Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 739-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 1956 

 

QUY TẮC

TỔ CHỨC HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG NÔNG THÔN

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Hợp tác xã tín dụng là một tổ chức vay mượn do nhân dân lao động ở nông thôn tự nguyện lập nên, có nhiệm vụ:

1) Giúp vốn cho nông dân lao động và dân nghèo ở nông thôn phát triển sản xuất nông nghiệp, nghề phụ, nghề thủ công, tiểu công, và giải quyết những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày;

2) Hạn chế và xóa bỏ dần dần nạn cho vay nặng lãi;

3) Tổ chức điều hòa vốn.

Hợp tác xã tín dụng có quan hệ mật thiết với Ngân hàng quốc gia Việt Nam và được Ngân hàng quốc gia Việt Nam giúp đỡ về mọi mặt.

Điều 2. – Hợp tác xã tín dụng hoạt động theo chính sách tiền tệ của Chính phủ, nên phải ở dưới sự chỉ đạo của của Ngân hàng Nhà nước về mặt nghiệp vụ như sau:

1) Quản lý tiền gửi của xã viên, của người ngoài hợp tác xã, của các tổ chức trong thôn xã;

2) Làm kế hoạch cho vay theo đúng chính sách của Chính phủ;

3) Tùy theo khả năng được Ngân hàng giao cho làm một số côgng việc như: cho vay, thu nợ, v.v….

Điều 3. – Hợp tác xã tín dụng giúp đỡ cho xã viên và cả những người lao động nghèo chưa vào hợp tác xã vay vốn nhẹ lãi. Mức lãi cho vay của Hợp tác xã phải được Ngân hàng tỉnh xét duyệt, Hợp tác xã tín dụng không cho vay thương nghiệp.

Chương 2:

XÃ VIÊN

Điều 4. – Nông dân lao động và những dân nghèo ở nông thôn từ 16 tuổi trở lên (trừ những người mất quyền công dân) đều có thể xin vào hợp tác xã tín dụng. Việc vào là do tự nguyện, Việc xin vào, xin ra được tự do,

Điều 5. – Ai muốn vào Hợp tác xã phải có xã viên cũ giới thiệu và được Ban quản lý Hợp tác xã đồng ý.

Sau khi đã nộp tiền vào xã và tiền cổ phần thì được công nhận là xã viên chính thức và được cấp giấy chứng nhận.

Mỗi xã viên nộp một cổ phần. tiền cổ phần có thể định từ 2.000đ đến 3.000đ tùy theo tình hình kinh tế địa phương. Tiền vào xã có thể định từ 200đ đến 300đ, và phải chỉ phải nộp một lần.

Điều 6. – Khi xã viên ra Hợp tác xã thì được trả lại cổ phần. Nếu chết thì cổ phần sẽ được trả lại cho người thừa kế hợp pháp. Khi chuyển chổ ở, cũng được trả lại cổ phần, hoặc gửi cổ phần đó đến Hợp tác xã nơi đến. Còn tiền vào xã thì không được trả lại.

Điều 7. – Xã viên được hưởng những quyền lợi sau đây:

1) Được vay vốn của Hợp tác xã.

2) Có quyền bầu cử, ứng cử vào Ban quản lý và Ban kiểm soát của hợp tác xã.

3) Có quyền thảo luận, đề nghị, phê bình, kiểm soát về mọi công việc của hợp tác xã.

Xã viên có nhiệm vụ:

1) Nộp tiền vào Hợp tác xã, tiền cổ phần, và gửi tiền vào hợp tác xã.

2) Tuân theo điều lệ, chấp hành nghị quyết và bảo vệ tài sản của Hợp tác xã.

3) Vay trả sòng phẳng; động viên người khác gửi tiền vào Hợp tác xã; kiểm soát việc dùng vốn của Hợp tác xã cho vay.

4) Tuyên truyền chính sách, giới thiệu xã viên mới.

Điều 8. – Xã viên nào có thành tích tốt sẽ được khen thưởng, xã viên nào làm trái điều lệ và nghị quyết của Hợp tác xã thì tùy lỗi nặng nhẹ mà phê bình, cảnh cáo và có thể khai trừ ra khỏi Hợp tác xã.

Chương 3:

                                                        TỔ CHỨC HỢP TÁC XÃ

Điều 9. - Hợp tác xã tín dụng nông thôn lấy xã làm đơn vị tổ chức. Mỗi Hợp tác xã sẽ chia thành nhiều tổ theo đơn vị sản xuất hoặc nơi ở của xã viên.

Điều 10. - Hợp tác xã tín dụng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Cơ quan lãnh đạo và cơ quan kiểm soát của Hợp tác xã đều do Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội toàn thể xã viên bầu ra. Xã viên có quyền bãi bỏ những đại biểu mà mình đã bầu.

Điều 11. – Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội toàn thể xã viên là cơ quan có quyền cao nhất của Hợp tác xã.

Đại biểu xã viên do xã viên trực tiếp bầu ra.

Điều 12. – Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội toàn thể xã viên nửa năm họp một lần. Nếu cần thì có thể họp bất thường. Đại hội do Ban quản lý triệu tập

Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội toàn thể xã viên có quyền hạn sau đây:

1) Thông qua điều lệ hay sửa đổi điều lệ của Hợp tác xã.

2) Bầu cử hay bãi bỏ những người trong Ban quản lý, Ban kiểm soát.

3) Thảo luận và thông qua các thể lệ và kế hoạch về nghiệp vụ, về tài vụ, mức lãi cho vay, mức lãi tiền gửi vào Hợp tác xã.

4) Thảo luận các báo cáo và chương trình công tác của Hợp tác xã.

5) Quyết định khen thưởng, xử phạt cán bộ và xã viên.

Điều 13. – Ban quản lý bầu ra chủ tịch và một phó chủ tịch của ban.

Ban quản lý mỗi tháng họp một lần, do chủ tịch triệu tập và có đại biểu Ban kiểm soát tham dự.

Ban quản lý có những quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:

1) Chấp hành nghị quyết của Đại hội đại biểu xã hay Đại hội toàn thể xã viên.

2) Làm báo cáo công tác và dự thảo các đề án, chương trình công tác.

3) Giải quyết công việc hàng ngày.

4) Giữ gìn tài sản của Hợp tác xã và đôn đốc thu nợ đúng hạn.

5) Quyết định cho xã viên vay tiền: gửi tiền thừa của Hợp tác xã vào Ngân hàng quốc gia: trả lại những món tiền của xã viên hay của những người ngoài Hợp tác xã gửi vào Hợp tác xã.

6) Giao dịch với các tổ đổi công, Hợp tác xã mua bán, Hợp tác xã nông nghiệp và Ngân hàng quốc gia.

7) Kết nạp xã viên mới.

Điều 14. – Ban kiểm soát bầu ra một chủ tịch và một phó chủ tịch của ban.

Ban kiểm soát mỗi tháng họp một lần và do chủ tịch triệu tập, Những nghị quyết của Ban kiểm soát đều phải gửi cho Ban quản lý biết.

Ban kiểm soát có quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:

1) Kiểm tra, đôn đốc Ban quản lý trong việc chấp hành mọi nghị quyết của Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội toàn thể xã viên. Nếu thấy Ban quản lý có sai lầm thì đề nghị Ban quản lý sửa chữa hoặc triệu tập Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội toàn thể xã viên để giải quyết, đồng thời báo cáo lên Ủy ban hành chính xã.

2) Thu thập ý kiến, nguyện vọng của xã viên để đưa cho Ban quản lý xét và giải quyết.

3) Báo cáo công tác trước Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội toàn thể xã viên.

4) Dự các hội nghị của Ban quản lý.

Điều 15. – Tất cả những nghị quyết của Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội toàn thể xã viên, của Ban quản lý và của Ban kiểm soát phải được quá nửa số người đến dự hội nghị tán thành thì mới có giá trị.

Điều 16. – Mỗi tổ tín dụng có một tổ trưởng do xã viên trong tổ bầu ra.

Tổ trưởng có nhiệm vụ:

1) Tìm hiểu sự túng thiếu của xã viên để hướng dẫn tổ bình nghị và giới thiệu xã viên lên Ban quản lý xét để cho vay tiền.

2) Kiểm soát xã viên trong việc dùng số tiền vay của Hợp tác xã và đôn đốc xã viên trả nợ đúng hạn.

3) Truyền đạt nghị quyết của Ban quản lý và đưa những ý kiến của xã viên lên Ban quản lý.

Điều 17. – Thời hạn làm việc của đại biểu xã viên, của Ban quản lý, Ban kiểm soát và tổ trưởng là một năm. Hết một năm thì phải tổ chức bầu cử lại.

Chương 4:

VỐN, MỨC LÃI, CHẾ ĐỘ SỔ SÁCH VÀ QUYẾT TOÁN

Điều 18. – Tiền vốn của Hợp tác xã gồm có:

1) Tiền cổ phần và tiền vào xã.

2) Tiền của xã viên và của những người ngoài Hợp tác xã gửi vào Hợp tác xã.

3) Các khoản tiền thu nhập khác.

Điều 19. - Hợp tác xã phải có sổ sách, kế toán minh bạch. Xuất tiền, dù là món nhỏ, phải có giấy tờ, hóa đơn hợp lệ.

Điều 20. –Cuối năm, Hợp tác xã phải làm quyết toán.

Nếu có lãi thì sử dụng như sau:

- Bỏ thêm vào vốn của Hợp tác xã.

- Dùng vào những công việc lợi ích chung của Hợp tác xã, phụ cấp cho cán bộ Hợp tác xã, khen thưởng cán bộ và xã viên.

Lúc đầu, nơi nào quần chúng yêu cầu thì có thể trích từ 15% đến 20% số lãi chia cho cổ phần để khuyến khích.

Nếu lỗ vốn thì phải trích quỹ Hợp tác xã mà bù vào. Mỗi xã viên phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản lỗ của Hợp tác xã trong phạm vi cổ phần của mình.

Báo cáo quyết toán, dự án chia lãi, bù lỗ phải do Ban kiểm soát xét lại, Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội toàn thể xã viên thông qua mới được thi hành.

Chương 5:

THÀNH LẬP, GIẢI TÁN HỢP TÁC XÃ

Điều 21.- Hợp tác xã chỉ được thành lập nếu có đủ hai điều kiện sau đây:

1) Chương trình, điều lệ Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội toàn thể xã viên thông qua.

2) Ủy ban hành chính huyện cho phép.

Điều 22. – Nếu vì một lý do nào đó mà một Hợp tác xã phải ngừng hoạt động hay giải tán thì phải do Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội toàn thể xã viên quyết định và Ủy ban hành chính huyện đồng ý.

Trước khi giải tán Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội toàn thể xã viên phải cử đại biểu cùng với đại biểu của Ngân hàng quốc gia phải đến tổ chức ra một bản thanh toán các khoản tiền quỹ và các khoản tiền nợ. Ban này làm việc xong phải báo kết quả cho Đại hội.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN PHỤ

Điều 23. – Mỗi Hợp tác xã tín dụng nông thôn sẽ căn cứ vào quy tắc này mà định ra điều lệ của mình cho thích hợp.

Điều 24. – Ngân hàng quốc gia Việt Nam chịu trách nhiệm giải thích bản quy tắc này.

Ban hành chiếu theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ tháng 2 năm 1956.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy tắc số 739-TTg về việc tổ chức hợp tác xã tín dụng nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 739-TTg
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 17/04/1956
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản