Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 26/2016/QH14 | Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2016-2020
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 và Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13;
Sau khi xem xét Tờ trình số 471/TTr-CP, Báo cáo số 472/BC-CP ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số 176/BC-UBTCNS14 ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Báo cáo tiếp thu, giải trình số 50/BC-UBTVQH14 ngày 9 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và ý kiến đại biểu Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Mục tiêu, định hướng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020
1. Mục tiêu:
Cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
2. Định hướng:
a) Tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, cần thiết, cấp bách làm cơ sở đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền; khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư;
b) Ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng; các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung;
c) Việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 đầu tư cho các ngành, lĩnh vực, các chương trình phải tuân thủ theo quy định tại Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020;
d) Đối với tiền bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp, ưu tiên đầu tư cho các dự án quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Điều 2. Tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020
1. Tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2.000.000 tỷ đồng, bao gồm:
a) Vốn ngân sách trung ương là 1.120.000 tỷ đồng, gồm vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng, trong đó phát hành 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (bao gồm 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014-2016 chuyển sang), tiền bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250.000 tỷ đồng;
b) Vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.
2. Dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn theo mức quy định sau:
a) Dự phòng chung 10% theo từng nguồn vốn;
b) Các bộ, ngành trung ương và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn được phân bổ theo kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn.
Điều 3. Chương trình mục tiêu quốc gia và Dự án quan trọng quốc gia
1. Bố trí 72.817 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó:
a) Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới là 43.119 tỷ đồng;
b) Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là 29.698 tỷ đồng.
2. Bố trí 5.000 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
3. Bố trí 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và mức vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 cụ thể cho từng dự án quan trọng quốc gia sau khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án này theo quy định của Luật Đầu tư công.
Điều 4. Nguyên tắc phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020
1. Việc phân bổ vốn phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Việc phân bổ vốn phải bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 và các văn bản liên quan.
3. Bố trí vốn đầu tư tập trung để khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, dở dang, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; bố trí đủ vốn đối ứng các dự án ODA. Đồng thời, có các giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, cần thiết, cấp bách, các chương trình mục tiêu, làm cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền.
4. Các địa phương được bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 phải cam kết bố trí phần vốn còn thiếu từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ. Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án so với tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư trung hạn, địa phương phải tự cân đối vốn bổ sung từ các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
5. Đối với nguồn vốn nước ngoài, phải tính toán, cân đối giữa nhu cầu vay và khả năng trả nợ của các dự án đã triển khai và các dự án mới.
Điều 5. Thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020
1. Đối với nguồn vốn trong nước, không bao gồm vốn trái phiếu chính phủ, việc bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau:
a) Bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; thu hồi các khoản ứng trước; không bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau ngày 31 tháng 12 năm 2014;
b) Bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP);
c) Bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020;
d) Sau khi bố trí đủ vốn theo thứ tự ưu tiên nêu trên, trường hợp còn vốn sẽ xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới.
2. Đối với nguồn vốn trái phiếu chính phủ, việc phân bổ vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau:
a) Bố trí đủ phần vốn trái phiếu chính phủ còn thiếu trong tổng mức đầu tư của các dự án, công trình quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi quy định tại Phụ lục số 3 của Nghị quyết số 726/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Dự án Di dân tái định cư thủy điện Sơn La;
b) Sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án trên, xem xét, bố trí vốn cho các dự án mới, thực sự cấp bách thuộc ngành y tế, giao thông, thủy lợi; chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
3. Đối với nguồn vốn nước ngoài, bố trí đủ kế hoạch vốn cho các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân theo số vốn ngân sách trung ương đã ký kết Hiệp định của từng dự án trong giai đoạn 2016-2020. Mức vốn kế hoạch trung hạn bố trí cho từng dự án không vượt quá số vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 6. Các giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
1. Đẩy nhanh việc thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, giảm các khoản chi thường xuyên để tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tiết kiệm trong từng dự án theo quy định của Chính phủ.
2. Hạn chế tối đa việc ứng trước vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trường hợp cần thiết ứng trước, phải kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm việc ứng trước kế hoạch phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Mức vốn ứng trước của từng dự án không vượt quá mức vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và phải bảo đảm có nguồn thanh toán các khoản vốn ứng trước.
3. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Khoản vốn dự phòng chung chưa phân bố chỉ được sử dụng trong trường hợp nguồn thu ngân sách nhà nước được đảm bảo theo kế hoạch và được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, bất khả kháng, cấp bách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và phải báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.
4. Bố trí phần vốn ngân sách nhà nước và tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình, dự án cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nông thôn.
5. Người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc quyết định chủ trương đầu tư, bảo đảm chất lượng lập báo cáo đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án nhằm khắc phục triệt để tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài, không bảo đảm quy định của pháp luật, quyết định chủ trương đầu tư dàn trải, không hiệu quả, phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chính xác; chỉ quyết định chủ trương đầu tư những dự án thật sự cần thiết khi đã thẩm định, làm rõ hiệu quả của dự án, nguồn vốn, khả năng cân đối, bố trí vốn cho từng dự án, bảo đảm dự án được phê duyệt có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.
6. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay; xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật về đầu tư công đã được Quốc hội, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 7. Giao Chính phủ
1. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công.
2. Rà soát, khẩn trương hoàn thiện Danh mục dự án, mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31/01/2017, trước khi giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Các dự án trong Danh mục bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn phải đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Mức vốn bố trí cho từng dự án phải bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư, tuân thủ nghiêm túc mục tiêu, định hướng, nguyên tắc, thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
3. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương theo chức năng của mình triển khai thực hiện Nghị quyết này.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
3. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật giám sát và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 10 tháng 11 năm 2016.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
- 1Quyết định 2048/QĐ-TTg năm 2016 về kiện toàn Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 369/QĐ-BCĐPPP năm 2016 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP)
- 3Quyết định 4567/QĐ-BCT năm 2016 về phân cấp thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 4Nghị quyết 13/2016/NQ-HĐND về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tỉnh Thừa Thiên Huế
- 1Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 2Hiến pháp 2013
- 3Luật Đầu tư công 2014
- 4Luật ngân sách nhà nước 2015
- 5Nghị Quyết 1023/NQ-UBTVQH13 năm 2015 về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành
- 6Quyết định 2048/QĐ-TTg năm 2016 về kiện toàn Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 369/QĐ-BCĐPPP năm 2016 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP)
- 8Quyết định 4567/QĐ-BCT năm 2016 về phân cấp thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 9Nghị quyết 13/2016/NQ-HĐND về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tỉnh Thừa Thiên Huế
Nghị quyết 26/2016/QH14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do Quốc hội ban hành
- Số hiệu: 26/2016/QH14
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 10/11/2016
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 1235 đến số 1236
- Ngày hiệu lực: 25/12/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra