Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2011/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 27 tháng 10 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN XÂY DỰNG XÃ ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA VỀ Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA XI - KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Căn cứ Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg ngày 03/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;

Căn cứ Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020;

Căn cứ Quyết định số 2052/QĐ-TTg ngày 11/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2271/2002/QĐ-BYT ngày 17/6/2002 của Bộ Y tế về việc ban hành Tiêu chuẩn thiết kế Trạm y tế cơ sở - Tiêu chuẩn ngành;

Căn cứ Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế số 1020/QĐ-BYT ngày 22/3/2004 về việc ban hành sửa đổi danh mục trang thiết bị y tế Trạm y tế xã có bác sĩ vào Danh mục trang thiết bị y tế bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã và túi y tế thôn bản ban hành kèm theo Quyết định số 437/QĐ-BYT ngày 20/2/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/12/2010 của HĐND tỉnh, khóa X về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 2820/TTr-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc đề nghị thông qua Đề án xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, với những nội dung chính sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ y tế; chủ động phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh lưu hành tại địa phương; triển khai có hiệu quả các chương trình y tế Quốc gia nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2015.

2. Mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2015 có 70% xã (phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đạt chuẩn Quốc gia về y tế theo quy định của Bộ Y tế.

II. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

1. Các nhiệm vụ chủ yếu.

a) Về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và công tác truyền thông giáo dục sức khỏe.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân; hằng năm, đưa chỉ tiêu xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế vào Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động của địa phương và chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Đảm bảo 100% cán bộ Trạm y tế và nhân viên y tế thôn được bồi dưỡng kiến thức và có kỹ năng cơ bản về truyền thông – giáo dục sức khỏe.

b) Về khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

- Từng bước nâng cao về số lượng bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị hợp lý và số lần khám chữa bệnh tại Trạm y tế, hộ gia đình; tăng cường ứng dụng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại.

- Có quầy thuốc thiết yếu tại Trạm y tế với đủ cơ số thuốc cấp cứu thông thường trên địa bàn; thuốc được bảo quản theo yêu cầu ghi trên nhãn thuốc; sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

c) Về công tác y tế dự phòng.

Phát hiện sớm và báo cáo kịp thời các bệnh truyền nhiễm gây dịch theo quy định của Bộ Y tế; tăng cường giám sát chặt chẽ các bệnh dịch nguy hiểm; có biện pháp đề phòng và không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn. Thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được giao hằng năm của các Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc ngành y tế.

d) Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị.

- Trạm y tế xã phải được xây dựng theo “Tiêu chuẩn ngành” do Bộ Y tế ban hành. Đảm bảo đủ trang thiết bị đối với Trạm y tế theo quy định; cung ứng đầy đủ, kịp thời số lượng thuốc, vật tư y tế tiêu hao thiết yếu cho Trạm y tế theo danh mục quy định của Bộ Y tế. Bố trí vị trí và diện tích để đảm bảo điều kiện về xây dựng Trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia.

- Xây dựng mới 80 Trạm y tế; nâng cấp, cải tạo, mở rộng và duy tu, bảo dưỡng 104 Trạm y tế để đảm bảo đạt chuẩn Quốc gia.

- 100% Trạm y tế xây dựng mới hoặc nâng cấp được đầu tư mua sắm trang thiết bị mới, đồng bộ trên cơ sở năng lực chuyên môn cán bộ y tế và phù hợp với mô hình bệnh tật của từng địa phương.

đ) Đảm bảo về nguồn nhân lực và các chế độ chính sách đối với cán bộ y tế cơ sở.

Đảm bảo các Trạm y tế có đủ số lượng y, bác sĩ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. 100% thôn có nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn theo tài liệu của Bộ Y tế ban hành và thường xuyên hoạt động; thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách đối với cán bộ y tế cơ sở do Nhà nước ban hành.

2. Các giải pháp chủ yếu

a) Giải pháp về tổ chức chỉ đạo, điều hành.

Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2015 cấp tỉnh và cấp huyện để tập trung chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án có hiệu quả, đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

b) Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của y tế xã.

- Củng cố tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cơ sở. Các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia thuộc ngành y tế; tăng cường các hoạt động phòng, chống các bệnh lây nhiễm; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; công tác y tế học đường.

- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt chú trọng đối tượng người nghèo, gia đình chính sách, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đảm bảo công bằng và hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe, đồng thời giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên.

- Phối hợp với Hội đông y huyện, thành phố để hướng dẫn các Trạm y tế trồng đủ số lượng cây thuốc Nam (mẫu) theo đúng danh mục của Bộ Y tế; tiếp tục đào tạo, bổ sung cán bộ y tế xã về chuyên khoa y học cổ truyền.

c) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng.

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ y tế xã và nhân viên y tế thôn về kiến thức chuyên môn và kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe; xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương để nâng cao nhận thức của người dân về các kiến thức cơ bản nhằm thực hành chăm sóc sức khỏe thiết yếu tại gia đình, cộng đồng.

d) Giải pháp về chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế xã.

- Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước đối với cán bộ y tế công tác tại Trạm y tế. Đồng thời, có chính sách thu hút, đãi ngộ cán bộ, đặc biệt là bác sĩ về công tác tại các Trạm y tế vùng sâu, vùng xa.

- Có kế hoạch luân phiên cử bác sĩ tuyến xã về bệnh viện huyện làm việc, học tập, cập nhật kiến thức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn.

- Tiếp tục chuẩn hóa và tăng cường đào tạo nâng cao, đào tạo lại cho cán bộ y tế xã; đối với các huyện miền núi ưu tiên đào tạo cán bộ y tế là người dân tộc thiểu số. Tuyển dụng, phân bổ cán bộ phù hợp theo từng vùng và theo mô hình bệnh tật để nâng cao hiệu quả và chất lượng các dịch vụ y tế. Đào tạo, bồi dưỡng cho 561 cán bộ y tế xã thông qua các loại hình: bác sĩ chuyên tu, bổ túc chuyên khoa y học cổ truyền, công tác dược, quản lý nhà nước, quản lý y tế…

đ) Tăng cường quản lý Nhà nước về y tế.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa phương, các hoạt động chuyên môn và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các Trạm y tế.

- Tăng cường giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh.

e) Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị Trạm y tế.

- Về đất đai:

+ Bảo đảm diện tích đất cho một Trạm y tế từ 1000 m2 đến 1500 m2.

+ Tổ chức rà soát, đo đạc lại hiện trạng quỹ đất hiện có của các Trạm y tế trên toàn địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, quy hoạch quỹ đất đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng Trạm y tế đảm bảo diện tích quỹ đất theo chuẩn Quốc gia; hoàn thành việc cấp quyền sử dụng đất cho các Trạm y tế theo đúng quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

- Về nguồn vốn:

+ Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị (Chuẩn VII) là 245.037 triệu đồng, từ nguồn ngân sách của Trung ương, tỉnh, kết dư bảo hiểm y tế và các nguồn vốn khác.

+ Kinh phí thực hiện các chuẩn khác được phân bổ từ nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm của ngành y tế.

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, khi ngành y tế có những quy định mới về tiêu chuẩn xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung để việc xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế đạt các tiêu chuẩn theo quy định mới.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khoá XI thông qua ngày 21 tháng 10 năm 2011, tại kỳ họp thứ 3./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Minh Toản