Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2017/NQ-HĐND

Ninh Thuận, ngày 17 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 4 HĐND TỈNH KHÓA X, NHIỆM KỲ 2016-2021

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc tiếp thu, tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, đã thẳng thắn đặt vấn đề chất vấn những nội dung quan trọng, bức xúc, nổi cộm được nhiều đại biểu, cử tri và dư luận của địa phương đang quan tâm. Đồng thời, Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, cầu thị của Giám đốc các sở, ngành trong việc tiếp thu các ý kiến chất vấn của đại biểu, trả lời chất vấn đúng trọng tâm, cơ bản giải trình, làm rõ hầu hết các vấn đề đại biểu đặt ra, đề ra những giải pháp thiết thực, có cam kết lộ trình thực hiện hoàn thành một số nội dung cụ thể được đại biểu chất vấn; lãnh đạo các sở, ngành đã nghiêm túc nhận trách nhiệm liên quan đến ngành, lĩnh vực mình phụ trách, quản lý để có giải pháp hiệu quả trong thời gian đến.

Điều 2. Về từng nội dung cụ thể, HĐND tỉnh thống nhất như sau:

1. Các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Giao thông vận tải

Về lĩnh vực Giao thông vận tải, đại biểu HĐND tỉnh quan tâm 3 vấn đề lớn cần được chú trọng thực hiện trong thời gian tới là: Việc quản lý hạ tầng giao thông vận tải; quản lý việc tham gia hoạt động giao thông vận tải và giao thông vận tải công cộng.

Trong thời gian qua, mặc dù nguồn kinh phí còn gặp nhiều khó khăn, lực lượng thanh tra giao thông còn mỏng, trang thiết bị, phương tiện kiểm tra tải trọng chưa được bố trí đầy đủ nhưng ngành Giao thông vận tải đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng tham mưu UBND tỉnh trong hoạt động quản lý cơ sở hạ tầng giao thông góp phần bảo vệ, hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và nhu cầu đi lại của Nhân dân; Hoạt động đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông nông thôn, giao thông vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quan tâm thực hiện; Công tác quản lý hạ tầng giao thông thực hiện tốt đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; dịch vụ hoạt động xe công cộng đã có nhiều cố gắng góp phần phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân nhất là đối tượng học sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế là: Hạ tầng giao thông nông thôn xuống cấp, chưa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, phát triển sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân; Công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông chưa kịp thời; Hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, tình trạng xe chở quá tải trọng cho phép diễn ra phức tạp, gây áp lực lên hệ thống giao thông làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông; Hoạt động vận tải công cộng (xe buýt) còn nhiều hạn chế, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

HĐND tỉnh thống nhất những giải pháp mà ngành Giao thông vận tải đã báo cáo tại phiên chất vấn; đồng thời, đề nghị ngành trong thời gian tới tập trung một số giải pháp sau:

a) Việc quản lý hạ tầng giao thông vận tải

Phối hợp tốt với các cơ quan Trung ương, địa phương, tham mưu UBND tỉnh chủ động sử dụng tốt các loại phí, lệ phí; nghiên cứu các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh, khuyến khích xã hội hóa, tìm kiếm nguồn vốn kịp thời để có nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông, phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố bố trí nguồn kinh phí hàng năm để thực hiện duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường trên địa bàn.

HĐND tỉnh nhận định, trong điều kiện hạn chế, khó khăn về nguồn kinh phí, cần có kế hoạch rà soát, ưu tiên đầu tư có trọng điểm, đặc biệt là những tuyến đường hư hỏng nặng, tuyến đường xung yếu trong mùa mưa lũ nhằm đáp ứng yêu cầu đi lại của Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

b) Quản lý việc tham gia hoạt động giao thông vận tải

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của Luật Giao thông đường bộ, các quy định về vận chuyển hàng hóa, hình thức xử lý vi phạm xe chở quá tải trọng cho phép,… nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền trong vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng vi phạm an toàn giao thông, đặc biệt là các trường hợp xe chở quá tải trọng cho phép; đẩy mạnh việc phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành, các lực lượng để có giải pháp cụ thể, phân công nhiệm vụ đồng bộ đảm bảo các hoạt động tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh tuân thủ quy định pháp luật.

Xây dựng lực lượng Thanh tra giao thông trong sạch, vững mạnh, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác tuần tra, kiểm soát và quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải.

c) Hoạt động giao thông vận tải công cộng

Trước yêu cầu đi lại của Nhân dân ngày càng tăng và hướng tới việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng văn minh, lịch sự, thời gian tới ngành cần tập trung các giải pháp để phát triển hệ thống xe buýt công cộng. Trước mắt, nghiên cứu giải pháp để tăng cường thêm một số tuyến xe buýt công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; về lâu dài cần tăng cường các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực giao thông công cộng, tăng cường xã hội hóa, tranh thủ các nguồn vốn để phát triển các tuyến xe buýt trên cơ sở quy hoạch hệ thống vận tải công cộng trên địa bàn tỉnh.

2. Các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đang là những vấn đề bức xúc, có ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc tham mưu tăng cường công tác quản lý nhà nước trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và bảo đảm các chế độ về bảo hiểm cho người lao động; góp phần đào tạo nguồn nhân lực tham gia thị trường lao động, đạt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, còn một số hạn chế như đào tạo lao động chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là ngành nông nghiệp; vấn đề giải quyết việc làm ổn định so với nhu cầu còn thấp, tỷ lệ người thất nghiệp, chưa có việc làm còn cao.

Doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là vi phạm pháp luật. Hiện nay, vấn đề doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trên địa bàn tỉnh còn cao, rất đáng lưu ý. Nguyên nhân thực trạng này từ 03 đối tượng, đó là doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người lao động.

HĐND tỉnh ghi nhận những giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên theo giải trình của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đề nghị thời gian đến, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai các nhiệm vụ sau:

a) Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm

- Tăng cường thông tin giải quyết việc làm trên cơ sở khảo sát dự báo nhu cầu thị trường việc làm các ngành, các lĩnh vực; có giải pháp kết nối cung - cầu, trong đó có xuất khẩu lao động; chủ động đào tạo các ngành nghề, lĩnh vực theo nhu cầu của thị trường.

- Tiếp tục phát triển các trường nghề về số lượng và chất lượng, thu hút đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Tiếp tục tham mưu, đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo có nguồn lao động năng động, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

- Thường xuyên dự báo nhu cầu lao động của doanh nghiệp, ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các đối tượng là bộ đội, công an xuất ngũ, lao động nông thôn, hộ nghèo.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động.

- Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn: ưu tiên phát triển các ngành phi nông nghiệp, gắn với chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.

b) Thực hiện đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động

- Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật để người lao động và người sử dụng lao động nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật.

- Các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động, từ đó có biện pháp, chế tài đủ mạnh để xử lý các đơn vị nợ BHXH.

- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công Đoàn, Bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét những vấn đề được nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm và cử tri kiến nghị, để tổ chức các sở, ngành, cơ quan hữu quan, báo cáo giải trình tại các phiên họp thường kỳ Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Giao UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan tại Điều 2 của Nghị quyết có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc và báo cáo kết quả tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X.

2. Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận Khóa X Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 28/7/2017./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu - UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Công thương;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Thường trực tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa X;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, TP;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thanh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 38/2017/NQ-HĐND về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa X, nhiệm kỳ 2016-2021

  • Số hiệu: 38/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 17/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Nguyễn Đức Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/07/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản