Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/NQ-HĐND

Phú Thọ, ngày 08 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN; DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG; PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ NGÂN SÁCH CẤP TỈNH NĂM 2017

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 2309/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Quyết định số

2577/QĐ-BTC ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2017;

Xét Tờ trình số 5334/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Về dự toán thu NSNN trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương; phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2017; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua dự toán thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương; phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2017:

I. Dự toán thu, chi ngân sách năm 2017

1. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 4.896.000 triệu đồng.

- Thu nội địa:  4.686.000 triệu đồng;

- Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu: 210.000 triệu đồng.

2. Tổng thu ngân sách địa phương: 10.543.766 triệu đồng.

Bao gồm:

- Các khoản thu ngân sách được hưởng theo phân cấp: 4.024.900 triệu đồng;

- Thu bổ sung từ ngân sách trung ương: 6.518.866 triệu đồng;

3. Tổng chi ngân sách địa phương: 10.543.766 triệu đồng.

Bao gồm:

a. Chi cân đối ngân sách địa phương: 8.672.338 triệu đồng.

- Chi đầu tư phát triển: 536.930 triệu đồng;

- Chi thường xuyên: 7.954.238 triệu đồng;

- Chi dự phòng ngân sách: 179.970 triệu đồng;

- Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính: 1.200 triệu đồng.

b. Chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ NSTW: 1.529.538 triệu đồng.

c. Bội thu ngân sách địa phương: 341.890 triệu đồng.

4. Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh: 9.309.916 triệu đồng.

a. Chi cân đối ngân sách cấp tỉnh: 3.656.077 triệu đồng

- Chi đầu tư phát triển:  329.730 triệu đồng;

- Chi thường xuyên: 3.211.007 triệu đồng;

- Chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính: 1.200 triệu đồng;

- Chi dự phòng ngân sách: 114.140 triệu đồng.

b. Chi thực hiện chương trình mục tiêu: 1.529.538 triệu đồng.

c. Bội thu ngân sách địa phương: 341.890 triệu đồng.

d. Chi bổ sung cân đối cho ngân sách các huyện: 3.782.411 triệu đồng (Có các phụ biểu chi tiết gửi kèm theo)

II. Các giải pháp chủ yếu

1. Về thu ngân sách

(1) Tổ chức triển khai tốt Luật NSNN, các Luật thuế sửa đổi, bổ sung và nhiệm vụ thu NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội:

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN. Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ trong quản lý thu, chống thất thu, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế.

Tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT, thực hiện kiểm tra trước khi hoàn thuế đối với 100% các trường hợp có rủi ro cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế, chiếm đoạt tiền từ NSNN.

Rà soát, xác định cụ thể các đối tượng đang được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn, nhất là các dự án hết thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, giao cơ quan tài nguyên và môi trường hoàn chỉnh hồ sơ về đất đai, chuyển cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính và đôn đốc, thu nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thu từ đất đai vào NSNN.

(2) Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc; bảo đảm thực hiện có hiệu quả các giải pháp, mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong 2 năm 2016-2017.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung, triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là ưu đãi về đất đai, tiếp cận vốn, tín dụng đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội theo hướng tạo thuận lợi ở mức cao nhất, kịp thời giải đáp các vướng mắc, kiến nghị, giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

(3) Tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển nền kinh tế. Hoàn thiện cơ sở pháp lý để thu hút các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục duy trì và tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, Ngành Trung ương về giải quyết các nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu.

2. Về chi ngân sách

(4) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về NSNN, từng bước cơ cấu lại chi NSNN, bố trí tỷ lệ chi đầu tư hợp lý, đảm bảo cho các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và các chính sách an sinh xã hội.

(5) Các cơ quan, đơn vị và các cấp ngân sách thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Hạn chế tối đa việc đề xuất ứng trước dự toán. Rà soát quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi thật sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết không thực hiện chuyển nguồn đối với các nhiệm vụ do chủ quan của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chậm.

(6) Tiếp tục triển khai cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với thúc đẩy việc tính giá dịch vụ sự nghiệp công theo đúng lộ trình đã đề ra tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ. Tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện lộ trình thực hiện giá dịch vụ công (ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý; quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các dịch vụ sự nghiệp công do nhà nước quản lý,…) làm cơ sở để giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công. Từng bước chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế đặt hàng.

(7) Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi NSNN, bảo đảm đúng dự toán được giao. Tiết kiệm các khoản chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của các cơ quan Thanh tra, kiểm toán.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ, Khóa XVIII, kỳ họp thứ Ba thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hoàng Dân Mạc

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 26/NQ-HĐND năm 2016 về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương; phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2017 do tỉnh Phú Thọ ban hành

  • Số hiệu: 26/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Hoàng Dân Mạc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản