Hệ thống pháp luật

Chương 2 Pháp lệnh về Cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 1993

Chương 2:

CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO

Mục 1: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 7

Cơ quan đại diện ngoại giao có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về mọi lĩnh vực quan hệ với nước tiếp nhận;

2- Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và của công dân Việt Nam tại nước tiếp nhận;

3- Đàm phán và ký điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật;

4- Tìm hiểu tình hình của nước tiếp nhận; kiến nghị với Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan và tổ chức hữu quan ở trong nước về những chính sách và biện pháp cần thiết nhằm phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác về mọi lĩnh vực với nước tiếp nhận, chú trọng sự hợp tác về kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ;

5- Tiến hành công tác thông tin, giới thiệu về Việt Nam để chính quyền và nhân dân nước tiếp nhận hiểu biết về Việt Nam;

6- Thực hiện các công việc lãnh sự;

7- Bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước tiếp nhận; giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để họ thường xuyên giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng đất nước;

8- Thống nhất quản lý nhà nước và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân Việt Nam tại nước tiếp nhận.

Điều 8

Người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao là đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước tiếp nhận, có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn bộ hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam tại nước tiếp nhận; chịu trách nhiệm về việc bảo đảm thực hiện đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước trong quan hệ với nước tiếp nhận;

2- Chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện toàn bộ công tác của Cơ quan đại diện ngoại giao;

3- Kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan ở trong nước về việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, chế độ chính sách đối với viên chức, nhân viên cơ quan đại diện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan đại diện.

Điều 9

1- Thành viên của Cơ quan đại diện ngoại giao có những nghĩa vụ sau đây:

a) Trung thành với Tổ quốc; giữ gìn và bảo vệ danh dự, uy tín và lợi ích của Nhà nước cũng như của cơ quan;

b) Tích cực góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với nước tiếp nhận, tuân thủ pháp luật của Việt Nam, tôn trọng pháp luật, phong tục, tập quán của nước tiếp nhận và pháp luật, tập quán quốc tế;

c) Thực hiện nhiệm vụ do người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao giao cho.

2- Thành viên của Cơ quan đại diện ngoại giao không thuộc Bộ Ngoại giao, ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này còn chịu sự chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan chủ quản ở trong nước về nghiệp vụ chuyên môn thông qua người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan chủ quản về nghiệp vụ chuyên môn đó.

Mục 2: TỔ CHỨC BỘ MÁY

Điều 10

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, quyết định tổ chức bộ máy và biên chế của Cơ quan đại diện ngoại giao để thực hiện các lĩnh vực công tác sau đây:

- Quan hệ chính trị, thông tin báo chí;

- Quan hệ kinh tế, thương mại;

- Quan hệ Văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ;

- Công tác lãnh sự;

- Quan hệ quân sự;

- Công tác hành chính, kỹ thuật, quản trị, lễ tân.

Điều 11

Chức vụ ngoại giao trong các Cơ quan đại diện ngoại giao gồm có:

- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền hoặc Công sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại biện;

- Công sứ;

- Tham tán công sứ;

- Tham tán;

- Bí thư thứ nhất;

- Bí thư thứ hai;

- Bí thư thứ ba;

- Tuỳ viên.

Điều 12

1- Chủ tịch nước cử và triệu hồi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền và Công sứ đặc mệnh toàn quyền theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

2- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cử và triệu hồi Đại biện và người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao có tên gọi khác.

3- Người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao ở một nước có thể đồng thời được cử làm người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao tại nước khác hoặc làm Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực tại tổ chức quốc tế.

4- Trong trường hợp người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao bị khuyết, tạm thời vắng mặt hoặc vì lý do khác mà không thực hiện được nhiệm vụ của mình thì viên chức ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao của Cơ quan đại diện ngoại giao có chức vụ kế tiếp được cử tạm thời thay thế người đứng đầu cơ quan làm Đại biện lâm thời.

Đại biện lâm thời có những nhiệm vụ và quyền hạn như người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao.

Điều 13

1- Viên chức ngoại giao của Cơ quan đại diện ngoại giao phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam.

2- Nhân viên hành chính, kỹ thuật và nhân viên phục vụ của Cơ quan đại diện ngoại giao có thể là người nước ngoài.

Việc tuyển dụng người nước ngoài làm nhân viên của Cơ quan đại diện ngoại giao do người đứng đầu cơ quan quyết định.

Pháp lệnh về Cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 1993

  • Số hiệu: 27-L/CTN
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 02/12/1993
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đức Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH