rừng tăng lên 33.771,50 ha chiếm 16,11% và năm 2009 diện tích rừng tăng lên 38.953,95 ha chiếm 18,59%, đến 31 tháng 12 năm 2010 là 42.523,27 ha chiếm 18,76% diện tích tự nhiên của thành phố. Đặc biệt, rừng ngập mặn Cần Giờ được khôi phục sau chiến tranh hóa học, qua quá trình khôi phục và phát triển rừng 22 năm đã được MAB/UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 2000.

5. Những thuận lợi và khó khăn:

a) Thuận lợi: hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến công tác quản lý và phát triển rừng, cây xanh đô thị ngày càng đầy đủ, chặt chẽ và từng bước đáp ứng yêu cầu của xã hội.

b) Khó khăn:

- Việc trồng rừng và cây xanh thành phố chưa có sự tham gia đồng bộ của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội cùng tham gia việc trồng cây xanh, chống sạt lở thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường đồng thời tuyên truyền vận động giáo dục ý thức người dân trong việc trồng cây xanh, bảo vệ cây xanh còn hạn chế.

- Đối với các dự án xây dựng đường giao thông hoặc các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị mới trong thời gian qua thiết kế chiều rộng vỉa hè hay dải phân cách thường không dành đủ không gian để trồng cây bóng mát hoặc chỉ đủ bố trí trồng cây xanh thuộc nhóm tiểu mộc, không thể trồng cây trung mộc, đại mộc.

Phần 2

NỘI DUNG THỰC HIỆN

I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ:

1. Mục tiêu:

- Tăng cường diện tích rừng, cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công viên; khôi phục các hệ sinh thái, phục hồi đa dạng sinh học, bảo vệ phát triển Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX.

- Thực hiện hiệu quả Quyết định số 17/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt đề án Quản lý bảo vệ phát triển các loại rừng và cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Chỉ thị số 11/2011/CT-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường các biện pháp bảo tồn, phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

2. Nhiệm vụ:

Phấn đấu từ nay đến năm 2020 trồng mới 10.000.000 cây, để phát triển rừng và mảng cây xanh thành phố nâng cao độ che phủ xanh của thành phố.

 Tổng diện tích trồng rừng và diện tích quy đổi trồng cây lâm nghiệp phân tán, cây ven sông, kênh, rạch, đê biển, diện tích trồng cây quy đổi của các tổ chức, cá nhân tự trồng là 13.575 ha với số lượng cây trồng là 9.937.000 cây. Diện tích trồng cây công viên, vườn hoa, đường phố là 126 ha với số lượng cây trồng là 63.000 cây.

Trong đó:

- Cây do tổ chức, gia đình, cá nhân tự trồng: 5.514.308 cây / 9.374 ha.

- Trồng cây phát triển rừng: 472.692 cây / 931 ha.

- Trồng cây ven sông, kênh, rạch, cây phân tán: 3.950.000 cây / 3.270 ha.

- Trồng cây đường phố: 63.000 cây / 126 ha. 

II. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:

1. Giải pháp về quản lý nhà nước: 

- Thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng cùng các văn bản liên quan để bảo vệ diện tích rừng và cây lâm nghiệp, cây xanh ven biển, sông, kênh, rạch.

- Xây dựng quy chế quản lý nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng để bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh trên vỉa hè và các khu vực công cộng khu dân cư.

2. Tổ chức các chương trình thông tin tuyên truyền đến cư dân thành phố:

Thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền đến người dân thành phố qua các hình thức xây dựng chuyên đề phát sóng trên Đài phát thanh, truyền hình, tờ rơi đến từng hộ gia đình trên địa bàn thành phố, nhằm phát động phong trào trồng cây xanh, quản lý bảo vệ cây xanh của người dân.

3. Giải pháp về quy hoạch đất trồng cây:

3.1. Quy hoạch về đất trồng cây do tổ chức, cá nhân tự trồng:

Các quận, huyện tổ chức lập, công bố, công khai quy hoạch các loại rừng và mảng cây xanh thành phố đến các cấp chính quyền và người dân để thực hiện quy hoạch theo đề án.

Tổng diện tích 9.374 ha, trong đó:

- Giai đoạn 1 từ 2012 - 2015: 3.516 ha.

- Giai đoạn 2 từ 2016 - 2020 tổng diện tích: 5.858 ha.

3.2. Quy hoạch về đất trồng cây xanh phát triển rừng:

Địa điểm thực hiện: Địa bàn quận 9, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, với tổng diện tích 653ha được chia ra như sau:

a) Giai đoạn 1 từ 2012 - 2015 tổng diện tích: 718ha.

Trong đó:

- Khu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc quận 9 diện tích: 22ha.

- Mở rộng diện tích Vườn thực vật Củ Chi: 50ha.

- Tiếp nhận 81ha tại Bình Chánh theo Quyết định 2331/QĐ-UBND: 81ha.

- Diện tích rừng phòng hộ Bình Chánh còn thiếu theo quy hoạch: 565ha.

b) Giai đoạn 2 từ 2016 - 2020 tổng diện tích: 130ha.

- Mở rộng diện tích Vườn thực vật Củ Chi: 130ha.

3.3. Quy hoạch về đất trồng cây xanh, công viên, vườn hoa viên đường phố:

a) Giai đoạn 1 từ 2012 - 2015 tổng diện tích: 4.449,2764ha.

Trong đó:

- Khu vực nội thành cũ diện tích: 578,7857 ha.

- Khu vực nội thành phát triển mới: 2.578,1927 ha.

- Khu vực ngoại thành: 1.292,2980 ha.

b) Giai đoạn 2 từ 2016 - 2025 tổng diện tích: 6.517,0346 ha.

Trong đó:

- Khu vực nội thành cũ diện tích: 358,9172 ha.

- Khu vực nội thành phát triển mới: 2.400,4374 ha.

- Khu vực ngoại thành: 3.757,6800 ha.

3.4. Quy hoạch về đất trồng cây ven sông rạch, cây phân tán:

Địa điểm thực hiện: Trên địa bàn các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích 3.270ha cụ thể:

a) Giai đoạn 1 từ 2012 - 2015 tổng diện tích: 1.070ha.

b) Giai đoạn 2 từ 2016 - 2020 tổng diện tích: 2.200ha.

3.5. Quy hoạch đất khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trồng rừng mới trên hiện trạng rừng Ia, Ib, Ic trong rừng phòng hộ Cần giờ, phương án bảo vệ bãi bồi rừng phòng hộ Cần Giờ:

- Giai đoạn 1 từ 2012 - 2015 tổng diện tích: 58,24ha.

3.6. Quy hoạch Phương án phục hồi rừng trên đất ruộng muối tại khu vực Hào Võ, tiểu khu 21 - rừng phòng hộ Cần giờ

- Giai đoạn 1 từ 2012 - 2015 tổng diện tích: 25ha.

4. Giải pháp về trồng cây do tổ chức cá nhân tự trồng:

4.1. Phát động phong trào trồng cây:

Các quận - huyện, cơ quan, trường học tổ chức lễ phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại các khu vực Đền tưởng niệm các Vua Hùng, Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi… vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, học sinh, sinh viên khối quận - huyện, phường - xã - thị trấn, khối cơ quan, đơn vị, trường học: mỗi người trồng 1 cây.

Tổ chức Lễ phát động phong trào trồng cây gây rừng vào tháng 7 hàng năm tại rừng ngập mặn Cần Giờ.

Phát động phong trào trồng cây xanh vào các ngày lễ hàng năm của đất nước: ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6), ngày giải phóng Miền Nam (30/4), Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Quốc khánh 2/9…

Đưa hoạt động trồng cây gây rừng vào các kỳ sinh hoạt của đoàn viên, thanh niên: chủ nhật xanh, kỳ nghỉ hồng, mùa hè xanh, ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…

Phát động phong trào trồng cây trong khuôn viên trường học của học sinh, sinh viên lập thành tích kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, ngày truyền thống học sinh - sinh viên.

4.2. Lực lượng tham gia trồng cây:

Lực lượng tham gia trồng cây là người dân sinh sống làm việc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, thanh niên thành phố là lực lượng nòng cốt để phát động và tham gia trồng cây.

4.3. Trách nhiệm của người dân thành phố:

Trồng cây xanh, chăm sóc bảo vệ cây xanh, trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng, bảo vệ rừng là trách nhiệm cao quý của chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh góp phần cải thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, hiệu quả trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.

5. Giải pháp về trồng cây phát triển rừng, cây ven sông rạch, cây công viên đường phố, cây phân tán:

- Căn cứ thực hiện theo Quyết định phê duyệt từng dự án của các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Giáo dục ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh, tuyên truyền mỗi người dân trồng một cây xanh.

- Đây là công việc hết sức khó khăn cần có sự tham gia của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội cùng tham gia việc trồng cây xanh, chống sạt lở thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường đồng thời tuyên truyền vận động giáo dục ý thức người dân trong việc trồng cây xanh bảo vệ cây xanh.

Phần 3

TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. GIAI ĐOẠN 1 (2011 - 2015)

1. Trồng cây của tổ chức, cá nhân:

1.1. Phát động toàn dân tham gia trồng cây gỗ quý: Sao, Dầu, Cẩm lai, Giáng hương, Gõ đỏ… Phát động mỗi hộ gia đình trồng 01 cây xanh, mỗi đoàn viên thanh niên trồng 01 cây xanh tại nơi công cộng thuộc địa bàn mình sinh sống, mỗi cán bộ, công nhân trồng một cây xanh quanh khu vực làm việc đăng ký xin khu vực trồng (công sở, doanh nghiệp, công trường…), mỗi học sinh, sinh viên trồng 1 cây trong khuôn viên trường học:

1.2. Đơn vị tổ chức thực hiện: Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang, Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp thành phố… tổ chức vận động mỗi thành viên trồng 01 cây để giáo dục lòng yêu thiên nhiên, quý trọng môi trường, hiểu biết về tầm quan trọng của hệ thống cây xanh (có thể đưa vào tiêu chuẩn thi đua như: Gia đình văn hóa, đoàn viên xuất sắc, ấp văn hóa - xã điểm…).

1.3. Đơn vị cung cấp cây giống: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi Cục Lâm nghiệp) sản xuất và cung cấp cây giống.

1.4. Nguồn vốn đầu tư: Tổ chức, cá nhân đăng ký mua cây.

- Số lượng cây trồng dự kiến 2.068.308 cây.

- Diện tích trồng cây: 3.516ha.

- Loài cây trồng: Cây gỗ quý như Sao, Dầu, Giáng hương, Lim…

- Kinh phí: Người dân tự thực hiện.

1.5. Giai đoạn 1 (2011 - 2015):

- Năm 2011: Chưa thực hiện.

- Năm 2012: Trồng 378.472 cây với diện tích 643,4ha. 

+ Học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên học tập trên địa bàn thành phố với số cây dự kiến trồng trong khuôn viên trường học vào các ngày lễ lớn trong năm là 100.000 cây diện tích 170 ha.

+ Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thành phố với số cây dự kiến trồng là 200.000 cây với diện tích 340ha.

+ Lực lượng cán bộ, chiến sỹ trong các doanh trại quân đội trên địa bàn thành phố với số cây trồng dự kiến 78.472 cây với diện tích 133,4ha.

- Năm 2013: Trồng 549.336 cây với diện tích 934ha.

+ Học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên học tập trên địa bàn thành phố với số cây dự kiến trồng trong khuôn viên trường học vào các ngày lễ lớn trong năm là 150.000 cây diện tích 255ha.

+ Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thành phố với số cây dự kiến trồng là 350.000 cây với diện tích 595ha.

+ Lực lượng cán bộ, chiến sỹ trong các doanh trại quân đội trên địa bàn thành phố với số cây trồng dự kiến 49.336 cây với diện tích 84ha.

- Năm 2014: Trồng 572.500 cây với diện tích 973ha.

+ Học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên học tập trên địa bàn thành phố với số cây dự kiến trồng trong khuôn viên trường học vào các ngày lễ lớn trong năm là 150.000 cây diện tích 255 ha.

+ Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thành phố với số cây dự kiến trồng là 350.000 cây với diện tích 595ha.

+ Lực lượng cán bộ, chiến sỹ trong các doanh trại quân đội trên địa bàn thành phố với số cây trồng dự kiến 72.500 cây với diện tích 123ha.

- Năm 2015: Trồng 568.000 cây với diện tích 966ha.

+ Học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên học tập trên địa bàn thành phố với số cây dự kiến trồng trong khuôn viên trường học vào các ngày lễ lớn trong năm là 150.000 cây diện tích 255 ha.

+ Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thành phố với số cây dự kiến trồng là 350.000 cây với diện tích 595ha.

+ Lực lượng cán bộ, chiến sỹ trong các doanh trại quân đội trên địa bàn thành phố với số cây trồng dự kiến 68.000 cây với diện tích 116ha.

2. Phát triển rừng:

2.1. Trồng chuyển hóa rừng 22 ha:

- Địa điểm trồng cây: Khu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc quận 9.

- Đơn vị thực hiện: Chi Cục Lâm nghiệp.

- Số lượng cây trồng: 11.000 cây.

- Loài cây trồng: Sao, Dầu, Giáng hương, Gõ mật, Lát hoa, Gõ đỏ, Cẩm lai, Lim xanh, Muồng đen, Bằng lăng…

- Nguồn vốn: Kinh phí sự nghiệp hàng năm giao các đơn vị.

2.2. Tiếp nhận khoảng 81 ha triển khai lập dự án trồng rừng phòng hộ:

- Địa điểm trồng cây: Huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Đơn vị thực hiện: Chi Cục Lâm nghiệp.

- Diện tích trồng cây: 81 ha.

- Số lượng cây trồng: 40.500 cây.

- Loài cây trồng: Sao, Dầu, Mù u, Bằng lăng, Gáo, Muồng đen…

- Nguồn vốn: Kinh phí sự nghiệp hàng năm giao các đơn vị.

2.3. Mở rộng Vườn Thực vật Củ Chi:

- Địa điểm trồng cây: xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Đơn vị thực hiện: Chi Cục Lâm nghiệp.

- Diện tích: 50ha.

- Số lượng cây trồng: 25.000 cây.

- Loài cây trồng: Các loài cây sưu tập, quý hiếm trên cả nước.

- Nguồn vốn: Kinh phí sự nghiệp hàng năm giao các đơn vị.

2.4. Diện tích rừng phòng hộ còn thiếu theo quy hoạch theo Quyết định 24/QĐ-TTg Chính phủ:

- Địa điểm trồng cây: huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh.

- Diện tích: 565ha.

- Số lượng cây trồng: 282.500 cây.

- Loài cây trồng: Sao, Dầu, Mù u, Bằng lăng, Gáo, Muồng đen…

- Nguồn vốn: Kinh phí sự nghiệp hàng năm giao các đơn vị.

3. Trồng cây ven sông rạch:

- Địa điểm trồng cây: Các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi.

- Đơn vị thực hiện: Chi Cục Lâm nghiệp - Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Số lượng cây trồng: 500.000 cây.

- Loài cây trồng: Trâm, Gáo, Nhạc ngựa nước, Gõ nước, Sao, Dầu, Tràm.

- Nguồn vốn: Kinh phí sự nghiệp hàng năm cấp cho Chi Cục Lâm nghiệp.

4. Trồng rừng mới trên hiện trạng Ia, Ib, Ic khu vực Hào Võ, TK21 83,24ha

4.1. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trồng rừng mới trên hiện trạng rừng Ia, Ib, Ic trong rừng phòng hộ Cần Giờ, phương án bảo vệ bãi bồi rừng phòng hộ Cần Giờ:

- Địa điểm trồng cây: Trên hiện trạng rừng Ia, Ib, Ic trong rừng phòng hộ Cần Giờ.

- Đơn vị thực hiện: Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ.

- Số lượng cây trồng: 35.312 cây.

- Diện tích: 58,24 ha.

- Loài cây trồng: Cóc trắng, Gõ biển, Su, Tra.

- Nguồn vốn: Kinh phí sự nghiệp hàng năm giao các đơn vị.

4.2. Phương án phục hồi rừng trên đất ruộng muối tại khu vực Hào Võ, tiểu khu 21 - rừng phòng hộ Cần Giờ:

- Địa điểm trồng cây: Đất ruộng muối tại khu vực Hào Võ TK21 - rừng phòng hộ Cần giờ.

- Đơn vị thực hiện: Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ.

- Số lượng cây trồng: 13.380 cây.

- Diện tích: 25ha.

- Loài cây trồng: Vẹt đen, Gõ biển, Xu ổi, Cóc trắng, Trang.

- Nguồn vốn: Kinh phí sự nghiệp hàng năm giao các đơn vị.

5. Phát triển hệ thống công viên, vườn hoa đô thị, hệ thống cây xanh đường phố;

- Địa điểm trồng cây bao gồm:

+ Diện tích: 56ha.

+ Phát triển cây xanh theo dự án xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng đường giao thông (như đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, đường liên cảng A5, đường vành đai phía đông, đường cao tốc TPHCM - Long Thành, đường mở rộng Bến Vân Đồn, đường Lê Văn Lương, đường Nguyễn Thị Thập, đường bờ Bắc và bờ Nam kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè).

+ Phát triển cây xanh theo các dự án cải thiện môi trường nước, xây dựng cải tạo bờ kè ven sông, kênh, rạch trong đô thị, dự án công trình cầu.

+ Phát triển cây xanh trên các khu đất trống công cộng dọc theo hành lang an toàn giao thông đường bộ (hành lang quốc lộ 1A, quốc lộ 22), và đường thủy trong đô thị như (Kênh Ngang số 1, 2, 3 và kênh đôi trên địa bàn quận 8).

+ Phát triển cây xanh trên các tuyến đường, trong công viên, nơi công cộng và khu vực các công trình giao thông theo kế hoạch hàng năm (trồng cây xanh tuyến đường Võ Văn Kiệt, Đại lộ Đông Tây, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Nhược Thị, Chánh Hưng, nút giao thông Chợ Đệm, cầu Công Lý, cầu Calmette, cầu Chà Và, cầu Lò Gốm.

- Đơn vị thực hiện: Sở Giao thông vận tải.

- Số lượng cây trồng: 28.000 cây.

- Loài cây trồng: Sao, Dầu, Gõ đỏ, Chiêu liêu, Nhạc ngựa, Gõ biển…

- Nguồn vốn: Kinh phí sự nghiệp hàng năm giao các đơn vị.

6. Trồng cây phân tán: 

- Địa điểm trồng cây: Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Đơn vị thực hiện: Chi Cục Lâm nghiệp.

- Số lượng cây trồng: 1.450.000cây.

- Diện tích: 870ha.

- Loài cây trồng: Sao, Dầu, Muồng đen, Lim xanh, Mù u, Bằng lăng...

- Nguồn vốn: Kinh phí sự nghiệp hàng năm giao các đơn vị.

II. GIAI ĐOẠN 2 (2016 - 2020):

1. Tiếp tục phát động toàn dân tham gia trồng cây gỗ quý (sao, dầu, Gõ đỏ, Giáng hương, Căm xe, Long não, Bằng lăng…): Trồng 5.546.000 cây.

2. Tiếp tục thực hiện trồng 130 ha diện tích mở rộng còn lại Vườn thực vật Củ Chi: Trồng 65.000 cây.

3. Tiếp tục phát triển hệ thống công viên, vườn hoa đô thị, hệ thống cây xanh đường phố: Trồng 35.000 cây.

4. Tiếp tục trồng dự án bước 2 trồng 500.000 cây.

5. Tiếp tục chăm sóc diện tích cây trồng giai đoạn 1 từ năm 2011 - 2015.

III. ƯỚC KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:

Tổng kinh phí ước tính: 442.248,00 triệu.

1. Giai đoạn 1: 2011 - 2015: 165.879,00 triệu.

- Phát triển rừng: Theo dự án được phê duyệt.

- Cây phân tán: Theo kế hoạch hàng năm.

- Cây trồng ven sông rạch: Theo dự án được phê duyệt.

- Cây do tổ chức, cá nhân trồng: 165.465,00 triệu.

- Chi phí thông tin tuyên truyền: 414,00 triệu.

2. Giai đoạn 2: 2016 - 2020: 276.369,00 triệu.

Phần 4

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án trồng rừng và cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020.

Trong đó:

+ Trưởng ban: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.

+ Phó Trưởng ban: 01 Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 01 Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải.

+ Các thành viên: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố, các quận, huyện, các sở, ngành, Thành đoàn, Các hội: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu Chiến binh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các Sở, ngành liên quan rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất các dự án quy hoạch khu dân cư và các chương trình sử dụng đất trồng rừng và cây xanh để điều chỉnh bổ sung theo hướng ưu tiên và đảm bảo yêu cầu về độ che phủ rừng và cây xanh thành phố.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường và các quận, huyện có rừng:

a) Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch hàng năm, 5 năm bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, phối hợp với địa phương tổ chức phổ biến công khai cho các ngành, các cấp, doanh nghiệp, hộ sản xuất, nông dân biết, thực hiện; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện, tham mưu, đề xuất Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các quận, huyện có diện tích rừng và cây lâu năm nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành hoặc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển các loại rừng và cây lâu năm, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa có hiệu quả.

4. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Sở, ngành liên quan rà soát hoàn chỉnh quy hoạch đất cây xanh sử dụng công cộng (công viên, vườn hoa), cây xanh dọc các tuyến đường giao thông (nội và ngoại thành), đề xuất thủ tục và cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, chủ trì các chương trình cải tạo, chỉnh trang và phát triển công viên, cây xanh đường phố.

5. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, rà soát quy hoạch mạng lưới khu - cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng, tỷ lệ cây xanh theo quy định.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, các Sở, ngành liên quan:

a) Nghiên cứu, tham mưu đề xuất trình Ủy ban nhân dân Thành phố về cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc đầu tư các chương trình, dự án, quản lý, bảo vệ phát triển các loại rừng và cây xanh trên địa bàn thành phố.

b) Tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết, cân đối, bố trí kế hoạch vốn hàng năm để thực hiện phát triển rừng và mảng xanh Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các vùng du lịch sinh thái trên địa bàn có rừng và cây xanh.

8. Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đoàn thể, Sở, ngành tuyên truyền, vận động đoàn viên, nhân dân tích cực tham gia trồng cây cải thiện môi trường cảnh quan nhất là vùng ven các sông, rạch lớn, các tuyến đường giao thông nông thôn.

9. Ủy ban nhân dân các quận, huyện: phê duyệt quy hoạch chi tiết các vùng rừng, cây xanh trên địa bàn quản lý, tổ chức phổ biến, công khai các quy hoạch được phê duyệt, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường.

10. Các cơ quan, đơn vị, doanh trại quân đội, trường học và mỗi người dân thành phố tích cực tham gia trồng cây xanh, quản lý bảo vệ cây xanh, vận động người dân cùng tham gia phong trào trồng cây xanh để tăng cường độ che phủ mảng xanh của thành phố./.


PHỤ LỤC 1:

QUY HOẠCH ĐẤT TRỒNG RỪNG VÀ MẢNG CÂY XANH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

STT

Tên hạng mục trồng cây

Địa điểm thực hiện

Quy hoạch đất trồng cây (ha)

2011 - 2015

2016 - 2020

2011

2012

2013

2014

2015

Cộng

2016

2017

2018

2019

2020

Cộng

1

Cây do tổ chức, gia đình, cá nhân trồng

Các quận, huyện trong địa bàn thành phố

 

643.4

933.87

973.25

965.6

 3.516

 1.105

1.190

1.156

1.190

1.217

 5.858

2

Trồng cây phát triển rừng

Khu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc

 

22

 

 

 

22

 

 

 

 

 

 

Huyện Bình chánh

 

 

205

241

200

646

 

 

 

 

 

 

Mở rộng Vườn thực vật Củ Chi

 

 

 

 

50

50

 50

 50

 30

 

 

 130

3

Trồng rừng mới trên hiện trạng Ia, Ib, Ic, khu vực Hào Võ TK21

Huyện Cần Giờ

 

83.24

 

 

 

83.24

 

 

 

 

 

 

4

Công viên, vườn hoa, cây đường phố

Các quận, huyện trên địa bàn thành phố

 

14

14

14

14

56

14

14

14

14

14

70

5

Trồng cây phân tán, cây ven sông, rạch

Các quận, huyện trên địa bàn thành phố

179.42

215.14

225

225

225

1069.56

440

440

440

440

440

 2.200

Tổng cộng:

 5.443

 8.258

 

PHỤ LỤC 2:

SỐ LƯỢNG CÂY TRỒNG RỪNG VÀ CÂY XANH THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Đơn vị tính: Cây

Năm

Phát triển rừng

Trồng rừng mới trên hiện trạng Ia, Ib, Ic, khu vực Hào Võ TK21

Công viên, vườn hoa, cây đường phố

Cây phân tán

Cây ven sông rạch

Cây do tổ chức, gia đình, cá nhân trồng

Tổng cộng

2011

 

 

 

 250.000

 204.000

 

 454.000

2012

 11.000

 48.692

 7.000

 300.000

 254.836

 378.472

 1.000.000

2013

 102.500

 

 7.000

 300.000

 41.164

 549.336

 1.000.000

2014

 120.500

 

 7.000

 300.000

 

 572.500

 1.000.000

2015

 125.000

 

 7.000

 300.000

 

 568.000

 1.000.000

Cộng

 359.000

 48.692

 28.000

 1.450.000

 500.000

 2.068.308

 4.454.000

2016

 25.000

 

 7.000

 300.000

 100.000

 650.000

 1.082.000

2017

 25.000

 

 7.000

 300.000

 100.000

 700.000

 1.132.000

2018

 15.000

 

 7.000

 300.000

 100.000

 680.000

 1.102.000

2019

 

 

 7.000

 300.000

 100.000

 700.000

 1.107.000

2020

 

 

 7.000

 300.000

 100.000

 716.000

 1.123.000

Cộng

 65.000

 -

 35.000

 1.500.000

 500.000

 3.446.000

 5.546.000

Tổng cộng

 424.000

 48.692

 63.000

 2.950.000

 1.000.000

 5.514.308

 10.000.000

 

PHỤ LỤC 3:

KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRỒNG RỪNG VÀ CÂY XANH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Đơn vị tính: triệu đồng

STT

NỘI DUNG

KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐẾN 2015

Cộng

KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐẾN 2020

Cộng

Ghi chú

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

I

Cây do tổ chức, gia đình, cá nhân trồng

 

 30.278

 43.947

 45.800

 45.440

165.465

 52.000

 56.000

 54.400

 56.000

 57.280

 275.680

Tổ chức, cá nhân

II

Phát triển rừng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.1

Chuyển hóa 22 ha rừng tại Công viên Văn hóa - Lịch sử các dân tộc

 Kinh phí sự nghiệp thường xuyên hàng năm giao các đơn vị

 

 Chi Cục Lâm nghiệp

1.2

Tiếp nhận và trồng rừng phòng hộ 81 ha rừng trong 191 ha rừng

 Kinh phí sự nghiệp thường xuyên hàng năm giao các đơn vị

 

 Chi Cục Lâm nghiệp

1.3

Diện tích rừng phòng hộ còn thiếu theo quy hoạch theo Quyết định 24/QĐ-TTg Chính phủ.

 Kinh phí sự nghiệp thường xuyên hàng năm giao các đơn vị

 

 Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh

1.4

Tiếp nhận và trồng rừng 180 ha theo quy hoạch mở rộng VTV Củ Chi

 Kinh phí sự nghiệp thường xuyên hàng năm giao các đơn vị

 

 Chi Cục Lâm nghiệp

1.5

Trồng rừng mới trên hiện trạng Ia, Ib, Ic, khu vực Hào Võ TK21

 Kinh phí sự nghiệp thường xuyên hàng năm giao các đơn vị

 

 Chi Cục Lâm nghiệp

III

Công viên, vườn hoa, cây đường phố

 Kinh phí sự nghiệp thường xuyên hàng năm giao các đơn vị

 

 Sở Giao thông vận tải

IV

Cây ven sông, rạch

 Kinh phí sự nghiệp thường xuyên hàng năm giao các đơn vị

 

 Chi Cục Lâm nghiệp

V

Cây phân tán

 Kinh phí sự nghiệp thường xuyên hàng năm giao các đơn vị

 

 Chi Cục Lâm nghiệp

VI

Chi phí thông
tin tuyên truyền

 

75,69

109,87

114,50

114

414

130,00

140,00

136,00

140,00

143

689

 Ngân sách thành phố

 

Cộng

 

 

 

 

 

 165.879

 

 

 

 

 

 276.369

 

 

Tổng cộng

 442.248

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 05/2012/QĐ-UBND phê duyệt Đề án trồng rừng và cây xanh thành phố giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 05/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/02/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Hoàng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 13/02/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 16/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản