Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2013/NQ-HĐND

Tây Ninh, ngày 29 tháng 8 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức UBND và HĐND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 06/2011/QĐ-TTg, ngày 24 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 356/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 1436/QĐ-TTg, ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng chính phủ về Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1734/QĐ-TTg, ngày 01 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 2044/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 13/2008/QĐ-BGTVT, ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt “Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020”;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1944/TTr-UBND, ngày 22 tháng 8 năm của UBND tỉnh về việc thông qua Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Quy hoạch giao thông vận tải phải phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Campuchia. Gắn liền giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh quốc phòng.

b) Lấy quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông là khâu cơ bản, kết nối hệ thống giao thông tỉnh với hệ thống giao thông Quốc gia và các tỉnh thuộc vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Có tầm nhìn chiến lược lâu dài, xây dựng hệ thống giao thông liên hoàn kết nối hợp lý giữa các trục Quốc lộ, đường tỉnh với các đường thủy…Coi trọng phát triển giao thông nông thôn.

c) Về vận tải: Tổ chức phân công luồng tuyến hợp lý đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân. Đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn và kết nối giữa các tuyến liên tỉnh, tuyến nội tỉnh.

d) Đảm bảo môi sinh và môi trường bền vững.

đ) Giao thông vận tải là ngành sản xuất đặc biệt vừa mang tính phục vụ vừa mang tính kinh doanh, không chỉ xét hiệu quả kinh tế, mà cần xét đến yếu tố phục vụ dân sinh.

e) Trên cơ sở phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển hệ thống giao thông vận tải.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Từng bước tạo ra hệ thống giao thông vận tải đồng bộ và liên hoàn, có khả năng phát triển bền vững. Đảm bảo lưu thông nhanh chóng, thuận tiện và an toàn. Đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng. Đa dạng hóa phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh quốc phòng.

b) Mục tiêu cụ thể

- Về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải

+ Gắn kết mạng lưới giao thông của tỉnh với mạng lưới giao thông Quốc gia, đảm bảo tính liên thông và chuyển tiếp liên tục giữa hệ thống giao thông đối nội (trong tỉnh) với hệ thống giao thông đối ngoại, tạo điều kiện để tỉnh Tây Ninh tiếp cận nhanh hơn với thị trường các tỉnh trong vùng và quốc tế.

+ Xây dựng hoàn chỉnh các trục giao thông đối ngoại bao gồm trục giao thông Quốc tế Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh kết nối tỉnh Tây Ninh với các tỉnh Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và thành phố Hồ Chí Minh - Xa Mát.

+ Xây dựng tuyến vòng tránh các khu đô thị trên địa bàn tỉnh, góp phần chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn giao thông và môi trường đô thị.

+ Cải tạo, nâng cấp các đầu mối giao thông đảm bảo nhu cầu giao lưu thông suốt. Cần xem xét hoạch định dự trữ quỹ đất để cải tạo các đầu mối trong tương lai.

- Về vận tải

+ Phát triển các tuyến vận tải hành khách đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, tăng khả năng kết nối trực tiếp từ tỉnh đến các tỉnh khác có nhu cầu. Về vận tải hành khách nội tỉnh, mở rộng mạng lưới tuyến, chú trọng phục vụ nhu cầu của người dân ở các huyện đi về trung tâm tỉnh. Từng bước đổi mới phương tiện để nâng cao khả năng vận chuyển, đảm bảo tính an toàn và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

+ Phát triển loại hình giao thông công cộng, khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng.

+ Phát triển giao thông vận tải đường thủy, để chia sẻ bớt áp lực của vận tải đường bộ, giảm được tai nạn giao thông và bảo vệ môi trường tốt hơn. Với hệ thống các khu công nghiệp của tỉnh thì phát triển giao thông thủy là một lợi thế để xuất nhập và phân phối hàng hóa một cách thuận tiện và hiệu quả nhất.

3. Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

a) Hệ thống giao thông đường bộ

- Hệ thống giao thông Quốc gia trên địa bàn tỉnh: Gồm 05 tuyến, với tổng chiều dài 323,6Km (Chi tiết có Phụ lục I đính kèm).

- Hệ thống đường bộ do tỉnh quản lý: Gồm 34 tuyến đường với tổng chiều dài 845,5Km, trên cơ sở kế thừa Quy hoạch năm 2007, thực hiện quy hoạch nâng cấp ; sát nhập, kết nối một số tuyến, đoạn cho phù hợp với nhu cầu giao thông của tỉnh; mở mới một số đoạn trên cơ sở kết nối các tuyến đường huyện, đường xã hiện hữu (Chi tiết có Phụ lục II đính kèm)

- Hệ thống cầu trên đường tỉnh: Trên hệ thống đường tỉnh có 86 cầu, với tổng chiều dài 3.486,69m. (Chi tiết có Phụ lục III đính kèm).

- Chuyển một số tuyến thành đường đô thị: Đường Trưng Nữ Vương, ĐT.797, ĐT.798 và ĐT.799.

b) Quy hoạch các điểm đấu nối hệ thống đường gom và đường giao thông công cộng với Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22B

- Bổ sung 02 điểm đấu nối vào QL.22 tại cảng Thanh Phước và Khu công nghiệp Đại An Sài Gòn; 01 điểm đấu nối vào QL.22B tại Khu công nghiệp Hiệp Thạnh.

- Quy hoạch nút giao thông: Trên địa bàn tỉnh quy hoạch 16 nút khác mức, 25 nút cùng mức.

- Trạm dừng nghỉ: Xây dựng 01 trạm dừng nghỉ tại xã Gia Bình huyện Trảng Bàng, giai đoạn trước năm 2020 với quy mô 10ha nằm tại ngã tư giao giữa đường Xuyên Á (QL.22) với đường Hồ Chí Minh.

c) Hệ thống giao thông đường sắt và bãi đáp trực thăng

- Hệ thống đường sắt: Thực hiện sau năm 2020, gồm các tuyến: Đường sắt Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường sắt Gò Dầu - Xa Mát.

+ Ga đường sắt: Xây dựng 05 ga đường sắt: Tại Trảng Bàng, Gò Dầu, Mộc Bài, thị xã Tây Ninh, Xa Mát; quy mô mỗi nhà ga tối thiểu là 1ha. Ngoài ra, dự kiến xây dựng trung tâm tiếp vận, kho bãi tại khu vực nhà ga Trảng Bàng.

- Bãi đáp trực thăng: Giai đoạn sau năm 2020: Xây dựng bãi đáp trực thăng tại Khu du lịch Núi Bà, thị xã Tây Ninh.

d) Quy hoạch phát triển vận tải

- Vận tải hành khách liên tỉnh và nội tỉnh.

+ Hành khách liên tỉnh: Phát triển các hướng giao thông với các tỉnh liền kề như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Long An…theo các trục đường tỉnh, như: QL.22, QL.22B, ĐT.784 - Đất Sét, Bến Củi; ĐT.794 và ĐT.786.

+ Hành khách nội tỉnh: Các tuyến nội tỉnh dần được thay thế bằng các tuyến xe buýt.

- Hệ thống xe buýt

+ Đảm bảo kết nối thị xã Tây Ninh với các đô thị vệ tinh xung quanh, các khu kinh tế cửa khẩu thành một mạng lưới xuyên suốt. Đồng thời đảm bảo kết nối với các tỉnh lân cận như Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh. Hình thành mạng lưới xe buýt theo dạng xương cá nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tốt hơn.

+ Đến năm 2020, mở thêm 04 tuyến xe buýt: Khu kinh tế Cửa khẩu Phước Tân – thị trấn Dương Minh Châu; thị trấn Tân Biên - xã Suối Dây (Tân Châu); thị trấn Tân Biên - ngã ba Kà Tum; thị xã Tây Ninh - Dầu Tiếng.

- Vận tải hàng hóa liên tỉnh

+ Các trục đường kết nối các vùng nguyên liệu, vận chuyển hàng hóa chủ yếu của tỉnh đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và cụm cảng biển Nhóm V, bao gồm: QL.22, QL.22B, ĐT.782, ĐT.784, ĐT.785, ĐT.793… hoặc bằng đường thủy theo hai hệ thống sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn.

e. Phục vụ phát triển du lịch

Các tuyến đường kết nối các khu, điểm du lịch, gồm: QL.22, QL.22B, ĐT.781, ĐT.782B, ĐT.783, ĐT.784, ĐT.790.

4. Định hướng phát triển đến năm 2030

a) Hệ thống đường bộ

- Đường Hồ Chí Minh: Chuyển thành đường cao tốc với quy mô 04 làn xe.

- Đường tỉnh: Nâng cấp các tuyến trục chính Bắc - Nam, Đông - Tây đạt chuẩn đường cấp II. Chuẩn hóa các tuyến đường tỉnh còn lại đạt tiêu chuẩn cấp III.

- Đường huyện: Các tuyến trục chính nâng cấp, mở rộng lên 04 làn xe.

- Đường đô thị: Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đường tránh QL.22B đoạn qua các thị trấn.

- Hệ thống bến xe khách: Sau năm 2020 di dời một số bến xe ra ngoài khu vực trung tâm như: Bến xe Tây Ninh, Trảng Bàng, Gò Dầu.

- Xây dựng thêm 02 cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông.

b) Hệ thống đường sắt, bãi đáp trực thăng

- Đường sắt Gò Dầu - Xa Mát: Xây dựng trước đoạn đường sắt từ thị trấn Gò Dầu đến thị xã Tây Ninh, đoạn còn lại tiến hành xây dựng trong giai đoạn sau.

- Đến năm 2050 xây dựng một bãi đáp trực thăng phía Tây Bắc Thị xã.

5. Quỹ đất dành cho giao thông

Quỹ đất dành cho giao thông bao gồm đất dùng cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, gồm cả phần nền và phần diện tích dành cho hành lang an toàn giao thông; đất dùng cho bến xe, bãi đỗ, cảng, bến…

Căn cứ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định về bảo vệ hành lang an toàn giao thông…, tổng quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn tỉnh như sau:

Loại đường

Diện tích (ha)

 

Hiện trạng

2013-2015

2016-2020

Sau 2020

Quốc lộ

805,6

1.253,9

1.564,8

1.564,8

Cao tốc

 

 

228,6

228,6

Đường tỉnh

1.448,8

2.378,4

2.956,7

2.956,7

Đường huyện

1.542,9

1.851,6

3.628,4

3.619,4

Đường xã

5.317,5

5.657,2

3.714,4

3.714,4

Đường đô thị

1.139,0

1.560,0

1.939,8

2.060,0

Đường sắt

 

 

93,6

260,0

Đường thủy

7,5

7,5

25,4

25,4

Cảng, bến

41,4

59,0

159,2

159,2

Bến xe, ga

4,2

7

14,0

19,0

Tổng

10.307,0

12.774,7

14.324,9

14.607,5

6. Vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển theo quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 khoảng 20,824.4 tỷ đồng. Cụ thể như sau:

Stt

Hạng mục

Đến 2015

2016-2020

Tổng

1

Hệ thống đường tỉnh

2.539,3

7.051,9

9.591,2

2

Hệ thống đường huyện

1.114,8

2.709,2

3.824,0

3

Giao thông nông thôn

1.029,9

1.253,7

2.283,6

4

Đường gom và đấu nối

1.556,7

623,4

2.180,1

5

Hệ thống bến xe, bãi đỗ xe tải

10,0

41,5

51,5

6

Hệ thống đường thủy

95,5

8,3

103,8

7

Hệ thống cảng

625,6

1.374,7

2.000,3

8

Vận tải công cộng

50,0

100,0

150,0

9

Duy tu bảo dưỡng

240,0

400,0

640,0

 

Tổng

7.261,8

13.562,6

20.824,4

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này đúng quy định. Định kỳ, báo cáo Hội đồng nhân tỉnh kết quả thực hiện Nghị quyết.

Điều 4. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII, kỳ họp thứ 9 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Hùng Việt