Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 701-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1995 

 

 CHỈ THỊ

VỀ ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU TRÊN BIỂN

Thực hiện Chỉ thị số 15-CT ngày 20-11-1992 của Bộ Chính trị, Quyết định số 114-TTg ngày 21-11-1992 của Thủ tướng Chính phủ và các Nghị quyết, Chỉ thị khác của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác chống tham nhũng, chống buôn lậu; các ngành, các cấp đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đấu tranh ngăn chặn tệ tham nhũng, buôn lậu và đã thu được một số kết quả nhất định. Song tình hình tham nhũng, buôn lậu vẫn còn nghiêm trọng, các hành vi buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến biên giới. Gần đây, buôn lậu trên tuyến biển nổi rộ lên, đã gây hậu quả không tốt đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh - quốc phòng.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình là các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ và tác hại lâu dài của tệ nạn buôn lậu, đã buông lỏng quản lý Nhà nước, chưa có các biện pháp kiên quyết, triệt để nhằm đấu tranh có hiệu quả với nạn buôn lậu. Nhiều trường hợp vì quyền lợi cục bộ, lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương đã làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho hành vi buôn lậu. Các lực lượng làm nhiệm vụ chống buôn lậu còn yếu kém, thiếu phương tiện, hoạt động tản mạn, chưa có sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, thậm chí còn có tình trạng vô hiệu hoá nhiệm vụ của nhau. Một số bộ phận cán bộ, nhân viên có biểu hiện tiêu cực. Việc xét xử để xử lý các vụ vi phạm hành vi buôn lậu chưa nghiêm, chưa kịp thời.

Để bảo đảm kỷ cương pháp luật trong các hoạt động thương mại, tăng cường quản lý Nhà nước, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu, tạo được môi trường lành mạnh cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phải quán triệt sâu sắc trong công tác lãnh đạo là phải tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, nhân dân về sự nguy hại của nạn buôn lậu, xây dựng kế hoạch và áp dụng các biện pháp kiên quyết, triệt để chống buôn lậu, đặc biệt là chống buôn lậu trên biển, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong năm 1995,1996 nhằm đạt được các yêu cầu sau:

- Phát hiện và xử lý nghiêm khắc, kịp thời mọi hành vi buôn lậu trên tuyến biển.

- Quản lý chặt chẽ các phương tiện vận tải biển, nghiêm cấm việc sử dụng các phương tiện vận tải biển của Nhà nước vào việc buôn lậu.

- Nhân dân có ý thức tự giác không tham gia buôn lậu và tiếp tay cho bọn buôn lậu dưới mọi hình thức, xây dựng được “phòng tuyến” vững chắc trên toàn tuyến biển nhằm không cho nạn buôn lậu xâm nhập.

- Xây dựng các lực lượng chống buôn lậu đủ mạnh, trong sạch, vững mạnh.

 2. Để thực hiện các yêu cầu nêu trên, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Các Bộ, ngành ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động rà soát các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý và xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức và cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp buôn lậu trong thời gian qua, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh theo quy định của Chỉ thị này.

- Tổng cục Hải quan chủ trì, cùng với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Thương mại xây dựng kế hoạch chung, tổ chức việc phối hợp giữa các lực lượng trong công tác chỉ đạo cuộc đấu tranh chống buôn lậu mạnh mẽ, toàn diện trên toàn tuyến biển.

- Ủy ban nhân dân các cấp dọc tuyến đường biển với sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp với các đoàn thể quần chúng tổ chức vận động tuyên truyền, giáo dục cho toàn thể nhân dân địa phương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, tổ chức cho nhân dân đăng ký không tham gia buôn lậu dưới mọi hình thức.

- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ, ngành chức năng có trách nhiệm giúp đỡ Ủy ban nhân dân các cấp vùng ven biển trong việc quản lý cư dân bằng các chính sách kinh tế - xã hội cụ thể (chương trình xoá đói, giảm nghèo, các dự án đầu tư…) nhằm tạo công ăn, việc làm, bảo đảm cho nhân dân ổn định đời sống.

- Phân công trách nhiệm cho các lực lượng chống buôn lậu trên tuyến biển như sau:

+ Tổng cục Hải quan ngoài nhiệm vụ chủ trì công tác phối hợp đấu tranh chống buôn lậu trên tuyến biển, phải chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường quản lý tại các cửa khẩu, bảo đảm phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, phải huy động tối đa lực lượng hiện có vào việc đấu tranh chống buôn lậu trên tuyến biển.

Lực lượng Hải quan chịu trách nhiệm chủ trì chống buôn lậu ở vùng nội thuỷ và tham gia cùng Bộ Quốc phòng chống buôn lậu ở hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế.

+ Bộ Quốc phòng có trách nhiệm huy động bộ đội hải quân, bộ đội biên phòng thường xuyên tham gia đấu tranh chống buôn lậu trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện vận tải biển của quân đội, không để bị sử dụng vào việc buôn lậu, đồng thời có trách nhiệm hỗ trợ các lực lượng chống buôn lậu khác về phương tiện vận tải, phương tiện thông tin liên lạc khi có yêu cầu, chỉ đạo Bộ đội biên phòng và Hải quân chủ trì chống buôn lậu ở vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế, Bộ đội biên phòng tham gia tích cực cùng Hải quan chống buôn lậu ở vùng nội thuỷ. Trong khi làm nhiệm vụ chống buôn lậu, các lực lượng của Bộ Quốc phòng được quyền kiểm tra, bắt giữ các tầu thuyền, kể cả tầu thuyền dân sự vận chuyển hàng lậu.

+ Bộ Nội vụ có trách nhiệm triển khai các biện pháp nhằm phát hiện các đường buôn lậu lớn, bọn “đầu nậu” chuyên nghiệp, khẩn trương điều tra các vụ việc có dấu hiệu phạm tội hình sự do các cơ quan chức năng chuyển đến, tham gia cùng lực lượng quản lý thị trường chống buôn lậu trong nội địa.

+ Bộ Thương mại quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép xuất, nhập khẩu; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường theo chức năng, chủ trì việc chống buôn lậu, kinh doanh trái phép trong nội địa, kiểm tra, kiểm soát những địa điểm có dấu hiệu tàng trữ hàng lậu.

+ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thủy sản và các Bộ, ngành có liên quan phải chấn chỉnh ngay việc buôn lỏng quản lý đối với các đơn vị có chức năng kinh doanh vận tải biển, giao trách nhiệm cá nhân rõ ràng cho Thủ trưởng các đơn vị này trong việc quản lý, sử dụng phương tiện, bảo đảm tuyệt đối việc không sử dụng phương tiện của Nhà nước vào buôn lậu.

+ Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có kế hoạch phân bổ kinh phí đột xuất cho các lực lượng chống buôn lậu và các địa phương nhằm đảm bảo điều kiện vật chất cần thiết cho công tác.

+ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu trong các lực lượng của địa phương, tạo điều kiện cần thiết để các lực lượng chống buôn lậu của Trung ương hoàn thành nhiệm vụ.

 3. Xử lý các hành vi buôn lậu:

 Tổng cục Hải quan, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Thương mại tổ chức tập huấn cho số cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ chống buôn lậu về chế độ, chính sách và thủ tục thương mại để nâng cao nhận thức, bảo đảm việc xử lý được thống nhất, công bằng, đúng pháp luật.

Bộ Tư pháp chủ trì đôn đốc các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu sớm hoàn chỉnh các dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế trình Chính phủ ban hành.

Mọi hàng hoá buôn lậu đều phải bị tịch thu. Phương tiện vận chuyển sử dụng vào việc buôn lậu nếu chủ phương tiện đồng thời là chủ hàng thì tịch thu, nếu là phương tiện do hợp đồng, thuê vận chuyển thì cơ quan chống buôn lậu thông báo ngay cho chủ phương tiện hoặc Thủ trưởng của đơn vị quản lý phương tiện đó xử lý theo pháp luật hiện hành.

Số tiền thu được từ hoạt động chống buôn lậu, sau khi trừ các chi phí hợp lý cho hoạt động này, số tiền còn lại dùng để mua sắm, trang bị phương tiện, thông tin và bồi dưỡng khuyến khích cho các lực lượng tham gia chống buôn lậu. Bộ Tài chính chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất, trình Thủ  tướng Chính phủ và hướng dẫn cơ chế sử dụng số tiền này.

Khi xử lý các đơn vị Nhà nước có hành vi buôn lậu, cơ quan xử lý có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan chủ quản cấp trên của đơn vị đó biết và yêu cầu xử lý về hành chính theo thẩm quyền, nếu trường hợp xử lý không đúng mức, có biểu hiện bao che, dung túng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các cơ quan có chức năng chống buôn lậu có trách nhiệm tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ chống buôn lậu, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi hối lộ, xử lý sai quy định hoặc không làm tròn phận sự khi thi hành nhiệm vụ, xác định trách nhiệm cá nhân về bồi hoàn vật chất những tổn thất của các tổ chức, cá nhân, đơn vị do bị xử lý sai.

4. Tổ chức thực hiện:

- Đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng và buôn lậu là công tác cực kỳ phức tạp và khó khăn, cần được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ, phải tổ chức liên tục nhiều đợt, thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm để đợt sau chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hơn đợt trước. Để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện Chỉ thị chống buôn lậu trên tuyến biển, Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Thương mại và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức triển khai Chỉ thị này. Thường xuyên tiến hành kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện; chỉ đạo việc xử lý các hành vi buôn lậu kịp thời, đúng pháp luật và thường xuyên tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo công tác chống buôn lậu ở Bộ, ngành, địa phương mình.

- Hàng tháng các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải có báo cáo kết quả công tác lên Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thường xuyên báo cáo cấp ủy Đảng, Thường trực Hội đồng Nhân dân để thống nhất biện pháp chỉ đạo. Đình kỳ 6 tháng sơ kết một lần để rút kinh nghiệm chung. Bộ, ngành, địa phương nào do buông lỏng quản lý hoặc hữu khuynh, hoặc vì động cơ cục bộ để cán bộ và nhân dân của ngành mình, địa phương mình buôn lậu thì Thủ trưởng Bộ, ngành và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

- Trước mắt kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1995 đến ngày 31 tháng 11 năm 1995 tổ chức đợt tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong quần chúng thực hiện và tham gia tích cực đợt công tác chống buôn lậu trên toàn tuyến biển một cách mạnh mẽ rút kinh nghiệm chỉ đạo trong thời gian tiếp theo.

- Các cơ quan thông tin báo chí cần phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo của Chính phủ và các ngành, các cấp trong công tác chống buôn lậu, thông tin kịp thời và chuẩn xác trên công luận về các vụ, việc buôn lậu, đồng thời thường xuyên tuyên truyền về công tác chống buôn lậu nhằm hướng dẫn dư luận phục vụ công tác.

Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ưong có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả việc thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
 


Võ Văn Kiệt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 701-TTg năm 1995 về đấu tranh chống buôn lậu trên biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 701-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/10/1995
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 12/11/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản