Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2017/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 20 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT, TÔN VINH DANH HIỆU “DOANH NGHIỆP TIÊU BIỂU” VÀ “DOANH NHÂN TIÊU BIỂU” THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005 và ngày 16/11/2013;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp; Thông tư số 01/2012/TT-BNV ngày 16/01/2012 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1325/TTr-SNV ngày 16/6/2017 và Báo cáo thẩm định số 104/BCTĐ-STP ngày 28/12/2016 của Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét, tôn vinh danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu” và “Doanh nhân tiêu biểu” thành phố Hải Phòng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2017 và thay thế Quyết định số 2706/2014/QĐ-UBND ngày 04/12/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế xét, tôn vinh danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu” và “Doanh nhân tiêu biểu” thành phố Hải Phòng

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành có liên quan, các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Bộ Nội vụ; Ban TĐ-KT TW;
- Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp;
- TTTU, TT HĐND TP;
- Đoàn ĐB Quốc hội HP;
- CT, các PCT UBND TP;
- Như điều 3;
- VCCI Hải Phòng;
- Liên minh các HTX và DN Hải Phòng;
- CVP, PCVP;
- Sở Tư pháp;
- Công báo thành phố; Báo Hải Phòng;
Đài PTTH Hải Phòng; Cổng TTĐT thành phố;
- Ban TĐKT TP;
- Lưu: VT, SNV (10)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tùng

 

QUY CHẾ

XÉT, TÔN VINH DANH HIỆU “DOANH NGHIỆP TIÊU BIỂU” VÀ “DOANH NHÂN TIÊU BIỂU” THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2017/QĐ-UBND ngày 20/7/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về phạm vi, đối tượng, trách nhiệm thi hành việc xét, tôn vinh danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu” và “Doanh nhân tiêu biểu” ở thành phố Hải Phòng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có đăng ký kinh doanh hoặc có chi nhánh sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam trên địa bàn thành phố; có thời gian hoạt động kể từ khi được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập và cấp đăng ký kinh doanh từ 5 năm trở lên.

2. Cá nhân là người Việt Nam, người nước ngoài giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị (Chủ tịch Hội đồng thành viên), Tổng Giám đốc (Giám đốc) có quá trình điều hành quản lý doanh nghiệp liên tục từ 3 năm trở lên, doanh nghiệp tham dự xét danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu” của năm bình xét.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu” thành phố Hải Phòng là hình thức tôn vinh đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đang hoạt động theo pháp luật Việt Nam trên địa bàn thành phố; có thành tích tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của thành phố và góp phần nâng cao đời sống người lao động.

2. Danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu” thành phố Hải Phòng là hình thức tôn vinh đối với người lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đang hoạt động theo pháp luật Việt Nam trên địa bàn thành phố; có thành tích tiêu biểu xuất sắc trên mọi hoạt động liên quan đến xây dựng, phát triển doanh nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của thành phố và góp phần nâng cao đời sống người lao động.

3. Mức lương cơ sở là mức lương do Chính phủ quy định được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Điều 4. Nguyên tắc xét, tôn vinh danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu” và “Doanh nhân tiêu biểu”

1. Việc xét, tôn vinh danh hiệu không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp; không hạn chế số lượng, đối tượng tham dự.

2. Xét chọn từ cao xuống thấp cho đến đủ số lượng theo các tiêu chí lựa chọn. Không nhất thiết phải đủ số lượng nếu tiêu chí, tiêu chuẩn không đảm bảo theo quy chế.

3. Việc xét, tôn vinh danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu đảm bảo nguyên tắc dân chủ, chính xác, công khai, công bằng và đảm bảo tính tiêu biểu trên cơ sở tự nguyện của doanh nghiệp, doanh nhân hoặc phát hiện, giới thiệu của các cơ quan, đơn vị; tuân thủ các quy định của Quy chế này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Điều kiện chung để đăng ký xét, tôn vinh

1. Đối với danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu”:

Các doanh nghiệp được tham gia xét, tôn vinh danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu” phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng, đấu thầu, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, vệ sinh lao động, an toàn lao động, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trích nộp kinh phí công đoàn cho người lao động, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa, sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nhân và doanh nghiệp;

b) Tổ chức sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển, có doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước;

c) Chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; hàng năm có mức nộp ngân sách (trừ khoản nộp tiền cấp quyền sử dụng đất và thuế xuất nhập khẩu) từ 10 tỷ đồng trở lên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; 30 tỷ đồng trở lên đối với doanh nghiệp có quy mô lớn hơn;

d) Đảm bảo đời sống, việc làm ổn định và có mức thu nhập bình quân người lao động từ 5 lần mức lương cơ sở trở lên;

e) Thực hiện tốt công tác trật tự an ninh, an toàn xã hội, tham gia đầy đủ các phong trào do địa phương nơi doanh nghiệp đóng trên địa bàn phát động;

f) Trong thời gian xét tôn vinh, doanh nghiệp được tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức Bằng khen cấp Bộ, ngành, thành phố trở lên;

g) Tổ chức Đảng (nếu có) đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”; tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên (nếu có) đạt vững mạnh;

h) Doanh nghiệp tiêu biểu cho xu thế phát triển của từng thời kỳ: Thực hiện tốt chủ đề hành động hàng năm của thành phố; chiến lược phát triển kinh tế xanh, bền vững; đầu tư đổi mới thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên.

2. Đối với danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu”

Các doanh nhân được tham gia xét, tôn vinh danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu” phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Doanh nghiệp do doanh nhân quản lý, điều hành được đề nghị danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu” mới xét “Doanh nhân tiêu biểu”;

b) Trong thời gian xét tôn vinh, doanh nhân được tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng cấp Bộ, ngành, thành phố trở lên; được xếp loại Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (nếu là đảng viên);

c) Bản thân luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Điều 6. Không xét tôn vinh danh hiệu "Doanh nghiệp tiêu biểu" và "Doanh nhân tiêu biểu" đối với các trường hợp sau:

1. Không đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 5 Quy chế này;

2. Hồ sơ không trung thực để tham dự xét, tôn vinh;

3. Doanh nghiệp có xảy ra đình công, lãn công không phù hợp với pháp luật; có đơn thư, tố cáo; nội bộ mất đoàn kết.

Chương II

TIÊU CHUẨN XÉT, TÔN VINH DANH HIỆU “DOANH NGHIỆP TIÊU BIỂU” VÀ “DOANH NHÂN TIÊU BIỂU"

Điều 7. Tiêu chí cụ thể và thang điểm xét, tôn vinh đối với danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu”

Điểm xét, tôn vinh là điểm trung bình của 02 năm liền kề tính đến thời % điểm đề nghị đối với từng tiêu chí, theo 5 nhóm tiêu chí với tổng điểm tối đa 130 điểm. Cụ thể như sau:

1. Đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh: gồm 03 tiêu chí, tối đa 50 điểm.

a) Doanh thu: Doanh thu tăng trưởng năm sau cao hơn so với năm tài chính trước liền kề: 10 điểm;

b) Nộp ngân sách: Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, thuế, các khoản thu khác của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và hàng năm có mức nộp ngân sách (trừ khoản nộp tiền cấp quyền sử dụng đất và thuế xuất nhập khẩu) từ 10 tỷ đồng trở lên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; 30 tỷ đồng trở lên đối với doanh nghiệp có quy mô lớn hơn: 30 điểm;

c) Lợi nhuận có mức độ tăng so với năm tài chính trước liền kề: 10 điểm.

2. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm và pháp luật về sở hữu trí tuệ: tối đa 10 điểm.

3. Có cam kết bảo vệ môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường của Nhà nước: tối đa 10 điểm.

4. Đánh giá về chính sách đối với người lao động, việc làm, xã hội từ thiện và quốc phòng an ninh (gồm 04 tiêu chí): tối đa 30 điểm.

a) Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật đối với người lao động: tối đa 8 điểm:

- Đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: 5 điểm;

- Đóng đủ đoàn phí công đoàn: 1 điểm;

- Đảm bảo chính sách tiền lương cho người lao động: 1 điểm;

- Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định: 1 điểm.

b) Đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động, thu nhập bình quân của người lao động trong năm, tính theo lương đóng bảo hiểm xã hội ít nhất bằng 5 lần mức lương cơ sở/người/tháng: tối đa 10 điểm.

- Đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động: 5 điểm;

- Thu nhập bình quân của người lao động trong năm, tính theo lương đóng bảo hiểm xã hội ít nhất bằng 5 lần mức lương cơ sở/người/tháng: 5 điểm.

c) Tham gia hoạt động xã hội từ thiện: 2 điểm.

d) Thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, Phòng cháy chữa cháy: tối đa 10 điểm:

- Thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội: 5 điểm;

- Thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy: 5 điểm.

5. Điểm thường (02 tiêu chí) tối đa 30 điểm:

5.1. Nộp ngân sách: tối đa 20 điểm.

a) Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa:

- Từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng: 02 điểm;

- Từ 15 tỷ đồng đến dưới 30 tỷ đồng: 03 điểm;

- Từ 30 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng: 05 điểm;

- Từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng: 10 điểm;

- Từ 100 tỷ đồng đến dưới 150 tỷ đồng: 15 điểm;

- Từ 150 tỷ đồng trở lên: 20 điểm.

b) Đối với doanh nghiệp có quy mô lớn hơn:

- Từ 30 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng: 02 điểm;

- Từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng: 03 điểm;

- Từ 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng: 05 điểm;

- Từ 200 tỷ đồng đến dưới 300 tỷ đồng: 10 điểm;

- Từ 300 tỷ đồng đến dưới 400 tỷ đồng: 15 điểm;

- Từ 400 tỷ đồng trở lên: 20 điểm.

5.2. Thu nhập bình quân của người lao động trong năm, tính theo lương đóng bảo hiểm xã hội: tối đa 10 điểm:

- Từ 6 đến dưới 10 lần mức lương cơ sở/người/tháng: 5 điểm;

- Từ 10 lần trở lên: 10 điểm.

Điểm tối đa của 5 nhóm tiêu chí là 130 điểm. Thành phố chọn những doanh nghiệp tối thiểu đạt 80 điểm trở lên, có tổng điểm theo thứ tự từ cao xuống thấp và đạt tối thiểu 2/3 số phiếu tín nhiệm, suy tôn của các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố để xét, tôn vinh không quá 20 doanh nghiệp (không quá 15% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; 85% là doanh nghiệp có quy mô lớn hơn) tiêu biểu xuất sắc, nổi trội nhất, có uy tín và có tính lan tỏa rộng rãi trong thành phố.

Trường hợp doanh nghiệp có thành tích đặc biệt xuất sắc hoặc có sáng kiến, sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong thành phố hoặc toàn quốc, Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xét đặc cách, tôn vinh danh hiệu.

Trường hợp do yếu tố khách quan xảy ra mất an toàn lao động, cháy nổ, môi trường ... mà doanh nghiệp đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường..., thì Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ xem xét cụ thể trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

Điều 8. Tiêu chí cụ thể và thang điểm xét, tôn vinh đối với danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu”, ngoài các điều kiện nêu tại Điều 5 Quy chế này, gồm 05 nhóm tiêu chí với tổng điểm tối đa là 100 điểm. Cụ thể như sau:

1. Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan và nơi cư trú (có xác nhận của đơn vị và nơi cư trú): tối đa 10 điểm;

2. Quản lý doanh nghiệp nội bộ đoàn kết, không bị khiếu nại, tố cáo, khởi kiện từ nội bộ, không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể: tối đa 10 điểm;

3. Có sáng kiến cải tiến, biện pháp quản lý hoặc ứng dụng công nghệ mới do Hội đồng Khoa học cấp thành phố, bộ, ngành trở lên công nhận, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: tối đa 30 điểm.

4. Có đóng góp quan trọng đối với doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm có thu nhập ổn định cho người lao động trong doanh nghiệp: tối đa 30 điểm.

5. Cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động xã hội từ thiện (tối đa 20 điểm). Tiêu chí này được tính bình quân trong 2 năm:

- Ủng hộ từ 10 lần đến dưới 20 lần mức lương cơ sở/năm: 10 điểm;

- Ủng hộ từ 20 lần đến dưới 30 lần mức lương cơ sở/năm: 12 điểm;

- Ủng hộ từ 30 lần đến dưới 40 lần mức lương cơ sở/năm: 14 điểm;

- Ủng hộ từ 40 lần đến dưới 50 lần mức lương cơ sở/năm: 17 điểm;

- Ủng hộ từ 50 lần mức lương cơ sở/năm trở lên: 20 điểm.

Thành phố chọn những doanh nhân đạt tối thiểu từ 65 điểm, có số điểm cao theo thứ tự từ cao xuống thấp và đạt tối thiểu 2/3 số phiếu tín nhiệm, suy tôn của các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố để xét tôn vinh không quá 20 doanh nhân tiêu biểu xuất sắc nhất, có uy tín, có sức thuyết phục và lan tỏa rộng rãi trong thành phố.

Trường hợp doanh nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc hoặc có sáng kiến, sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong thành phố hoặc toàn quốc, Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xét đặc cách, tôn vinh danh hiệu.

Chương III

THẨM QUYỀN, QUY TRÌNH, THỜI GIAN, HỒ SƠ TỔ CHỨC XÉT TÔN VINH DANH HIỆU

Điều 9. Thẩm quyền quyết định, công nhận

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố công nhận danh hiệu, tặng Cúp, Cờ thi đua xuất sắc đối với “Doanh nghiệp tiêu biểu”; công nhận danh hiệu, tặng Cúp, bằng khen cho “Doanh nhân tiêu biểu”.

Điều 10. Quy trình xét khen thưởng

1. Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) thông báo về việc xét tặng danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu”, “Doanh nhân tiêu biểu” thành phố Hải Phòng đến các quận, huyện, sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, ban quản lý các khu công nghiệp, các doanh nghiệp.

2. Các quận, huyện, sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, ban quản lý các khu công nghiệp, các doanh nghiệp gửi hồ sơ của các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các doanh nhân có đủ điều kiện tham dự xét tặng danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu”, “Doanh nhân tiêu biểu” về Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) để tổng hợp.

3. Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) tổng hợp số liệu, xin ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan.

4. Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) tóm tắt thành tích, báo cáo, xin ý kiến các thành viên Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố bằng phiếu kín suy tôn danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu” và “Doanh nhân tiêu biểu” cho 20 doanh nghiệp và 20 doanh nhân.

5. Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Thường trực Thành ủy.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ký, ban hành quyết định.

7. Kết quả xét tặng danh hiệu được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 11. Thời gian tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu” và “Doanh nhân tiêu biểu”

1. Danh hiệu "Doanh nghiệp tiêu biểu" và "Doanh nhân tiêu biểu" thành phố Hải Phòng được tổ chức xét 02 năm một lần.

2. Tổ chức tôn vinh danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu” và “Doanh nhân tiêu biểu” vào dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Điều 12. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu

1. Hồ sơ gửi Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) gồm:

- Tờ trình đề nghị khen thưởng (kèm theo danh sách) của cơ quan trình;

- Biên bản họp xét khen thưởng của cơ quan trình;

- Báo cáo thành tích của doanh nghiệp, doanh nhân (thành tích 02 năm trước liền kề của năm xét tặng danh hiệu) và các văn bản chứng minh thành tích.

- Bảng tự chấm điểm theo các tiêu chí quy định.

2. Số lượng: 02 bộ bản chính.

3. Thời gian nộp hồ sơ: trước ngày 31 tháng 3 của năm xét tặng danh hiệu.

Chương IV

QUYỀN LỢI, TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP, DOANH NHÂN

Điều 13. Quyền lợi và trách nhiệm của các doanh nghiệp, doanh nhân được tặng danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu”, “Doanh nhân tiêu biểu” thành phố Hải Phòng

1. Quyền lợi:

a) Doanh nghiệp đạt danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu” thành phố Hải Phòng được tặng Cúp doanh nghiệp tiêu biểu, Cờ thi đua xuất sắc của Ủy ban nhân dân thành phố và tiền thưởng kèm theo bằng 40 lần mức lương cơ sở;

b) Doanh nhân được tặng danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu” thành phố Hải Phòng được tặng Cúp doanh nhân tiêu biểu, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và tiền thưởng kèm theo bằng 10 lần mức lương cơ sở;

c) Doanh nghiệp tiêu biểu, doanh nhân tiêu biểu được biểu dương trên các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố; được sử dụng danh hiệu để phục vụ quảng bá thương hiệu, sản phẩm, xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp;

d) Được chọn tham gia đăng ký xét, tôn vinh danh hiệu Doanh nghiệp, Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu;

2. Trách nhiệm:

a) Sử dụng danh hiệu đúng mục đích;

b) Tuyên truyền, phổ biến các bài học kinh nghiệm, giữ gìn và phát huy thành tích đã đạt được.

Điều 14. Kinh phí thực hiện

Kinh phí tổ chức xét, trao tặng hiện vật và tiền thưởng kèm theo danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu”, “Doanh nhân tiêu biểu” thành phố Hải Phòng được trích từ quỹ thi đua, khen thưởng của thành phố.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm thi hành

1. Trách nhiệm của các Sở, ngành, quận, huyện, cơ quan, đơn vị liên quan.

a) Các ngành quản lý nhà nước liên quan có trách nhiệm cho ý kiến kịp thời khi Ban Thi đua - Khen thưởng gửi văn bản xin ý kiến về việc chấp hành pháp luật thuộc lĩnh vực mình quản lý đối với các doanh nghiệp, doanh nhân, cụ thể:

- Cục Thuế thành phố cho ý kiến về việc chấp hành pháp luật thuế; cung cấp số liệu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, tổng nguồn vốn.

- Cục Hải quan thành phố cho ý kiến về việc chấp hành pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có).

- Bảo hiểm xã hội thành phố cho ý kiến về chấp hành pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; xác nhận số liệu về số lao động, thu nhập bình quân của người lao động tính theo lương đóng bảo hiểm xã hội.

- Sở Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến về chấp hành pháp luật về Bảo vệ môi trường, Đất đai và các vấn đề có liên quan.

- Sở Khoa học và Công nghệ cho ý kiến về việc xây dựng, áp dụng về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng; nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ; sáng kiến cải tiến kỹ thuật và sở hữu trí tuệ.

- Liên đoàn Lao động thành phố cho ý kiến về chấp hành Luật Công đoàn, thực hiện văn hóa của các doanh nghiệp.

- Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố cho ý kiến về chấp hành pháp luật về phòng, chống cháy, nổ.

- Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho ý kiến về chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; đăng ký, thực hiện thỏa ước lao động tập thể; đình công, ngừng việc tập thể; sử dụng lao động trong doanh nghiệp.

- Sở Y tế cho ý kiến về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến (nếu có).

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến về chấp hành Luật Đê điều và các luật có liên quan (nếu có).

- Sở Xây dựng cho ý kiến về chấp hành pháp luật về công tác quy hoạch, xây dựng.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về chấp hành các hoạt động sản xuất kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quy mô của từng doanh nghiệp.

- Thanh tra thành phố cho ý kiến về chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

- Công an thành phố cho ý kiến về việc chấp hành pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội.

b) Sở Tài chính cho ý kiến về bảo toàn vốn đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước; phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng, Kho bạc Nhà nước thành phố cấp kinh phí tổ chức xét, tôn vinh, tặng phẩm và tiền thưởng kèm theo danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu”, “Doanh nhân tiêu biểu” thành phố Hải Phòng.

c) Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi doanh nghiệp có trụ sở: Cho ý kiến về việc thực hiện công tác an ninh quốc phòng, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.

2. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn thành phố tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xét tặng, tôn vinh và trao thưởng danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu”, “Doanh nhân tiêu biểu” thành phố Hải Phòng.

3. Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ là cơ quan thường trực, tham mưu giúp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố chủ động hướng dẫn quy trình, thủ tục hồ sơ xét, tôn vinh danh hiệu doanh nghiệp tiêu biểu, doanh nhân tiêu biểu theo từng năm tổ chức; kiểm tra, tổng hợp hồ sơ, hoàn thiện thủ tục trình Ủy ban nhân dân thành phố theo quy trình xét duyệt khen thưởng của thành phố.

Điều 16. Xử lý vi phạm

1. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp, doanh nhân kê khai gian dối thành tích, làm giả hồ sơ, xác nhận không đúng thành tích trong xét, tặng danh hiệu sẽ bị hủy bỏ quyết định, thu hồi hiện vật, tiền thưởng đã nhận.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trọng xét, đề nghị tặng danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật và không được tham gia xét, tôn vinh cũng như các hình thức khen thưởng khác của thành phố trong thời gian 5 năm kể từ ngày bị phát hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện những điểm chưa phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 04/2017/QĐ-UBND về Quy chế xét, tôn vinh danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu và Doanh nhân tiêu biểu thành phố Hải Phòng

  • Số hiệu: 04/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/07/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản