Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 224/NQ-HĐND

Bắc Ninh, ngày 05 tháng 12 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Xét Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí với đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội và công tác điều hành của UBND tỉnh năm 2019; Kế hoạch phát triển năm 2020 được nêu trong báo cáo của UBND tỉnh trình tại kỳ họp; đồng thời khẳng định nhiều kết quả nổi bật đạt được cũng như một số hạn chế của năm 2019; xác định các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, cụ thể như sau:

I. Đánh giá khái quát

1. Kết quả đạt được

Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2019, trong điều kiện khó khăn, thách thức còn nhiều, được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành; lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; UBND tỉnh đã nỗ lực tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để năm 2019 đạt được kết quả chủ yếu là:

Tổng sản phẩm (GRDP) năm 2019 tăng nhẹ 1,1% với quy mô duy trì vị trí thứ 7 toàn quốc, đạt 119.832 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010). GRDP bình quân đầu người đạt 6.163 USD, gấp 2,23 lần so với bình quân cả nước và đứng thứ 2 so với cả nước. Cơ cấu kinh tế khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 97,36%.

Thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất liên kết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả theo hướng bền vững, đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đẩy mạnh, có 96/97 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 07 xã so với năm 2018); huyện Thuận Thành và Lương Tài đạt tiêu chí huyện nông thôn mới (nâng tổng số lên 07/08 đơn vị cấp huyện về đích và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới).

Khu vực sản xuất công nghiệp giá trị ước 1.073,7 nghìn tỷ đồng (giá SS năm 2010); quy mô duy trì vững chắc vị trí thứ nhất so với cả nước.

Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá, tăng 7,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 12,7%. Thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 6 cả nước, thu hút mới và điều chỉnh đạt trên 1,35 tỷ USD; thu hút đầu tư trong nước trên 1.144 tỷ đồng; thành lập mới 2.190 doanh nghiệp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tăng thu ngân sách nhà nước, ước thu ngân sách nhà nước là 29.912,2 tỷ đồng, vượt 2.515 tỷ đồng so với dự toán, tăng 6,5% so năm 2018, trong đó: Thu nội địa 23.662 tỷ đồng, vượt 2.515 tỷ đồng.

Tập trung cao việc thực hiện định hướng Quy hoạch điều chỉnh xây dựng vùng tỉnh, các quy hoạch phân khu; chương trình phát triển và nâng cấp đô thị; quản lý xây dựng, kiến trúc cảnh quan; đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh, kiến trúc chính quyền điện tử.

Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường, phê duyệt, khởi công nhiều dự án hạ tầng hiện đại, đồng bộ, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tích cực chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, chỉ số PAR INDEX tăng 3 bậc, PCI tăng 2 bậc so với năm trước, PAPI tăng 6,54 điểm; ICT Index tăng 2 bậc; đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công cấp độ 3, 4 với 819 dịch vụ, vượt trên 100 dịch vụ so với số lượng dịch vụ công đề ra và vượt tiến độ so với quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Sự nghiệp văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thể thao phát triển toàn diện; tổ chức thành công Festival “về miền Quan họ - 2019”, kỷ niệm 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với các chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao ý nghĩa.

Lần đầu tiên Bắc Ninh có tỷ lệ học sinh giỏi đạt giải đứng trong 5 tỉnh dẫn đầu cả nước, có học sinh đạt giải nhất môn Ngữ văn; có 01 vận động viên phá 03 kỷ lục thế giới và 01 vận động viên giành 6 huy chương Châu Á.

Công tác lao động, đào tạo, giải quyết việc làm, an sinh và phúc lợi xã hội luôn được quan tâm ở mức cao hơn so với cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 1,27%; thiết chế văn hóa thể thao khu công nghiệp được quan tâm. Công tác kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm chuyển biến rõ nét

Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đôn đốc giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đông người, tồn đọng kéo dài, vượt cấp quá hạn tại các địa phương; thực hiện nghiêm túc các kết luận, quyết định sau thanh tra, kiểm tra; thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Nâng cao chất lượng quân sự địa phương; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững, phạm pháp hình sự giảm, tỷ lệ điều tra, phá án cao; chú trọng phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn; an toàn giao thông chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.

Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt chỉ đạo, điều hành và ban hành nhiều văn bản, chính sách tăng cường quản lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.

2. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

a) Một số tồn tại, hạn chế

- Tổng sản phẩm kinh tế của tỉnh tăng trưởng thấp, không đạt kế hoạch (tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 1,1% so với năm 2018; đạt 93,9% KH).

- Phát triển và hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chưa mạnh mẽ; sức lan tỏa và sự kết nối với khu vực doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn.

- Tiến độ thi công một số dự án còn chậm.

- Lĩnh vực chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, tổng đàn, sản lượng và giá trị sụt giảm mạnh.

- Ô nhiễm môi trường làng nghề xử lý chưa đảm bảo. Tiến độ thực hiện các dự án xử lý môi trường, các khu xử lý rác thải ở các huyện, thị xã còn rất chậm, chưa đạt yêu cầu.

- Tình trạng chiếm dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở, ki ốt bán hàng trái phép còn diễn ra ở một số địa phương.

- Tỷ lệ học sinh/ lớp ở một số trường còn cao so với quy định, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.

- Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở một số địa phương còn bất cập, hiệu quả sử dụng thấp.

- Còn một số vấn đề, vụ việc xã hội có bức xúc như ở: Đồng Nguyên, Chi Lăng, Yên Trung; Trường Mầm non Thanh Khương, Bưu điện huyện Tiên Du.

b) Nguyên nhân

- Kinh tế tỉnh Bắc Ninh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đã chịu ảnh hưởng lớn bởi các cuộc chiến thương mại trên thế giới; kết quả và tăng trưởng của khu vực sản xuất công nghiệp giảm; sản xuất và tăng trưởng của khu vực nông nghiệp giảm.

- Công tác quản lý, điều hành, tính chủ động và chất lượng tham mưu giải quyết sự vụ ở một số ngành, đơn vị chưa quyết liệt, chưa đảm bảo.

- Nhận thức về vai trò, trách nhiệm ở một số lĩnh vực chưa cao; ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật của một số bộ phận cán bộ chưa đảm bảo.

- Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành một số mặt chưa cụ thể, chưa chặt chẽ để phát huy sức mạnh tổng hợp.

- Dịch bệnh trong chăn nuôi bùng phát gây thiệt hại lớn.

- Năng lực quản lý nhà nước của một số địa phương (cấp xã) còn hạn chế.

- Công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn gặp nhiều khó khăn.

- Việc thực hiện chế tài xử lý vi phạm trong một số lĩnh vực còn chưa nghiêm túc và thiếu quyết liệt.

- Thiếu biên chế giáo viên, cùng với sự gia tăng dân số cơ học, học sinh ở các cấp học nhanh.

II. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

1. Dự báo tình hình

Năm 2020, được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức của tình hình thế giới và khu vực. Kinh tế trong nước có những tác động của các hiệp định thương mại tự do, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế cải thiện chưa nhiều, tăng năng suất lao động chưa trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, các yếu tố lợi thế vốn có đang dần mất đi; những yếu tố bất ổn do biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh... khó lường trước. Kinh tế của tỉnh Bắc Ninh phát triển chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, cùng với các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các lợi thế so sánh về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng không còn là yếu tố quyết định đang là những thách thức, rào cản đối với sự phát triển. Do đó cần phải có quyết tâm chính trị, tập trung chỉ đạo toàn diện, tranh thủ thuận lợi, thời cơ vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển.

2. Mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu

a) Mục tiêu tổng quát

Chủ đề năm 2020 là: “Bắc Ninh Đoàn kết - Đổi mới - Tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp; tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án tổng thể bảo vệ môi trường”.

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh và bền vững; tạo bước đột phá phát triển dịch vụ thương mại văn minh, hiện đại; công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp, nông dân và nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, sớm hoàn thiện các tiêu chí xây dựng Thành phố Trung ương, thành phố thông minh, kiến trúc chính quyền điện tử; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường quản lý tài nguyên, tập trung xử lý có hiệu quả các vấn đề ô nhiễm môi trường; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực và phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; giữ vững quốc phòng an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.

b) Các chỉ tiêu chủ yếu

(1). Tổng sản phẩm kinh tế (GRDP) tăng 7% so với năm 2019.

(2). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 65 tỷ USD, trong đó: Xuất khẩu 36 tỷ USD; nhập khẩu 29 tỷ USD.

(3). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 75.800 tỷ đồng.

(4). Tổng thu ngân sách nhà nước 29.326 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 22.756 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước 19.375,5 tỷ đồng.

(5). Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp: 15,4%; công nghiệp và xây dựng: 52,3%; dịch vụ: 32,3%.

(6). Tỷ lệ đô thị hóa 38%.

(7). Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,2%.

(8). Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn 1,74%.

(9). Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 75%.

(10). Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%.

3. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp trong Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh; nghiêm túc thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ 28 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019; nhiệm vụ, giải pháp năm 2020 và tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

a) Thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh và bền vững

- Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể gắn với các giải pháp mang tính đột phá nhằm khắc phục, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra để phát triển toàn diện các lĩnh vực.

- Tăng cường năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách phù hợp, kịp thời, không để bị động, bất ngờ.

- Tập trung cao cho công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tích cực thực hiện có hiệu quả Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, chương trình phát triển đô thị, quy hoạch các phân khu; tăng cường quản lý quy hoạch, xây dựng, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các đô thị.

- Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh để nâng cao hiệu quả nền kinh tế.

- Giữ vững kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tăng thu ngân sách. Quản lý chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, thiết thực; tạo chuyển biến rõ nét trong giải ngân vốn đầu tư công.

- Nâng cao hoạt động tín dụng, ngân hàng; kiểm soát và xử lý tốt nợ xấu.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng các giải pháp, lộ trình cụ thể để tăng nhanh điểm số và xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Thu hút các dự án sử dụng ít đất, ít lao động; suất đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp. Đẩy mạnh và coi trọng phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân. Quan tâm hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh tế trang trại; thực hiện bổ sung từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ khởi nghiệp đối với thanh niên, phụ nữ và cho vay hỗ trợ để phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC).

- Quyết liệt thực hiện tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiện đại, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, hiện đại tại các khu công nghiệp tập trung.

- Phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển thị trường khu vực nông thôn, thực hiện có hiệu quả đề án phát triển thương mại dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại; thực hiện việc thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến để phát triển ngành du lịch tạo sức lan tỏa thu hút du khách và liên kết với các tỉnh, thành. Đẩy mạnh thực hiện các dự án khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, kết hợp với nghỉ dưỡng, đô thị, trung tâm thương mại đẳng cấp quốc tế.

- Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xây dựng và phát triển các khu, vùng, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện hiệu quả đề án “mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm” và mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu.

- Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị và nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại, hoàn thành, công bố đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến 2035, lập quy hoạch chung đô thị Yên Phong, tích cực triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu; đẩy mạnh triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết.

- Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, dự án quan trọng, có ý nghĩa đối với sự phát triển chung của tỉnh.

- Hiện đại hóa hạ tầng thông tin và truyền thông, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, công nghiệp công nghệ thông tin.

b) Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân

- Đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; phát triển mạng lưới trường, lớp theo hướng đa dạng hóa các loại hình học tập; thực hiện có hiệu quả chương trình kiên cố hoá trường, lớp học.

- Phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mồi người dân trong tự bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, đẩy mạnh bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực ngành y tế, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Tập trung cao cho công tác tuyên truyền, đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Chú trọng xây dựng nền văn hóa và con người phát triển toàn diện, tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích lịch sử văn hoá; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh.

Phát triển thể dục thể thao với phương châm kết hợp tốt phong trào thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, dân tộc và hiện đại.

- Đổi mới quản lý nhà nước về lao động, thực hiện đồng bộ, toàn diện các chính sách an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững, chính sách nhà ở, chăm lo đời sống, vật chất tinh thần cho nhân dân, công nhân tại các khu công nghiệp; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa”.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

c) Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, nước ngầm, khoáng sản, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường, thu gom và xử lý rác thải; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.

d) Cải cách hành chính mạnh mẽ, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp vững mạnh; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí

Quyết liệt rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), siết chặt kỷ luật hành chính, tăng cường thanh tra công vụ. Chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh; nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý theo kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao năng lực, phối hợp kịp thời, có hiệu quả giữa các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý.

đ) Xây dựng nền quốc phòng - quân sự địa phương vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh; tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, đảm bảo an toàn tuyệt đối Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, làm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí.

e) Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tạo sự đồng thuận cao và niềm tin trong toàn xã hội

Tiếp tục phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông hiện đại, đồng bộ. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và phương án xử lý khủng hoảng truyền thông trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí, đổi mới nội dung, tăng thời lượng phát thanh, truyền hình.

Điều 2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện Nghị quyết và giám sát theo quy định của pháp luật.

Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi nhân dân trong tỉnh đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Nghị quyết được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khoá XVIII, kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 05/12/2019 và có hiệu lực từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH; CP (b/c);
- TT Tỉnh ủy HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các Ban HĐND; các đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: TU, UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- TTHĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Công báo, Đài PTTH, Cổng TTĐT tỉnh, Báo BN, TTXVN tại BN;
- VP; CVP, phòng TH, lưu VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Chung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 224/NQ-HĐND năm 2019 về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 do tỉnh Bắc Ninh ban hành

  • Số hiệu: 224/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 05/12/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Nguyễn Quốc Chung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản