Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 02/2009/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 13 tháng 1 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG NĂM 2009, 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về Kinh tế trang trại;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK ngày 23/6/2000 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại; Thông tư số 74/2003/BNN ngày 04/7/2003 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung mục III của Thông tư Liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK ngày 23/6/2000 hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 880/SNN-HTX ngày 25/12/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2009, 2010.

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
- TT.TU,TT.HĐND,UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh;
- CT, các PCT;
- Các Sở: TC,TP,NN-PTNT,KH-ĐT,KH-CN;
- Cục Thống kê;
- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- LĐVP,Tr,Phước,TH;
- Lưu:VT.0501

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Kim Vân

 

QUY ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG NĂM 2009, 2010
( Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND, ngày 13/01/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này áp dụng với một số chính sách nhằm khuyến khích các hộ gia đình và cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa (sau đây gọi chung là trang trại) trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2009, 2010. Đặc biệt khuyến khích chủ trang trại trong việc ứng dụng khoa học công nghệ về giống hoặc đầu tư công nghệ trong hệ thống canh tác, xây dựng hệ thống Bioga để hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường.

Điều 2. Đối tượng và ngành sản xuất được xác định là trang trại .

Hộ gia đình và cá nhân sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản được xác định là trang trại phải đạt được 1 trong 2 tiêu chí về giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ bình quân năm và quy mô sản xuất quy định tại thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK ngày 23/6/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê; Thông tư số 74/2003/TT-BNN ngày 04/7/2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn bổ sung tiêu chí để xác định loại hình kinh tế trang trại như sau:

- Tiêu chí 1: giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bình quân 01 năm đạt từ 50 triệu trở lên.

- Tiêu chí 2: quy mô sản xuất tướng ứng với từng ngành sản xuất, cụ thể:

a) Đối với trang trại trồng trọt.

- Trang trại trồng cây hàng năm điều có diện tích từ 03 ha trở lên.

- Trang trại trồng cây lâu năm (bao gồm cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả) có diện tích từ 05 ha trở lên, riêng trồng hồ tiêu có diện tích từ 0,5ha trở lên (trồng cây tập trung).

- Trang trại trồng cây lâm nghiệp có diện tích từ 10 ha trở lên.

b) Đối với trang trại chăn nuôi.

- Chăn nuôi trâu, bò sinh sản và lấy sữa có thường xuyên từ 10 con trở lên, chăn nuôi lấy thịt có thường xuyên từ 50 con trở lên.

- Chăn nuôi heo sinh sản có thường xuyên từ 20 con trở lên, chăn nuôi heo thịt có thường xuyên từ 100 con trở lên (không tính heo sữa).

- Chăn nuôi dê sinh sản có thường xuyên từ 100 con trở lên, chăn nuôi dê thịt có từ 200 con trở lên.

- Chăn nuôi gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng… có thường xuyên từ 2.000 con trở lên (không tính số on dưới 07 ngày tuổi).

c) Đối với trang trại nuôi trồng thủy sản.

- Diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản có từ 02 ha trở lên.

d) Đối với các loại sản phẩm nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản có tính đặc thù như: trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm, nuôi ong, giống thủy sản và thủy đặc sản… thì tiêu chí xác định là giá trị sản lượng hàng hóa (tiêu chí 1).

Điều 3. Hộ gia đình và cá nhân đạt các tiêu chí quy định tại Điều 2 được cấp giấy chứng nhận trang trại và được hưởng các chính sách chung của Nhà nước đã ban hành đối với kinh tế trang trại.

Ngoài ra hộ sản xuất đạt các tiêu chí theo quy định tại Điều 4 bản Quy định này còn được đưa vào danh sách xem xét để hưởng một số chính sách hỗ trợ của địa phương.

Điều 4. Tiêu chí đối với trang trại được đưa vào danh sách xem xét để hưởng một số chính sách hỗ trợ của địa phương.

1. Là hộ gia đình và cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận trang trại hoặc có đơn đăng ký là thành lập mới trang trại…

2. Quy mô sản xuất đạt theo tiêu chí nhưng phải nằm trong vùng quy hoạch

Chương II

NỘI DUNG CHÍNH SÁCH

Điều 5. Hỗ trợ khuyến khích phát triển trang trại mới thành lập, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ đối với các trang trại đã có.

1. Điều kiện.

a) Đối với trang trại mới thành lập: các hộ gia đình và cá nhân tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, có đăng ký thành lập trang trại mới, có xây dựng dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, quy mô dự án đạt tiêu chí trang trại, được cơ quan chức năng công nhận.

b) Đối với trang trại đã có: có giấy chứng nhận trang trại, có dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, được cơ quan chức năng công nhận.

2. Hình thức hỗ trợ: cụ thể theo dạ án được duyệt, từ nguồn ngân sách địa phương.

3. Chính sách hỗ trợ:

a) Chủ hộ được tư vấn về xây dựng dự án, được hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục về đăng ký để được cấp giấy chứng nhận trang trại.

b) Được hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới bao gồm.

- Đối với trang trại chăn nuôi: được hỗ trợ kinh phí để xây dựng hệ thống Bioga xử lý chất thải chuồng trại nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo nguồn năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Mức hỗ trợ 30% chi phí vật tư nhưng tổng mức hỗ trợ không vượt quá 50 triệu đồng/trang trại

+ Được hỗ trợ 50% chi phí tiêm phòng các loại Vaccin phòng dịch (lở mồm long móng đối với trâu, bò, heo và dịch tả heo, cúm gia cầm) trong thời hạn là 02 năm.

Ngoài ra trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt còn được hưởng các chính sách hỗ trợ thuộc dự án phát triển bò sữa, bò thịt của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

- Đối với trang trại trồng trọt: được hỗ trợ kinh phí để đầu tư cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về giống hoặc đầu tư công nghệ mới trong hệ thống canh tác, mức hỗ trợ 40% chi phí về giống và 20% vật tư thiết bị nhưng tổng mức hỗ trợ không vượt quá 50 triệu đồng/ trang trại cụ thể:

+ Đối với mô hình công nghệ cao hỗ trợ 40% mức chi phí về giống và 20% vật tư chính và một phần kinh phí chuyển giao công nghệ nhưng tổng mức hỗ trợ không vượt quá 50 triệu đồng/ mô hình.

+ Đối với mô hình áp dụng công cụ, cải tiến kỹ thuật: hỗ trợ tối đa 30% giá trị công cụ nhưng tổng mức hỗ trợ không vượt quá 30 triệu đồng/ mô hình.

- Trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp được hưởng chính sách hỗ trợ theo từng lĩnh vực sản xuất nêu trên.

Điều 6. Hỗ trợ về khuyến nông.

Nhà nước ưu tiên thực hiện công tác khuyến nông cho các chủ trang trại thông qua chương trình khuyến nông công lập, cử cán bộ khuyến nông trong ngành trực tiếp đến trang trại tư vấn miễn phí về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.v.v.. Hàng năm chủ trang trại được tham gia hội thảo trao đổi kinh nghiệm và đi tham quan các mô hình trang trại làm ăn có hiệu quả trong và ngoài tỉnh kho có chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 7. Về đào tạo.

Chủ trang trại được tham dự các lớp tập huấn nâng cao trình độ quản lý trang trại. Được hỗ trợ 100% kinh phí tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng về quản lý, kỹ thuật viên cho trang trại do ngành nông nghiệp tổ chức.

Điều 8. Xúc tiến thương mại.

Các trang trại sản xuất hàng hóa được hỗ trợ tư vấn cho việc lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Sở Khoa học và Công nghệ hoặc đăng ký chứng nhận hàng nông lâm sản Việt Nam chất lượng cao, uy tín thương mại tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Được hỗ trợ 50% lệ phí quốc gia đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa hoặc thương hiệu sản phẩm.

Trường hợp chủ trang trại có nhu cầu tham gia hội chợ triển lãm hàng xuất khẩu trong và ngoài nước sẽ được xem xét hỗ trợ cụ thể.

Điều 9. Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể đối với các chủ trang trại.

Khi có nhu cầu hình thành các tổ chức hợp tác như: tổ hợp tác, hợp tác xã, các chủ trang trại sẽ được hỗ trợ theo chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể của Trung ương và của tỉnh ban hành.

Điều 10. Chủ trang trại được xét khen thưởng, tôn vinh trong các lĩnh vực: tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng đất nông nghiệp đạt giá trị thu nhập cao/1ha đất canh tác, thực hành nông nghiệp tốt (GAP) thân thiện với môi trường.

Điều 11. Nguồn kinh phí hỗ trợ các nội dung quy định tại Điều 5,6,7,8,9,10 bản Quy định này lấy từ ngân sách năm của địa phương, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương… được thực hiện thông qua các đề tài, dự án cụ thể do chủ trang trại xây dựng và tổ chức thực hiện thông qua chương trình khuyến nông của tỉnh.

Các chính sách hỗ trợ của tỉnh nêu trên chỉ hỗ trợ cho các chủ trang trại thực hiện dự án lần đầu.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm.

1. Hướng dẫn cho các chủ trang trại đầu tư sản xuất theo các quy hoạch đã được phê duyệt.

2. Chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thống nhất hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận trang trại, xây dựng mẫu giấy chứng nhận trang trại để áp dụng thống nhất chung trong toàn tỉnh.

3. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông xây dựng kế hoạch tư vấn xây dựng dự án, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để giúp chủ trang trại có cơ sở đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

4. Chủ trì thẩm định các dự án đầu tư phát triển kinh tế trang trại theo thẩm quyền và hỗ trợ cho chủ trang trại về thủ tục đăng ký chứng nhận hàng nông lâm sản Việt Nam chất lượng cao, uy tín thương mại.

Hỗ trợ cho chủ trang trại lệ phí đăng ký chứng nhận hàng nông lâm sản Việt Nam chất lượng cao, uy tín thương mại theo quy định tại Điều 8 bản Quy định này.

5. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về tiêu chí xét khen thưởng, tôn vinh các chủ trang trại xuất sắc trong các lĩnh vực được quy định tại Điều 10 bản Quy định này.

6. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã lập kế hoạch kinh phí cụ thể hàng năm về việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại theo đề nghị để đăng ký nguồn vốn ngân sách hàng năm.

Điều 13. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn các chủ trang trại có đủ điều kiện trở thành doanh nghiệp thì hướng dẫn đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Điều 14. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn xây dựng các dự án ứng dụng khoa học công nghệ và hỗ trợ cho chủ trang trại việc tư vấn, lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ lệ phí quốc gia đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa theo quy định tại Điều 8 bản Quy định này.

Điều 15. Sở Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí hàng năm từ ngân sách tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện chính sách này.

Điều 16. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm.

- Phê duyệt hoặc đề nghị cấp trên phê duyệt các dự án đầu tư phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn quản lý.

- Xét và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định tại Điều 3 tại bản Quy định này.

Điều 17. Định kỳ 06 tháng, hàng năm Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã báo cáo kết quả thực hiện chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

Các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm triển khai nội dung chính sách này và tổ chức thực hiện theo quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung sửa đổi cho phù hợp ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 02/2009/QĐ-UBND ban hành chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2009, 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 02/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/01/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Trần Thị Kim Vân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản