Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2012/NQ-HĐND

H­ưng Yên, ngày 20 tháng 7 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ HƯNG YÊN CƠ BẢN ĐẠT ĐÔ THỊ LOẠI II VÀO NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHOÁ XV - KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND số 11/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị; Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng về quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 2111/QĐ-TTg ngày 28/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 289/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của HĐND tỉnh về quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Sau khi xem xét Tờ trình số 948/TTr-UBND ngày 15/6/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển đô thị thành phố Hưng Yên cơ bản đạt đô thị loại II vào năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Chương trình phát triển đô thị thành phố Hưng Yên cơ bản đạt đô thị loại II vào năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu như sau

1. Mục tiêu Chương trình:

Xây dựng thành phố Hưng Yên cơ bản đạt đô thị loại II vào năm 2015 và đến năm 2020 trở thành một trong những đô thị trung tâm quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng trên các lĩnh vực dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân và du lịch.

2. Quy mô, giải pháp thực hiện:

2.1. Diện tích: Tổng diện tích thành phố Hưng Yên khoảng 10.000ha.

Mở rộng địa giới hành chính, tiếp nhận 03 xã Phương Chiểu, Hoàng Hanh, Tân Hưng của huyện Tiên Lữ và 02 xã Phú Cường, Hùng Cường của huyện Kim Động. Xây dựng 03 xã Trung Nghĩa, Bảo Khê, Liên Phương thành phường trên địa bàn.

2.2. Dân số: Khoảng 156.000 người; trong đó: mức tăng dân số hàng năm là 2,5%, mở rộng đơn vị hành chính thêm 05 xã và Khu đô thị Đại học.

2.3. Phát triển kinh tế - xã hội: Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm đạt trên 18%, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 800 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu/năm, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt trên 80%, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,5%.

2.4. Phát triển hạ tầng xã hội đô thị:

- Nhà ở: Tổng diện tích sàn khu vực nội thành đạt khoảng 1,8 triệu m2 (đạt chỉ tiêu 15 m2/người); tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố đạt 75%;

- Công trình công cộng: Đất xây dựng công trình công cộng cấp khu đạt trên 1,5 m2/người; đất dân dụng đạt trên 54 m2/người; đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị đạt trên 4 m2/người;

- Công trình y tế: Chỉ tiêu cơ sở Y tế đạt mức trên 02 giường/1000 dân, thực hiện các dự án xây dựng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở Y tế.

- Cơ sở giáo dục đào tạo: Triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở Dự án Khu Đại học Phố Hiến, xây dựng thêm từ 4-5 trường (đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề...) để có số cơ sở giáo dục, đào tạo đạt từ 14-15 trường; quy mô mỗi trường trên 5000 sinh viên.

- Trung tâm thương mại dịch vụ: Đầu tư, xây dựng 02-04 công trình để có số công trình thương mại dịch vụ đạt từ 10-12 công trình;

- Công trình văn hóa, thể dục thể thao: Duy tu, nâng cấp các trung tâm văn hóa hiện có. Đầu tư, xây dựng từ 1-2 công trình để tổng số trung tâm thể dục thể thao đạt từ 6-7 công trình.

2.5. Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị:

- Hệ thống giao thông:

+ Giao thông đối ngoại: Đầu tư, xây dựng các tuyến vành đai thành phố; đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình; QL 39, QL 38B; xây dựng cảng hỗn hợp TP Hưng Yên công suất 200.000 tấn, 03 cầu trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ; phối hợp xây dựng cầu Hưng Hà.

+ Giao thông đối nội: Giữ nguyên hướng tuyến, đầu tư nâng cấp cải tạo các tuyến đường hiện có; triển khai thực hiện 3,3 km đường trong Khu Đại học Phố Hiến từ nguồn vốn ADB. Xây dựng 13 cầu trên các tuyến đường đô thị và liên huyện, 01 bãi đỗ xe ô tô trong khu nội thành; di chuyển bến xe thành phố Hưng Yên lên khu vực xã Bảo Khê theo quy mô bến loại 2, diện tích 2ha.

- Hệ thống cấp nước: Triển khai dự án đầu tư xây dựng 01 trạm cấp nước công suất 63.000 m3/ngđ theo quy hoạch phê duyệt tại xã Thiện Phiến - Tiên Lữ; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, duy trì hoạt động ổn định của trạm cấp nước phường Lê Lợi, công suất 5000 m3/ngđ và trạm cấp nước ở xã Phương Chiểu công suất 10.000 m3/ngđ (dự án ODA Phần Lan); đầu tư bảo dưỡng, nâng cấp, lắp đặt mới hệ thống mạng lưới truyền dẫn giúp giảm lượng nước thất thoát. Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt khu vực nội thành đạt trên 130 lít/người/ngày đêm; tỷ lệ dân số khu vực nội thành được cấp nước sạch đạt 100%, tỷ lệ nước thất thoát dưới 25%.

- Hệ thống thoát nước: Hoàn thành thực hiện dự án đầu tư xây dựng trạm bơm Bảo Khê, công suất 77.760 m3/h. Khơi thông dòng chảy của kênh tiêu ra trạm bơm Triều Dương và duy trì hoạt động trạm bơm Triều Dương công suất 72.000 m3/h. Thực hiện triển khai Dự án cải tạo hạ tầng khu phố cổ - HY2 và Dự án nước thải -HY1 trong Dự án phát triển kinh tế xã hội Việt Trì, Hưng Yên, Đồng Đăng, nguồn vốn ADB. Triển khai đề xuất đầu tư trạm xử lý nước thải theo Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hưng Yên và vùng phụ cận đến năm 2025 đã được phê duyệt: Trạm 1 công suất 10.000 m3/ngđ bố trí tại phía Đông xã Thiện Phiến, xử lý cho khu vực các xã Tân Hưng, Liên Phương, Thủ Sĩ, Thiện Phiến và một phần xã Hồng Nam. Các khu đô thị mới, khu công nghiệp và khu vực chưa có hệ thống thoát nước thì hoàn thiện hệ thống nước thải đô thị đồng bộ. Củng cố trạm bơm tiêu An Vũ ở quy mô nhỏ để làm dự phòng cho khu vực đô thị cũ vì cốt nền khu vực này thấp hơn khu vực mới. Tại khu vực nội thành đường ống thoát nước mưa và thoát nước thải được bố trí phù hợp, mật độ đường cống thoát nước chính khu vực nội thành đạt 4,5 km/km2; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt 50%.

- Hệ thống cấp điện và chiếu sáng công cộng: Đầu tư nâng công suất trạm điện 110 KV tại phường An Tảo lên 40MVA + 63MVA. Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt khu vực nội thành đạt: 700kW/ng/năm; chiếu sáng đường phố đạt tỷ lệ 100% chiều dài đường phố chính cấp đô thị, 80-85% chiều dài đường phố cấp khu vực, 70-75% chiều dài đường ngõ, xóm (có chiều rộng từ 2m trở lên); số lượng ngõ hẻm được chiếu sáng đạt trên 55%. Thực hiện hạ ngầm 50% đường dây cấp điện chiếu sáng đô thị, 60% các công trình giao thông, không gian công cộng và quảng cáo hiện có sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện; 100% các công trình giao thông, không gian công cộng xây dựng mới sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện.

- Viễn thông: Đầu tư, xây dựng hệ thống đài viễn thông, lắp đạt thêm từ 13.000 đến 14.000 thuê bao điện thoại để đạt bình quân 30 máy/100 dân.

- Hệ thống cây xanh, thu gom xử lý chất thải và nghĩa trang đô thị: Xây dựng và khai thác thêm khoảng 187.000 m2 đất cây xanh cho đủ 630.000 m2 đất cây xanh công cộng khu vực nội thành để đạt chỉ tiêu. Chuyển vị trí và xây dựng Nhà máy xử lý rác thải theo quy hoạch; tỷ lệ chất thải rắn khu vực nội thành được thu gom đạt 100%, xử lý đạt 70-80%. Phấn đấu có 30% hộ gia đình, 70% doanh nghiệp có dụng cụ phân loại rác thải tại nguồn, 80% khu vực công cộng có thùng gom rác thải; xử lý trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện; xây dựng nghĩa nhân dân với quy mô từ 15 - 20 ha theo vị trí quy hoạch mới.

2.6. Kiến trúc, cảnh quan đô thị: Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; thực hiện quản lý đô thị theo Quy chế. Xây dựng và phê duyệt Quy chế công nhận tuyến phố văn minh đô thị; công nhận từ 20%-40% tuyến phố văn minh đô thị. Cải tạo cảnh quan không gian đô thị, phát triển đô thị mới. Triển khai các dự án thành phần trong Đề án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch; nâng cấp, bảo tồn, trùng tu các di tích hiện có.

3. Nguồn vốn đầu tư: Khoảng 12.000 tỷ đồng; trong đó:

- Vốn so Trung ương, tỉnh đầu tư trên địa bàn khoảng: 4.800 tỷ đồng (40%);

- Vốn do Thành phố đầu tư khoảng: 3.600 tỷ đồng (30%);

- Vốn do các đơn vị và nhân dân đầu tư trên địa bàn (khoảng): 3600 tỷ đồng (30%).

4. Thời gian thực hiện chương trình: Vào năm 2015, thành phố Hưng Yên cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II .

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV- kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 7 năm 2012 và có hiệu lực từ ngày 30 tháng 7 năm 2012./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tạ Hồng Quảng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 14/2012/NQ-HĐND về Chương trình phát triển đô thị thành phố Hưng Yên cơ bản đạt đô thị loại II vào năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020

  • Số hiệu: 14/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 20/07/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Tạ Hồng Quảng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản