Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/2013/NQ-HĐND

Đồng Nai, ngày 18 tháng 9 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/QĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/QĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh;

Sau khi xem xét Tờ trình số 7583/TTr-UBND ngày 17/9/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại tổ và kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua nội dung điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (đính kèm báo cáo tổng hợp điều chỉnh quy hoạch) với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Tiếp tục phát huy lợi thế so sánh và nội lực sẵn có kết hợp với huy động các nguồn lực bên ngoài để duy trì nhịp độ phát triển nhanh, bền vững.

b) Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, thân thiện với môi trường, bên cạnh việc tập trung lựa chọn kêu gọi đầu tư dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử… quan tâm phát triển các khu chuyên ngành như: Trung tâm công nghệ sinh học, Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành, Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico, các phân khu công nghiệp hỗ trợ thuộc các khu công nghiệp đang hoạt động.

c) Phát triển kinh tế đi kèm với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi sinh, nâng mức sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là người lao động, bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, môi trường, xây dựng đô thị và nông thôn khang trang, văn minh, hiện đại.

d) Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với quá trình phát triển chung của vùng Đông Nam bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, phối hợp với các địa phương trong xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực và nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ của tỉnh.

đ) Phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh, dành nguồn lực cho xây dựng, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội và ổn định chính trị trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu và mô hình phát triển

a) Mục tiêu tổng quát và mô hình phát triển

- Mục tiêu phát triển tổng quát là: Phát huy lợi thế, duy trì nhịp độ phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Đồng Nai trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015 và tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại vào năm 2020.

- Mô hình phát triển chung tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 tầm nhìn năm 2025 là: Phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

b) Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2011-2020

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2020 (tính theo giá năm 1994) đạt 12,1% - 13,1%/năm; trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12% - 13%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,2% - 13,2%/năm.

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2020 (tính theo giá năm 2010) đạt 11,5% - 12,5%/năm; trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 tăng 11% - 12%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 12% - 13%/năm.

- GDP bình quân đầu người đạt 2.700 USD - 2.900 USD vào năm 2015 và 5.300 USD - 5.800 USD vào năm 2020.

- Cơ cấu kinh tế năm 2015: Công nghiệp - xây dựng chiếm 56% - 57%; dịch vụ chiếm khoảng 38% - 39%; nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 5% - 6%. Cơ cấu kinh tế năm 2020: công nghiệp - xây dựng chiếm 55% - 56%; dịch vụ chiếm khoảng 39,5% - 40,5%; nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4,5% - 5,5%.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 từ 9% - 11%/năm, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 từ 10% - 12%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 từ 8% - 10%/năm.

- Tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm so với GDP đạt 23% - 25%.

- Dự kiến dân số đến năm 2015 khoảng từ 2,8 triệu - 2,9 triệu người; dân số đến năm 2020 từ 3,1 triệu - 3,2 triệu người.

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2015 còn 1,1% và năm 2020 còn 1%.

- Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng theo độ tuổi đến năm 2015 còn dưới 12,5% và đến năm 2020 dưới 10%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao theo độ tuổi đến năm 2015 xuống 25% và đến năm 2020 xuống 23%.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 1,5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 -2015 của tỉnh, đến cuối năm 2014 tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo.

- Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%; trong đó đào tạo nghề đạt 50%. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%; trong đó đào tạo nghề đạt 65%.

- Giảm tỷ lệ lao động không có việc làm ở khu vực đô thị xuống dưới 2,6% vào năm 2015 và dưới 2,5% vào năm 2020.

- Thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến năm 2015 có 30% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn; đến năm 2020 có 50% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn.

- Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt 98% giai đoạn 2011 -2020.

- Tuổi thọ trung bình của dân số đến năm 2015 là 77 tuổi và đến năm 2020 là 78 tuổi.

- Tỷ lệ hộ dân có sử dụng điện đến năm 2015 và 2020 đạt trên 99%.

- Phấn đấu đến năm 2015 có trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

- Tỷ lệ che phủ cây xanh đến năm 2015 đạt 56% và năm 2020 đạt 52%; phấn đấu ổn định tỷ lệ che phủ của rừng 29,76%.

- Tỷ lệ dân số thành thị được cấp nước sạch đạt 99% vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95% vào năm 2015 và 98% vào năm 2020.

- Đến năm 2015, thu gom và xử lý 100% chất thải y tế, rác thải sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại.

- Thu gom 100% và xử lý trên 80% chất thải nguy hại vào năm 2015; thu gom và xử lý 100% chất thải nguy hại vào năm 2020.

c) Một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025

- Quy mô dân số khoảng 3,3 triệu - 3,4 triệu người với tỷ lệ dân số thành thị chiếm 55% - 56% vào năm 2025.

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 bình quân khoảng 11% - 12%/năm. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng trưởng bình quân 3% - 3,2%/năm, khu vực công nghiệp - dịch vụ tăng trưởng bình quân 11,5% - 12,5%/năm.

- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 9.000 USD - 10.000 USD.

- Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 53% - 54%; khu vực dịch vụ chiếm 44% - 45%; khu vực nông nghiệp chiếm khoảng 4% - 5%;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 90%, trong đó đào tạo nghề đạt 80% vào năm 2025.

- Tỷ lệ các xã nông thôn mới đạt trên 85% vào năm 2025.

- Tỷ lệ các hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% vào giai đoạn 2021 - 2025.

3. Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu

a) Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật (giao thông, cấp nước, cấp điện...) đồng bộ, tạo điều kiện phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

b) Lĩnh vực công nghiệp: Thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, các dự án đầu tư chiều sâu, nâng cấp thiết bị công nghệ, các dự án thân thiện với môi trường; dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như cơ khí chế tạo, điện - điện tử, chế biến thực phẩm sạch; chuyển các dự án sử dụng nhiều lao động về vùng nông thôn. Thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, giảm nhập siêu, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

c) Đối với phát triển các khu công nghiệp: Tạo sự chuyển biến lớn từ các khu công nghiệp trước đây chỉ có nhà máy sản xuất công nghiệp nay chuyển sang phát triển các khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp xanh và khép kín: đô thị - công nghiệp - dịch vụ. Việc phát triển các khu công nghiệp gắn với phát triển dân cư, dịch vụ phục vụ khép kín đảm bảo phục vụ cho người lao động, góp phần hình thành từng bước các chuỗi đô thị hiện đại, phát triển đồng bộ. Đối với những khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khó khắc phục hoặc gặp khó khăn trong việc bồi thường giải tỏa và thu hút đầu tư thì xem xét chuyển đổi mục tiêu đầu tư phù hợp. Hạn chế tối đa việc quy hoạch mở rộng diện tích đất công nghiệp.

d) Phát triển các ngành dịch vụ mũi nhọn gồm dịch vụ vận chuyển - kho cảng - logistics, dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin, dịch vụ ngân hàng và du lịch trở thành các ngành kinh tế đóng góp lớn vào giá trị tổng sản phẩm của tỉnh.

đ) Quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng các xã nông thôn mới làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn và từng bước nâng cao mức sống của người dân. Tập trung phát triển khu công nông nghiệp và Trung tâm công nghệ sinh học nhằm tạo sự lan tỏa ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP,..) đi đôi với việc gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản, xây dựng thương hiệu đối với nông sản chủ lực.

e) Lồng ghép các chương trình mục tiêu và dự án đầu tư để thực hiện các chương trình, chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm cho người trong tuổi lao động. Quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với các xã còn nhiều hộ nghèo, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

g) Bảo vệ và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên. Thực hiện các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường nước từ các hoạt động công nghiệp, khai thác khoáng sản trong các lưu vực sông Đồng Nai, sông Thị Vải. Tổ chức thực hiện tốt việc ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai gây mặn hóa, hạn hán, lũ lụt ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

h) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, trong việc cung cấp thông tin thay thế dần văn bản giấy để đến năm 2020 cơ bản thực hiện chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

i) Tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực theo quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 đã được phê duyệt để đáp ứng yêu cầu nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

4. Nhiệm vụ chủ yếu mang tính đột phá giai đoạn 2011 - 2020

a) Tăng cường đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội mà tập trung là các dự án giao thông kết nối các dự án phát triển cảng biển, cảng hàng không và các dự án đảm bảo an sinh xã hội nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

b) Tập trung phát triển dịch vụ logistics, dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông, đặc biệt là khai thác các dịch vụ liên quan đến việc triển khai đầu tư và hoạt động của sân bay quốc tế Long Thành như: Dịch vụ y tế, đào tạo, dịch vụ đóng gói, vận chuyển, kho bãi, công nghệ thông tin, viễn thông…

c) Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế. Quan tâm tuyển dụng, đào tạo đội ngũ công chức có đạo đức và năng lực chuyên môn để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tiến tới hoạt động theo mô hình chính quyền điện tử vào năm 2020.

d) Thực hiện đổi mới đầu tư khu công nghiệp theo mô hình phát triển xanh và khép kín: Công nghiệp - đô thị - dịch vụ, thu hút đầu tư các dự án có chọn lọc, ưu tiên cho các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường. Các dự án sử dụng nhiều lao động được mời gọi vào các khu công nghiệp ở vùng nông thôn có khả năng sử dụng lao động tại chỗ nhằm giảm áp lực tăng dân số cơ học vào các vùng thành phố.

đ) Tập trung đầu tư hạ tầng Trung tâm công nghệ sinh học, khu công nông nghiệp để thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, từ đó tạo sự lan tỏa ứng dụng ra các hộ nông dân trong khu vực nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn.

5. Các giải pháp chủ yếu

a) Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, vai trò quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện quy hoạch.

b) Rà soát các cơ chế, chính sách đã ban hành để kiến nghị Trung ương điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế để không ngừng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

c) Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

d) Phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

đ) Khuyến khích các cá nhân, tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường, áp dụng các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường.

e) Quan tâm đào tạo và có chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bộ máy quản lý nhà nước.

g) Phát triển các loại thị trường để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội.

h) Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh xác định nhiệm vụ, kế hoạch chủ yếu cho từng giai đoạn (2011 - 2015; 2016 - 2020), trong đó, lưu ý đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội “định hướng tăng trưởng xanh” quy định tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ; rà soát, đảm bảo tính thống nhất về số liệu của các quy hoạch ngành đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình tổ chức thực hiện quy hoạch tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo luật định.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 78/2006/NQ-HĐND ngày 28 tháng 9 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2006 - 2020. Những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quy định tại Nghị quyết số 188/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010 của HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VII về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2011 - 2015 trái với quy định tại nghị quyết này bị bãi bỏ.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 18 tháng 9 năm 2013./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Văn Tư

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 88/2013/NQ-HĐND điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025

  • Số hiệu: 88/2013/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 18/09/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Trần Văn Tư
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản