Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2011/NQ-HĐND

Đồng Xoài, ngày 16 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC; THU HÚT VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15/11/2010;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Căn cứ Thông tư số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 27/5/2010 của liên Bộ: Nội vụ, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 113/TTr-UBND ngày 23/11/2011; Báo cáo thẩm tra số 33/BC-HĐND-VHXH ngày 29/11/2011 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức; thu hút và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Bình Phước (có quy định chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện; giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 18/2005/NQ-HĐND ngày 30/11/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa VIII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2011 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Hưng

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC; THU HÚT VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 25/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bình Phước; thu hút người có trình độ chuyên môn cao, sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đào tạo, bồi dưỡng

a) Cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, xã trong diện quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đi đào tạo, bồi dưỡng. Cán bộ không chuyên trách thuộc diện quy hoạch để thay thế cho các chức danh cán bộ chuyên trách cấp xã;

b) Viên chức lãnh đạo và diện quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức được quy hoạch làm công tác chuyên môn kỹ thuật thuộc các lĩnh vực: kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội… được cấp có thẩm quyền phê duyệt đi đào tạo sau đại học, lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên môn nhằm phát triển lực lượng cán bộ khoa học chuyên sâu phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

c) Cán bộ đương chức và dự nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo các đơn vị ngành dọc, doanh nghiệp nhà nước thuộc diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý đi đào tạo lý luận chính trị - hành chính;

d) Sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá trở lên đi đào tạo sau đại học, thạc sỹ đi đào tạo tiến sỹ ở trong nước và ngoài nước để dự nguồn cán bộ cho tỉnh sau khi tốt nghiệp (gọi chung là diện dự nguồn cán bộ).

2. Thu hút

- Những người là giáo sư, phó giáo sư - tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II về công tác trong các lĩnh vực sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, nông, lâm nghiệp, môi trường và các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật khác mà tỉnh có nhu cầu để phát triển kinh tế - xã hội;

- Sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá trở lên các chuyên ngành tỉnh có nhu cầu tự nguyện về công tác tại tỉnh và các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Trong đó ưu tiên thu hút đối tượng học sinh sau khi tốt nghiệp đại học là người địa phương,đặc biệt người dân tộc thiểu số bản địa, học sinh các Trường Trung học phổ thông chuyên, Trung học phổ thông Dân tộc nội trú và các Trường Trung học phổ thông khác của tỉnh Bình Phước để bố trí dự nguồn công tác tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Chương II

CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH TRONG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ THU HÚT

Điều 3. Đào tạo, bồi dưỡng

Cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng quy định tại Điểm a, b, c, d Khoản 1, Điều 2 Quy định này khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng thì ngoài việc được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có) còn được hưởng thêm các chế độ đi học từ nguồn ngân sách của tỉnh được áp dụng theo mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định, cụ thể như sau:

1. Đào tạo ở trong nước

a) Trợ cấp tiền ăn

* Học tập trung:

- Học tại các tỉnh và thành phố từ Đà Nẵng trở ra: được trợ cấp 1,5 lần mức lương tối thiểu/người/tháng;

- Học tại các tỉnh và thành phố còn lại: được trợ cấp bằng 1 lần mức lương tối thiểu/người /tháng;

- Học tập trung trên địa bàn tỉnh được trợ cấp 0,7 lần mức lương tối thiểu/người/tháng (áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ diện dự nguồn):

* Học tại chức: Trợ cấp tiền ăn theo ngày thực học (áp dụng trong và ngoài tỉnh);

- Được trợ cấp 6% mức lương tối thiểu/người/ngày (áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và diện cán bộ dự nguồn là người dân tộc thiểu số).

b) Trợ cấp đi thực tế, viết và bảo vệ luận văn, luận án tốt nghiệp (được thanh toán 1 lần sau khi được cấp bằng) áp dụng chung cho cả đi học tập trung và tại chức đối với đi đào tạo sau đại học mức trợ cấp cụ thể như sau:

- Tiến sỹ:                                                           50 lần mức lương tối thiểu;

- Bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa II:                      40 lần mức lương tối thiểu;

- Thạc sỹ:                                                          30 lần mức lương tối thiểu;

- Bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa I:                       20 lần mức lương tối thiểu;

- Cao cấp lý luận chính trị - hành chính:                6 lần mức lương tối thiểu.

c) Trợ cấp khác

- Người dân tộc thiểu số được trợ cấp 0,3 lần mức lương tối thiểu/người/tháng;

- Nữ được trợ cấp 0,2 lần mức lương tối thiểu/người/tháng (nếu nữ là người dân tộc thiểu số thì được trợ cấp thêm 0,3 lần mức lương tối thiểu/người/tháng);

- Nữ đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi thì được trợ cấp 0,5 lần mức lương tối thiểu/người/tháng (trong trường hợp, người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng thuộc diện được hưởng nhiều khoản trợ cấp khác nhau theo quy định tại điểm này thì mức trợ cấp cao nhất được hưởng cũng không quá 0,5 lần mức lương tối thiểu/người/tháng).

d) Thanh toán tiền học phí, tài liệu, nội trú, y tế phí (nếu có) theo phiếu thu của cơ sở đào tạo.

e) Thanh toán chi phí đi lại

- Học tại các tỉnh và thành phố từ Đà Nẵng trở ra: Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được thanh toán tiền vé máy bay (hạng vé phổ thông) 02 lần/năm (4 lượt). Các đối tượng còn lại được thanh toán chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng khác 02 lần /năm (4 lượt);

- Học tại các tỉnh và thành phố còn lại: Áp dụng chung cho tất cả các đối tượng được thanh toán chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng khác 02 lần/tháng (4 lượt);

- Học trên địa bàn tỉnh: Áp dụng chung cho tất cả các đối tượng được thanh toán chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng 02 lần/tháng (04 lượt). Không áp dụng cho học viên đang công tác trên địa bàn các xã, thị trấn và các phường thuộc huyện, thị xã nơi tổ chức lớp học.

* Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đi học các lớp tin học, ngoại ngữ và các kiến thức bổ trợ khác do tỉnh mở thì học viên được đài thọ kinh phí đào tạo nhưng không được hưởng các chế độ trợ cấp đi học còn lại theo Quy định này.

2. Đào tạo ở nước ngoài

Tùy theo lớp học cụ thể, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ sẽ đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, quyết định và thực hiện theo quy định tài chính về đào tạo ở nước ngoài theo Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định về việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

3. Bồi dưỡng

a) Bồi dưỡng ở nước ngoài: Chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài thực hiện theo quy định tài chính hiện hành;

b) Bồi dưỡng ở trong nước: Cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã khi tham gia các lớp bồi dưỡng dưới 3 tháng thực hiện theo Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính. Đối với các lớp bồi dưỡng từ 3 tháng trở lên được áp dụng thanh toán các chế độ sau:

- Trợ cấp tiền ăn theo ngày thực học (áp dụng cho học trong và ngoài tỉnh): 6% mức lương tối thiểu/người/ngày;

- Thanh toán tiền học phí, tài liệu, nội trú, y tế phí (nếu có) theo phiếu thu của cơ sở đào tạo;

- Thanh toán chi phí đi lại:

+ Bồi dưỡng tại các tỉnh và thành phố từ Đà Nẵng trở ra: Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được thanh toán tiền vé máy bay (hạng vé phổ thông); Cán bộ, công chức, viên chức còn lại được thanh toán chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng khác 01 lần (02 lượt) cho lớp bồi dưỡng dưới 6 tháng; 02 lần (04 lượt) cho lớp từ 6 tháng trở lên.

+ Bồi dưỡng tại các tỉnh và thành phố còn lại (áp dụng chung cho tất cả các đối tượng): Được thanh toán chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng 01 lần (02 lượt)/tuần;

+ Bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh: Không áp dụng cho học viên đang công tác trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi tổ chức lớp học. Được thanh toán chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng 1 lần (2 lượt)/tuần/người.

Điều 4. Khuyến khích tự đi đào tạo

Cán bộ, công chức, viên chức sau khi có bằng thạc sỹ và tương đương trở lên, đúng chuyên ngành đào tạo thì được hỗ trợ các mức sau:

1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức học ngoài giờ hành chính có xác nhận của cơ sở đào tạo và các hồ sơ liên quan được trợ cấp bằng 50% học phí và trợ cấp bằng 100% mức trợ cấp đi thực tế, viết và bảo vệ luận văn tốt nghiệp được quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 3 Quy định này tương ứng từng bằng cấp đào tạo (được thanh toán 1 lần sau khi tốt nghiệp);

2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức học trong giờ hành chính có quyết định cử đi học của Giám đốc sở (hoặc tương đương) thì được tạo điều kiện về thời gian và trợ cấp bằng 50% mức trợ cấp đi thực tế, viết và bảo vệ luận văn tốt nghiệp được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 Quy định này tương ứng từng bằng cấp đào tạo (được thanh toán 1 lần sau khi tốt nghiệp).

Điều 5. Chính sách thu hút nguồn nhân lực

1. Những đối tượng sau đây tự nguyện làm việc từ 10 năm trở lên tại các cơ quan, đơn vị theo sự phân công của cấp có thẩm quyền, thì ngoài việc được hưởng lương theo ngạch, bậc và phụ cấp (nếu có) còn được hưởng trợ cấp ban đầu cho từng đối tượng với các mức sau:

- Giáo sư - tiến sỹ:                                             70 lần mức lương tối thiểu;

- Phó giáo sư - tiến sỹ:                                       60 lần mức lương tối thiểu;

- Tiến sỹ:                                                           50 lần mức lương tối thiểu;

- Bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa II:                      40 lần mức lương tối thiểu;

- Thạc sỹ:                                                          40 lần mức lương tối thiểu;

- Bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa I:                       30 lần mức lương tối thiểu;

- Đại học chính quy loại giỏi, xuất sắc:                 20 lần mức lương tối thiểu;

- Đại học chính quy loại khá (bố trí cho viên chức ngành Y tế và công chức cấp xã): 15 lần mức lương tối thiểu.

2. Thời điểm để nhận trợ cấp ban đầu là sau 3 tháng tính từ ngày nhận công tác.

Những người thuộc đối tượng thu hút được quy định tại Khoản 2, Điều 2 Quy định này thì ngoài việc được trợ cấp ban đầu, còn được trợ cấp thêm 0,5 lần mức lương tối thiểu/người/tháng (trong thời gian 24 tháng kể từ ngày nhận công tác);

Người có nhiều bằng cấp khác nhau thì chỉ được hưởng một mức trợ cấp tính theo văn bằng cao nhất.

3. Sau thời gian công tác ít nhất là 5 năm, nếu những cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện thu hút có nguyện vọng được đào tạo trình độ từ cao hơn liền kề thì được xem xét để giải quyết cho đi đào tạo và được trợ cấp chế độ đi học theo quy định hiện hành của tỉnh.

Chương III

BỒI HOÀN KINH PHÍ TRONG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, KHUYẾN KHÍCH TỰ ĐÀO TẠO VÀ THU HÚT

Điều 6. Nguyên tắc bồi thường đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích tự đào tạo và thu hút

1. Cán bộ, công chức, viên chức và diện dự nguồn cán bộ cho tỉnh được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và ngoài nước có thời gian từ 3 tháng trở lên từ kinh phí Nhà nước toàn phần hay một phần; sau khi tốt nghiệp và hoàn thành khóa học nếu không chấp hành sự phân công của tổ chức thì phải bồi hoàn chi phí đào tạo, bồi dưỡng. Việc bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo Điều 25 Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2011 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng.

2. Cán bộ, công chức, viên chức nhận hỗ trợ khuyến khích tự đào tạo và trợ cấp thu hút theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quy định này thì tùy theo từng trường hợp cụ thể phải bồi thường các khoản trợ cấp theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 7 của Quy định này.

Điều 7. Cách tính chi phí bồi thường đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích tự đào tạo và thu hút

1. Việc tính chi phí bồi thường đào tạo, bồi dưỡng thực hiện theo Điều 26 Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/03/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng.

2. Đối với trường hợp nhận hỗ trợ khuyến khích tự đào tạo mà không công tác đủ thời gian quy định thì phải hoàn trả số tiền đã nhận tương ứng với tỷ lệ thời gian cam kết phục vụ trừ đi thời gian đã công tác.

3. Trường hợp nếu cán bộ, công chức, viên chức được các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, tuyển dụng và chi trả trợ cấp ưu đãi thu hút theo khoản 1, 2 Điều 5 Quy định này nếu không phục vụ đủ thời gian như đã cam kết hoặc vi phạm pháp luật, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí ưu đãi đã được hưởng theo quy định.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 25/2011/NQ-HĐND thông qua quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức; thu hút và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Bình Phước

  • Số hiệu: 25/2011/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 16/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Nguyễn Tấn Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản