Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 6-NH/CT

Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 1985

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC XÂY DỰNG, CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG

Thi hành Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, Chỉ thị số 13-NH/CT ngày 28-7-1983 cùng các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tích cực triển khai việc xây dựng củng cố và phát triển hợp tác xã tín dụng và đã đạt được nhiều kết quả tốt.

Đến nay, các tỉnh phía Nam đã hoàn thành về cơ bản việc xây dựng, trên 80% số xã đủ điều kiện đã xây dựng hợp tác xã tín dụng, đã thu hút 30% số lao động gia nhập hợp tác xã tín dụng, với số vốn cổ phần trên 130 triệu đồng. ở phía Bắc, hầu hết các tỉnh, thành phố đã tiến hành củng cố hợp tác xã tín dụng, đạt gần 70% số cơ sở cũ, thu được trên 50 triệu đồng cổ phần mới.

Nhìn chung, phong trào hợp tác xã tín dụng mới được xây dựng và củng cố về mặt tổ chức, chưa đẩy mạnh các mặt hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; số vốn huy động và cho vay ra chưa đáng kể so với khối lượng tiền đọng cũng như nhu cầu vốn trong sản xuất và đời sống ở nông thôn.

Trước yêu cầu hiện nay, theo tình thần Nghị quyết lần thứ 6, 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, các hợp tác xã tín dụng phải mở rộng các hoạt động kinh doanh có kế hoạch, có hiệu quả, theo nguyên tắc hợp tác xã tín dụng là một đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, tự chủ về tài chính, đẩy mạnh huy động vốn và mở rộng cho vay, tự bảo đảm mọi chi phí và kinh doanh có lãi, chịu trách nhiệm về tài sản và vốn hoạt động của mình với tư cách pháp nhân của một tổ chức kinh tế tập thể. Phải làm cho phong trào thực sự trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, vì lợi ích thiết thực của nhân dân lao động. Hướng hoạt động của hợp tác xã tín dụng, đi vào nhiệm vụ chính là phục vụ kinh tế gia đình phát triển đúng hướng, giải quyết một phần khó khăn về đời sống, gắn hoạt động của các hợp tác xã tín dụng với hoạt động của các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp, của hợp tác xã mua bán và các hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp; đồng thời làm tốt các nghiệp vụ được ngân hàng uỷ nhiệm.

Việc chỉ đạo xây dựng, củng cố và phát triển hợp tác xã tín dụng là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và phải được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, cụ thể của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; trước mắt cần phải nắm vững các chủ trương và biện pháp dưới đây để chỉ đạo và tổ chức thực hiện:

I- XÂY DỰNG MỚI VÀ CỦNG CỐ TỔ CHỨC HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG

1. Các tỉnh và thành phố phía Nam cần khẩn trương hoàn thành việc xây dựng hợp tác xã tín dụng ở những xã có đủ điều kiện trong năm nay và tiếp tục củng cố các hợp tác xã đã được xây dựng, đưa các đơn vị này đi vào hoạt động thực sự.

2. Ở các tỉnh, thành phố phía Bắc, tiếp tục củng cố các hợp tác xã tín dụng trên cả 3 mặt tổ chức, nghiệp vụ và kế toán tài vụ. Những xã đã củng cố về tổ chức, cần đẩy mạnh các mặt hoạt động nghiệp vụ, nhất là các nghiệp vụ tự kinh doanh.

3. Xây dựng hợp tác xã tín dụng ở những phường cần thiết thuộc các thị trấn, thị xã và thành phố trong cả nước. Hợp tác xã tín dụng phường được phép thực hiện theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của hợp tác xã tín dụng ở nông thôn ban hành theo Quyết định số 52/NH-QĐ ngày 2-6-1983 và theo Chỉ thị số 13/NH-CT ngày 28-7-1983 của Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hợp tác xã tín dụng được xây dựng theo quy mô phường, mỗi phường thành lập một hợp tác xã tín dụng, không tổ chức hợp tác tín dụng ở cấp quận, huyện.

Những phường đã có quỹ tiết kiệm, việc huy động vốn trong dân được tiến hành song song hai hình thức tiền gửi tiết kiệm xã hội chủ nghĩa do quỹ tiết kiệm đảm nhiệm; tiền gửi nhân dân và tiền gửi các đoàn thể xã hội ở phường do hợp tác xã tín dụng đảm nhiệm.

Việc tổ chức, chỉ đạo xây dựng và củng cố hợp tác xã tín dụng phường do Vụ tín dụng nông nghiệp đảm nhiệm.

II. TĂNG CƯỜNG VÀ MỞ RỘNG CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG TRONG CẢ NƯỚC

1. Tăng cường huy động vốn, hợp tác xã tín dụng phải tự huy động vốn để có đủ vốn cho vay.

Nguồn vốn cổ phần, các hợp tác xã tín dụng cần vận động sâu rộng việc phát triển xã viên, thu hút thêm cổ phần tới hầu hết những người đến tuổi lao động gia nhập hợp tác xã tín dụng. Những nơi quy định mức cổ phần thấp , cần thông qua đại hội xã viên để ấn định lại ,ở phường nên quy định mức cổ phần 200 đồng trở lên . Ngoài cổ phần định mức, cần vận động xã viên có khả năng góp nhiều suất cổ phần.

Tích cực tuyên truyền, tổ chức, vận động nhân dân gửi tiền vào hợp tác xã tín dụng, áp dụng đúng đắn mức lãi suất quy định, thực hiện gửi vào thuận tiện, lấy ra dễ dàng, trả đầy đủ cả vốn và lãi. Cần tổ chức những tổ tín dụng ở thôn, xóm, khu phố, đội sản xuất để thu hút những món tiền nhỏ nhàn rỗi hàng ngày của nhân dân vào tiền gửi của hợp tác xã tín dụng hoặc tiền gửi tiết kiệm xã hội chủ nghĩa. Tiền tiết kiệm là vốn huy động của ngân hàng, hợp tác xã tín dụng phải thanh toán đầy đủ với quỹ tiết kiệm theo từng định kỳ thanh toán.

Quản lý quỹ tiền mặt của các đoàn thể, tổ chức xã hội, tôn giáo, quỹ của các tổ chức kinh tế tập thể ở xã, được ngân hàng uỷ nhiệm quản lý, bao gồm các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã mua bán xã ở xa ngân hàng.

2. Mở rộng cho vay của hợp tác xã tín dụng.

Ngoài các đối tượng cho vay ngắn hạn sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt đối với xã viên và nhân dân đã được quy định, tuỳ theo điều kiện cụ thể, những hợp tác xã tín dụng có khả năng huy động được nhiều vốn, có thể mở rộng cho vay:

- Cho vay chi phí sản xuất để thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi;

- Cho vay cán bộ, công nhân viên là xã viên hợp tác xã tín dụng, nếu đối tượng đó chưa được vay vốn của quỹ tiết kiệm;

- Cho vay các hộ sản xuất tiểu thủ công, tiểu thương lao động có đăng ký kinh doanh;

- Cho vay phần tư doanh của hợp tác xã mua bán xã;

- Riêng đối với các khoản chi phí sản xuất của hợp tác xã; tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, của tổ chức kinh tế khác trong những trường hợp cần mua sắm những khoản nhỏ bằng tiền mặt mà hợp tác xã tín dụng có đủ vốn thì cũng có thể cho vay. Trong trường hợp tác xã tín dụng không có vốn thì ngân hàng trực tiếp cho vay. Những tổ chức kinh tế tập thể thuộc những xã ở xa ngân hàng, được giám đốc Ngân hàng cơ sở xem xét và cho phép mở tài khoản tiền gửi thanh toán, nộp và rút tiền mặt tại hợp tác xã tín dụng.

Việc cho vay phải bảo đảm đúng chính sách, phương hướng, có kế hoạch, được sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu.

3. Hợp tác xã tín dụng tự huy động nguồn vốn để mở rộng cho vay, ngân hàng không tiếp vốn và cũng không khuyến khích hợp tác xã tín dụng gửi tiền vào ngân hàng. Chi nhánh ngân hàng huyện giúp hợp tác xã tín dụng làm tốt công tác kế hoạch hoá, bảo đảm huy động được nhiều vốn, cho vay ra kịp thời, có hiệu quả, không để đọng vốn. Các chi nhanh ngân hàng huyện, quận căn cứ vào tình hình khả năng nguồn vốn của từng hợp tác xã tín dụng để sắp xếp lại đối tượng cho vay của ngân hàng một cách hợp lý và hướng dẫn hợp tác xã tín dụng mở rộng cho vay theo điểm 2 mục II.

Số vốn ngân hàng đã cho hợp tác xã tín dụng vay phải thu hồi về dần, căn cứ vào thời hạn hợp tác xã tín dụng phải trả ghi trên khế ước vay vốn.

4. Nhiệm vụ làm uỷ nhiệm cho ngân hàng đối với những hợp tác xã tín dụng mới xây dựng thì tuỳ theo yêu cầu từng nơi và khả năng của hợp tác xã tín dụng mà giao từng nghiệp vụ hay một số mặt nghiệp vụ. Khi giao hợp tác xã tín dụng làm uỷ nhiệm, cần tập huấn, hướng dẫn kỹ và chấp hành dúng các quy định về hạch toán, thanh toán, kiểm tra...

Đối với các hợp tác xã tín dụng phường, không giao làm các nghiệp vụ uỷ nhiệm về tín dụng, tiền tệ.

III. THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG

Hội đồng Bộ trưởng đã có nghị định sửa đổi một số mức lãi suất của ngân hàng và hợp tác xã tín dụng. Ngân hàng Trung ương có thông tư hướng dẫn thi hành biểu lãi suất mới của hợp tác xã tín dụng, giám đốc ngân hàng tỉnh, thành phố và đặc khu có trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân quy định và từng thời gian điều chỉnh mức lãi suất cụ thể cho sát hợp ở từng địa phương, nhằm khuyến khích được nhân dân gửi tiền, đồng thời mở rộng được cho vay, kích thích được sản xuất , bảo đảm đủ chi phí cho hợp tác xã tín dụng hoạt động và có tích luỹ hợp lý. Cần hướng dẫn và kiểm tra chặt chẽ, đề phòng việc lợi dụng sự chênh lệch giữa các loại lãi suất và những khi thay đổi mức lãi suất.

Về phụ cấp hàng tháng, các quyền lợi khác đối với cán bộ thường trực hợp tác xã tín dụng. Ngân hàng Trung ương không quy định cụ thể mà do Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ vào chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần đối với cán bộ xã, định mức thu nhập hàng tháng (bao gồm cả thu nhập bằng tiền và hiện vật) cho cán bộ thường trực tương quan với cấn bộ chủ chốt xã, phường. Trường hợp chưa được giải quyết bằng hiện vật thì có thể tính bằng tiền để bảo đảm thu nhập và đời sống cho cán bộ thường trực hợp tác xã tín dụng. Các khoản chi phí phụ cấp cho cán bộ hợp tác xã tín dụng tự giải quyết. Cơ sở nào thu nhập còn thấp hoặc không đủ, phải có biện pháp đẩy mạnh các mặt hoạt động nghiệp vụ, trước mắt, giám đốc ngân hàng cơ sở xem xét tạm ứng tối đa không quá 6 tháng và phải thu hồi về hết sau 12 tháng. Ngân hàng xét trợ cấp đối với những hợp tác xã tín dụng mới xây dựng trong thời gian đầu chưa có thu nhập, mức trợ cấp cho mỗi hợp tác xã tín dụng tối đa 1.000 đồng một tháng trong thời gian 6 tháng, các cơ sở miền núi 12 tháng.

Trong khi chờ nghiên cứu chế độ hưu trí đối với cán bộ thường trực, các địa phương cần chấn chỉnh lại tổ chức hợp tác xã tín dụng và giải quyết cho những cán bộ đủ tiêu chuẩn hưởng phụ cấp nghỉ việc. Phụ cấp trích từ quỹ tích luỹ, bảo hiểm của hợp tác xã tín dụng, cố còn thiếu ngân hàng sẽ trợ cấp thêm để trả theo tiêu chuẩn chế độ cho những cán bộ nghỉ việc theo nội dung Thông tư số 2-NH/TT ngày 15-8-1983 của Ngân hàng Trung ương.

Đối với những hợp tác xã tín dụng mới xây dựng hoặc mới củng cố lại chưa có thu nhập thì chi phí về tổ chức đại hội xã viên lần đầu do giám đốc ngân hàng cơ sở xét trợ cấp.

Về chế độ thù lao hoa hồng đối với hợp tác xã tín dụng làm một số nghiệp vụ uỷ nhiệm cho ngân hàng và quỹ tiết kiệm, quy định thống nhất như sau:

- Thù lao về chi trả trợ cấp thương binh xã hội, hưu trí trong khi chưa thay đổi mức thù lao, trước mắt trả cả 0,70đ/món cho hợp tác xã tín dụng, không trích để lại ngân hàng hoặc quỹ tiết kiệm.

- Thù lao về thu tiền mặt hộ ngân hàng được hưởng 0,2% số tiền thực nộp vào ngân hàng.

- Thu nợ cá thể được hưởng thống nhất 30% số lãi tính trên số gốc thu nộp.

IV. CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Năm 1985 và những năm tới đòi hỏi phải tăng cường chỉ đạo và quản lý nhằm phát triển phong trào hợp tác xã tín dụng vững mạnh.

1. Trước hết, cần được tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của cấp Uỷ đảng, Uỷ ban nhân dân về các mặt xây dựng, củng cố phong trào, hoạt động kinh doanh, tổ chức cán bộ, quyền lợi cán bộ, bảo vệ tài sản v.v...

2. Ngân hàng Nhà nước các cấp cần phát huy vai trò tham mưu cho cấp Uỷ và chính quyền, đồng thời có trách nhiệm:

a) Đào tạo, tập huấn thường xuyên về chính sách và nghiệp vụ cho cán bộ hợp tác xã tín dụng và cán bộ tín dụng nông nghiệp.

b) Giải quyết kịp thời, đầy đủ kinh phí chỉ tiêu, tài liệu, ấn chỉ... cho hợp tác xã tín dụng theo chế độ quy định.

c) Điều động một số cán bộ ngân hàng có trình độ xuống giúp hợp tác xã tín dụng trong một thời gian, nhất là những cơ sở hoạt động kinh doanh lớn mà kế toán yếu. Vụ tổ chức cán bộ cùng Vụ tín dụng nông nghiệp nghiên cứu chế độ trình ban lãnh đạo quyết định.

Trước mắt cần tăng cường một lực lượng cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm ở phía Bắc giúp các tỉnh phía Nam thời gian khoảng 6 tháng.

3. Quan tâm tới quyền lợi vật chất và tinh thần đối với cán bộ hợp tác xã tín dụng, động viên kịp thời cán bộ mạng lưới tích cực của phong trào.

Kết hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể để thường xuyên giáo dục quần chúng; đồng thời giải quyết quyền lợi vật chất thích đáng của xã viên trong việc gửi, vay tiền, làm cho họ gắn bó với hợp tác xã tín dụng quan tâm xây dựng và giám sát hoạt động của cán bộ hợp tác xã tín dụng.

4. Các địa phương cần có kế hoạch, biện pháp tiếp tục xây dựng, củng cố hoàn thiện hợp tác xã tín dụng; coi đó là một bộ phận quan trọng trong chương trình của ngành, của các cấp để hoàn thành nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa.

5. Hướng dẫn hợp tác xã tín dụng xây dựng các kế hoạch hoạt động kinh doanh, kế hoạch thu, chi, tài vụ một cách thiết thực, phục vụ chủ trương, chính sách chung và phương hướng kế hoạch của địa phương.

Cần chú ý chấn chỉnh kế toán, tài vụ của hợp tác xã tín dụng, thanh quyết toán rõ ràng những tài sản cũ, hạch toán đầy đủ tài sản mới.

6. Tăng cường kiểm tra sự hoạt động và quản lý vốn đối với hợp tác xã tín dụng. Ngân hàng giúp cấp Uỷ và Uỷ ban nhân dân kiểm tra về tổ chức hoạt động của hợp tác xã tín dụng và trực tiếp kiểm tra các mặt nghiệp vụ nhằm giúp hợp tác xã tín dụng phát huy mặt tốt, bổ khuyết kịp thời những sai sót.

Chỉ thị này phổ biến đến hợp tác xã tín dụng.

Các đồng chí Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ kế toán và quản lý quỹ ngân sách, giám đốc quỹ tiết kiệm trung ương, Vụ trưởng Vụ tín dụng nông nghiệp và các đồng chí giám đốc ngân hàng tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Duy Gia

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 6-NH/CT năm 1985 về tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển hợp tác xã tín dụng do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 6-NH/CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/05/1985
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Duy Gia
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản