Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 17/2011/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 3 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUẢN LÝ BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN CÁC LOẠI RỪNG VÀ CÂY XANH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;
Căn cứ Quyết định số 11/2009/QĐ-UBND ngày 23 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2009;
Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 290/SNN-KHTC ngày 08 tháng 3 năm 2011 về phê duyệt “Đề án Bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 tầm nhìn 2025”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Đề án Quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo nội dung đề án đính kèm.

Điều 2. Căn cứ nội dung Đề án Quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được phê duyệt, các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Nông nghiệp, nông thôn thành phố, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có rừng và cây xanh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: Các PVP;
- Các phòng Chuyên viên;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT; (CNN-Tg) P.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín

 

ĐỀ ÁN

QUẢN LÝ BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN CÁC LOẠI RỪNG VÀ CÂY XANH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17 /2011 /QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

Phần I

THỰC TRẠNG CÁC LOAI RỪNG VÀ MẢNG CÂY XANH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

1. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường

1.1. Tài nguyên thiên nhiên

1.1.1. Tài nguyên đất

Theo tài liệu khảo sát thổ nhưỡng, trên địa bàn các huyện và quận ven thành phố Hồ Chí Minh có 6 loại đất chính:

- Đất cát: có diện tích 5.182 ha, chiếm 4,19% diện tích vùng khảo sát. Phân bố ở huyện Cần Giờ.

- Đất mặn: với diện tích 19.757 ha, chiếm khoảng 15,99% diện tích vùng khảo sát. Phân bố tập trung ở huyện Cần Giờ. Loại đất này hình thành trên trầm tích sông, biển và đầm lầy biển bị xâm nhập mặn hơi chua ở tầng mặt (pH < 5), các tầng ở dưới ít chua đến trung tính, đạt trị số pH 6,5 - 7 ở độ sâu trên 100 cm.

- Đất phèn: chủ yếu là đất phèn tiềm tàng, diện tích khoảng 44.535 ha chiếm 36,04% diện tích vùng khảo sát. Phân bố ở các vùng thấp, trũng, tiêu thoát nước kém như: phía Nam huyện Bình Chánh, Nhà Bè, ven sông Đồng Nai, Sài Gòn và phía Bắc huyện Cần Giờ.

- Đất phù sa: có diện tích khoảng 20.405 ha, chiếm 16,51% diện tích vùng khảo sát, trong đó loại đất phù sa ngọt chỉ chiếm khoảng 3%. Phân bố chủ yếu ở vùng Nam Bình Chánh và một số nơi ở Củ Chi, Hóc Môn, độ cao khoảng 1,5 m.

- Đất xám: có diện tích khoảng 31.255 ha, chiếm khoảng 25,29% diện tích vùng khảo sát. Phân bố chủ yếu trên vùng đất cao, gò ở huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận Thủ Đức, quận 9 và phía Bắc huyện Bình Chánh.

- Đất đỏ vàng: có diện tích khoảng 2.430 ha, chiếm 1,98% diện tích vùng khảo sát. Phân bố trên vùng gò ở huyện Củ Chi và quận Thủ Đức, quận 9.

Diện tích còn lại không khảo sát là 85.990 ha, gồm đất phi nông nghiệp (đất ở, chuyên dùng,…) và núi đá 5,4 ha thuộc xã Thạnh An huyện Cần Giờ.

1.1.2. Tài nguyên nước

- Nước mặt: Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong vùng hạ lưu của hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, giáp với biển Đông, nên nguồn nước ngọt của sông Đồng Nai là nguồn nước ngọt chính với diện tích lưu vực khoảng 45.000 km2, hàng năm cung cấp 15 tỷ mét khối nước.

- Nước dưới đất: Nguồn nước dưới đất phân bố khá rộng, nước dưới đất ngọt phân bố chủ yếu ở các tầng chứa nước Pliocen ở độ sâu 100 - 300 m, cá biệt có nơi 0 - 50 m. Tập trung ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, phía Bắc huyện Bình Chánh, các quận Tân Bình, Gò Vấp… Trữ lượng nước khai thác ước tính 300 - 400 m3/ngày. Tổng lưu lượng nước hiện đang khai thác khoảng 600.000 m3/ngày.

1.1.3. Tài nguyên rừng

Rừng phân bố tập trung ờ Cần Giờ, Bình Chánh và Củ Chi, trong đó chủ yếu là diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ (chiếm khoảng 94% diện tích rừng). Đặc biệt khu rừng ngập mặn Cần Giờ không những là rừng phòng hộ mà còn là Khu Dự trữ sinh quyển của thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2000.

1.1.4. Tài nguyên biển

Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có huyện Cần Giờ là có biển với chiều dài bờ biển 23 km kéo dài từ giáp ranh tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đến tỉnh Tiền Giang với hai vịnh lớn nhất là vịnh Đồng Tranh và vịnh Gành Rái.

1.1.5. Tài nguyên nhân văn

Thành phố Hồ Chí Minh có lịch sử hơn 300 năm với nhiều công trình kiến trúc cổ như đền Quốc Tổ, dinh Xã Tây, Nhà hát Lớn, Bưu điện, hệ thống các ngôi chùa cổ, hệ thống các nhà thờ cổ, hệ thống chợ: Sài Gòn, Bà Chiểu, Bình Tây…

Trên địa bàn thành phố có nhiều dân tộc: Việt (kinh), Hoa, Khmer, Chăm… sinh sống với nền văn hóa phong phú đa dạng.

Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, vùng nông nghiệp nông thôn - ven đô thành phố Hồ Chí Minh là cái nôi cách mạng, các chứng tích lịch sữ còn ghi khắc các chiến công oanh liệt đó là: chiến khu rừng Sác (Cần Giờ), Địa đạo Củ Chi, Láng Le - Bàu Cò (Bình Chánh), vùng Bưng Sáu Xã (quận 9).

2. Điều kiện kinh tế xã hội

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đặc biệt, là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa khoa học công nghệ có vị trí hàng đầu của cả nước. Về mặt hành chính thành phố có 24 quận huyện, trong đó có 19 quận gồm: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Tân và 5 huyện ngoại thành Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.

2.1. Dân số và tỷ lệ tăng dân số

Theo niên giám thống kê năm 2009 của thành phố Hồ Chí Minh, dân số thành phố là 7.165.398 người, chiếm 8,3% dân số của cả nước. Trong đó dân số 5 huyện ngoại thành là 1.281.157 người, chiếm 17,88% dân số thành phố. Tỷ lệ tăng cơ học lớn do lao động từ các tỉnh thành khác đến làm việc.

Dân số nông nghiệp năm 2009 là 1.200.910 người, chiếm tỷ lệ thấp 16,76% và dân số phi nông nghiệp chiếm đa số với 5.964.488 người chiếm tỷ lệ 83,24%. Mật độ dân số bình quân toàn thành phố là 3.420 người/km2, trong đó tại các quận là 11.911 nguời/km2 và các huyện ngoại thành là 800 người/km2, chênh lệch nhau gần 15 lần.

2.2. Lao động, việc làm và thu nhập

Cơ cấu lao động có sự dịch chuyển khá nhanh sang các ngành công nghiệp (35%) và dịch vụ (60%). Lao động nông nghiệp năm 2009 khoảng 220.000 người, chiếm 57% nhân khẩu nông nghiệp và chỉ chiếm 5% tổng số lao động trên địa bàn thành phố. Trong 10 năm qua, có khoảng 32% dân số ở nông thôn (tương ứng 230.000 người) chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp.

Về thu nhập, GDP bình quân đầu người của thành phố năm 2009 là 2.606USD. Công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả hết sức khả quan, đến năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo thành phố giảm còn 0,6% tổng số hộ dân (thu nhập bình quân dưới 6 triệu đồng/người/năm). Nếu theo tiêu chí mới thu nhập bình quân dưới 12 triệu đồng/người/năm, 5 huyện ngoại thành có 74.187 hộ, chiếm 29,9% số hộ ngoại thành, trong đó có 65% là hộ nông dân (48.284 hộ).

3. Thực trạng các loại rừng và mảng cây xanh thành phố

3.1. Thực trạng về bảo vệ và phát triển các loại rừng

3.1.1. Thực trạng các loại rừng

Theo Quyết định số 3122/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc phê duyệt số liệu chi tiết diện tích rừng và đất lâm nghiệp đến ngày 31 tháng 12 năm 2009 có 41.634 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng và cây lâm nghiệp ngoài quy hoạch là 38.954 ha: rừng trong quy hoạch 3 loại rừng là 33.659 ha, cây lâm nghiệp ngoài quy hoạch là 5.295 ha, gồm:

- Huyện Bình Chánh: 832,91 ha trong quy hoạch và 1.790,46 ha ngoài quy hoạch với các loài cây tràm bông vàng, tràm cừ và bạch đàn;

- Huyện Cần Giờ: 31.967,48 ha trong quy hoạch, chủ yếu là cây đước và các loài cây rừng ngập mặn.

- Huyện Củ Chi: 500,26 ha trong quy hoạch chủ yếu là các loài cây rừng mưa nhiệt đới, cộng với 2.765,62 ha ngoài quy hoạch với các loại cây tràm bông vàng, tràm cừ và bạch đàn;

- Huyện Hóc Môn: 305,41 ha trong quy hoạch chủ yếu các loài cây rừng mưa nhiệt đới, cộng với 540,15 ha ngoài quy hoạch với các loại cây tràm bông vàng, tràm cừ và bạch đàn;

- Quận 9: 56,61 ha trong quy hoạch và 198,62 ha ngoài quy hoạch với các loại cây tràm bông vàng, bạch đàn.

3.1.2. Thực trạng về công tác bảo vệ và phát triển rừng

a) Chi cục Lâm nghiệp:

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp: Quản lý công tác xây dựng, phục hồi, sử dụng và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; phát triển lâm nghiệp xã hội, lâm nghiệp đô thị; nghiên cứu sưu tập, bảo tồn các loại cây lâm nghiệp. Xây dựng kế hoạch triển khai quy định của ngành về phát triển rừng. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, thẩm định theo đúng quy trình kỹ thuật của các công trình, dự án chuyên ngành lâm nghiệp. Tổ chức việc kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Bước đầu theo dõi và nắm bắt số liệu về sản xuất kinh doanh ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn thành phố. Tham gia góp ý cho các văn bản pháp lý chuyên ngành về lâm nghiệp.

- Quản lý trực tiếp diện tích 498 ha gồm rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tại Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ gồm các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, hàng năm, Chi cục Lâm nghiệp còn có trách nhiệm theo dõi và cung cấp cây trồng phân tán cho các đơn vị hành chánh sự nghiệp, các trường học, bệnh viện, doanh trại quân đội…, bình quân từ 200 - 300 ngàn cây; nhìn chung cây phát triển tốt góp phần phát triển mảng xanh của thành phố. Từ năm 2000 đến nay, đã trồng trên 2,6 triệu cây tương đương 2.600 ha độ che phủ.

Công tác quản lý nhà nước về ngành của Chi cục Lâm nghiệp luôn bám sát các mục tiêu và kế hoạch của ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Hố Chí Minh giao.

b) Chi cục Kiểm lâm:

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quản lý rừng, bảo vệ rừng và lâm sản; Phòng cháy chữa cháy rừng; Bảo vệ và phát triển động vật hoang dã.

- Về mặt tổ chức, có hai Hạt là Hạt Kiểm lâm Củ Chi chịu trách nhiệm khu vực phía Bắc của thành phố và Hạt Kiểm lâm Cần Giờ gồm 5 trạm chủ yếu quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm thành phố còn có 1 Đội Kiểm lâm cơ động - phòng cháy, chữa cháy rừng và 1 Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã.

Chi cục Kiểm lâm đã làm tốt vai trò của đơn vị trong thời gian qua, góp phần tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn thành phố: Thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng, trong những năm qua không có vụ cháy rừng nào xảy ra trên địa bàn thành phố; chỉ có một số vụ cháy cỏ, cây phân tán trồng trên đất nông nghiệp. Kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vụ vi phạm quản lý rừng. Từ năm 2005 - 2009, hàng năm Chi cục đã phát hiện và xử lý khoảng trên 200 vụ vi phạm.

c) Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ:

Thành lập vào năm 2000 để quản lý diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ được bàn giao từ Ban Quản lý rừng phòng hộ môi trường Thành phố thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cho Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, với tổng diện tích rừng là 30.828,36 ha (trong đó có 19.235,30 ha rừng trồng và 11.593,06 ha rừng tự nhiên tái sinh).

Năm 2010, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2010 về việc phê duyệt phương án thống nhất quản lý rừng phòng hộ môi trường, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ là chủ rừng Cần Giờ theo quyết định này.

Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ trực tiếp quản lý 5 phân khu và 4 tiểu khu, giao khoán bảo vệ rừng cho 14 đơn vị gồm 14.971,78 ha như: Công ty Dịch vụ Công ích TNXP (có 30 hộ dân), Nông trường Cholimex, Nông trường Duyên Hải quận Gò Vấp, Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ (có 3 hộ dân), Công ty Du lịch sinh thái Vàm Sát, Công ty Du lịch sinh thái Cần Giờ, Huyện đội Cần Giờ, Xã đội Tam Thôn Hiệp, Đồn Biên phòng 558, Đồn Biên phòng 562, Đồn Biên phòng 554, Hải đội 2 Biên phòng, Hạt Kiểm lâm Cần Giờ và Công ty Minh Thành. Ngoài ra Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ cũng giao khoán bảo vệ rừng trực tiếp cho 137 hộ dân (10.545,88 ha).

d) Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi:

Thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hồ Chí Minh quản lý trực tiếp 120,62 ha rừng phòng hộ thuộc khu Bến Đình và Bến Dược ở huyện Củ Chi. Hiện nay, kết hợp với công tác quản lý bảo vệ rừng, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi khai thác dịch vụ du lịch và tạo nơi này thành nơi bảo tồn các giá trị cách mạng truyền thống.

3.2. Thực trạng mảng cây xanh thành phố

Theo Sở Giao thông vận tải, thực trạng mảng cây xanh thành phố và công tác quản lý mảng cây xanh thành phố như sau:

- Cây xanh đường phố trên địa bàn thành phố theo thống kê có 72.334 cây trồng trên đường phố, do Sở Giao thông vận tải và các quận, huyện quản lý:

+ Khu vực 13 quận nội thành cũ trồng 39.273 cây xanh trên 660 tuyến đường, phân bố không đồng đều giữa các quận, số lượng cây tập trung nhiều nhất ở quận 1 (chiếm 20,1%), kế đến lần lượt là quận 5, quận 3, Tân Bình, Bình Thạnh (chiếm từ 9 - 10%) Ngoại trừ quận Bình Tân vừa hoàn tất công tác điều tra, đang phân loại cây xanh để đưa vào quản lý, còn lại các quận có ít cây nhất là Phú Nhuận (chiếm 2,2%), tiếp theo là quận 4, quận 6, quận Gò Vấp (chiếm từ 3 - 5%). Về cơ cấu chiều cao: quận 1, 3 và 5 có tỷ lệ cây loại 3 (cao > 12m, kính > 50cm) nhiều hơn các quận khác. Các loài cây gỗ phổ biến: Dầu con rái, Lim xẹt, Viết, Bằng lăng, Me chua, Me tây, Sao đen, Phượng vĩ, Sọ khỉ…

+ Khu vực 6 quận mới có khoảng 19.000 cây xanh trên khoảng 140 tuyến đường. Cây xanh chủ yếu trồng tự phát, chưa ổn định và có nhiều chủng loại, các loại cây gỗ phổ biến là Keo lá tràm, Bàng, Dừa, Trứng cá, Keo mỡ, Viết, Sọ khỉ, Dầu, Phượng vĩ, Bạch đàn…

Trong những năm qua, đã có nhiều chương trình, dự án, công trình mở rộng các tuyến đường, cùng với việc trồng nhiều cây xanh đường phố, do vậy số lượng cây xanh phát triển rất nhanh; tuy nhiên, ở một số nơi, cảnh quan đường phố chưa đẹp do chủng loại, kích thước cây không đồng đều trên cùng một tuyến đường; ngoài ra một số cây xanh già cỗi chưa bảo đảm an toàn vào mùa mưa. Một số loài cây không phù hợp với tiêu chuẩn cây trồng đường phố như cây Bàng do nhánh giòn dễ gãy, dễ nhiễm sâu bệnh; cây Bạch đàn, Keo lá tràm, Dừa…

+ Cây xanh tại các vòng xoay, tiểu đảo, mũi dùi: hiện có 27 điểm cây xanh đường phố tại các nút giao thông, tiểu đảo.

- Cây xanh sử dụng công cộng: là diện tích công viên cây xanh sử dụng chung, phục vụ lợi ích công cộng, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, rèn luyện thân thể và mỹ quan đô thị của đông đảo người dân thành phố. Thành phố hiện có 609,18 ha công viên. Chỉ tiêu diện tích cây xanh sử dụng công cộng toàn thành phố đạt 0,85m2/người, trong đó khu vực nội thành cũ chỉ đạt 0,23m2/người, khu vực quận mới 0,28m2/người và ngoại thành 2,59m2/người.

- Các loại cây xanh khác bao gồm: cây lâu năm, khuôn viên, hoa kiểng… với diện tích năm 2009 là trên 42.000 ha; trong đó, diện tích cây lâu năm là 36.090 ha, hoa kiểng và đồng cỏ chăn nuôi… là 6.097 ha. Ngoài việc duy trì sản xuất nông nghiệp nâng cao đời sống của người dân đã góp phần rất lớn trong việc nâng độ che phủ của mảng xanh trên địa bàn thành phố.

4. Nhận xét và đánh giá thực trạng phát triển các loại rừng và mảng cây xanh thành phố

4.1. Những thành tựu đã đạt được

- Có sự quan tâm sâu sát của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với quyết tâm bảo vệ, phát triển rừng và cây xanh thành phố. Ngành Lâm nghiệp thành phố từ những năm 1978 đã có những nỗ lực trong việc thực hiện chủ trương này, đã mang lại một số thành tựu nhất định: năm 1990 diện tích rừng của thành phố là 26.617 ha chiếm 12,72% diện tích tự nhiên của thành phố. Đến năm 2000 diện tích rừng tăng lên 32.696 ha chiếm 15,60%, đến năm 2005 diện tích rừng tăng lên 33.771,50 ha chiếm 16,11% và năm 2009 diện tích rừng tăng lên 38.953,95 ha chiếm 18,59% diện tích tự nhiên của thành phố. Đặc biệt, rừng ngập mặn Cần Giờ được khôi phục sau chiến tranh hóa học, đã được MAB/UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

- Không kể diện tích trồng cây lâu năm, ngành công viên cây xanh thành phố đã đạt được các thành tựu như tăng cường đầu tư xây dựng công viên cây xanh để các công viên cây xanh ngày càng đẹp hơn. Cây xanh đường phố có diện tích tương ứng năm 1997 là 192,5 ha và hiện nay là 260,19 ha. Diện tích công viên tăng từ 534,7 ha năm 2000 lên trên 609 ha năm 2009.

4.2. Những khó khăn, hạn chế

4.2.1. Những khó khăn, hạn chế cơ bản

- Diện tích đất đai của thành phố Hồ Chí Minh có giới hạn, nhưng mức tăng dân số cộng với quá trình đô thị hóa nhanh, gây khó khăn cho công tác bảo vệ, phát triển diện tích rừng và mảng cây xanh của thành phố.

- Quản lý và xây dựng công viên cây xanh đã không bám theo quy hoạch được duyệt năm 2000. Quy hoạch công viên cây xanh chưa đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của nhân dân thành phố, đặc biệt là trong khu vực nội thành còn rất thấp so với quy định tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hò Chí Minh đến năm 2025.

- Việc nghiên cứu về trồng chuyển hóa rừng nhằm tăng mức độ đa dạng sinh học và tăng giá trị kinh tế của rừng còn chậm, đặc biệt là trồng chuyển hóa rừng ngập mặn Cần Giờ.

- Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật lâm nghiệp và cây xanh còn hạn chế về ngoại ngữ và công nghệ thông tin, nên khó tiếp cận với cách quản lý mới và tiến bộ khoa học trong ngành lâm nghiệp và cây xanh trên thế giới, do đó chưa áp dụng đại trà các công nghệ mới trong quản lý lâm nghiệp đô thị và mảng cây xanh đô thị. Thu nhập và đời sống của cán bộ, công nhân viên còn khó khăn.

- Chưa khai thác hết tiềm năng về du lịch sinh thái và giá trị môi trường của rừng và cây xanh thành phố.

4.2.2. Những lợi thế và thách thức

Lợi thế:

- Được sự quan tâm của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có nguồn lực về kinh tế, kỹ thuật lớn cả của nhà nước và của nhân dân trong việc tập trung đầu tư cho phát triển rừng và mảng cây xanh đô thị.

- Đã có quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, có những quy định về việc xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp mảng cây xanh đô thị (TCXDVN: 362 - 2005; QCXDVN 01:2008/BXD) để phát triển mảng xanh tại các khu đô thị và khu dân cư mới.

Thách thức:

- Hiện nay, do mối hiểm họa hiệu ứng nhà kính gây ấm lên toàn cầu, tạo nên các hình thái thời tiết bất thường làm tan băng ở cực, nước biển dâng và gây biến đổi khí hậu toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến đất nước ta trên nhiều mặt, kể cả đất rừng và mảng cây xanh đô thị.

- Rừng Đước trồng ở Cần Giờ đã đến tuổi thành thục, với mật độ trồng quá dày, nhưng do tạm thời ngừng các biện pháp lâm sinh từ năm 2000 đến nay, do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ các đề tài nghiên cứu để triển khai thực hiện các biện pháp phát triển rừng Đước ở Cần Giờ.

4.3. Nguyên nhân của những tồn tại

4.3.1. Nguyên nhân khách quan

- Quỹ đất để phát triển rừng và cây xanh của thành phố Hồ Chí Minh là có giới hạn. Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đe dọa đến sự tồn tại của các khu rừng và mảng cây xanh đô thị.

- Giá trị sử dụng trực tiếp của sản phẩm từ rừng và cây xanh thành phố còn thấp so với các ngành kinh tế khác nên chưa khuyến khích được người dân trồng rừng.

4.3.2. Nguyên nhân chủ quan

- Chu kỳ sản xuất và khai thác của cây lâm nghiệp dài, lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro và phân bố ở những vùng có điều kiện cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn.

- Nhận thức về yêu cầu cấp thiết trồng cây xanh đô thị của cấp cơ sở còn yếu.

- Một số cơ chế chính sách về phát triển chưa được ngành lâm nghiệp và cây xanh thành đề xuất kịp thời.

- Công tác xã hội hóa trong việc phát triển rừng và cây xanh đô thị còn chậm.

Phần II

QUY HOẠCH BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN CÁC LOẠI RỪNG VÀ CÂY XANH THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

1. Quan điểm và mục tiêu phát triển

1.1. Quan điểm phát triển

- Tăng cường diện tích cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công viên; khôi phục các hệ sinh thái, phục hồi đa dạng sinh học, bảo vệ phát triển Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX.

- Bảo vệ và phát triển các loại rừng và mảng cây xanh đảm bảo góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thành phố, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Phát triển lâm nghiệp và mảng cây xanh đô thị gắn với phát triển đa dạng sinh học, cây xanh phù hợp, mang bản sắc riêng của một thành phố trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố về cải thiện và bảo vệ môi trường, giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… gắn với các vùng miền trong cả nước, nhất là các tỉnh giáp ranh thành phố.

1.2. Mục tiêu phát triển cụ thể

- Giữ vững và phát triển ổn định diện tích rừng và cây xanh, độ che phủ của rừng và cây xanh từ 39,1% năm 2009 lên trên 40% vào năm 2025, trong đó độ che phủ của rừng từ 18,59% năm 2009 lên 20% vào năm 2025.

- Phát triển hệ thống công viên, vườn hoa đô thị để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí, giao tiếp cộng đồng, nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân thành phố. Diện tích bình quân 7m2/ người, trong đó khu vực nội thành 2,4m2/người, các quận mới trên 7,1m2/người, khu dân cư các huyện ngoại thành trên 12m2/người.

- Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân tham gia bảo vệ rừng và cây xanh, đảm bảo ngang bằng thu nhập trung bình của nông dân ngoại thành.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với quá trình phát triển, bảo vệ bền vững các loại rừng và mảng cây xanh thành phố. Tăng cường đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật trong ngành lâm nghiệp và cây xanh thành phố ở trình độ sau đại học từ 5 đến 10 người vào năm 2015 và đến 50 người vào
năm 2020.

2. Quy hoạch đất rừng và cây xanh thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025

Đơn vị tính: ha

Loại cây xanh

Hiện trạng 2009

Dự kiến quy hoạch phát triển rừng và mảng cây xanh thành phố

Ghi chú

2015

2020

Dự kiến 2025

1. Diên tích đất rừng và cây lâm nghiệp

38.954

39.100

39.960

39.960

 

+ Diện tích các loại rừng

33.659

35.000

36.460

36.460

 

 - Rừng sản xuất

2.361

2.300

2.400

1.200

 

 - Rừng phòng hộ

31.271

32.630

33.825

35.025

*

 - Rừng đặc dụng

27

70

235

235

 

+ Cây lâm nghiệp trồng ngoài quy hoạch

5.295

4.100

3.500

3.500

 

2. Diện tích cây xanh, công viên

869,37

3.250

5.790

6.500

 

Cây xanh đường phố

260,19

350

400

500

 

Cây xanh sử dụng công cộng

609,18

2.900

5.390

6.000

 

3. Diện tích cây ven sông, rạch, đê biển

 

200

1.500

4.000

 

4. Diện tích cây xanh lâu năm

36.090

34.100

30.300

27.500

 

 - Cây ăn trái

9.770

9.700

8.000

8.000

 

 - Cây cao su

3.300

3.300

3.000

3.000

 

 - Cây vườn tạp, cây bóng mát trong khu dân cư nông thôn

23.020

21.100

19.300

16.500

 

5. Diện tích cây xanh khác

6.097

7.200

6.910

6.800

 

 - Hoa - cây kiểng

1.668

2.100

2.250

2.500

 

 - Đồng cỏ chăn nuôi

2.637

4.100

4.160

4.300

 

 - Mía

1.792

1.000

500

 

 

Diện tích rừng - Cây lâm nghiệp

38.954

39.100

39.960

39.960

 

Diện tích rừng - các loại cây xanh

82.010

83.850

84.460

84.760

 

Tỷ lệ che phủ rừng + cây lâm nghiệp (%)

18,59

18,66

19,07

19,07

 

Tỷ lệ che phủ rừng + các loại cây xanh (%)

39,10

40,01

40,30

40,44

 

Ghi chú: - Tổng diện tích tự nhiên thành phố: 209.555 ha. Diện tích đất lâm nghiệp theo Quyết định 5930/QĐ-UBND ngày 28/12/2009, đến năm 2020: 36.460 ha.

 * Diện tích rừng phòng hộ tăng do chuyển đổi một số diện tích rừng sản xuất và cây lâm nghiệp trồng ngoài quy hoạch (đối với diện tích lớn liền vùng liền khoảnh).

3. Định hướng quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng và mảng cây xanh thành phố

3.1. Bảo vệ rừng, cây xanh kết hợp bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học

- Bảo vệ, bảo tồn rừng và mảng cây xanh thành phố phải theo nguyên tắc bảo tồn đa dạng sinh học, xem như bảo vệ các hệ sinh thái luôn phát triển bền vững, bảo đảm khả năng tái tạo và sử dụng rừng và cây xanh một cách tối ưu.

- Bảo vệ, bảo tồn rừng và mảng cây xanh thành phố phải dựa trên nguyên tắc lấy phát triển để bảo vệ, tạo mọi điều kiện cho các chủ rừng và người dân địa phương tham gia các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng và mảng cây xanh.

- Bảo tồn rừng và mảng cây xanh phải kết hợp với phát triển các sản phẩm phi gỗ dưới tán rừng và cây xanh theo hướng đạt hiệu quả kinh tế cao và được kiểm soát theo quy định của pháp luật nhằm tạo nguồn hàng hóa - dịch vụ môi trường, phục vụ bảo tồn rừng và mảng cây xanh. Chú ý phát triển các vùng đệm và xây dựng các hành lang đa dạng sinh học.

3.2. Phát triển rừng và mảng cây xanh thành phố

- Đối với rừng đặc dụng: bảo tồn nguyên trạng, tạo ra môi trường tốt nhất để bảo tồn và phát triển các loài động thực vật đặc hữu, các hệ sinh thái đặc thù nhằm nâng cao chất lượng rừng và giá trị đa dạng sinh học.

- Đối với rừng phòng hộ: phải xây dựng thành rừng tập trung, liền vùng, lìền khoảnh và nhiều tầng, chủ yếu thông qua tái sinh tự nhiên. Đối với rừng phòng hộ là rừng trồng, phải có các biện pháp lâm sinh tác động vào rừng để nâng cao chất lượng rừng và khả năng phòng hộ của rừng. Quản lý rừng phòng hộ, cần kết hợp với sản xuất nông - ngư nghiệp, gây nuôi động vật rừng, kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường.

- Đối với rừng sản xuất: chủ yếu theo hướng thâm canh, chú trọng đến năng suất và chất lượng, đồng thời với việc kết hợp sản xuất nông - ngư nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các dịch vụ môi trường khác.

- Đối với mảng cây xanh thành phố: chú trọng đến chức năng phòng hộ môi trường và tạo cảnh quan. Phát triển mảng cây xanh thành phố phải gắn liền và song đôi với tốc độ đô thị hóa, quy hoạch phát triển đô thị đến đâu phải kèm theo quy hoạch mảng xanh của các khu quy hoạch này, với tỷ lệ cây xanh tối thiểu đạt 40% độ che phủ.

+ Cải thiện dần tình trạng phân bố mảng cây xanh không đồng đều trên địa bàn khu vực nội thành cũ (13 quận), đặc biệt gắn kết các chương trình chỉnh trang đô thị của thành phố như cải tạo kênh rạch, mở rộng đường sá, xóa bỏ khu dân cư lụp xụp, để trồng cây xanh.

+ Xây dựng quy hoạch chi tiết cây xanh đường phố, trong đó, xác định chủng loại cây phù hợp cho từng tuyến đường; hình thành hệ thống cây xanh đường phố mang nét đặc trưng chung của thành phố cũng như đặc trưng riêng của từng tuyến đường, nhất là khu vực trung tâm. Đối với các tuyến cây xanh cổ thụ gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố, cần nghiên cứu đưa một số tuyến vào danh mục cây bảo tồn và có chế độ chăm sóc đặc biệt để bảo đảm an toàn.

+ Tiếp tục tăng cường trang trí cây xanh, hoa kiểng trên những đường phố khu vực trung tâm, cửa ngõ thành phố; hình thức trưng bày phong phú, đẹp mắt, tạo ấn tượng.

3.3. Khai thác, sử dụng rừng và mảng cây xanh

- Khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, đồng thời cũng là biện pháp lâm sinh để tái tạo và cải thiện chất lượng rừng, cần có các hướng dẫn khai thác phù hợp với chức năng và mức độ phòng hộ của rừng, phải dựa trên phương án điều chế rừng cụ thể để có kế hoạch khai thác và sử dụng.

- Khai thác tối đa các dịch vụ môi trường từ rừng và mảng cây xanh để tạo nguồn thu tái đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, cũng như mảng cây xanh của thành phố.

Phần III

CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU

1. Các giải pháp chủ yếu

1.1. Triển khai thực hiện quy hoạch

- Các quận, huyện tổ chức lập, phê duyệt và công bố công khai quy hoạch các loại rừng và mảng cây xanh thành phố đến các cấp chính quyền và người dân để thực hiện quy hoạch.

- Các quận, huyện, sở, ngành triển khai quy hoạch phát triển rừng và mảng xanh theo định hướng như sau:

+ Giữ gìn, cải tạo các khu công viên, cây xanh hiện hữu diện tích khoảng 200 ha, đồng thời tận dụng quỹ đất của các cơ sở công nghiệp phải di dời để phát triển thêm diện tích công viên, cây xanh diện tích khoảng 250 ha tại các quận nội thành cũ.

+ Tổ chức bảo vệ, quản lý tốt và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ diện tích khoảng 75.000 ha; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Bình Chánh có diện tích khoảng 1.500 ha, Củ Chi có diện tích khoảng 2.250 ha;

+ Bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè có diện tích khoảng 7.000 ha. Dải cây xanh dọc các sông lớn trên địa bàn các huyện, nhiều đoạn, nhiều điểm có chiều rộng lớn, với bề rộng từ 50 - 800 m. Đầu tư để hình thành ba (03) tuyến vành đai sinh thái với không gian xanh kết hợp với đất nông nghiệp bề rộng 2.000 - 3.000 m. Đất dự trữ trồng cây xanh tạo không gian mở ở khu vực phía bắc thuộc khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn, phía nam thuộc huyện Nhà Bè, Cần Giờ và phía tây thuộc huyện Bình Chánh;

+ Quy hoạch dải cây xanh phòng hộ đê biển ở huyện Cần Giờ chiều rộng khoảng 300 m dọc theo 20 km bờ biển từ thị trấn Cần Thạnh đến xã Long Hòa (khoảng 600 ha);

+ Đối với diện tích cây xanh lâu năm và cây xanh hàng năm chuyển sang mục đích sử dụng khác phải bảo đảm giữ lại tối thiểu 35 - 40% đất trồng cây xanh.

1.2. Về quản lý nhà nước

Bảo tồn, mở rộng, phát triển diện tích rừng và mảng cây xanh thành phố.

1.2.1. Đối với rừng và cây lâm nghiệp:

- Thực hiện đúng và đầy đủ Luật Bảo vệ và phát triển rừng cùng các văn bản liên quan để bảo tồn diện tích rừng và cây lâm nghiệp hiện hữu.

- Chuyển đổi khoảng 2.000 ha rừng kinh tế và cây lâm nghiệp ngoài quy hoạch thành rừng phòng hộ đối với những khu vực có diện tích lớn, liền vùng, liền khoảnh, bằng các biện pháp cụ thể sau:

+ Ngành Lâm nghiệp phối hợp với các quận, huyện và chủ rừng xác định diện tích cần chuyển đổi để đề xuất thành phố.

+ Xây dựng chính sách quản lý hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho các chủ rừng khi chuyển đổi.

- Triển khai nhanh quy hoạch trồng cây ven sông, kênh rạch, phòng hộ ven biển với diện tích 4.000 ha. Xây dựng và trình thành phố phê duyệt các dự án trồng cây xanh, đảm bảo trồng có hiệu quả, quản lý tốt để phát triển diện tích xanh.

1.2.2. Phát triển công viên, cây xanh đô thị:

Phấn đấu đạt 6.500 ha công viên và cây xanh đường phố vào năm 2025, bằng các biện pháp sau:

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch đã có.

- Tạo nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển công viên, cây xanh ngoài nguồn vốn ngân sách, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư công viên cây xanh.

1.3. Các giải pháp về khoa học công nghệ

- Rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật về trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, cải tạo, nuôi dưỡng và làm giàu rừng, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, khai thác sử dụng rừng, quy chuẩn kỹ thuật cho các vùng gây nuôi động vật hoang dã…

- Xây dựng nghiên cứu, cung ứng giống, phương pháp sản xuất giống các loài cây lâm nghiệp có giá trị, năng suất, chất lượng cao. Tuyển chọn, lai tạo tập đoàn giống cây lâm nghiệp và cây xanh trồng chất lượng cao. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác giống cho cán bộ ngành lâm nghiệp và cây xanh thành phố, các cơ sở sản xuất cây lâm nghiệp và cây xanh, để trong 5 - 7 năm tới có thể đáp ứng được đủ giống có chất lượng cao, xuất xứ rõ ràng. Điều tra cây trội trên địa bàn thành phố, từ đó có hồ sơ theo dõi để thu hoạch giống hàng năm. Tăng thêm diện tích và số lượng các vườn ươm giống cây lâm nghiệp và cây xanh thành phố; tuyển chọn và xây dựng vườn giống để cung cấp nguyên liệu cho cấy mô, giâm hom và lai tạo.

- Đối với rừng ngập mặn Cần Giờ, cần chuyển hóa thêm diện tích rừng giống để đáp ứng nhu cầu trồng rừng tại chỗ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với nguồn giống có chất lượng và nguồn gốc rõ ràng. Các khu rừng giống này cần được tiến hành thủ tục để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, phục vụ cho chương trình phục hồi rừng ngập mặn ven biển của Bộ.

- Tăng cường công tác khuyến lâm và chuyển giao các quy trình mới, tiến bộ trong lĩnh vực trồng rừng thâm canh chất lượng cao cũng như trong chế biến lâm sản. Công tác tuyên truyền và khuyến lâm được đẩy mạnh, giúp mọi người hiểu biết hơn về lâm nghiệp đô thị, cây xanh đô thị, lâm nghiệp xã hội, chứng chỉ rừng.

- Xây dựng và thực nghiệm các mô hình chuyển hóa rừng đước trồng tại Cần Giờ với các loài cây thích hợp theo diễn thế tự nhiên, phù hợp với đặc điểm sinh học của từng loài cây; nhằm nâng cao chất lượng phòng hộ của rừng Cần Giờ do tăng tính đa dạng sinh học của cấu trúc rừng.

- Xây dựng các mô hình thực nghiệm về phát triển bền vững rừng ở Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ nhằm phát huy vai trò khu dự trữ sinh quyển là phòng thí nghiệm sống (learning laboratory) về phát triển bền vững.

Đồng thời, cũng phát triển nền kinh tế sinh thái gắn với việc xây dựng thương hiệu, dán nhãn chất lượng sản phẩm xanh - sạch có xuất xứ từ Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, đặc biệt là sản phẩm thủy sản, muối, trái cây.

- Ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác quản lý rừng và mảng cây xanh cũng như theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và mảng cây xanh của thành phố để thống nhất hệ thống dữ liệu trong quản lý rừng và mảng cây xanh thành phố giữa ngành lâm nghiệp, cây xanh và Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) đối với sâu bệnh hại cây rừng, nhất là đối với rừng ngập mặn ở Cần Giờ và rừng mưa nhiệt đới ở Củ Chi.

- Tiến hành điều chế và thực hiện các mô hình khai thác đối với khu rừng đước trồng ở Cần Giờ để trồng mới và trồng chuyển hóa nhằm mục đích làm trẻ lại khu rừng đã đến tuổi thành thục này.

- Nghiên cứu tính toán giá trị tổng sản lượng (GDP) rừng và mảng xanh thành phố làm cơ sở cho việc tính đúng, tính đủ mức đóng góp vào GDP chung của thành phố hàng năm của rừng và mảng cây xanh thành phố. Tổng giá trị kinh tế của rừng và mảng cây xanh thành phố cũng là cơ sở để tính toán mức thu nhận tiền chi trả cho dịch vụ môi trường của rừng và mảng cây xanh thành phố sau này.

1.4. Các giải pháp về kinh tế

- Tạo nguồn vốn vay ưu đãi đối với các thành phần kinh tế tham gia việc trồng rừng, trồng cây xanh, sử dụng tài nguyên rừng tài nguyên cây xanh và khai thác lâm sản từ rừng. Chu kỳ và lãi suất cho vay phải phù hợp với chu kỳ kinh doanh rừng, cây xanh và lâm sản.

- Tạo điều kiện và thủ tục thuận lợi để khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong sự nghiệp phát triển lâm nghiệp và mảng cây xanh thành phố Hồ Chí Minh.

- Nhà nước thực hiện việc điều tiết các nguồn thu từ các dịch vụ môi trường do rừng và mảng cây xanh thành phố cung cấp cho xã hội để hình thành quỹ bảo vệ và phát triển rừng cũng như mảng cây xanh thành phố.

1.5. Các giải pháp về giáo dục đào tạo

1.5.1. Đào tạo mới và đào tạo lại, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ cơ sở

- Thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ ngành lâm nghiệp và cây xanh cập nhật kiến thức mới trong lãnh vực quản lý và kỹ thuật thông qua việc liên kết với các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu trên địa bàn thành phố và chuyên gia nước ngoài.

- Đẩy mạnh chương trình đào tạo sau đại học ở nước ngoài của nhà nước đến năm 2014, ưu tiên đào tạo cán bộ trẻ có trình độ và tâm huyết phục vụ cho ngành lâm nghiệp và cây xanh trong tương lai.

- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn theo chuyên đề về lâm nghiệp xã hội, cây xanh, sử dụng GIS trong quản lý, phương pháp khuyến lâm, phương pháp điều tra có sự tham gia của người dân, bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái, các mô hình nông - lâm - ngư kết hợp… cho cán bộ tại cơ sở.

1.5.2. Tổ chức các chương trình thông tin tuyên truyền, khuyến nông - lâm - ngư đến cư dân ngoại thành

- Thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa của rừng và mảng cây xanh thành phố đến mọi công dân thành phố qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục môi trường.

- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông - lâm - ngư cho cư dân ngoại thành để chuyển giao kỹ thuật sản xuất tạo thêm nhiều ngành nghề mới và cơ hội việc làm cho người dân ở vùng nông thôn.

2. Các chương trình mục tiêu trọng điểm

Tổ chức thực hiện 6 chương trình mục tiêu trọng điểm để bảo vệ. phát triển rừng và các loại cây xanh thành phố:

- Chương trình quản lý và phát triển bền vững 3 loại rừng và mảng cây xanh thành phố

- Chương trình bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển giống cây lâm nghiệp và cây xanh thành phố

- Chương trình cải tạo, chỉnh trang và phát triển mới công viên, cây xanh đường phố

- Chương trình nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực

- Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu

- Chương trình trồng 500.000 cây ven sông rạch

3. Vốn đầu tư

Ngoài kinh phí sự nghiệp cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và cây xanh hàng năm. Tổng vốn đầu tư chưa tính Chương trình cải tạo, chỉnh trang và phát triển mới cây xanh đường phố và Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu là 28,2 tỷ đồng, cụ thể như sau:

Tổng hợp kinh phí phân theo nguồn vốn

(Đơn vị tính: triệu đồng)

TT

Hạng mục

Ngân sách

Tổng cộng

01

Chương trình quản lý và phát triển bền vững 3 loại rừng và mảng cây xanh thành phố

4.000

4.000

02

Chương trình bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển giống cây lâm nghiệp và cây xanh thành phố

4.600

4.600

03

Chương trình cải tạo, chỉnh trang và phát triển mới công viên, cây xanh đường phố

Theo từng đề án được duyệt

 

04

Chương trình nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực

7.000

7.000

05

Chương trình hành động thích ứng với biển đổi khí hậu toàn cầu

Theo chương trình của Sở Nông nghiệp và PTNT

 

06

Chương trình trồng 500.000 cây ven sông rạch

12.600

12.600

 

Tổng cộng

28.200

28.200

 

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các Sở, ngành liên quan rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để điều chỉnh bổ sung theo hướng ưu tiên và đảm bảo yêu cầu về diện tích đất trồng rừng và cây xanh, đảm bảo độ che phủ của rừng và cây xanh thành phố.

2. Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp:

a) Quản lý chặt chẽ về quy hoạch đô thị, phải đảm bảo diện tích đất công viên, đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp theo quy hoạch chung của thành phố đã được phê duyệt.

b) Phối hợp với Sở Công Thương và Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp rà soát quy hoạch mạng lưới khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đảm bảo tỷ lệ cây xanh theo đúng quy định.

c) Đối với các dự án phát triển đô thị mới, các khu điều chỉnh - chỉnh trang đô thị các khu nhà lụp xụp, cần thẩm định để bảo đảm tỷ lệ diện tích cây xanh và công viên theo đúng quy định.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch hàng năm, 5 năm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu theo đề án này; định kỳ tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện, tham mưu, đề xuất Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

b) Tổ chức thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn thành phố.

c) Chủ trì, phối hợp với các viện, trường nghiên cứu cải tạo trồng các loại cây rừng có giá trị kinh tế và môi trường, để nâng cao chất lượng rừng của thành phố; nghiên cứu đề xuất quy hoạch rừng phòng hộ gắn với việc điều tiết nước, chống ngập úng trong mùa mưa, thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu.

d) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các quận, huyện có diện tích rừng và cây lâu năm nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban hành hoặc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển các loại rừng và cây lâu năm, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa có hiệu quả.

e) Phối hợp với các Sở, ngành hướng dẫn các quận, huyện lập kế hoạch, quy hoạch phát triển rừng và mảng cây xanh trên địa bàn các quận, huyện.

4. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các quận huyện và Sở, ngành liên quan rà soát hoàn chỉnh quy hoạch đất cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh dọc các tuyến đường giao thông, đề xuất thủ tục và cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, chủ trì các chương trình cải tạo, chỉnh trang và phát triển công viên, cây xanh đường phố.

5. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng kế hoạch nghiên cứu để hỗ trợ cho việc thực hiện Đề án Quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được thành phố phê duyệt.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, các Sở, ngành liên quan:

a) Nghiên cứu, tham mưu đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố về cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc đầu tư các chương trình, dự án, quản lý, bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh trên địa bàn thành phố;

b) Tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết, cân đối, bố trí kế hoạch vốn hàng năm để thực hiện đề án Quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các vùng du lịch sinh thái trên địa bàn có rừng và cây xanh.

8. Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đoàn thể, sở ngành tuyên truyền, vận động đoàn viên, nhân dân tích cực tham gia trồng cây cải thiện môi trường cảnh quan nhất là vùng ven các sông, rạch lớn, các tuyến đường giao thông nông thôn.

9. Viện Nghiên cứu phát triển thành phố: Nghiên cứu phát triển rừng và mảng xanh gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tính toán giá trị tổng sản lượng (GDP) rừng và mảng xanh trong cơ cấu GDP chung của thành phố.

10. Ủy ban nhân dân các quận, huyện: trên cơ sở Đề án Quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 tầm nhìn 2025 đã được phê duyệt, tổ chức ngay việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết diện tích rừng, cây xanh trên địa bàn quản lý. Tổ chức phổ biến, công khai các quy hoạch được phê duyệt, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ cho việc thực hiện đề án. Triển khai các chương trình, dự án trồng, quản lý, bảo vệ rừng, cây xanh theo phân cấp và chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 17/2011/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 17/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/03/2011
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Trung Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 25
  • Ngày hiệu lực: 28/03/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản