Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2018/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 10 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày 25/11/2013;

Căn cứ Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về việc Quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;

Căn cứ Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 08/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật; Thông tư số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/05/2016 về việc hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 3306/TTr-SNN ngày 25/12/2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành Quy định quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận tải, Công thương, Tài chính; Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ NN&PTNT (để b/c);
- Cục Bảo vệ thực vật (b/c);
- Cục kiểm tra văn bản-Bộ tư pháp (để b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (để b/c);
- CVP, PVPTM UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp, Trung tâm công báo tỉnh;
- Lưu: VPUB, CVNN (D.Hùng).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật bao gồm: Buôn bán, sử dụng, vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy, quảng cáo, trình diễn thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện các nội dung được quy định tại Điều 1 của Quy định này.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quy định về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 64 của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013.

2. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 63 của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và Điều 4 Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về việc Quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.

3. Tại các cửa hàng, quầy hàng, điểm giao dịch mua bán, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật phải có bảng niêm yết giá bán thuốc bảo vệ thực vật và bán đúng giá niêm yết.

4. Trong trường hợp cửa hàng buôn bán nằm trong vùng có công bố dịch chỉ được bán các loại thuốc đặc hiệu do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

5. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chỉ được phép hoạt động kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An cấp.

Điều 4. Quy định về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 72 của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013.

2. Các loại thuốc bảo vệ thực vật đưa vào chỉ đạo, hướng dẫn cho người dân sử dụng phải tiến hành khảo sát, đánh giá hiệu lực trên đồng ruộng tại Nghệ An.

3. Trường hợp nằm trong vùng có công bố dịch chỉ được sử dụng các loại thuốc do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

Điều 5. Quản lý thông tin, hội thảo, quảng cáo, trình diễn thuốc bảo vệ thực vật

1. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo.

2. Báo chí, trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác, các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác; Bảng quảng cáo, băng rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo; Phương tiện giao thông; Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hóa, thể thao; Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, vật thể quảng cáo; Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật khi thực hiện quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương phải có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An.

3. Các cuộc hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, trình diễn có giới thiệu sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật phải báo cáo và được sự đồng ý của chính quyền địa phương nơi tổ chức.

4. Tổ chức, cá nhân khi tiến hành trình diễn thuốc bảo vệ thực vật (cho người dân thuốc để phun thử và cắm biển quảng cáo) tại Nghệ An phải ký kết hợp đồng thuê ruộng, trong đó phải cam kết đền bù thiệt hại năng suất cây trồng cho nông dân nếu như để xảy ra thiệt hại năng suất do thuốc bảo vệ thực vật trình diễn gây ra và báo cáo kết quả trình diễn cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An) để phục vụ trong công tác quản lý.

Điều 6. Quản lý vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật

Vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật phải chấp hành quy định tại Điều 68 của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013 và Điều 51, 52, 53 của Thông tư số 21/2015/TT- BNNPTNT ngày 08 tháng 6 năm 2015 của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 7. Quản lý bảo quản thuốc bảo vệ thực vật

Tổ chức, cá nhân bảo quản thuốc bảo vệ thực vật phải chấp hành quy định tại Điều 69 của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013.

Điều 8. Thu hồi, tiêu hủy, thu gom, vận chuyển và xử lý thuốc, bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Thu hồi, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật phải chấp hành quy định tại Điều 73, 74 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013; việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng thực hiện theo quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013 và Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT- BNNPTNT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng.

Điều 9. Thanh tra, kiểm tra buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

1. Kiểm tra thường xuyên của Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã:

a) Đối với cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra theo chương trình, kế hoạch xây dựng hàng năm. Trong đó thành phần đoàn kiểm tra bắt buộc phải có đại diện của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp huyện.

b) Đối với cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra theo chương trình, kế hoạch xây dựng hàng năm. Trong đó thành phần đoàn kiểm tra bắt buộc phải có đại diện của Ban nông nghiệp xã.

c) Đối tượng kiểm tra: Các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn cấp huyện, cấp xã quản lý.

d) Nội dung kiểm tra: Kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

đ) Chế độ kiểm tra: Thường xuyên nhưng tối thiểu phải có 03 đợt/năm.

2. Thanh tra định kỳ: Do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện:

a) Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ trì tổ chức, phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành có liên quan tổ chức thanh tra định kỳ việc chấp hành các quy định của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

b) Thành phần đoàn thanh tra: Do Chi cục trưởng Quyết định nhưng trong đó bắt buộc phải có Thanh tra chuyên ngành tham gia.

c) Đối tượng thanh tra: Các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An.

d) Nội dung thanh tra: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

đ) Chế độ thanh tra định kỳ: 4 đợt/năm.

3. Thanh tra, kiểm tra đột xuất: Thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

4. Kiểm tra thường xuyên: Căn cứ vào tình hình, diễn biến cụ thể việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quyết định việc tổ chức kiểm tra nhằm mục đích phát hiện kịp thời các sai phạm và đề xuất hướng xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong việc thực hiện Quy định này.

2. Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.

3. Chịu trách nhiệm quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

a) Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành về thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Khi dịch hại xảy ra tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ, dập dịch; Đồng thời, có trách nhiệm hướng dẫn, khuyến cáo để người sản xuất sử dụng thuốc đúng theo quy định.

b) Thành lập các đoàn thanh tra định kỳ và tổ chức kiểm tra thường xuyên các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng, quảng cáo, hội thảo, trình diễn thuốc bảo vệ thực vật; tham mưu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập đoàn thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại tố cáo.

d) Chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp huyện:

- Cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra của các huyện khi có đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc kiểm tra thường xuyên các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

đ) Quản lý các hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các hoạt động khác liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

e) Đào tạo chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật, cấp Giấy phép vận chuyển, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật và các loại giấy chứng nhận khác có liên quan.

g) Xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo các quy định của Pháp luật.

h) Tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

i) Hàng năm xây dựng kế hoạch, kinh phí thu gom, tiêu hủy thuốc, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

k) Hàng năm xây dựng kế hoạch, kinh phí tập huấn để tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt cấp xã về công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Điều 11. Trách nhiệm của Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở giao thông vận tải

1. Cử thành viên tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra trong công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật, xử lý các vi phạm liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Công an tỉnh, Thanh tra Sở giao thông vận tải phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh trong việc kiểm tra, quản lý vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm vận chuyển bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 08 tháng 6 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương.

b) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật tại địa bàn cấp xã.

c) Thành lập các đoàn kiểm tra và xử lý sai phạm trong việc buôn bán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn của huyện theo thẩm quyền.

d) Thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An tổ chức thanh, kiểm tra việc buôn bán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thuộc địa phương quản lý.

đ) Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã.

a) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương.

b) Phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; khi có dịch bệnh xảy ra chỉ đạo các cơ sở buôn bán, người dân sử dụng đúng các loại thuốc mà Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo.

c) Tiến hành kiểm tra thường xuyên và xử lý vi phạm các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã.

d) Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm cho Ủy ban nhân dân cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) định kỳ 6 tháng và cuối năm.

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện, phổ biến và theo dõi thực hiện nội dung quy định này. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập kế hoạch, kinh phí hàng năm để thực hiện công tác thanh, kiểm tra; công tác thu gom tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực quản lý thuốc bảo vệ thực vật cho chính quyền cấp xã.

2. Các ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai thực hiện các nội dung tại Quy định này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cấp, các ngành phải kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 03/2018/QĐ-UBND về Quy định quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 03/2018/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/01/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Đinh Viết Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản