Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 25/2011/NQ-HĐND

Long An, ngày 03 tháng 10 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 26/11/2003; Luật quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009 Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị và Nghị định số 62/2011/NĐ-CP ngày 26/7/2011 của Chính phủ về thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015);

Sau khi xem xét tờ trình số 2981/TTr-UBND ngày 09/9/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Chương trình phát triển đô thị tỉnh Long An đến năm 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất chương trình phát triển đô thị tỉnh Long An đến năm 2020 (có nội dung kèm theo).

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực, các Ban và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Long An khóa VIII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 30/9/2011./.

 

 

Nơi nhận:
- UB Thường vụ QH (b/c);

- Chính phủ (b/c);

- VP.QH, VP.CP (TP.HCM) (b/c);
- TT.TU (b/c);
- UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu QH đơn vị tỉnh Long An;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII;
- Thủ trưởng các sở ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT.HĐND, UBND huyện, thành phố;
- VP.UBND tỉnh;
- LĐ và CV VP. Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Lưu: VT(p)

PHÓ CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Đặng Văn Xướng

 

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 25/2011/NQ-HĐND ngày 03 /10/2011 của HĐND tỉnh Long An)

I. Mục tiêu phát triển, kế hoạch nâng loại các đô thị và hình thành đô thị mới:

1. Mục tiêu phát triển đô thị:

- Định hướng và đề ra kế hoạch phát triển hệ thống đô thị của tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Từng bước hình thành phát triển các đô thị: thành phố Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh; đô thị Mộc Hóa là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; các đô thị Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc là đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và trong vùng giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường.

- Nâng cao chất lượng đô thị và quản lý chặt chẽ quy hoạch phát triển đô thị gắn với phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

- Nâng cao điều kiện sống của người dân đô thị thông qua việc đầu tư cải thiện các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường đô thị trên địa bàn tỉnh.

2. Kế hoạch nâng loại từng đô thị:

- Thị trấn Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV trước năm 2015.

- Thành phố Tân An đạt tiêu chuẩn đô thị loại II; thị trấn Mộc Hóa, Hậu Nghĩa, Bến Lức đạt tiêu chuẩn đô thị loại III; thị trấn Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thủ Thừa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV trước năm 2020.

3. Các khu vực phát triển trở thành đô thị đến năm 2020:

Dự kiến đến năm 2020 phát triển thêm 10 đô thị là thị trấn như sau:

- Thành lập thị trấn Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa (đô thị loại V) trên cơ sở 2 ấp Tràm Lạc và ấp Mới 1 của 2 xã Mỹ Hạnh Nam và Mỹ Hạnh Bắc.

+ Diện tích: 1.613ha.

+ Dân số: 6.156 người.

+ Trụ sở dự kiến tại ấp Tràm Lạc.

- Thành lập thị trấn Lương Hòa, huyện Bến Lức (đô thị loại V) trên cơ sở nâng cấp trung tâm xã Lương Hòa hiện nay.

+ Diện tích: 3.192,1ha.

+ Dân số: 8.540 người.

+ Trụ sở dự kiến tại trung tâm xã Lương Hòa hiện nay .

- Thành lập thị trấn Gò Đen, huyện Bến Lức (đô thị loại V) trên cơ sở tách một phần xã Mỹ Yên, một phần xã Long Hiệp và xã Phước Lợi hiện hữu.

+ Diện tích: 1.000ha.

+ Dân số: 12.000 người.

+ Trụ sở dự kiến tại ấp chợ, xã Phước Lợi.

- Thành lập thị trấn Đông Hòa, huyện Cần Giuộc (đô thị loại V) trên cơ sở ấp Tân Đông, ấp Tân Hòa và ấp Vĩnh Hòa xã Tân Tập.

+ Diện tích: 1.317,1ha.

+ Dân số: 7.441 người.

+ Trụ sở dự kiến tại ấp Tân Đông.

- Thành lập thị trấn Long Đức Đông, huyện Cần Giuộc (đô thị loại V) trên cơ sở ấp 1và ấp 3 xã Long Hậu.

+ Diện tích: 1.030,8ha.

+ Dân số: 2.389 người.

+ Trụ sở dự kiến tại ấp 3.

- Thành lập thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa (đô thị loại V) trên cơ sở ấp 2, xã Bình Phong Thạnh; một phần ấp 3, xã Bình Hòa Đông và một phần ấp Cả Đá xã Tân Thành.

+ Diện tích: 1.150ha.

+ Dân số: 4.371 người.

+ Trụ sở dự kiến tại ấp 2 xã Bình Phong Thạnh.

- Thành lập thị trấn Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa (đô thị loại V) trên cơ sở một phần của xã Bình Hiệp hiện hữu.

+ Diện tích: 1.750ha.

+ Dân số: 2.668 người.

+ Trụ sở dự kiến tại ấp Ông Nhan Tây.

- Thành lập thị trấn Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh (đô thị loại V) trên cơ sở một phần của xã Hậu Thạnh Đông hiện hữu.

+ Diện tích: 1.527ha.

+ Dân số: 6.611 người.

+ Trụ sở dự kiến tại trung tâm xã Hậu Thạnh Đông hiện hữu.

- Thành lập thị trấn Mỹ Quý, huyện Đức Huệ (đô thị loại V) trên cơ sở tách ấp 2 của xã Mỹ Quý Tây.

+ Diện tích: 1.930ha.

+ Dân số: 5.266 người.

+ Trụ sở dự kiến tại ấp 2, xã Mỹ Quý Tây.

- Thành lập thị trấn Rạch Kiến, huyện Cần Đước (đô thị loại V) trên cơ sở nâng cấp trung tâm xã Long Hòa.

+ Diện tích: 1.000ha.

+ Dân số: 7.000 người.

+ Trụ sở dự kiến tại ấp 4, xã Long Hòa.

II. Nhiệm vụ và giải pháp:

1. Nhiệm vụ:

a) Nâng cao chất lượng đô thị:

- Hệ thống giao thông đô thị:

+ Phát triển giao thông vận tải công cộng tại các đô thị.

+ Từng bước tách giao thông nội thị khỏi giao thông quá cảnh (Quốc lộ, tỉnh lộ) qua đô thị.

+ Phân làn tách xe 2 bánh gắn máy, xe thô sơ và xe ô tô trong đô thị.

+ Tăng mật độ đường đô thị.

+ Triển khai thực hiện tổ chức giao thông sử dụng phương tiện xe đạp và đi bộ trong khu vực trung tâm các đô thị.

- Hệ thống cấp nước đô thị:

+ Tăng cường giải pháp cấp nước liên vùng, liên đô thị, xã hội hóa việc cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đô thị.

+ Hạn chế việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm, nghiên cứu xây dựng giải pháp cấp nước từ các nguồn nước mặt và bảo vệ các nguồn nước ngầm, nước mặt.

- Hệ thống thoát nước đô thị:

+ Tăng cường phục hồi và cải tạo lại lòng sông, hồ, kênh mương trong đô thị, tạo cảnh quan và môi trường sinh thái bền vững, xử lý triệt để nước thải trước khi xả ra sông, hồ, kênh mương.

+ Từng bước sử dụng công nghệ mới, tái sử dụng nước thải phục vụ cho nhu cầu cấp nước đô thị (tưới cây, rửa đường,...).

+ Hoàn thành xây dựng, lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các đô thị.

- Hệ thống cấp điện và chiếu sáng đô thị:

+ Từng bước hoàn thiện ngầm hóa các tuyến điện trên các trục đường phố chính; các dự án khu dân cư xây dựng mới trong đô thị có tuyến dây điện đi ngầm.

+ Từng bước hoàn thiện hệ thống chiếu sáng đô thị cả về số lượng đường phố và chất lượng chiếu sáng. Khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng mới như năng lượng gió, mặt trời.

- Quản lý chất thải rắn đô thị, nghĩa trang:

+ Xây dựng lộ trình đóng cửa các bãi rác hiện hữu không theo quy hoạch và không đảm bảo về mặt môi trường theo quy trình; lập dự án thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn.

+ Tập trung đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn cấp huyện và cấp tỉnh.

+ Sớm xây dựng hoàn chỉnh các dự án nghĩa trang ngoài đô thị đã có chủ trương đầu tư của tỉnh. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chôn cất người quá cố tại nghĩa trang xây dựng theo quy hoạch; khuyến khích hỏa táng.

- Hạ tầng thông tin truyền thông:

+ Đầu tư phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị, đảm bảo thông tin liên lạc thuận lợi, nhanh chóng.

+ Từng bước ngầm hóa các tuyến cáp viễn thông trên các trục đường phố chính; các dự án khu dân cư xây dựng mới trong đô thị có tuyến cáp viễn thông đặt ngầm.

- Hệ thống cây xanh cảnh quan, công viên đô thị:

+ Đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí cho nhân dân.

+ Chỉnh trang và trồng mới cây xanh đường phố.

- Hạ tầng xã hội đô thị:

+ Khuyến khích phát triển nhà ở đô thị theo dự án phù hợp với quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương đối đồng bộ. Tiếp tục tăng quỹ nhà ở trong đô thị nhằm đáp ứng đủ nhu cầu ở của người dân. Cải tạo và thường xuyên bảo trì các khu nhà ở về chất lượng công trình, kiến trúc cảnh quan, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

+ Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải tạo, chỉnh trang các không gian xanh trong khuôn viên công trình công cộng, công trình kiến trúc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các không gian kiến trúc đô thị gắn liền với mặt nước.

+ Phát triển các cụm không gian nhỏ gắn liền với thảm thực vật đảm bảo mỹ quan đô thị và môi trường sinh thái bền vững.

b) Nâng cao năng lực quản lý đô thị:

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý đô thị.

- Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý phát triển đô thị. Có cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển, duy trì hoạt động các công trình xử lý nước thải, rác thải, chiếu sáng, cây xanh, nghĩa trang để đảm bảo các hoạt động này đáp ứng điều kiện của từng địa phương.

2. Giải pháp:

- Thực hiện quy hoạch và rà soát quy hoạch toàn bộ hệ thống đô thị trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, gắn chặt với quy hoạch phát triển của Chương trình xây dựng nông thôn mới có liên quan.

- Đổi mới công tác lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch, tạo đột phá trong phát triển đô thị.

- Đẩy mạnh phát triển, triển khai và quản lý chặt chẽ thiết kế đô thị theo đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt. Nâng cao chất lượng thiết kế kiến trúc công trình trong đô thị.

- Tập trung xây dựng phát triển một số đô thị trọng điểm làm điển hình và nhân rộng ra các đô thị khác.

- Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước ; phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể về công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đủ sức làm công tác quản lý, xây dựng và phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng, nếp sống văn minh đô thị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với mục tiêu phát triển đô thị, bảo vệ môi trường.

- Phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với hạ tầng xã hội.

- Về nguồn vốn cho phát triển đô thị:

+ Nghiên cứu từng bước hình thành hệ thống quỹ đầu tư phát triển đô thị; đẩy mạnh công tác đấu giá đất đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng nguồn thu hợp lý để xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị và đầu tư nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

+ Xây dựng cơ chế phát triển hạ tầng đô thị bằng nhiều nguồn vốn theo hướng khuyến khích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Nguồn vốn ngân sách Trung ương; ngân sách tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng liên khu vực, hỗ trợ cho cấp huyện đầu tư các công trình còn lại.

+ Tranh thủ các nguồn vốn tài trợ; có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư các lĩnh vực công ích như thoát nước, xử lý nước thải, cải thiện môi trường, chiếu sáng và cây xanh đô thị.

3. Cơ chế tài chính:

- Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết, đồng thời tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế - xã hội, các tổ chức trong và ngoài nước cho việc tạo nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.

- Trong các nguồn thu cho phát triển đô thị, cần ưu tiên chi cho việc phát triển các công trình hạ tầng đô thị quan trọng, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả cho phát triển đô thị.

- Xã hội hóa trong đầu tư xây dựng phục vụ phát triển đô thị.

- Phối hợp, lồng ghép với các chương trình dự án khác của quốc gia để thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư.

4. Nguồn kinh phí thực hiện chương trình:

- Kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu xây dựng các chương trình, dự án phát triển đô thị được cân đối từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hằng năm từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hoặc các nguồn vốn khác.

- Hằng năm ngân sách nhà nước bố trí một tỷ lệ phù hợp và hỗ trợ huy động các nguồn lực khác để tổ chức thực hiện các chương trình, dự án cụ thể nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển hệ thống đô thị của tỉnh./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 25/2011/NQ-HĐND về chương trình phát triển đô thị tỉnh Long An đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Long An khóa VIII, kỳ họp thứ 3 ban hành

  • Số hiệu: 25/2011/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 03/10/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Long An
  • Người ký: Đặng Văn Xướng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản