Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 16/NQ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2021

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHI PHÍ CÁCH LY Y TẾ, KHÁM, CHỮA BỆNH VÀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐẶC THÙ TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và ý kiến của các Thành viên Chính phủ,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về chi phí cách ly y tế, chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cách ly y tế

1. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và không phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch

a) Phải chấp hành chỉ định xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 của cơ quan y tế và tự chi trả chi phí xét nghiệm cho cơ sở y tế theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.

Quy định này không áp dụng đối với các đoàn ngoại giao cấp cao; các nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, chuyên gia, khách mời do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mời. Việc chỉ định xét nghiệm đối với các trường hợp này do Bộ Y tế thống nhất với cơ quan mời. Việc miễn hoặc cá nhân phải tự chi trả chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

b) Cơ quan, tổ chức đón tiếp người nhập cảnh phải thông báo cho Sở Y tế địa phương về danh sách lưu trú và địa chỉ lưu trú để tổ chức theo dõi, giám sát y tế và thực hiện việc xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.

2. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thuộc đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch

a) Phải có bảo hiểm y tế quốc tế còn giá trị sử dụng và có phạm vi thanh toán khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phù hợp với thời gian lưu trú tại Việt Nam.

b) Phải thực hiện cách ly tại khách sạn, resort (không cách ly tại các doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác được cơ quan có thẩm quyền chọn là nơi cách ly tập trung).

c) Phải tự chi trả các chi phí sau đây:

- Chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam đến cơ sở cách ly;

- Chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành;

- Các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt (bao gồm cả chi phí khử trùng, diệt khuẩn; chi phí bảo vệ, bảo đảm an ninh, trật tự và chi phí khác) theo mức giá do khách sạn, resort, chủ phương tiện vận tải công bố.

3. Người Việt Nam đi làm việc, lao động, đi du học, du lịch, khám, chữa bệnh, thăm thân ở nước ngoài trở về phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch

a) Trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này.

b) Trường hợp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cách ly tại doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung, người nhập cảnh phải tự chi trả các chi phí sau đây cho cơ sở cách ly:

- Chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam đến cơ sở cách ly tập trung;

- Chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành;

- Chi phí tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày;

- Các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác) với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày.

Trường hợp người phải cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ các chi phí quy định tại điểm b khoản này.

4. Người Việt Nam được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân hoặc phu quân và con chưa thành niên đi theo trở về nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung

a) Trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này. Riêng chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 thì được ngân sách nhà nước chi trả.

b) Trường hợp cách ly tại doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho làm nơi cách ly tập trung thì được ngân sách nhà nước bảo đảm các chi phí quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết này.

5. Người Việt Nam ở trong nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch

a) Trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này.

b) Trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung chỉ phải tự chi trả tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày cho cơ sở cách ly y tế tập trung; còn các khoản chi phí sau đây được ngân sách nhà nước bảo đảm:

- Chi phí đưa đón từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế tập trung;

- Chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2;

- Chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác) với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày.

Trường hợp người phải cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ các chi phí quy định tại điểm b khoản này, bao gồm cả tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày.

6. Người tham gia công tác phòng, chống dịch phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung được áp dụng chế độ theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết này.

7. Trong thời gian cách ly y tế tập trung, người bị cách ly mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì việc chi trả chi phí khám, điều trị như sau:

a) Người có thẻ bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế như các trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến. Đối với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế (nếu có) thì người bị cách ly phải tự chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

b) Người không có thẻ bảo hiểm y tế tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.

Điều 2. Chế độ phụ cấp chống dịch

1. Chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:

a) Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch.

b) Người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc COVID-19, nghi mắc COVID-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

c) Người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SASR-CoV-2 tại cơ sở y tế.

d) Người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc COVID-19.

2. Chế độ phụ cấp chống dịch mức 200.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:

a) Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

b) Người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước.

c) Người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm SASR-CoV-2.

3. Chế độ phụ cấp chống dịch mức 150.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:

a) Người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú).

b) Người làm nhiệm vụ cưỡng chế cách ly y tế, truy tìm đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không chấp hành biện pháp cách ly y tế.

c) Người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly; lái xe đưa cán bộ đi kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch.

d) Người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại tổ, chốt, đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới; làm thủ tục cho người nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển.

đ) Người làm nhiệm vụ khoanh vùng, phong tỏa, tuần tra, kiểm soát và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cách ly y tế tập trung, chốt kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn dân cư có người nhiễm COVID-19.

e) Người làm nhiệm vụ phun khử trùng, diệt khuẩn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (không bao gồm đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này), cơ sở cách ly y tế tập trung, khu vực dân cư bị khoanh vùng, phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

g) Người làm nhiệm vụ phân luồng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận, điều trị người mắc COVID-19.

4. Chế độ thường trực chống dịch mức 130.000 đồng/người/ngày áp dụng cho đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ (không bao gồm các đối tượng quy định tại khoản 7 Điều này).

5. Người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú), phân luồng, làm thủ tục cho người nhập cảnh; người bảo vệ khu vực cách ly y tế tại các địa bàn dân cư theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại các tổ, chốt đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới; cán bộ y tế thường trực 24/24 giờ tại cơ sở điều trị cách ly y tế để chăm sóc, điều trị người mắc, nghi mắc COVID-19 được hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày.

6. Chế độ bồi dưỡng đối với phóng viên, nhà báo, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch trong thời gian có dịch COVID-19

a) Mức 130.000 đồng/người/ngày đối với phóng viên, nhà báo trực tiếp đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị COVID-19; khu vực dân cư có người nhiễm COVID-19 bị phong tỏa; đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới để lấy tin về công tác phòng, chống dịch, số lượng phóng viên, báo được hưởng chế độ bồi dưỡng do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp quyết định phù hợp với từng thời kỳ.

b) Mức 130.000 đồng/người/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch.

c) Mức 80.000 đồng/người/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập.

7. Chế độ đối với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp

a) Thành viên Ban chỉ đạo các cấp, các Tiểu ban, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo khi tham gia phòng, chống dịch theo các nhóm quy định tại Điều này thì được hưởng mức phụ cấp chống dịch tương ứng theo nhóm đó.

b) Các thành viên quy định tại điểm a khoản này trong những ngày thực hiện nhiệm vụ thường trực, chỉ đạo chống dịch theo quyết định phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp được bồi dưỡng mức 100.000 đồng/người/ngày nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Ngân sách nhà nước bố trí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương còn khó khăn chưa cân đối được ngân sách theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Quỹ bảo hiểm y tế chi trả đối với các chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế và Nghị quyết này.

3. Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 4. Nguyên tắc chi trả

1. Chế độ phụ cấp chống dịch quy định tại Điều 2 Nghị quyết này được thực hiện kể từ ngày xuất hiện người mắc, nghi mắc COVID-19 đầu tiên nhưng không sớm hơn ngày xảy ra dịch bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch COVID-19 cho đến ngày không còn người mắc, nghi mắc COVID-19 trên phạm vi địa bàn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Thời gian hưởng chế độ phụ cấp chống dịch quy định tại Điều 2 Nghị quyết này được tính theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo phân công của cấp có thẩm quyền, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tế để quyết định và chịu trách nhiệm về việc phân công người tham gia chống dịch.

3. Người lao động thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch kể từ ngày cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận người mắc, nghi mắc COVID-19 cho đến ngày cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không còn người mắc, nghi mắc COVID-19. Riêng các đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị quyết này được hưởng phụ cấp theo số ngày thực tế làm công tác phục vụ xét nghiệm.

Trong thời gian được giao khám, điều trị người mắc COVID-19, nếu được phân công thêm nhiệm vụ thường trực tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì được hưởng thêm chế độ phụ cấp thường trực theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

4. Người lao động thuộc cơ sở y tế dự phòng tham gia chống dịch thuộc nhiều đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp khác nhau theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết này thì được hưởng theo chế độ phụ cấp có mức cao nhất.

5. Trường hợp dịch COVID-19 chưa được công bố nhưng người tham gia chống dịch phải đi giám sát, điều tra, xác minh dịch theo phân công của cấp có thẩm quyền cũng được hưởng phụ chế độ cấp chống dịch quy định tại Nghị quyết này.

6. Người tham gia chống dịch COVID-19 đã hưởng chế độ phụ cấp theo mức quy định tại Điều 3 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ được truy lĩnh phần tăng thêm để đạt bằng mức phụ cấp chống dịch tương ứng quy định tại Điều 2 Nghị quyết này.

7. Cơ quan, đơn vị được giao chủ trì phòng, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh, cách ly y tế tập trung có trách nhiệm chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ theo quy định tại Điều 1Điều 2 Nghị quyết này cho các đối tượng sau đây:

a) Đối tượng thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị mình.

b) Đối tượng thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị khác liên quan trên địa bàn, cơ quan, đơn vị cấp trên, cơ quan, đơn vị ở địa phương khác cử đến để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị mình (nếu có).

c) Cộng tác viên, tình nguyện viên tham tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, cách ly y tế tập trung tại cơ quan, đơn vị mình.

8. Cơ quan, đơn vị được sử dụng nguồn thu dịch vụ, nguồn ủng hộ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài để chi phụ cấp phòng, chống dịch cho các đối tượng ngoài phạm vi quy định tại Điều 2 Nghị quyết này và được chi bổ sung mức phụ cấp tối đa không quá 70% mức chi cho các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị quyết này.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.

2. Các chế độ đặc thù quy định tại Nghị quyết này được thực hiện trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Các chế độ khác không được quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

3. Người Việt Nam ở trong nước đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung trước ngày có hiệu lực của Nghị quyết này được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí cách ly y tế theo quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP cho đến khi kết thúc thời gian cách ly y tế tập trung.

4. Người nhập cảnh vào Việt Nam hoàn thành thời hạn cách ly y tế tập trung tại doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định làm nơi cách ly y tế tập trung trong thời gian từ ngày 24 tháng 8 năm 2020 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng cơ sở cách ly tập trung chưa kịp thu hoặc thu không đủ mức phí cách ly y tế tập trung thì được quyết toán số đã chi tương ứng với số tiền chưa kịp thu hoặc thu không đủ từ dự toán chi ngân sách nhà nước phòng, chống dịch của cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân sách nhà nước.

5. Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực, bị cách ly y tế tập trung từ sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thì phải tự chi trả các chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2, đưa đón, ăn, ở, sinh hoạt theo quy định tại các điểm b, điểm c khoản 2 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết này.

6. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét quyết định sử dụng nguồn ngân sách nhà nước phòng, chống dịch hoặc nguồn kinh phí hợp pháp khác theo phân cấp để chi trả chi phí cách ly y tế theo mức quy định tương ứng với số tiền không thu được do người nhập cảnh vào Việt Nam phải cách ly y tế nhưng không có khả năng chi trả.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Tài chính, Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý người nước ngoài và phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện cách ly công dân nước ngoài và Việt Nam nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định.

3. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm bố trí các doanh trại quân đội, trường của quân đội làm nơi cách ly tập trung đối với người Việt Nam ở trong nước; và đối với người nhập cảnh trong trường hợp vượt quá năng lực cách ly tập trung của các khách sạn, resort, cơ sở khác trên địa bàn.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung có trách nhiệm:

a) Bố trí các khách sạn, resort phù hợp làm nơi cách ly y tế tập trung đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt Nam ở trong nước có yêu cầu; chỉ đạo khách sạn, resort được chọn làm nơi cách ly tập trung phải cam kết và chấp hành về mức chi phí cách ly, không được tự ý nâng giá.

b) Bố trí các cơ sở khác (không bao gồm cơ sở do quân đội đã bố trí) làm nơi cách ly y tế tập trung đối với các trường hợp là người dân trên địa bàn tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung.

5. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi làm thủ tục cho phép người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam có trách nhiệm thông báo về các khoản chi phí cách ly y tế tập trung cho người nhập cảnh.

6. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc COVID-19 có trách nhiệm tổ chức khu điều trị cách ly y tế cho đối tượng này theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

7. Cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện cách ly y tế tập trung tại các doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác của địa phương (không bao gồm hình thức cách ly tại khách sạn, resort, tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp) có trách nhiệm thu các khoản chi phí cách ly có liên quan mà người bị cách ly y tế phải tự chi trả theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết này (sử dụng chứng từ là phiếu thu để thu), tổ chức việc ăn, ở, sinh hoạt bảo đảm an toàn vệ sinh, thuận lợi cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung.

8. Các khách sạn, resort được chọn làm nơi cách ly y tế tập trung, chủ phương tiện vận tải đưa đón người cách ly y tế có trách nhiệm thực hiện đầy đủ hướng dẫn của Bộ Y tế về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho người bị cách ly y tế; chấp hành việc công khai tổng chi phí về ăn, ở, sinh hoạt và chi phí đưa đón cho từng người khi tiếp nhận cách ly tập trung.

9. Các cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ hướng dẫn của Bộ Y tế về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, học tập, lưu trú của người lao động, học sinh, sinh viên nhằm hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, học sinh, sinh viên. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ này trong phạm vi dự toán chi thường xuyên đã được giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước hoặc nguồn kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc hạch toán vào chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

10. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTg PTTg, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KGVX (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 16/NQ-CP năm 2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 16/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/02/2021
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 309 đến số 310
  • Ngày hiệu lực: 08/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản