Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2012/NQ-HĐND8

Thủ Dầu Một, ngày 10 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2013

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Sau khi xem xét báo cáo số 139/BC-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo của các cơ quan hữu quan; báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành về tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời quyết nghị:

1. Về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012

Năm 2012, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động rất phức tạp và có nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 12,5%, sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng hợp lý, hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển, sản xuất nông nghiệp giữ được sự ổn định; tổng vốn đầu tư toàn xã hội và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra; an sinh xã hội tiếp tục được chăm lo toàn diện, kịp thời, đặc biệt đối với người có công; sự nghiệp giáo dục được quan tâm chỉ đạo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được tăng cường; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước tiến bộ; các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng; công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo và đấu tranh phòng chống tham nhũng được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách không đạt được kế hoạch đề ra. Khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng và tiêu thụ sản phẩm. Dư nợ tín dụng tăng thấp so với vốn huy động; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao so với đầu năm. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản một số mặt còn hạn chế. Tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các dự án thoát nước, môi trường còn chậm. Dịch bệnh sốt xuất huyết, vệ sinh an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình, lãn công tuy giảm, song có chiều hướng phức tạp, kéo dài; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo nhưng vẫn còn một số vụ việc khiếu kiện đông người vượt cấp.

Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao và trân trọng những nỗ lực của UBND tỉnh, của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, linh hoạt, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và diễn biến tình hình thực tế của tỉnh. Tuy nhiên, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế; tính chủ động và sự phối hợp của các sở, ngành trong thực hiện một số nhiệm vụ cũng như nắm bắt, xử lý những vấn đề phát sinh chưa kịp thời, chặt chẽ và thiếu hiệu quả.

2. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013

a) Mục tiêu tổng quát

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo duy trì được tăng trưởng kinh tế như năm 2012. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại. Triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương về cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, sắp xếp doanh nghiệp, thị trường tài chính, ngân hàng. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

b) Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu

* Về kinh tế:

- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 12,5%.

- Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 61,5% - 35% - 3,5%.

- GDP bình quân đầu người đạt 50,8 triệu đồng.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17%, nông nghiệp tăng 4,2%, dịch vụ tăng 20,6%.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 30%.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng 19%.

- Tổng thu ngân sách đạt 29.000 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách 10.000 tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản 4.000 tỷ đồng.

- Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1 tỷ USD.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 20%.

* Về xã hội:

- Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 48%.

- Tạo việc làm cho 40.000 - 45.000 lao động.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%.

- Duy trì mức sinh thay thế.

- Cơ bản xóa hộ nghèo theo chuẩn quy định của tỉnh (giai đoạn 2011-2015).

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 10,5%.

- Số giường bệnh trên vạn dân đạt 23 giường.

- Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,5m2.

* Về môi trường:

- Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%.

- Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt 98%.

- Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý: 100%.

- Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 88,2%.

- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý đạt 90%.

- Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn: 100%.

- Tỷ lệ che phủ cây công nghiệp và cây lâu năm đạt 56,8%.

- Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện 99,9%.

c) Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời nhấn mạnh một số giải pháp sau:

- Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, giải pháp của Trung ương phù hợp với tình hình của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho; tập trung chỉ đạo, giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm quy định của Ngân hàng nhà nước, nhất là vấn đề lãi suất, ưu tiên tiếp cận vốn tín dụng, kiểm soát nợ xấu.

- Tăng cường hoạt động gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, người lao động, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và giải quyết có hiệu quả những kiến nghị của người lao động.

- Tăng cường công tác nghiệp vụ quản lý thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách và có phương án điều hành ngân sách hợp lý, đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán; quản lý chi chặt chẽ, đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

- Tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác quản lý thị trường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, nhất là trong dịp Tết nguyên đán. Tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh gắn với nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huy động và phân bổ vốn ưu tiên phấn đấu có 5 xã được công nhận đạt tiêu chí xã nông thôn mới theo kế hoạch đề ra. Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến; chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản.

- Tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc bố trí vốn theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tập trung nguồn vốn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo thực hiện tốt từng dự án, các công trình có tính bức xúc, trọng điểm tạo sự lan tỏa đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, quan tâm thực hiện các biện pháp huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế để bổ sung vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

- Thực hiện công tác phân cấp quản lý cho địa phương gắn với xây dựng quy chế quản lý đô thị, tập trung vào các lĩnh vực giao thông, xây dựng, thoát nước...; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, về thực hiện quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý chất lượng, bảo đảm hiệu quả công trình xây dựng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội.

- Thực hiện có hiệu quả các chính sách đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục huy động các nguồn lực thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công và đối tượng xã hội.

- Chú trọng đầu tư xây dựng và khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa; tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua trong ngành giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; chỉ đạo việc triển khai thực hiện giá dịch vụ y tế gắn với nâng cao y đức và chất lượng khám, chữa bệnh; tập trung công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện; tăng cường chủ động, phối hợp trong công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh xảy ra; triển khai có hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh, kiểm tra và giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động nhằm giảm thiểu các vụ đình, lãn công.

- Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và đạo đức công vụ, xây dựng lòng tin và sự đồng thuận của nhân dân; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của chính quyền cấp huyện, cấp xã, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng, các tổ chức xã hội tham gia giám sát.

- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống vi phạm pháp luật, phòng chống tội phạm; triển khai có hiệu quả công tác an toàn lao động và phòng, chống cháy nổ; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, không để xảy ra điểm nóng; chú trọng công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Điều 2. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố xây dựng các kế hoạch, chương trình cụ thể thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.

Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh theo chức năng của mình tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu của Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên giám sát và phối hợp vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khóa VIII, kỳ họp lần thứ 6 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2012 và có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Vũ Minh Sang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 33/2012/NQ-HĐND8 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 do tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 33/2012/NQ-HĐND8
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Vũ Minh Sang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/12/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản