Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/TM-TCHQ | Hà Nội , ngày 20 tháng 01 năm 1996 |
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20-2-1990;
Căn cứ Nghị định 16/CP ngày 07-03-1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan;
Căn cứ Nghị định 171/HĐBT ngày 27-5-1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Bản quy định cụ thể thủ tục hải quản và lệ phí hải quan;
Căn cứ Nghị định thư về đường sắt biên giới ký kết giữa Bộ Giao thông vận tải Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Đường sắt Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa;
Xét đề nghị của ông Cục trưởng Cục Giám sát và quản lý về hải quan.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bản Quy chế tạm thời về thủ tục Hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, hành lý của hành khách, xe lửa liên vận Quốc tế xuất nhập khẩu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương; Các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan và hành khác liên vận Đường sắt Quốc tế chịu trách nhiện thi hành Quyết định này.
BỘ THƯƠNG MẠI | TỔNG CỤC HẢI QUAN |
VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU, HÀNH LÝ CỦA HÀNH KHÁCH, XE LỬA LIÊN VẬN QUỐC TẾ XUẤT NHẬP CẢNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/TCHQ-GSQL ngày 24 tháng 01 năm 1996 của Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan).
Điều 1. Xe lửa liên vận quốc tế bao gồm: đầu máy, các toa xe, và các loại xe chạy trên đường sắt ra vào biên giới, đều phải chịu sự kiểm tra và giám sát của Hải quan.
Điều 2. Xe lửa ra vào biên giới phải đỗ tại ga biên giới để làm thủ tục hải quan; địa điểm, thời gian xe đỗ do cơ quan Hải quan và cơ quan Đường sắt cùng thoả thuận theo Nghị định thư về đường sắt biên giới Việt-Trung.
Điều 3. Khi xe lửa đỗ tại ga biên giới, Trưởng tàu hoặc người đại diện phải phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Hải quan giám sát, kiểm tra toa hành lý, bưu kiện, hàng hoá và các vị trí có thể che dấu hàng trên đoàn tàu.
Nhiên liệu, vật liệu cần thiết cho đoàn tàu, những đồ dùng thực phẩm cần thiết cho nhân viên phục vụ trên đoàn tàu, đều phải khai báo và chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan theo quy định tại Pháp lệnh Hải quan và các văn bản hiện hành khác.
Điều 4. Sau khi làm xong thủ tục Hải quan, nếu phải cắt bớt toa không có (hoặc có) hàng hoá vì lý do xảy ra hợp lý hợp pháp, Trưởng tàu hoặc người đại diện phải báo cho Hải quan ở ga liên vận biên giới biết để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp.
Điều 5. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, hành lý của hành khách và xe lửa xuất cảnh:
5.1. Đối với hàng hoá xuất khẩu
5.1.1. Trách nhiệm của Hải quan ga liên vận nội địa:
a) Nếu là hàng hoá đã làm thủ tục xuất khẩu tại địa điểm ngoài khu vực ga liên vận nội địa:
- Phải lập sổ theo dõi ghi chép chính xác, kịp thời, có hệ thống phục vụ cho công tác giám sát và kiểm tra đối với hàng hoá xuất khẩu.
- Tiếp nhận hồ sơ đã hoàn thành thủ tục Hải quan và hàng hoá do Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu gửi đến; nếu niêm phong kẹp chì còn nguyên vẹn thì cho bốc hàng lên toa xe.
- Trước khi cho bốc hàng xuất khẩu, phải kiểm tra toa xe để pháp hiện trong toa xe có hàng hay không; nếu trong toa xe không có gì và an toàn cho hàng hoá thì cho bốc hàng lên toa xe; nếu có vi phạm thì lập biên bản có chứng nhận của Trưởng tàu, Trưởng ga để xử lý.
- Thực hiện giám sát chặt chẽ việc bốc xếp hàng hoá xuất khẩu lên toa xe và niêm phong kẹp chì toa xe.
- Kiểm tra toàn bộ thành phần đoàn tàu (đầu máy, số lượng toa, ký hiệu các tao, hàng hoá, hành lý, bưu phẩm, bưu kiện... được xếp trên toa).
- Đóng dấu "Đã kiểm tra Hải quan" vào lược khai hàng hoá và chuyển một bản lược khai cho Hải quan ga liên vận biên giới (qua Trưởng tàu hoặc cán bộ Hải quan áp tải tàu).
- Áp tải tàu (nếu xét thấy cần thiết) lên bàn giao cho Hải quan ga liên vận biên giới.
Trường hợp niêm phong kẹp chì bị xê dịch hoặc còn nguyên chì nhưng có dấu hiệu vi phạm, xét thấy cần tái kiểm thì cán bộ Hải quan giám sát báo cáo với Lãnh đạo Cục hải quan Tỉnh, Thành phố xem xét cho tái kiểm...
Sau khi tái kiểm, nếu thực tế hàng hoá phù hợp với hồ sơ của lô hàng thì lập biên bản chứng nhận, niêm phong kẹp chì lại và cho bốc hàng lên toa xe.
Nếu thực tế hàng hoá không đúng với bộ hồ sơ xuất khẩu của lô hàng, thì lập biên bản vi phạm để xử lý.
b) Nếu Hàng hoá làm thủ tục tại ga liên vận nội địa: Như quy trình nghiệp vụ Hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu tại Quyết định 258/TCHQ-GSQL ngày 16/12/1994.
5.1.2. Trách nhiệm của Hải quan ga liên vận biên giới:
- Lập sổ theo dõi hàng hoá xuất khẩu, tiếp nhận bản lược khai hàng hoá do Hải quan ga liên vận nội địa gửi đến.
- Kiểm tra số toa, đối chiếu với bản kê khai thành phần đoàn tàu.
- Kiểm tra lại niêm phong kẹp chì từng toa.
Nếu sau khi kiểm tra không có gì vi phạm thì Hải quan đóng dấu "Đã hoàn thành thủ tục Hải quan" vào lược khai hàng hoá.
- Làm thủ tục Hải quan đối với hành lý của tổ lái và nhân viên phục vụ và giám sát tàu qua biên giới (nếu xe lửa đi qua biên giới).
- Chuyển một bản lược khai hàng hoá và các giấy tờ khác qua Trưởng tàu hoặc cán bộ Hải quan áp tải tàu (nếu có) về Hải quan ga liên vận nội địa để thanh khoản và làm cơ sở để thanh toán thực xuất vào tờ khai.
Trường hợp hàng hoá được xuất ngay tại ga liên vận biên giới, Hải quan ga liên vận biên giới phải làm đầy đủ thủ tục xuất khẩu hàng hoá như Quy định tại điểm 5.1.1.b. nêu trên.
Trường hợp khi kiểm tra toa xe, nếu phát hiện niêm phong kẹp chì bị phá hoặc tàu không đủ số toa, không đúng số toa so với lúc khởi hành ở ga liên vận nội địa thì phải báo cho trưởng tàu, trưởng ga và cán bộ hải quan áp tải (nếu có) để lập biên bản.
5.2. Thủ tục Hải quan đối với hành lý của hành khách xuất cảnh:
a) Trách nhiệm của Hải quan ga liên vận quốc tế Hà nội:
- Làm thủ tục cho hành lý ký gửi trước của hành khách xuất cảnh (nếu có).
- Giám sát hành lý ký gửi đưa lên toa xe, niêm phong kẹp chì toa xe hoặc áp tải lên ga liên vận biên giới bàn giao cho Hải quan ga liên vận biên giới.
b) Trách nhiệm của Hải quan ga liên vận biên giới:
- Hướng dẫn hành khách xuất cảnh kê khai Tờ khai HQ60-94 (2 bản) tại phòng đợi nhà ga xuất.
- Làm thủ tục kiểm tra, đối chiếu hành lý của hành khách (quy trình nghiệp vụ Hải quan tương tự như tại sân bay quốc tế hoặc cửa khẩu quốc tế đường bộ); làm thủ tục hành lý xách tay hoàn tất trước khi xe lửa chuyển bánh một giờ.
- Làm thủ tục hải quan đối với hành lý của tổ lái, nhân viên phục vụ trên xe lửa (nếu xe lửa quan biên giới).
- Làm báo cáo kết thúc chuyến xe lửa xuất cảnh.
5.3. Đối với xe lửa xuất cảnh.
5.3.1. Xe lửa chở hàng:
- Tại các ga liên vận nội địa, nơi được phép xếp hàng hoá xuất khẩu lên tàu, trước khi tàu chuyển bánh 2 giờ, Trưởng tàu hoặc người đại diện phải nộp cho Hải quan các giấy tờ sau:
+ Lược khai hàng hoá xuất khẩu (kèm theo vận đơn), kể cả hàng quá cảnh (nếu có).
- Tại ga liên vận biên giới, Trưởng tàu hoặc người đại diện phải nộp cho Hải quan các giấy tờ sau:
+ Tờ khai thành phần đoàn tàu (gồm tổng số toa, số toa chở hàng...)
+ Lược khai hàng hoá xuất khẩu, kể cả hàng quá cảnh (nếu có).
+ Tờ khai nhiên liệu, vật liệu, lương thực, thực phẩm của đoàn tàu.
+ Danh sách tổ lái, nhân viên phục vụ.
5.3.2. Xe lửa chở khách:
- Tại ga liên vận quốc tế biên giới: Trước khi tàu chuyển bánh hai giờ, Trưởng tàu hoặc người đại diện phải nộp cho Hải quan các giấy tờ sau:
+ Tờ khai thành phần đoàn tàu (gồm tổng số toa, số toa chở hàng, số toa chở hành lý, số toa chở khách...)
+ Danh sách tổ lái và nhân viên phục vụ trên xe lửa.
+ Danh sách hành khách.
+ Lược khai hành lý ký gửi (trọng lượng, số lượng, số toa).
+ Tờ khai nhiên liệu, vật liệu, lương thực, thực phẩm của đoàn tàu.
Các giấy tờ nêu trên, Trưởng tàu hoặc người đại diện phải nộp cho Hải quan ga liên vận quốc tế biên giới một bản.
- Hải quan ga liên vận biên giới tiếp nhận các giấy tờ nói trên và làm thủ tục cho tàu xuất.
Điều 6. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, hành lý của hành khách và xe lửa nhập cảnh:
6.1. Đối với hàng hoá nhập khẩu:
6.1.1. Trách nhiệm của Hải quan ga liên vận biên giới:
- Phải có sổ theo dõi hàng hoá nhập khẩu.
- Thu lược khai và các giấy tờ kèm theo.
- Hải quan kiểm tra niêm phong kẹp chì từng toa; đối chiếu, xác nhận vào lược khai để chuyển tiếp ga liên vận nội địa.
- Tại ga liên vận biên giới, hàng hoá nhập khẩu có thể xuống bãi hoặc vào kho của nhà ga, hoặc vào kho riêng của chủ hàng, đều tổ chức giám sát việc bốc hàng vào kho và quản lý hàng hoá cho đến khi làm xong thủ tục Hải quan.
- Trường hợp khi kiểm tra phát hiện niêm phong kẹp chì không còn nguyên vẹn thì phải lập biên bản và kiểm tra ngay tại chỗ hoặc áp tải về ga liên vận nội địa, phối hợp với hải quan ga liên vận nội địa cùng kiểm tra.
6.1.2. Trách nhiệm của Hải quan ga liên vận nội địa:
- Lập sổ theo dõi hàng nhập khẩu.
- Tiếp nhận toa hàng cùng lược khai hàng hoá và các giấy tờ khác kèm theo do Hải quan ga liên vận biên giới bàn giao.
- Giám sát việc phá niêm phong toa xe, việc bốc hàng vào kho và quản lý hàng hoá trong kho cho đến khi làm xong thủ tục hải quan.
- Làm thủ tục cho hàng hoá nhập khẩu theo các quy trình nghiệp vụ hiện hành.
6.2. Đối với hành lý của hành khách nhập cảnh:
6.2.1. Trách nhiệm của Hải quan tại ga liên vận biên giới:
- Tổ chức giám sát trong quá trình tàu dừng tại ga biên giới.
- Hải quan làm thủ tục hành lý ký gửi cùng chuyến và xách tay như quy trình nghiệp vụ Hải quan tại sân bay quốc tế, cửa khẩu quốc tế đường bộ.
6.2.2. Nếu có hàng và hành lý gửi chậm, Hải quan ga liên vận quốc tế Hà nội làm thủ tục theo quy trình nghiệp vụ Hải quan tại trạm trả hàng.
6.3. Đối với xe lửa nhập cảnh.
6.3.1. Xe lửa chở hàng nhập:
- Tại ga liên vận biên giới: Ngay khi tàu nhập cảnh, Trưởng tàu hoặc người đại diện phải nộp cho Hải quan ga biên giới những giấy tờ sau:
+ Lược khai thành phần đoàn tàu, danh sách tờ khai hành lý của tổ lái, nhân viên phục vụ.
+ Lược khai hàng hoá nhập khẩu hoặc giấy giao tiếp thay thế các vận đơn (bản sao) và các giấy tờ liên quan khác, kể cả hàng hoá quá cảnh (nếu có).
+ Tờ khai nhiên liệu, vật liệu, lương thực, thực phẩm của đoàn tàu.
+ Bản trích lược khai hàng hoá dỡ xuống từng ga liên vận nội địa.
Hải quan ga liên vận biên giới kiểm tra các giấy tờ, có thể kiểm tra đối chiếu với thực tế hàng hoá (nếu cần) sau đó đóng dấu "Đã kiểm tra Hải quan" vào các bản khai để chuyển về Hải quan ga liên vận nội địa.
- Tại các ga liên vận nội địa: Ngay sau khi tàu vào ga, Trưởng tàu hoặc người đại diện phải nộp cho Hải quan các giấy tờ sau:
+ Bản trích lược khai hàng hoá nhập khẩu được Hải quan ga liên vận biên giới xác nhận cho phép chuyển về ga liên vận nội địa để làm thủ tục Hải quan (kèm theo bản sao các vận đơn).
+ Giấy giao tiếp hàng quá cảnh (nếu có)
+ Hải quan ga liên vận nội địa kiểm tra và đối chiếu bản khai.
6.3.2. Xe lửa chở hành khách nhập:
Tại ga liên vận biên giới: Ngay sau khi tàu nhập cảnh, Trưởng tàu hoặc người đại diện phải nộp cho Hải quan các giấy tờ sau:
+ Lược khai thành phần đoàn tàu, danh sách và tờ khai hành lý của nhân viên phục vụ.
+ Danh sách hành khách.
+ Danh sách tổ lái và nhân viên phục vụ trên xe lửa.
+ Tờ khai nhiên liệu, vật liệu, lương thực, thực phẩm của đoàn tàu.
+ Tờ khai hành lý ký gửi (trọng lượng, số lượng, số toa).
Điều 7. Hải quan các Tỉnh, Thành phố có ga liên vận Đường sắt quốc tế báo cáo Tổng cục Hải quan về tình hình tàu, hàng hoá và hành khách xuất, nhập qua từng ga theo các quy định trong báo cáo ngày, định kỳ và báo cáo các vụ việc (nếu có).
Điều 8. Tất cả các hành vi vi phạm các quy định nêu trong quy chế này đều phải xử phạt theo Pháp luật hiện hành.
Điều 9. Quy chế tạm thời này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 10. Cục trưởng Cục giám sát quản lý về Hải quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục trưởng cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan và hành khách trên xe lửa liên vận Quốc tế chịu trách nhiệm thi hành quy chế này.
Quyết định 01/TM-TCHQ năm 1996 về Quy chế tạm thời về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, hành lý của khách hàng, xe lửa liên vận quốc tế xuất nhập cảnh do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- Số hiệu: 01/TM-TCHQ
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/01/1996
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan
- Người ký: Bùi Duy Bảo, Tạ Cả
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 20/01/1996
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra