Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 01/2006/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 04 tháng 01 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH CỦA TRUNG TÂM DỊCH VỤ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản;
Căn cứ Thông tư số 03/2005/TT-BTP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ;
Căn cứ Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức, hoạt động và cơ chế tài chính của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện thuộc thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính (B/c);
- Bộ Tư pháp (B/c);
- TVTU, TTHĐND thành phố (B/c);
- Đoàn ĐBQH thành phố (B/c);
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp (B/c);
- Các Sở, Ban, ngành;
- Sở Tư pháp;
- Lưu: VP UBND TP, Sở Nội vụ.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Tuấn Anh

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH CỦA TRUNG TÂM DỊCH VỤ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2006/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp được thành lập theo Quyết định số 1540/QĐ-UB ngày 03 tháng 6 năm 1997 của Ủy ban nhân dân lâm thời thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định hiện hành.

Trụ sở Trung tâm đặt tại số 16, đường Bạch Đằng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Điều 3. Trung tâm thực hiện cơ chế tài chính theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Chương 2.

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 4. Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thực hiện nhiệm vụ bán đấu giá các loại tài sản quy định tại Điều 5 của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

Điều 5. Tổ chức bộ máy Trung tâm

1. Bộ máy Trung tâm gồm: Giám đốc, Phó giám đốc, đấu giá viên, và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ giúp việc;

2. Giám đốc Trung tâm do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm, là người chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm;

3. Phó giám đốc Trung tâm do Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, có nhiệm vụ giúp Giám đốc Trung tâm trong quản lý, điều hành hoạt động của Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về lĩnh vực được phân công phụ trách;

4. Đấu giá viên là người trực tiếp điều hành cuộc bán đấu giá theo quy định pháp luật; Đấu giá viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

Giám đốc, Phó giám đốc Trung tâm phải là Đấu giá viên;

5. Kế toán Trung tâm có trách nhiệm tổ chức và thực hiện quản lý tài chính của Trung tâm theo quy định của pháp luật về kế toán.

6. Biên chế của Trung tâm là biên chế sự nghiệp do Giám đốc Sở Tư pháp phân bổ trong tổng số biên chế sự nghiệp được UBND thành phố giao cho Sở.

Chương 3.

HOẠT ĐỘNG BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Điều 6. Cơ chế hoạt động của Trung tâm

Hoạt động bán đấu giá của Trung tâm được thực hiện theo Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, Thông tư số 03/2005/TT-BTP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP , Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá và các quy định pháp luật có liên quan.

Trong từng cuộc bán đấu giá cụ thể, Trung tâm xây dựng nội quy bán đấu giá cho phù hợp để hoạt động bán đấu giá lành mạnh, công khai, chống các hành vi thỏa hiệp, thông đồng dìm giá của khách hàng tham gia đấu giá.

Điều 7. Xác định giá khởi điểm tài sản để bán đấu giá

1. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước: Người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ mời đại diện cơ quan tài chính cùng cấp để định giá tang vật, phương tiện vi phạm;

2. Tài sản nhà nước do cơ quan có thẩm quyền thuộc cấp nào ra quyết định xử phạt tài sản bán đấu giá thì cơ quan tài chính nhà nước cấp đó xác định giá khởi điểm;

3. Đối với tài sản thuộc loại khó định giá hoặc trong trường hợp cần thiết phải bán đấu giá tài sản bằng hình thức bí mật về giá khởi điểm thì việc định giá do Hội đồng định giá xác định. Hội đồng định giá do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thành lập, thành phần Hội đồng gồm:

- Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính - Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp   - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng;

- Đại diện cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu (hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu) - Phó Chủ tịch Hội đồng;

- Tùy theo tính chất, đặc điểm của tài sản cần định giá, Chủ tịch Hội đồng có thể mời thêm cơ quan chuyên môn, kỹ thuật.

4. Đối với tài sản để thi hành án, việc định giá thực hiện theo quy định pháp luật về thi hành án.

5. Đối với tài sản bán đấu giá của các tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân đó tự định giá hoặc có thể ủy quyền cho Trung tâm định giá tài sản.

Trường hợp tổ chức, cá nhân ủy quyền cho Trung tâm định giá tài sản thì Trung tâm mời các cơ quan chuyên môn hoặc tổ chức có chức năng tư vấn và thẩm định giá để xác định giá khởi điểm tài sản.

Điều 8. Chuyển giao tài sản để bán đấu giá

Tài sản bán đấu giá sau khi đã xác định giá khởi điểm, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý tài sản chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan, biên bản định giá tài sản cho Trung tâm để bán đấu giá.

Đối với tài sản bán đấu giá là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên trong một vụ vi phạm, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định tịch thu, cơ quan ra quyết định tịch thu chuyển hồ sơ liên quan và biên bản định giá tài sản cho Trung tâm để bán đấu giá. Trường hợp tài sản bán đấu giá bằng hình thức bí mật về giá khởi điểm, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định tịch thu, cơ quan ra quyết định tịch thu phải chuyển hồ sơ liên quan cho Trung tâm để tiến hành thủ tục bán đấu giá.

Điều 9. Ký kết hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản

Việc bán đấu giá tài sản được thực hiện bằng hình thức ký kết hợp đồng ủy quyền bán đấu giá giữa người có tài sản bán đấu giá với Trung tâm theo quy định tại Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Việc bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước được thực hiện thông qua hợp đồng ủy quyền ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản.

Điều 10. Đăng ký mua tài sản bán đấu giá

1. Người muốn tham gia đấu giá tài sản phải có đơn đăng ký mua đấu giá tài sản theo mẫu do Trung tâm quy định trong thời hạn mà Trung tâm đã thông báo; nộp tiền đặt trước không quá 5% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá, nộp phí đăng ký đấu giá theo quy định;

2. Đối với những tài sản, hàng hóa đòi hỏi người mua phải có giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc các điều kiện khác theo quy định của pháp luật thì người đăng ký mua đấu giá phải cung cấp các giấy tờ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh loại tài sản, hàng hóa này cho Trung tâm.

3. Người không được tham gia đấu giá tài sản:

a) Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

b) Người làm việc trong Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, người trực tiếp giám định, định giá tài sản đó, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của những những người đó;

c) Người có tài sản bán đấu giá;

d) Người không có quyền mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật;

4. Người đã đăng ký tham gia đấu giá tài sản nếu không trực tiếp tham gia cuộc bán đấu giá tài sản thì có thể ủy quyền bằng văn bản (có chứng nhận của công chứng nhà nước) cho người khác thay mình tham gia cuộc bán đấu giá tài sản.

Điều 11. Hình thức đấu giá tài sản

Việc bán đấu giá có thể tiến hành bằng một trong các hình thức sau:

1. Đấu giá trực tiếp bằng lời nói;

2. Đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu;

3. Đấu giá qua mạng Internet;

4. Đấu giá bằng hình thức khác (do người có tài sản bán đấu giá và người bán đấu giá thỏa thuận)

Điều 12. Tổ chức cuộc bán đấu giá

Đấu giá viên là người trực tiếp điều hành cuộc bán đấu giá. Người ủy quyền bán đấu giá là thành viên tham gia chứng kiến việc bán đấu giá. Tùy thuộc vào loại tài sản bán đấu giá, Trung tâm mời thêm các thành viên khác tham gia chứng kiến việc bán đấu giá.

1. Việc tổ chức cuộc bán đấu giá được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ, Thông tư số 03/2005/TT-BTP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Bộ Tư pháp.

2. Trong trường hợp đấu giá bí mật về giá khởi điểm để chống các hành vi thông đồng, thỏa hiệp của khách hàng mua đấu giá, thì việc tổ chức cuộc bán đấu giá được thực hiện như sau:

Trước khi tiến hành cuộc bán đấu giá, Hội đồng định giá xác định giá khởi điểm tài sản.

Giá khởi điểm được giữ bí mật cho đến khi người tham gia đấu giá tài sản trả xong mức giá đấu. Người tham gia đấu giá tài sản tiến hành đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu hoặc bằng lời nói cho đến khi đạt mức giá cao nhất. Người trúng đấu giá tài sản là người có mức giá đấu cao nhất và không thấp hơn giá khởi điểm tài sản bán đấu giá.

Trường hợp mức đấu giá cao nhất thấp hơn giá khởi điểm tài sản bán đấu giá thì tổ chức đấu giá lại, nếu không có ai trả giá cao hơn giá khởi điểm tài sản thì người điều hành cuộc bán đấu giá công bố giá khởi điểm tài sản. Sau khi người điều hành cuộc bán đấu giá công bố giá khởi điểm tài sản, nếu có người trả giá mua tài sản ít nhất bằng giá khởi điểm thì Hội đồng cuộc bán đấu giá có thể xem xét bán tài sản cho người đó.

3. Trong trường hợp bán đấu giá không thành hoặc hết thời hạn đăng ký đấu giá mà không có người đăng ký mua tài sản thì Trung tâm thông báo bằng văn bản cho bên ủy quyền biết để gia hạn hợp đồng hoặc định giá lại tài sản cho phù hợp với giá thị trường và điều chỉnh lại hợp đồng ủy quyền bán đấu giá để các bên tiếp tục thực hiện.

Điều 13. Giao tài sản, giấy tờ liên quan, hóa đơn bán hàng cho người trúng đấu giá

1. Tài sản đã bán đấu giá được giao cho người mua sau khi người mua đã nộp đủ các khoản tiền theo quy định. Việc giao tài sản cho người mua được tiến hành giữa bên ủy quyền, bên được ủy quyền và người mua tài sản. Thời hạn giao tài sản do các bên thỏa thuận nhưng không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày người mua nộp đủ tiền mua tài sản, trừ trường hợp tài sản bán đấu giá là tài sản thi hành án được thực hiện theo quy định pháp luật về thi hành án;

2. Người mua sau khi nộp đủ tiền mua tài sản được cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan về tài sản bán đấu giá, hóa đơn bán hàng, (trong trường hợp pháp luật quy định phải có hóa đơn bán hàng);

Việc cung cấp hóa đơn bán hàng cho người trúng đấu giá do Trung tâm trực tiếp thực hiện đối với tài sản bán đấu giá là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung công quỹ; tài sản bị tịch thu sung công quỹ nhà nước khác; tài sản xác lập quyền sở hữu của nhà nước theo quy định pháp luật phải bán đấu giá, các loại tài sản còn lại được đơn vị ủy quyền bán đấu giá trực tiếp cung cấp hóa đơn cho người trúng đấu giá.

Điều 14. Thanh lý hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản

1. Trường hợp tài sản bán đấu giá thành, người mua nộp đủ số tiền và nhận tài sản thì các bên tiến hành thanh lý hợp đồng, tiền bán đấu giá tài sản sau khi trừ các chi phí bán đấu giá, phí đấu giá và các khoản phải nộp khác, Trung tâm chuyển trả cho bên ủy quyền.

Đối với tài sản bán đấu giá là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước; tài sản xác lập quyền sở hữu nhà nước; tài sản bị tịch thu sung quỹ nhà nước khác thì không thu phí đấu giá. Số tiền bán tài sản sau khi trừ các chi phí phục vụ công tác bán đấu giá và khoản được trích lại, Trung tâm nộp toàn bộ vào tài khoản tạm gửi của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước và chuyển giao giấy tờ thu, chi cho cơ quan tài chính kiểm tra, theo dõi.

2. Trường hợp tài sản bán đấu giá không thành, bên được ủy quyền trả lại tài sản bán đấu giá, giấy tờ liên quan cho bên ủy quyền. Bên ủy quyền thanh toán cho bên được ủy quyền các chi phí thực tế, hợp lý cho việc bán đấu giá tài sản mà các bên đã thỏa thuận.

Đối với tài sản bán đấu giá không thành là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tịch thu sung quỹ nhà nước; tài sản sung quỹ nhà nước khác; tài sản xác lập quyền sở hữu của nhà nước, các chi phí (nếu có) theo quy định tại điểm c, d, đ khoản 3 Điều 16 Quy chế này được trừ vào tiền bán đấu giá tài sản lần sau hoặc do ngân sách nhà nước cấp.

Chương 4.

CƠ CHẾ TÀI CHÍNH CỦA TRUNG TÂM

Điều 15. Nguồn tài chính của Trung tâm

1. Ngân sách nhà nước cấp:

a) Kinh phí hoạt động thường xuyên của Trung tâm.

b) Vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang, thiết bị phục vụ cho hoạt động bán đấu giá;

2. Thu từ hoạt động bán đấu giá tài sản:

a) Tiền được để lại của Phí đấu giá theo quy định,

b) Phí do người đăng ký mua đấu giá nộp, kể cả trường hợp bán đấu giá tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước;

c) Khoản thu dịch vụ do tổ chức, cá nhân ủy quyền làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản trúng đấu giá và các dịch vụ khác;

d) Các khoản được khấu trừ vào tiền bán tài sản của đơn vị ủy quyền theo quy định pháp luật hoặc theo thỏa thuận;

đ) Phần được trích lại 2% tiền bán tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước; tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước; tài sản bị tịch thu sung công khác;

e) Những khoản thu hợp pháp khác.

Điều 16. Nội dung chi của Trung tâm

1. Chi cho hoạt động thường xuyên của Trung tâm:

a) Chi lương, phụ cấp, trợ cấp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn … cho cán bộ công chức, hợp đồng lao động của Trung tâm;

b) Chi phí vật tư văn phòng, điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm …;

c) Công tác phí, nghiệp vụ phí; xăng, xe đi công tác;

d) Chi cho sửa chữa thường xuyên cơ sở vật chất;

2. Chi cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động bán đấu giá;

3. Chi hoạt động nghiệp vụ

a) Chi cho việc tuyên truyền hoạt động bán đấu giá tài sản;

b) Chi cho việc niêm yết, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng đối với tài sản bán đấu giá;

c) Chi cho việc lưu kho, lưu bãi, giao nhận tài sản; dán tem tài sản đối với hàng hóa, tài sản có nguồn gốc nhập khẩu;

d) Chi cho việc trưng cầu các cơ quan chuyên môn giám định chất lượng sản phẩm, tài sản (trong trường hợp cần thiết);

đ) Chi cho việc định giá; tổ chức cuộc bán đấu giá; giao tài sản cho người trúng đấu giá;

e) Chi cho cuộc họp, hội nghị về bán đấu giá tài sản;

g) Chi nộp thuế đối với hoạt động dịch vụ theo Luật thuế quy định;

4. Các khoản chi ở điểm c, d, đ khoản 3 Điều này được trừ vào tiền bán đấu giá tài sản;

5. Những khoản chi hợp pháp khác.

Điều 17. Trung tâm có trách nhiệm mở sổ sách kế toán để theo dõi, ghi chép đầy đủ, phản ánh kịp thời các khoản thu, chi và thực hiện chế độ báo cáo hoạt động tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 18. Trong thời gian 12 tháng kể từ khi thực hiện việc bán đấu giá tài sản theo nhiệm vụ được bổ sung, ngân sách thành phố hỗ trợ kinh phí cho hoạt động thường xuyên của Trung tâm. Hết thời hạn này, Trung tâm hoạt động theo chế độ đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần chi phí theo quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp có thu.

Điều 19. Định kỳ hằng tháng, quý, năm Trung tâm báo cáo tình hình hoạt động cho Giám đốc Sở Tư pháp. Hằng năm Trung tâm báo cáo kết quả hoạt động cho UBND thành phố.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Cán bộ, công chức của Trung tâm có thành tích xuất sắc trong công tác được khen thưởng theo quy định hiện hành.

Mọi hành vi vi phạm các quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản và Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Điều 21. Trong quá trình thực hiện Quy chế nếu phát sinh vướng mắc các đơn vị, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 01/2006/QĐ-UBND Quy chế về tổ chức, hoạt động và cơ chế tài chính của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

  • Số hiệu: 01/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/01/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Hoàng Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản