Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2003/NQ-HĐND

Phủ Lý, ngày 12 tháng 12 năm 2003

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2004

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 10

(ngày 11 và 12/12/2003)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994

 Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh, của các cơ quan hữu quan, các Ban HĐND và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh;

QUYẾT NGHỊ

HĐND tỉnh nhất trí báo cáo số 62/BC-UB ngày 07/12/2003 về việc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2003; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2004 của UBND tỉnh trình tại kỳ họp. HĐND tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KT-XH 2003:

Năm 2003, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; sự điều hành năng động, sáng tạo của UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể, cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khoá XV. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng mạnh; xây dựng cơ bản có nhiều cố gắng; thu ngân sách trên địa bàn vượt kế hoạch; các lĩnh vực dịch vụ, văn hoá – xã hội có chuyển biến tích cực; quốc phòng; anh ninh được đảm bảo, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống nhân dân được cải thiện.

Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh còn một số mặt tồn tại yếu kém cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, song chưa vững chắc, chất lượng và hiệu quả còn thấp; mũi nhọn tạo bước đột phá mới chưa rõ nét; thu hút vốn đầu tư trong nước và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa mạnh; quản lý quy hoạch xây dựng còn nhiều bất cập; công tác đền bù GPMB ở nhiều dự án còn chậm; tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng vẫn còn cao; tệ nạn xã hội nhất là tệ nạn ma tuý vẫn còn diễn biến phức tạp, chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hoá xã hội ở một số lĩnh vực thiếu chiều sâu. Cải cách hành chính chưa mạnh mẽ, thủ tục hành chính chậm được đổi mới; hiệu quả tham mưu ở một số Sở, ngành chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2004

1. Mục tiêu chung:

Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2004 của tỉnh là: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao, bền vững; tăng nhanh tỷ trọng sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tạo sự chuyển biến mạnh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn nội lực trong nhân dân; tăng cường kỷ cương trong quản lý kinh tế, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển. Nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hoá xã hội. Củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội bức xúc; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.

Các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 2004:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) : 9.7%.

-GDP bình quân đầu người: : 4.200 ngàn đồng.

- Cơ cấu nền kinh tế

+ Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản : 31,8%

+ Công nghiệp – Xây dựng : 36,7%

+ Dịch vụ : 31,5%

- Sản lượng lương thực có hạt : 410.000 tấn

- Giá trị sản xuất nông,, lâm, ngư nghiệp tăng : 4,8%

- Giá trị sản xuất CN-TTCN tăng : 19,5%

Trong đó công nghiệp địa phương tăng : 31-32%

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt : 33 triệu USD

Tổng thu ngân sách địa phương (thu từ kinh tế trên địa bàn).

+ Trung ương giao: 224,2 tỷ đồng

+ Địa phương phấn đấu: 233,7 tỷ đồng (tăng 4% so với dự toán TW giao)

- Số lao động được giải quyết việc làm : 13.000 người

- Giảm tỷ lệ sinh : 0,4%

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn : 11%

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD từ 26% xuống còn 25%.

- Cung cấp nước sạch nông thôn : 56% số hộ

2. Những giải pháp chính:

2.1. Tăng cường các biện pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 03/TU của Tỉnh uỷ về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển ngành nghề ở nông thôn; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với tiêu thụ sản phẩm; chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống và cơ cấu màu vụ, mở rộng quy hoạch vùng trồng lúa đặc sản có chất lượng cao; tiếp tục phát triển mạnh chăn nuôi thuỷ sản, chú trọng các con nuôi bản địa có hiệu quản kinh tế cao. Chỉ đạo tổng kết đánh giá kết quả các mô hình điểm để rút kinh nghiệm, làm cơ sở để triển khai nhân ra diện rộng với quy mô ngày càng lớn. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Đảm bảo an ninh lương thực.

Đẩy mạnh tiến độ thực hiện Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh về tăng cường quản lý đất đai. Hoàn thành cơ bản việc cấp GCNQSD đất cho các chủ sử dụng đất vào năm 2004.

2.2. Tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết 08 của Tỉnh uỷ về phát triển công nghiệp – TTCN, tạo bước đột phá thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2004 và những năm tiếp theo. Chú trọng phát triển những ngành và sản phẩm có sức cạnh tranh cao; khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất của địa phương. Phát triển các KCN, cụm công nghiệp – TTCN, phát triển làng nghề truyền thống. Tiếp tục sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

2.3 Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư, ban hành quy chế đấu giá, quyền sử dụng đất tạo vốn đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh; đổi mới cơ cấu đầu tư theo hướng tập chung, hiệu quả, nhằm phát huy lợi thế đặc thù của các ngành, ưu tiên các chương trình dự án lớn, trọng điểm. Trên cơ sở tổng kết đánh giá toàn diện, sâu sắc, rút ra những bài học trong huy động, quản lý và sử dụng vốn đầu tư, để đẩy mạnh hơn nữa xã hội hoá trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, các dịch vụ công. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch đã được duyệt. Thực hiện có hiệu quả chỉ thị 02 của Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng đối với công tác xây dựng và quản lý quy hoạch giao thông nông thôn, quản lý hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa. Xây dựng và chỉnh trang đô thị.

2.4. Thực hiện nghiêm túc cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tạo điều kiện cho chính quyền các cấp tích cực khai thác các nguồn thu, quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước có hiệu quả. Tăng cường quản lý thu chi ngân sách xã qua kho bạc nhà nước, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ thị số 04 của Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác tài chính ngân sách xã. Thực hiện chi đúng chế độ, định mức và dự toán được duyệt; thực hiện công khai dự toán và quyết toán ngân sách ở tất cả các cấp, các ngành và nội bộ đơn vị. Mở rộng diện áp dụng khoán chi năm 2004 đối với các cơ quan hành chính theo Quyết định 192 của Thủ tướng Chính Phủ và Nghị định 10 của Chính phủ về áp dụng cơ chế quản lý tài chính đối với đơn vị sự gnhiệp có thu. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách và trong đầu tư XDCB.

Từ năm 2004, không trích ngân sách tỉnh để lập quỹ hỗ trợ việc làm, quỹ xoá đói giảm nghèo theo Nghị quyết số 15,16 HĐND tỉnh khoá XV, kỳ họp thứ 3. Hàng năm giao cho UBND tỉnh được trích ngân sách tỉnh trong nguồn tăng thu để hỗ trợ các hộ nghèo xoá nhà tranh, nhà tạm.

2.5. Phát triển mạnh mẽ và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, chú trọng các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu đời sống của nhân dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sản xuất tại địa phương.

2.6. Nâng cao chất lượng phát triển các lĩnh vực Y tế, Giáo dục đào tạo, Văn hoá thông tin, Báo chí, PTTH, TDTT phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh quá trình xã hội hoá giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, nâng cao chất lượng việc thực hiện quy chế đân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt chính sách xã hội, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc như: Tệ nạn ma tuý, tai nạn giao thông, việc làm, xoá đói giảm nghèo. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

2.7. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý hành chính. Tăng cường công tác kiểm tra. Quy định rõ chế độ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thưc hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác giao quân năm 2004. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2004-2009.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2004.

2. Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Đề nghị Uỷ ban mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của mặt trận và các cơ quan tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết của HĐND tỉnh.

HĐND tỉnh kêu gọi cán bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang trong tỉnh phát huy kết quả đạt được trong năm 2003, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của HĐND; phát động phong trào thi đua XHCN sâu rộng, lập thành tích mừng Đảng, mừng xuân , quyết tâm giành kết quả cao nhất ngày từ tháng đầu, quý đầu năm 2004; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội lần thứ IX của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Hà Nam khoá XV kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 12/12/2003./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTVQH
- Chính phủ
- Ban thường vụ tỉnh uỷ
- UBND, UBMTTQ tỉnh
- Đại biểu HĐND tỉnh
- HĐND, UBND các huyện, thị
- Các Sở, Ban ngành đoàn thể trong tỉnh và cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh
- Lưu VT HĐND

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH




Tăng Văn Phả

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 47/2003/NQ-HĐND nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2004 do tỉnh Hà Nam ban hành

  • Số hiệu: 47/2003/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 12/12/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Tăng Văn Phả
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 09/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản