Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2021/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 27 tháng 8 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH VÀ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Nghị định số 163/201 6/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV về kỳ họp thứ Nhất; Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19;

Căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ: số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 về các giải pháp cấp bách chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV;

Thực hiện Thông báo kết luận số 283-KL/TU ngày 03 tháng 8 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung triển khai một số giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong tình hình mới; các chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại các Thông báo số: 306-TB/TU ngày 10 tháng 8 năm 2021, 313-TB/TU ngày 18 tháng 8 năm 2021 về triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới tại hội nghị ngày 09 và ngày 17 tháng 8 năm 2021;

Xét các Tờ trình số: 5706/TTr-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2021 và 5804/TTr-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Tờ trình số 18/TTr-HĐND ngày 23 tháng 8 năm 2021 của Ban Văn hóa - Xã hội, Báo cáo thẩm tra số 34/BC-HĐND ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến thảo luận thống nhất của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm, khó lường, khó kiểm soát với sự xuất hiện của biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, gây tử vong tại nhiều nước và đang bùng phát ở Việt Nam với quy mô rộng, lây lan rất nhanh ở hầu hết các tỉnh trên địa bàn cả nước. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh; thời gian qua các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, triển khai đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp với phương châm “3 trước “, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở và thực hiện chiến lược “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng ổn định tình hình, đến nay tỉnh Quảng Ninh cơ bản kiểm soát được tình hình, là một trong số ít các tỉnh trong cả nước nhiều ngày qua không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, vẫn giữ được địa bàn “An toàn - ổn định trong trạng thái bình thường mới”.

Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương; sự tham gia tích cực, chủ động, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ cán bộ ngành y tế, biên phòng, quân sự, công an, các tình nguyện viên... trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, dự báo biến chủng Delta và những biến chủng khác vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế và nhiều mặt của đời sống xã hội. Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu trong năm 2021 và những năm tiếp theo của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi phải có các giải pháp ứng phó kịp thời, đồng bộ, phù hợp với tình hình mới, là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công “mục tiêu kép” của năm 2021 và các năm tiếp theo.

Để tiếp tục tập trung ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, giữ vững địa bàn “An Toàn - n định” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất ban hành Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với nhưng nội dung chủ yếu như sau:

Điều 1. Một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh

1. Áp dụng và thực hiện nghiêm các giải pháp, biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, các địa phương chủ động bám sát và nắm chắc tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, cá thể hoá trách nhiệm cá nhân và tiến độ cụ thể của từng công việc để vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển, phục hồi kinh tế. Trong đó tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra tại Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 301/NQ- HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Kết luận số 266-KL/TU ngày 16 tháng 6 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

2. Chủ động nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng kịp thời, hiệu quả trong tình hình diễn biến phức tạp và tình huống xấu có thể xảy ra.

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát để kịp thời ngăn chặn và phát hiện sớm nhất mọi nguồn lây nhiễm dịch từ bên ngoài vào trong địa bàn tỉnh từ các đường hàng không, đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường biên giới, đường mòn, lối mở... Tuyệt đối không để bị động bất ngờ về mầm bệnh, ca bệnh, ổ dịch trên địa bàn. Siết chặt công tác quản lý và kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào tỉnh, hạn chế tối đa người từ vùng có dịch vào tỉnh và người Quảng Ninh đi tới các địa phương có dịch, trọng tâm là siết chặt quản lý tại cầu Bạch Đằng, cầu Đá Bạc, cầu Vàng Chua, trạm kiểm soát liên hợp Km15 bến tàu Dân Tiến...

b) Thực hiện thần tốc truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn, dứt điểm, điều trị tích cực, chặn đứng nguồn lây (nếu có) để khóa chặt ca bệnh, dập tắt ổ dịch trong thời gian sớm nhất, hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của Nhân dân. Củng cố, kích hoạt và phát huy hiện quả các tổ COVID-19 cộng đồng và các tổ truy vết từ cơ sở.

c) Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương triển khai diễn tập cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động giữa các sở ban, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương trong việc phòng, chống dịch COVID-19 ở cấp độ 5.000 ca F0 và có tính đến tình huống xấu nhất xảy ra trên địa bàn tỉnh theo phương án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

d) Củng cố và nâng cao công suất, tốc độ xét nghiệm RT-PCR trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác xét nghiệm sàng lọc, tầm soát chủ động trong cộng đồng, trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở y tế và những nơi có nguy cơ cao. Thực hiện xét nghiệm RT-PCR đối với 100% trường hợp bệnh nhân khám chữa bệnh có biểu hiện ho sốt, khó thở tại tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập nhằm phát hiện sớm nguy cơ trong cộng đồng.

đ) Tổ chức tiêm chủng vắc xin đảm bảo tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả theo phương án “cuốn chiếu” để tạo được nhiều “vùng xanh” an toàn theo đúng quy định. Huy động mọi lực lượng y tế công lập, tư nhân và các lực lượng hỗ trợ khác để củng cố năng lực tiêm chủng trên diện rộng gắn với năng lực xử lý các tình huống nảy sinh sau tiêm (nếu có), đảm bảo an toàn nhất cho người dân khi tiêm chủng.

e) Triển khai ứng dụng đồng bộ, có hiệu quả công nghệ thông tin trong khai báo y tế điện tử, quản lý người và phương tiện ra vào tỉnh, truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng...

g) Thực hiện truyền thông đầy đủ, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng, chống dịch để tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của Nhân dân. Chủ động nắm chắc tình hình và định hướng dư luận, làm chủ trên không gian mạng và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai sự thật về dịch bệnh và tiêm chủng phòng ngừa COVID-19.

3. Phát huy mọi nguồn lực, chủ động, tích cực chuẩn bị về mọi mặt đảm bảo tốt cho công tác phòng chống dịch.

a) Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và cơ sở điều trị người bệnh COVID-19. Ủy ban nhân dân các cấp chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp trong chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung vào dự phòng ngân sách, tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

b) Ủy ban nhân dân tỉnh quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các địa phương chủ động tổ chức mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết theo các kịch bản và phương án ứng phó đã phê duyệt, đảm bảo phù hợp, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, trước mắt đáp ứng sẵn sàng cho phương án phòng chống dịch với 1.000 ca mắc COVID-19.

c) Ủy ban nhân dân các cấp khẩn trương thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Chỉ huy trưởng để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến dịch và thực tiễn của địa phương. Ủy ban nhân dân các địa phương chủ động xây dựng và thực hiện phương án huy động nhân lực, vật lực, sẵn sàng đảm bảo việc cách ly, điều trị, kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho mọi người dân; đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu tới các khu vực cách ly, phong tỏa trong trường hợp dịch lây lan diện rộng và kéo dài; tuyệt đối không để Nhân dân thiếu đói, đồng thời phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

d) Ngành Y tế tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, diễn tập thường xuyên, xây dựng phương án điều động và chuẩn bị đội ngũ nhân lực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh trên địa bàn và hỗ trợ các địa phương khác khi được điều động. Huy động lực lượng cán bộ, y bác sỹ, nhân viên y tế đã nghỉ hưu; học viên, sinh viên và học sinh các cơ sở đào tạo trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối ngành sức khỏe... sinh sống, học tập trên địa bàn tỉnh tham gia công tác phòng chống dịch bệnh khi cần thiết, sẵn sàng đáp ứng đủ nhân lực tại chỗ trong các tình huống và cấp độ diễn biến của dịch bệnh.

đ) Huy động tối đa, sử dụng hiệu quả các cơ sở vật chất sẵn có của các cơ sở y tế công lập, của ngành than và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn để thiết lập các cơ sở điều trị, các khu cách ly theo diễn biến tình hình của dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống có thể xảy ra, tương ứng với cấp độ dịch bệnh.

4. Đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và ổn định đời sống, sản xuất của người dân, nhất là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, những người yếu thế khác và lực lượng tuyến đầu chống dịch, bảo đảm kịp thời, thực chất và hiệu quả.

a) Tận dụng cơ hội “địa bàn an toàn” để duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, không để gián đoạn sản xuất, bảo đảm lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng phải đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chỉ những cơ sở chấp hành nghiêm túc các quy định trong phòng, chống dịch bệnh mới được phép hoạt động. Áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ trong quản lý hoạt động vận tải tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Có các giải pháp hỗ trợ bảo đảm sản xuất, cung ứng, lưu thông đối với nhóm hàng hóa là trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất, ô xy y tế, phương tiện, dịch vụ phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19... ....

b) Thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là trong khu vực phong tỏa, cách ly, khu vực ở mức “nguy cơ rất cao”, giãn cách xã hội... không để ai bị thiếu lương thực, thực phẩm. Nghiên cứu việc thành lập, tổ chức các trung tâm, tổ, nhóm hỗ trợ, cứu trợ với hình thức, phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo tình hình thực tiễn dịch bệnh.

c) Ủy ban nhân dân các cấp triển khai ngay các chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hỗ trợ của tỉnh đảm bảo công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, tuyệt đối không để nảy sinh tiêu cực.

5. Tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ COVID-19 cộng đồng, đảm bảo gắn công tác phòng, chống dịch với giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Siết chặt và quản lý chặt chẽ tạm trú, tạm vắng, di biến động dân cư; nắm chắc các trường hợp từ các địa phương khác vào địa bàn tỉnh, nhất là tại các khu vực xa khu dân cư, các nhà trọ trong khu đô thị, lán trại tại các công trường... Tuyệt đối không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống; chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, kiểm soát chặt chẽ thông tin sai sự thật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19.

Điều 2. Một số chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

1. Hỗ trợ 100% học phí năm học 2021 - 2022 cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh theo mức thu học phí công lập đang được áp dụng trên địa bàn tỉnh.

2. Chính sách hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 (ngoài đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ), gồm:

a) Người được cơ quan có thẩm quyền huy động làm nhiệm vụ tại các trạm, chốt kiểm soát, giám sát được cơ quan có thẩm quyền thành lập trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19:

- Người làm việc tại 4 trạm, chốt liên ngành kiểm soát dịch bệnh COVID- 19: câu Bạch Đằng, cầu Đá Bạc, cầu Vàng Chua, trạm kiểm soát liên hợp Km15 bến tàu Dân Tiến (TP Móng Cái) được hưởng mức bồi dưỡng 150.000 đồng/người/ngày và hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng/người/ngày.

- Người làm việc tại các trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19: còn lại được hưởng mức bồi dưỡng 130.000 đồng/người/ngày và hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày.

b) Người làm nhiệm vụ phân luồng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập được hưởng mức bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày; tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

c) Thành viên tổ cơ động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 do Ủy ban nhân cấp xã phê duyệt trên cơ sở đề nghị của Trưởng công an cấp xã, được hưởng mức bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày, tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

d) Tổ COVID cộng đồng tại các thôn, bản, khu phố chưa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/tổ/tháng.

đ) Cán bộ, nhân viên y tế hiện đang công tác tại các cơ sở y tế công lập ngoài công lập hoặc đã nghỉ hưu; học viên, sinh viên và học sinh các cơ sở đào tạo trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối ngành sức khỏe hiện đang sinh sống, học tập trên địa bàn tỉnh được tỉnh huy động để hỗ trợ phòng, chống dịch ngoài chế độ phụ cấp được hưởng theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ, được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày: 40.000 đồng/người/ngày.

3. Hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian phải thực hiện cách ly tại khu vực phong tỏa do cấp có thẩm quyền quyết định với giá trị hiện vật tối đa 80.000 đồng/người/ngày.

4. Các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, xử lý các đối tượng vi phạm, vận chuyển bị can, phạm nhân phải thực hiện cách ly tập trung phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ:

a) 100% chi phí vận chuyển, áp giải đối tượng đến cơ sở cách ly tập trung và bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý sau khi kết thúc thời gian cách ly tập trung;

b) 100% chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày, chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày: 40.000 đồng/người/ngày cho lực lượng làm nhiệm vụ và đối tượng bị xử lý.

5. Hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 (ngoài phần chi trả của quỹ bảo hiểm y tế nếu có) theo phương pháp RT-PCR gộp mẫu 10 và chi phí xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn khi mẫu gộp nghi ngờ dương tính với SARS- CoV-2 đối với các đối tượng phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc theo yêu cầu của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp và các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở tại các cơ sở y tế công lập (ngoài các đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ, khoản 4 Điều 2 Nghị quyết này và các doanh nghiệp, cơ sở sản xut kinh doanh).

6. Hỗ trợ chi phí mai táng:

a) Người làm nhiệm vụ trực tiếp tham gia các hoạt động mai táng, hỏa táng đối với người tử vong dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh được hưởng mức bồi dưỡng 200.000 đồng/người/ngày.

b) Hỗ trợ 100% chi phí hoả táng, mai táng thi hài người tử vong dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh.

7. Nguyên tắc hỗ trợ và nguồn lực thực hiện:

a) Nguyên tắc hỗ trợ:

- Công khai, minh bạch, đúng đối tượng, nội dung và mức hỗ trợ.

- Trong cùng một thời gian, cùng một đối tượng, cùng một nội dung chính sách hỗ trợ được quy định ở nhiều văn bản khác nhau của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì môi đối tượng chỉ được hưởng một mức hỗ trợ quy định tại văn bản có mức cao nhất. Trường hợp các quy định dẫn chiếu nêu trên được thay đổi, thì thực hiện theo các quy định mới do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

- Đối với những chính sách đã được đảm bảo (toàn bộ hoặc một phần) từ nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác thì kinh phí chi từ ngân sách nhà nước được giảm tương ứng.

b) Nguồn kinh phí thực hiện:

- Từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 các cấp đã bố trí trong dự toán đầu năm, nguồn ngân sách Trung ương và nguồn hợp pháp khác.

- Ngân sách tỉnh đảm bảo chi trả cho các đối tượng do các sở, ban, ngành thuộc tỉnh thực hiện và hỗ trợ cho ngân sách địa phương còn khó khăn chưa cân đối được ngân sách theo quy định.

- Ngân sách huyện, xã chi trả cho các đối tượng còn lại theo phân cấp.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết.

Trong quá trình điều hành, trường hợp phát sinh các nội dung chi khác ngoài các nội dung chi đã được quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh để xem xét, quyết định cụ thể theo thẩm quyền, triển khai thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19 thực tế trên địa bàn tỉnh và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

2. Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 27 tháng 8 năm 2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua./.

 


Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội, Chính phủ (để b/c);
- Ban CTĐB của UBTV Quốc hội;
- Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính;
- Kiểm toán nhà nước;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV;
- Các ban xây dựng Đảng và VP Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ và tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Trung tâm truyền thông tỉnh;
- Lưu: VT, NS(P1).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Ký

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 36/2021/NQ-HĐND về một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

  • Số hiệu: 36/2021/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 27/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Xuân Ký
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản