Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 68-HĐBT

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 1984

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 68-HĐBT NGÀY 25-4-1984 ĐẨY MẠNH CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU, CHUYỂN TRÁI PHÉP TIỀN VÀ HÀNG QUA BIÊN GIỚI

Trong mấy năm qua, tình hình buôn lậu, chuyển trái phép tiền và hàng qua biên giới diễn biến rất phức tạp, ngày càng phổ biến và nghiêm trọng.

Tính chất của các hoạt động buôn lậu hiện nay ở nước ta không chỉ là những hoạt động thông thường của bọn gian thương mà ngày càng lộ rõ là một âm mưu rất nguy hiểm của địch phá hoại ta về mặt kinh tế, là một bộ phận trong kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch đối với nước ta. Cuộc đấu tranh của ta chống địch phá hoại là rất phức tạp, gay go và quyết liệt, đòi hỏi phải có thái độ rất kiên quyết, biện pháp đồng bộ và có hiệu lực.

Kẻ địch trên mặt trận này gồm đủ loại, trước hết là bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh, bọn người Hoa và gốc người Hoa phản động ở Đông Nam á. Chúng sử dụng những phần tử xấu trong người Hoa và gốc người Hoa ở trong nước ta, đặc biệt là bọn tề, ngụy cũ và Tư sản chưa chịu cải tạo,, bọn đầu cơ buôn lậu chuyên nghiệp.

Địa bàn hoạt động của chúng không phải chỉ riêng ở nước ta mà ở cả hai nước Lào và Cam-pu-chia, không chỉ trên vùng biên giới mà cả trên vùng biển và trong các thành phố lớn của nước ta.

Trước tình hình đó, các ngành, các cấp nói chung đã có một số cố gắng trong việc đấu tranh chống lại các hoạt động buôn lậu và đã thu được một số kết quả, nhưng còn rất thấp so với yêu cầu đòi hỏi, trong lúc kẻ địch đang ráo riết lợi dụng sự mất cảnh giác, sự lơi lỏng và sơ hở trong quản lý kinh tế và xã hội của ta để gây tác hại cả về kinh tế, chính trị và an ninh xã hội như:

- Phá hoại chính sách xuất nhập khẩu, làm rối loạn thị trường trong nước, gây tác hại nguy hiểm đến sản xuất và tiêu dùng.

- Lôi cuốn nhiều người ham tiền, bỏ cả sản xuất để tham gia vào các hoạt động buôn lậu. Thậm chí có ngành, có địa phương cũng có những đầu mối công khai để thu mua hàng lậu.

- Lôi kéo một số quần chúng, cán bộ, bộ đội vào các hoạt động buôn lậu, đi đến sa đoạ, mất cả cảnh giác chính trị, làm đục ruỗng nội bộ ta.

- Dung dưỡng tập quán tiêu dùng hàng xa xỉ, không phù hợp với chính sách tiêu dùng hiện nay của ta.

- Tạo điều kiện để trà trộn, tung bọn gián điệp và phản động vào phá hoại ta.

Tình hình trên đây có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do các cơ quan có thẩm quyền, từ Trung ương đến cơ sở, mất cảnh giác nghiêm trọng trước âm mưu và những hành động phá hoại nhiều mặt của địch, chưa nhận thức rõ tính chất cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt giữa hai con đường trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, nên đã buông lỏng quản lý, từ đó thiếu tổ chức và biện pháp tích cực, toàn diện, thiếu phối hợp đồng bộ và nhất quán giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng để đấu tranh chống lại một cách có hiệu quả các hoạt động này, đập tan âm mưu thâm hiểm của địch.

Để bảo đảm thực hiện đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội và đường lối phát triển kinh tế của Đảng, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 5 của Đảng đã nêu rõ: "Phải tăng cường quản lý xã hội, kiên quyết đấu tranh chống lại các hành vi phạm pháp, tệ nạn xã hội và các biểu hiện tiêu cực khác; đề cao kỷ cương trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, giữ vững trật tự xã hội, kiên quyết ngăn chặn và trừng trị những hoạt động phá hoại kinh tế...".

Nhằm tạo ra được sự chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực công tác này, trước mắt, các ngành, các cấp phải có biện pháp kiên quyết và có hiệu quả, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống buôn lậu và chuyển trái phép tiền và hàng qua biên giới, xem cuộc đấu tranh này là một bộ phận hết sức khăng khít của cuộc đấu tranh chống kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng Bắc Kinh cấu kết với đế quốc và các loại phản động quốc tế khác, gắn liền với cuộc đấu tranh "ai thắng ai" giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.

Yêu cầu phải giải quyết là:

- Đập tan mọi tổ chức và âm mưu thâm độc của địch, góp phần phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị và xã hội của ta.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đi đôi với kiên quyết đấu tranh, trấn áp và xử lý kịp thời bọn tội phạm.

- Tiến hành đấu tranh chống buôn lậu trong cả nước, nhưng trước hết cần tập trung vào các địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm, khâu quan trọng.

- Có sự phối hợp đấu tranh chống buôn lậu chặt chẽ với cả hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia anh em.

- Ra sức phấn đấu, tạo nên sự chuyển biến rõ rệt có kết quả thiết thực, cụ thể ngay trong năm 1984.

Hội đồng Bộ trưởng quyết định những biện pháp cấp bách sau đây:

1. Phải tuyên truyền giáo dục cho nhân dân, cán bộ, công nhân, viên chức, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang thấy rõ được âm mưu của địch trong các hoạt động buôn lậu ở nước ta hiện nay, tính chất, quy mô và tác hại nghiêm trọng của các hoạt động này. Phải làm cho mọi người thấy rõ, bất kể là ai, dù vô tình hay hữu ý tham gia vào các hoạt động buôn lậu đều là tiếp tay cho kẻ địch để chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, phạm tội ác lớn đối với nhân dân. Trên cơ sở đó, phát động thành một phong trào cách mạng quần chúng rộng rãi, một chiến dịch lớn, động viên mọi người phát huy tinh thần làm chủ tập thể, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh này. Có tách được quần chúng nhân dân ra khỏi những hoạt động này mới có thể bảo đảm được thắng lợi của ta.

2. Thủ trưởng các ngành, các cấp, từ Trung ương đến cơ sở, trên cơ sở nhận thức mới đối với vấn đề này, tiến hành kiểm điểm sâu sắc việc thi hành Pháp lệnh chống đầu cơ, buôn lậu. Phải có thái độ xử lý đích đáng đối với những người cố tình vi phạm, nhất là từ nay về sau. Thủ trưởng các đơn vị có kẻ vi phạm cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Các mặt hàng do Nhà nước thống nhất quản lý, cấm tư nhân kinh doanh cũng như các loại hàng lậu từ nước ngoài vào đều coi là hàng buôn lậu, các cơ quan thuế, hải quan, công an có trách nhiệm tịch thu và xử lý về kinh tế, hành chính và pháp luật.

3. C hấn chỉnh lại tổ chức, rà soát lại đội ngũ cán bộ, nhân viên, đưa những người không đủ tin cậy về chính trị và phẩm chất, đạo đức ra khỏi các bộ phận quan trọng có liên quan đến cuộc đấu tranh này, trước hết là phải làm ngay ở những nơi tình hình đang nghiêm trọng, phức tạp.

4. Việc đấu tranh chống buôn lậu có liên quan chặt chẽ với việc quản lý thị trường. Phải tích cực hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư doanh. Phải phát triển mạng lưới thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, xoá bỏ tư sản thương nghiệp, từng bước chuyển tiểu thương sang sản xuất, trước hết là thương nhân người Hoa, Nhà nước phải làm chủ được thị trường.

5. Cần tăng cường công tác kiểm soát ở các cửa khẩu biên giới, trên các tuyến đường bộ, đường sông, đường biển, bến cảng, sân bay, các thành phố lớn.

Thành lập thêm các đội kiểm soát lưu động ở một số tuyến biên giới, một số tuyến bờ biển cần thiết, trên sông Tiền, sông Hậu, vùng biển Kiên Giang, Minh Hải để chống việc đưa hàng lậu vào nước ta bằng đường thuỷ.

Đối với một số tuyến bờ biển quan trọng địch dễ xâm nhập, nhưng dân cư còn thưa thớt, cần có kế hoạch xây dựng thành những vùng kinh tế mới vừa để khai thác các tiềm năng kinh tế, vừa bố trí lại dân cư để bảo đảm an ninh và quốc phòng.

Biên giới Việt - Trung là biên giới giữa ta và địch cần phải kiểm soát chặt chẽ, khép kín. Biên giới Việt - Lào và biên giới Việt - Cam-pu-chia là biên giới hữu nghị, phải cùng với bạn tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Phải có kế hoạch làm trong sạch và củng cố tuyến biên giới, đưa những phần tử xấu ra cư trú cách xa biên giới. Người Hoa và người gốc Hoa không được ở trong khu vực biên giới và qua lại biên giới. Việc xuất nhập cảnh và vận chuyển hàng hoá qua lại biên giới phải đúng hiệp định và quy chế biên giới và hiệp định thương mại đã được ký kết giữa nước ta với Lào và Cam-pu-chia.

6. Phải tổ chức lại việc phối hợp giữa các lực lượng kiểm soát ở vùng biên giới và cửa khẩu như Hải quan, bộ đội biên phòng, công an cửa khẩu, từ cấp trung ương đến các khu vực và từng cửa khẩu, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu.

Tăng cường lực lượng và trang bị đủ các phương tiện cần thiết cho những nơi xung yếu.

7. Thành lập Tổng cục Hải quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng để giúp Chính phủ quản lý công tác hải quan. Các cơ quan có trách nhiệm về việc thành lập Tổng cục Hải quan giúp Tổng cục Hải quan xác định sớm chức năng, nhiệm vụ và bộ máy làm việc, kiện toàn cán bộ để trình Hội đồng Nhà nước phê chuẩn.

8. Có chế độ khen thưởng vật chất và tinh thần đối với cán bộ, nhân viên Nhà nước, lực lượng vũ trang và nhân dân có thành tích trong việc đấu tranh chống buôn lậu.

9. Đồng thời với việc tiến hành đấu tranh chống buôn lậu trên đất nước ta, cần bàn và giúp hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia cùng phối hợp tiến hành cuộc đấu tranh này trên cả đất nước bạn cũng như tăng cường việc trao đổi hàng hoá giữa ba nước Đông Dương để có thêm điều kiện hỗ trợ cho cuộc đấu tranh này Cấm đưa tiền Việt Nam sang tiêu dùng ở hai nước Lào và Cam-pu-chia. Phải ký kết sớm về thủ tục trao đổi hàng hoá và thanh toán với hai nước Lào và Cam-pu-chia. Nghiên cứu để sớm bổ sung những quy định cần thiết về mậu dịch giữa ba nước, đưa công tác xuất nhập khẩu giữa nước ta với hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia, kẻ cả trao đổi mậu dịch tiểu ngạch giữa các tỉnh biên giới, vào nề nếp, phù hợp với luật lệ của mỗi nước và sự thoả thuận giữa các Nhà nước.

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách công tác nội chính có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết này. Các thành viên khác và thủ trưởng các cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này trong ngành mình phụ trách.

Bộ trưởng các Bộ Nội vụ, Quốc phòng, Ngoại thương, Nội thương, Giao thông vận tải, Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng... phải chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban Nhân dân các cấp thực hiện những công tác đã đề ra trong Nghị quyết này.

Uỷ ban Nhân dân các cấp phân công một Phó Chủ tịch chuyên trách theo dõi, chỉ đạo, định kỳ nghe báo cáo và đề ra biện pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết này.

Cơ quan Hải quan hàng tháng phải có báo cáo, đề xuất ý kiến nhằm thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết này lên Hội đồng Bộ trưởng.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tố Hữu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 68-HĐBT về việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống buôn lậu, chuyển trái phép tiền và hàng qua biên giới do Hội đồng bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 68-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 25/04/1984
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 10/05/1984
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản