Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮKLẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/2012/NQ-HĐND

Buôn Ma Thuột, ngày 21 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KHUNG GIÁ CÁC LOẠI RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 65/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 26 tháng 5 năm 2008 của liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng;

Xét Tờ trình số 124/TTr-UBND, ngày 06 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Nghị quyết về khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Báo cáo thẩm tra số 66/BC-HĐND, ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua Nghị quyết Quy định khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về khung giá các loại rừng được xác định bằng khung giá sử dụng trực tiếp các loại lâm sản chủ yếu gồm: gỗ, tre nứa, lồ ô của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên (sau đây gọi chung là khung giá lâm sản); khung giá quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng (sau đây gọi là khung giá quyền sở hữu rừng trồng) trên địa bàn tỉnh.

2. Phạm vi áp dụng

Khung giá các loại rừng tại Nghị quyết này làm căn cứ để:

a) Tính tiền sử dụng rừng khi Nhà nước giao rừng có thu tiền sử dụng rừng; giá trị quyền sử dụng rừng, giá trị quyền sở hữu rừng trồng khi Nhà nước giao rừng không thu tiền sử dụng rừng; Nhà nước cho chuyển từ hình thức giao rừng có thu tiền sử dụng rừng hoặc giao rừng không thu tiền sử dụng rừng sang cho thuê rừng.

b) Tính tiền thuê rừng khi Nhà nước cho thuê rừng không thông qua đấu giá quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng.

c) Xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng cho thuê hoặc đấu thầu dự án có sử dụng rừng cho thuê theo quy định của pháp luật.

d) Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi rừng.

đ) Tính giá trị vốn góp bằng quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng sản xuất của Nhà nước tại doanh nghiệp.

e) Tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng gây thiệt hại cho Nhà nước.

f) Tính các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

3. Đối tượng áp dụng

Quy định về khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc xác định và áp dụng giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh.

4. Quy định khung giá các loại rừng

a) Khung giá lâm sản rừng tự nhiên tại các vùng sinh thái trong tỉnh

- Khung giá lâm sản của các trạng thái rừng tại các vùng sinh thái trong tỉnh cho đối tượng rừng tự nhiên theo các phụ lục, gồm:

Phụ lục 1: Khung giá lâm sản rừng tự nhiên vùng phía Đông tỉnh gồm các huyện: M’Drắk, Ea Kar, Krông Bông.

Phụ lục 2: Khung giá lâm sản rừng tự nhiên vùng phía Đông Bắc tỉnh gồm các huyện: Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ.

Phụ lục 3: Khung giá lâm sản rừng tự nhiên vùng phía Nam tỉnh gồm các huyện: Lắk, Krông Ana.

Phụ lục 4: Khung giá lâm sản rừng tự nhiên vùng phía Tây Bắc tỉnh gồm các huyện: Ea Súp, Buôn Đôn.

Phụ lục 5: Khung giá lâm sản vùng trung tâm tỉnh gồm: thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện: Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắk.

- Khung giá lâm sản rừng tự nhiên loại rừng lồ ô, tre nứa thuần loài áp dụng mức cao nhất trong khung giá lâm sản đối với rừng chưa có trữ lượng trong từng vùng sinh thái.

b) Khung giá quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng Xác định theo suất đầu tư hiện hành với các chỉ tiêu bình quân: đất cấp II, thực bì nhóm II, cự ly đi là từ 3 - 4 km; sản lượng bình quân khi khai thác ở điều kiện bình thường có khung giá phân theo loài cây, cấp tuổi và mật độ quy định tại Phụ lục 6:

Khung giá quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng.

5. Áp dụng khung giá rừng các loại rừng và xác định giá cho thuê rừng

Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể áp dụng khung giá các loại rừng và xác định giá cho thuê rừng tùy thuộc vào loại rừng, trạng thái rừng, trữ lượng, chất lượng lâm sản, mục đích sử dụng rừng.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện và báo cáo kết quả tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trường hợp phải điều chỉnh khung giá các loại rừng theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa VIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2012./.

 

 

CHỦ TỊCH




Niê Thuật