Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 199/NQ-HĐND

Sơn La, ngày 30 tháng 6 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN HĐND TỈNH TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 13; VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN CỦA CHỦ TỌA KỲ HỌP VỀ PHIÊN CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 11 CỦA HĐND TỈNH KHÓA XIV

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ngày 20 tháng 11 năm năm 2015;

Xét đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh tại Báo cáo số 291/BC-TTHĐND ngày 22 tháng 6 năm 2020 về Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND tỉnh trước kỳ họp thứ 13, việc thực hiện Kết luận của Chủ tọa kỳ họp về phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh khóa XIV và thảo luận tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. HĐND tỉnh tán thành Báo cáo số 291/BC-TTHĐND ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND tỉnh trước kỳ họp thứ 13; việc thực hiện Kết luận của Chủ tọa kỳ họp về phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh khóa XIV.

1. Kết quả đạt được

1.1. Từ kỳ họp thứ 11 đến trước kỳ họp thứ 13 của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp nhận và tổng hợp được 68 kiến nghị của cử tri, đã phân loại và chuyển 55 kiến nghị của cử tri đến UBND tỉnh để chỉ đạo xem xét, giải quyết[1](có 13 kiến nghị không tổng hợp chuyển UBND tỉnh do đã được cấp có thẩm quyền trả lời, thuộc thẩm quyền cấp huyện).

So với kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh, số lượng kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 11 giảm 39 kiến nghị. Nội dung các kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, trong đó có một số lĩnh vực được nhiều cử tri ở các địa phương quan tâm như: Đầu tư, sửa chữa một số tuyến đường; công trình nước sinh hoạt; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu gom rác thải sinh hoạt; đầu tư, sửa chữa hệ thống điện thắp sáng; phủ sóng điện thoại, sóng Internet; hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh;...

1.2. Thực hiện Nghị quyết số 169/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của HĐND tỉnh về giám sát tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND tỉnh trước kỳ họp thứ 11, việc thực hiện Kết luận của Chủ tọa kỳ họp về phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh khóa XIV và Thông báo số 526/TB-TTHĐND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của Thường trực HĐND tỉnh về việc thực hiện Kết luận của Chủ tọa kỳ họp về phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh khóa XIV; Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh báo cáo bổ sung kết quả giải quyết 21 kiến nghị của cử tri và 41 đề nghị về kết quả thực hiện Kết luận của Chủ tọa kỳ họp về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh.

1.3. Sau khi tiếp nhận các kiến nghị của cử tri UBND tỉnh đã chủ động phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị có liên quan để nghiên cứu, xem xét, giải quyết và trả lời cử tri. Kết quả UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan đã xem xét giải quyết và trả lời 117/117 kiến nghị của cử tri (đạt 100%), trong đó: 47/117 kiến nghị (đạt 40,2%) đã được các sở, ngành nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết dứt điểm; 60/117 kiến nghị (bằng 51,3%) đang được các cấp, các ngành tập trung giải quyết; 10/117 kiến nghị (chiếm 8,5%) không đủ cơ sở để xem xét giải quyết.

1.4. Việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri của UBND tỉnh và các cơ quan đơn vị có liên quan được thực hiện nghiêm túc, tích cực, trách nhiệm đảm bảo thực hiện đúng Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2018 của UBND tỉnh; số lượng kiến nghị được quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm được nâng lên.

Đây là nỗ lực rất lớn của UBND tỉnh và các cơ quan đơn vị có liên quan, trong điều kiện vừa phải thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống đại dịch Covid-19 vừa phải nỗ lực tập trung khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế - xã hội. Kết quả giải quyết kiến nghị cử tri lần này còn cho thấy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì nguyện vọng của cử tri luôn được quan tâm ưu tiên xem xét, giải quyết kịp thời, có hiệu quả từ đó đã tạo dựng được uy tín, niềm tin của cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh với cơ quan dân cử và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

2.1. Chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị cử tri của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh mặc dù đã được nâng lên rõ rệt nhưng vẫn còn một số bất cập như: Kiến nghị không rõ nội dung; kiến nghị đã được tổng hợp từ các kỳ họp trước; kiến nghị đã được cấp có thẩm quyền trả lời; kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp huyện;.... vẫn được tổng hợp gửi về Thường trực HĐND tỉnh (Thường trực HĐND tỉnh đã rà soát không tổng hợp 13/68 kiến nghị).

2.2. Một số nội dung kiến nghị của cử tri đã được HĐND tỉnh giám sát và đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết tại Nghị quyết số 169/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của HĐND tỉnh, tuy nhiên văn bản trả lời chưa đủ thông tin, do đó gây khó khăn cho việc tổng hợp chuyển thông tin về kết quả giải quyết, trả lời của cấp có thẩm quyền đến cử tri.

2.3. Một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc trong việc rà soát, giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri; một số kiến nghị HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết từ kỳ họp thứ 4 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm (05 kiến nghị từ kỳ họp thứ 4; 04 kiến nghị từ kỳ họp thứ 5).

2.4. Việc trả lời, giải quyết một số kiến nghị của cử tri còn chậm, chất lượng còn hạn chế; nhiều kiến nghị đề nghị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bổ sung kinh phí, tăng biên chế, phụ cấp, … trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh có hạn nên khó khăn trong việc cân đối kinh phí, chưa thể đáp ứng được ngay nguyện vọng của cử tri.

Điều 2. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả và kịp thời giải quyết kiến nghị của cử tri, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

1. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh

1.1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị giải quyết, trả lời dứt điểm 60 kiến nghị của cử tri tại biểu kèm theo Nghị quyết này (trong đó, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các sở, ngành, các huyện, thành phố trong việc chậm xem xét giải quyết đối với những kiến nghị của cử tri), báo cáo kết quả giải quyết về Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 30 tháng 10 năm 2020.

1.2. Tiếp tục đăng tải kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh; chủ động cung cấp thông tin về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri cho các địa phương có cử tri kiến nghị.

1.3. Tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chủ động theo dõi, tổng hợp đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình với UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 30 của tháng cuối quý (trong đó rõ các nội dung: (1) Số lượng kiến nghị được chuyển đến; số lượng,kết quả giải quyết, trả lời? (2) Đối với kiến nghị đã giải quyết xong, phải có danh mục những chính sách, văn bản đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và vụ việc đã được thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có). (3) Đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị và đề xuất giải pháp giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri?).

2. Đối với các Ban của HĐND tỉnh

Tiếp tục giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đối với các nội dung tại biểu kèm theo Nghị quyết; báo cáo kết quả với Thường trực HĐND tỉnh để kịp thời đôn đốc UBND tỉnh và cơ quan chức năng giải quyết, tổng hợp báo cáo HĐND tỉnh vào kỳ họp sau.

3. Đối với các Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND tỉnh

3.1. Tích cực nghiên cứu, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND tỉnh để tuyên truyền, vận động và giải thích, trả lời kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Thông tin kịp thời kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tới cấp ủy, chính quyền và cử tri; nhất là thông tin trực tiếp đến cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri đối với các kiến nghị của cử tri trùng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời trước đó.

3.2. Nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị của cử tri đảm bảo vấn đề tổng hợp phải rõ địa chỉ, nội dung cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

3.3. Tiếp tục nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; giám sát và thông tin kịp thời với Thường trực HĐND tỉnh về việc thực hiện lời hứa giải quyết kiến nghị cử tri ở cơ sở.

4. Văn phòng HĐND tỉnh

4.1. Kịp thời trích lục các nội dung kiến nghị của cử tri đã được giải quyết xong, gửi trực tiếp về chính quyền địa phương cơ sở nơi cử tri đã gửi kiến nghị.

4.2. Tổng hợp cung cấp đầy đủ thông tin về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri cho Báo Sơn La, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để đăng tải trên chuyên mục “Diễn đàn cử tri”.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khóa XIV, kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 30 tháng 6 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội; VP Chủ tịch nước; VP Chính phủ;
- UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội;
- Ban công tác đại biểu của UBTVQH;
- Bộ Nội vụ; BộTài chính;
- Ban Thường vụ tỉnh uỷ;
- TT HĐND; UBND; UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh; Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, Đoàn thể tỉnh;
- VP: Tỉnh uỷ, ĐĐBQH, HĐND, UBND tỉnh;
- TT Huyện uỷ, Thành uỷ, HĐND;UBND huyện, thành phố;
- Trung tâm Thông tin tỉnh; Cục VTLT tỉnh;
- Lưu: VT. Hính, 250b.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thái Hưng

 

NHỮNG KIẾN NGHỊ ĐỀ NGHỊ UBND TỈNH TIẾP TỤC CHỈ ĐẠO GIẢI QUYẾT - CÁC BAN TIẾP TỤC THEO DÕI, GIÁM SÁT

(Kèm theo Nghị quyết số 199/NQ-HĐND ngày 30/6/2020 của HĐND tỉnh)

STT

Nội dung kiến nghị

Nội dung giải quyết kiến nghị cử tri

Ghi chú

 

 

I

VIỆC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỬ TRI 

 

1

Lĩnh vực Pháp chế (05 nội đung)

 

1.1

Đề nghị sớm trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Điều 1, Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 của HĐND tỉnh theo hướng bổ sung lực lượng dân quân cơ động và tại chỗ cũng là đối tượng được hưởng các chế độ, chính sách như đối với Dân quân phòng không, pháo binh, công binh, trinh sát, thông tin, y tế.

Vì tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 47, Luật Dân quân Tự vệ quy định về chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ.

Không trình sửa đổi vì hiện nay Luật Dân quân tự vệ số 48/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Căn cứ các Văn bản hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ của Trung ương ban hành và thực tiễn địa phương, UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đối với lực lượng dân quân của tỉnh Sơn La.

 

 

1.2

Quan tâm giải quyết những vướng mắc giữa nhân dân bản Nà Cạn, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La với Công ty Cổ phần Giang Sơn về dự án đổi đất lấy cơ sở hạ tầng khu đô thị phía Đông - Nam bến xe khách Sơn La; đề nghị công ty sớm triển khai xây dựng hệ thống điện, nước sạch, đường giao thông theo cam kết, để ổn định đời sống nhân dân.

Các sở, ngành, UBND thành phố Sơn La, Chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Giang Sơn) tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 3339/QĐ-UBND ngày 31/12/2018; Thông báo Kết luận số 235/TB-VPUB ngày 21/9/2019; Thông báo số 351/TB-VPUB ngày 04/10/2019 của Văn phòng UBND tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu giải quyết các vướng mắc về thực hiện đầu tư hạng mục điện, nước, đường dự án nhằm giải quyết các kiến nghị của cử tri trong khu vực dự án; dự kiến thời gian hoàn thành: Năm 2020

 

 

1.3

Quan tâm giải quyết dứt điểm đơn thư của công dân liên quan đến các lô đất thuộc bản án Cà Văn Lả, không để đơn thư kéo dài.

Ngày 13/9/2019, UBND thành phố Sơn La ban hành Công văn số 2290/UBND-TNMT về việc rà soát, tổng hợp, báo cáo, cung cấp hồ sơ, tài liệu các thửa còn lại liên quan đến vụ án Cà Văn Lả. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung tại Công văn số 2327/STNMT-ĐĐ&ĐĐBĐ ngày 19/8/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường; giải pháp UBND thành phố đang chỉ đạo Chi cục Thuế khu vực thành phố Sơn La - Mường La và chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố tiếp tục kiểm tra hồ sơ về kết quả thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các hộ gia đình thuộc bản án Cà Văn Lả để có căn cứ báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường; dự kiến thời gian hoàn thành: Năm 2020

 

 

1.4

Quan tâm, giải quyết những vướng mắc giữa nhân dân bản Hẹo Phung, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La với Công ty Hoàng Long trên diện tích khu đất đồi 1,8 ha của bản mà Công ty Hoàng Long đã san ủi mặt bằng (đề nghị được bồi thường theo giá thời điểm hiện tại hoặc giao đất lại cho nhân dân quản lý và sản xuất trên khu đất này).

UBND tỉnh tiếp tục giao UBND thành phố sớm xem xét, giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri. UBND thành phố tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH xây dựng Hoàng Long làm rõ các chứng từ và lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch sử dụng đất; hoàn thành: năm 2020

 

 

1.5

Nghiên cứu ban hành cơ chế luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục công lập từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn và ngược lại, vì trên thực tế huyện Mường La có 13/16 xã, thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, có nhiều trường hợp giáo viên đã công tác tại các xã vùng khó khăn trên 10 năm nhưng chưa được luân chuyển về vùng thuận lợi.

Ngày 22/12/2015 Bộ Nội vụ đã có Văn bản số 6061/BNV-PC trả lời chưa có căn cứ pháp lý để ban hành quy định về luân chuyển giáo viên trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào các quy định của pháp luật và điều kiện thực tiễn của địa phương, UBND cấp huyện chủ động sắp xếp, bố trí công tác cho giáo viên giữa các vùng (vùng I, II, II), điều chuyển giáo viên từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn về vùng thuận lợi và ngược lại để đảm bảo quyền lợi, chế độ, chính sách cho giáo viên.

 

 

2

Lĩnh vực kinh tế - ngân sách (33 nội dung)

 

2.1

Tiếp tục rà soát và thu hồi các khu đất tại Hạt II, thuộc địa bàn xã Gia Phù và cung Suối Mài, giáp ranh xã Suối Bau, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên thuộc Công ty Cổ phần công trình giao thông II Sơn La trên địa bàn huyện Phù Yên để giao cho địa phương quản lý, hiện nay các khu đất này đang bỏ hoang.

Sở Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, đo đạc các khu đất nhà hạt tại hiện trường, đánh giá nhu cầu sử dụng và trình UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên môi trường tại Tờ trình số 1012/TTr-GTVT ngày 20/5/2019. Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thẩm tra đề xuất của Sở Giao thông vận tải để giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri.

 

 

2.2

Xem xét bố trí kinh phí còn thiếu 27.505,740 triệu đồng để thanh toán cho các đơn vị thi công đã hoàn thành Dự án đường giao thông từ huyện Sốp Cộp đến xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp (dự án được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 2938/QĐ-UBND ngày 31/10/2014, với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 122.978,000 triệu đồng; thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến năm 2018; nguồn vốn đầu tư: Vốn vay ưu đãi, vốn ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ Đề án phát triển kinh tế xã hội huyện Sốp Cộp (Đề án 1584) vốn ngân sách huyện và các nguồn vốn khác được giao đến thời điểm báo cáo là 87.444,260 triệu đồng).

Số vốn còn thiếu của dự án đã dự kiến bố trí vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất (phần điều tiết ngân sách tỉnh) năm 2020 tại Quyết định số 2997/QĐ-UBND ngày 05/12/2019 của UBND tỉnh. Sau khi có nguồn thu tiền sử dụng đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ vốn cho dự án.

 

 

2.3

Xem xét cấp kinh phí hỗ trợ thiệt hại về tài sản do bị cá thể Voi phá hoại cho nhân dân huyện Sông Mã (theo báo cáo của UBND huyện Sông Mã, thiệt hại do Voi rừng phá từ năm 2014 đến nay: Phá hoại 216 lần, với số công khắc phục hậu quả là 293 công; giết chết 01 con trâu, 05 con bò; làm hư hỏng 01 nhà ở, 01 nhà bếp, hủy hoại 01 máy phát cỏ, 01 máy thái sắn, 01 chuồng trại chăn nuôi, 404 ống nước và 3.300 m dây dẫn nước các loại; làm thiệt hai 1,757 ha ruộng lúa, 23,547 ha nương mía, đậu tương, ngô; phá máy xúc, ống kẽm dẫn nước, rào thép gai... Tổng giá trị thiệt hại là: 703.701.400 đồng (trong đó: Năm 2014 là: 15,629 triệu đồng; Năm 2015 là: 145.301.800 đồng; năm 2016 là: 186 triệu đồng; năm 2017: 110 triệu đồng; năm 2018: 94 triệu đồng; năm 2019: 52 triệu đồng))

Ngày 20/12/2019 UBND huyện Sông Mã đã có Báo cáo số 1259/BC-UBND báo cáo về tình hình thiệt hại tài sản, hoa màu do voi hoang dã phá hoại từ năm 2014 trên địa bàn huyện Sông Mã gửi Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tham mưu giải quyết kiến nghị của UBND huyện Sông Mã.

 

 

2.4

Đề nghị Cục dự trữ Quốc gia đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Cục dự trữ Quốc gia (kéo dài đã 10 năm), còn 6 hộ chưa được nhận tiền đền bù nhưng hiện nay có hộ dân đã tiến hành xây dựng các công trình trái phép trên phần đất này, chính quyền địa phương phải cưỡng chế, gây nên tình trạng bức xúc trong nhân dân.

UBND thành phố đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án trong tháng 4 năm 2020

 

 

2.5

Xem xét sớm triển khai giải tỏa 21 hộ gia đình khu vực cổng bến xe khách Sơn La tại tổ 1, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La đang sử dụng đất tạm giao cho HTX Nà Cạn - xã Chiềng Sinh (nay là phường Chiềng Sinh) để xây dựng các công trình, dịch vụ (theo Quyết định số 1556/QĐ-UB ngày 17/7/2001 của UBND tỉnh Sơn La về việc chuyển 373 m2 đất ruộng 01 vụ của hợp tác xã Nà Cạn sang đất chuyên dùng và giao phần diện tích đó cho HTX để xây dựng các công trình dịch vụ).

Hiện các hộ đang kinh doanh quán ăn, giải khát, sửa chữa xe máy, Karaoke, cắt tóc gội đầu, nhà trọ… gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép trên mặt thoáng suối Hoong Tến.

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 158/NQ-HĐND ngày 05/12/2019 thông qua danh mục dự án nhà nước thu hồi đất; Quyết định số 194/QĐ-UBND ngày 31/01/2020 về phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của thành phố Sơn La.

UBND thành phố đang triển khai công tác lập hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực cổng Bến xe khách Sơn La thành phố Sơn La trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, UBND thành phố đang tiến hành giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt. Sau khi đồ án quy hoạch hoạch được duyệt sẽ thực hiện các bước, quy trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án theo quy định.

 

 

2.6

Đối với kiến nghị giải quyết dứt điểm kiến nghị của các hộ gia đình đã nộp đủ tiền cho Công ty Cổ phần Xi măng Chiềng Sinh từ năm 2004 để được cấp đất ở.

UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 104/QĐ-UBND ngày 15/01/2020 giá trị đầu tư của tuyến đường phục vụ chung cho các hộ dân tại tổ 4, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La.

Hiện nay UBND thành phố đang hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Công văn số 338/UBND-TNMT ngày 18/02/2020).

Hiện nay các hộ gia đình đang hoàn thiện hồ sơ để thực hiện quy trình cấp Giấy theo quy định.

 

 

2.7

Đối với phương án bố trí tái định cư cho một số hộ thuộc dự án trường Đại học Tây Bắc, dự án Khu đô thị mới Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (đã bồi thường nhưng chưa bố trí tái định cư).

UBND thành phố đang chỉ đạo các đơn vị phối hợp để thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 trường Đại học Tây Bắc để làm cơ sở lập hồ sơ thu hồi 6.629 m2 đất của trường Đại học Tây Bắc giao cho UBND thành phố quản lý.

 

 

2.8

Tổ chức nghiên cứu, rà soát các quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các quy định của pháp luật hiện hành để xây dựng quy chế đấu giá đất phù hợp; hoàn thành trong Quý III/2019.

UBND tỉnh giao Sở Tư pháp khẩn trương nghiên cứu, giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri.

 

 

2.9

Chỉ đạo Ban Quản lý dự án khu vực phát triển đô thị tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Hoàng Phát đẩy nhanh tiến độ thi công tại khu vực đồi đất đắp và có phương án xử lý hệ thống thoát lũ để tránh bồi lấp ruộng ảnh hưởng đến đất ruộng cũng như sinh hoạt của nhân dân bản Pột, Coóng Nọi, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La.

Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị đã thường xuyên phối hợp cùng với nhà đầu tư (Công ty Cổ phần NTF Hoàng Phát) khắc phục, xử lý thiên tai do mưa lũ tại vị trí đồi bản Pột, bản Coóng Nọi, phường Chiềng Cơi thành phố Sơn La.

 

 

2.10

Dự án xây dựng chợ Noong Đúc thành phố Sơn La đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt từ nhiều năm nay nhưng chưa triển khai; đề nghị UBND tỉnh có tiếp tục xây dựng chợ Noong Đúc nữa hay không? Nếu có thì sớm triển khai thực hiện, nếu không triển khai thì phải có công văn trả lời cho nhân dân được biết, để nhân dân có phương án xây dựng nhà ở, sớm ổn định cuộc sống.

Dự án đầu tư xây dựng chợ Noong Đúc, phường Chiềng Sinh được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 21121000234 ngày 02/4/2015 cho Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Lộc thực hiện.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện dựa án có vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn bồi thường giải phóng mặt bằng nên chưa bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để triển khai thực hiện.

Theo quy hoạch Dự án xây dựng chợ vẫn triển khai thực hiện. Hiện nay, UBND thành phố đang tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng dự án triển khai dự án

 

 

2.11

Sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ suối nước nóng Bản Mòng đến đầu đập hồ chứa nước Bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La.

Đoạn tuyến từ suối nước nóng Bản Mòng đến đầu đập hồ chứa nước Bản Mòng, xã Hua La thuộc hệ thống đường đô thị (đường Văn Tiến Dũng do UBND thành phố Sơn La quản lý bảo trì). UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND thành phố Sơn La nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của cử tri.

 

 

2.12

Tiếp tục đầu tư cống rãnh thoát nước tuyến Quốc lộ 6C, khu vực tiểu khu Quyết Thắng, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (đã được đầu tư dở dang gây úng lụt, xói mòn tài sản hoa màu của Nhân dân).

Sở Giao thông vận tải (đơn vị quản lý bảo trì) đang thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng, nguyên nhân gây ngập úng làm cơ sở tham mưu, trình cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm nội dung kiến nghị nêu trên.

 

 

2.13

Sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 279D đi Bó Mười - Thuận Châu (tuyến đường này đã bị hư hỏng nghiêm trọng, mặc dù đã được sửa chữa nhưng do những đoạn bị hỏng chưa được dải nhựa nên việc sử dụng chưa ổn định).

Sở Giao thông vận tải (đơn vị quản lý bảo trì) đang thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng, nguyên nhân gây ngập úng làm cơ sở tham mưu, trình cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm nội dung kiến nghị nêu trên.

 

 

2.14

Nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 43 đến khu tái định cư bản Nậm Rên, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tuyến đường nêu trên thuộc hệ thống đường xã, do UBND huyện Mộc Châu quản lý bảo trì. UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Mộc Châu nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của cử tri.

 

 

2.15

Bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đường từ ngã ba Bản Mòn vào rừng thông bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu.

Thời gian thực hiện dự án đến tháng 3/2020 là hoàn thành nhưng đến nay nguồn vốn mới đáp ứng được khoảng 26,4% được chủ đầu tư ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng (đã hoàn thành), còn công tác triển khai thi công thì chưa thực hiện được.

Dự án được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 3151/QĐ-UBND ngày 19/12/2018 với tổng mức đầu tư là 90.271 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh (nguồn bổ sung cân đối, nguồn thu tiền sử dụng đất).

Vốn đã giao 23.800 triệu đồng (nguồn bổ sung cân đối ngân sách tỉnh 11.800 triệu đồng, nguồn thu tiền sử dụng đất 12.000 triệu đồng), số vốn còn thiếu đã dự kiến bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất (phần điều tiết ngân sách tỉnh) năm 2020 tại Quyết định số 2997/QĐ-UBND ngày 05/12/2019 của UBND tỉnh Sơn La.

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ vốn cho dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

 

 

2.16

Sớm bố trí kinh phí cho 02 dự án đường giao thông: Sốp Cộp - Cửa khẩu Lạnh Bánh (Km 7 - 31); Sốp Cộp - Púng Bánh để thanh toán nợ khối lượng hoàn thành.

Dự án đã được dự kiến bố trí vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất (phần điều tiết ngân sách tỉnh) năm 2020 tại Quyết định số 2997/QĐ-UBND ngày 05/12/2019 của UBND tỉnh Sơn La.

Sau khi có nguồn thu tiền sử dụng đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ vốn cho dự án.

 

 

2.17

Trung tâm nước sạch tỉnh Sơn La đẩy nhanh tiến độ công trình nước sạch liên bản của xã Phiêng Luông, hoàn thành trong năm 2019.

Công trình nước sạch sinh hoạt liên bản xã Phiêng Luông huyện Mộc Châu được UBNĐ tỉnh phê duyệt Báo cáo KT-KT tại Quyết định số 3218/QĐ-UBND ngày 24/12/2018.

Công trình có tổng mức đầu tư 14.475 triệu đồng, quy mô cấp nước cho 655 hộ dân, thời gian thực hiện năm 2019 - 2020. Kế hoạch vốn đã giao 3.992 triệu đồng (đạt 27,6%). Hiện đơn vị đã ký hợp đồng và cấp nước sạch cho 655 hộ/655 hộ thiết kế đạt 100%.

 

 

2.18

Đầu tư cầu dân sinh qua suối cho Bản Chón, xã Mường Bú; bản Nậm Hồng, xã Chiềng Công và bản Pá Xá Hồng, xã Chiềng Ân, huyện Mường La.

Ngày 19/3/2020, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Công văn số 784/UBND-KT về việc danh mục ưu tiên đầu tư hợp phần cầu (dự án LRAMP) đề nghị danh mục ưu tiên đầu tư hợp phần cầu (dự án LRAMP), trong đó trên địa bàn huyện Mường La được đề nghị đầu tư 02 cầu treo: Cầu bản Chón, xã Mường Bú và cầu treo Bản Nà Bá, xã Ngọc Chiến.

Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn trong phạm vi xây dựng cầu dân sinh tại 02 bản: Bản Nà Bá, xã Ngọc Chiến; bản Chón, xã Mường Bú để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công công trình. Cầu treo Bản Pá Xá Hồng, xã Chiềng Ân: Hiện nay có 02 cầu, 01 cầu dân sinh và 01 cầu treo.

Năm 2015 Công ty Cổ phần xây dựng Thương mại Lam Sơn đã đầu tư xây dựng cầu dân sinh cho nhân dân bản Pá Xá Hồng đảm bảo đi lại thuận tiện.

Như vậy cầu treo cũ bản Pá Xá Hồng, xã Chiềng Công không cần phải đầu tư nữa.

 

 

2.19

Sớm đầu tư đường điện lưới quốc gia đến các bản chưa có điện trên địa bàn huyện Sốp Cộp theo Quyết định số 2455/QĐ-UBND ngày 01/10/2019 của UBND tỉnh, hiện nay trên địa bàn huyện còn 14 bản chưa có điện, cụ thể: Xã Mường Lèo 06 bản, xã Mường Và 02 bản, xã Dồm Cang 02 bản, xã Nậm Lạnh 04 bản.

Đến nay, 14 bản trên của huyện Sốp Cộp đã có trong Kế hoạch đầu tư cấp điện năm 2020 được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 3255/QĐ-UBND ngày 30/12/2019.

Hiện tại Sở Công Thương đang lập Hồ sơ dự án đầu tư, dự kiến sẽ triển khai thi công và hoàn thành trong năm 2020.

 

 

2.20

Chỉ đạo sớm triển khai, nâng cấp, sữa chữa hệ thống điện thắp sáng cho hai khu dân cư của bản Co Lóng và Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ.

Vì hiện tại điện lực chỉ quản lý công tơ tổng, đồng hồ, đường dây do bản tự quản lý nên không an toàn và đảm bảo nguồn điện sinh hoạt của nhân dân. Năm 2017 nhân dân đã nhất trí bàn giao toàn bộ cột, đường dây cho điện lực nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Bản Co Lóng, xã Lóng Luông (Khu Háng Tê) quy mô 50 hộ đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cấp điện nông thôn từ hệ thống điện lưới quốc gia tại Quyết định số 858/QĐ-UBND ngày 28/4/2020. Đối với 30 hộ bản Co Chàm, UBND huyện sẽ đề xuất với Sở Công thương xem xét, đầu tư vào giai đoạn 2021 - 2025.

 

 

2.21

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bàn giao các công trình điện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước cho Điện lực Mai Sơn quản lý nhất là đối với việc bàn giao các công trình điện tại xã Mường Chanh, Chiềng Chăn, Tà Hộc.

Ngày 24/5/2019 UBND tỉnh có Công văn số 425/UBND-TH giao Sở Tài chính "báo cáo làm rõ căn cứ trình UBND tỉnh về giao tài sản cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý (được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước); Hướng dẫn của Bộ Tài chính và tình hình điều chuyển các công trình khác đã triển khai cho doanh nghiệp".

UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Công thương tham mưu giải quyết kiến nghị của cử tri.

 

 

2.22

Đầu tư xây dựng Nhà văn hóa cho các bản mới sáp nhập cần tính toán đủ diện tích cho các hộ dân ngồi họp, vì nhà văn hóa đã được nhà nước đầu tư chỉ đủ cho 01 bản tổ chức sinh hoạt, nay sáp nhập 02, 03 bản thành 01 bản nên không đủ chỗ ngồi.

Sở Xây dựng đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, nhu cầu quy mô diện tích sử dụng Nhà văn hóa các bản (đặc biệt Nhà văn hóa tại các bản mới sát nhập); từ đó đề xuất, kiến nghị đầu tư xây dựng mới hoặc phương án sử dụng các Nhà văn hóa hiện có để sinh hoạt theo nhóm dân cư; đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa hình, dân sinh, kinh tế, sinh hoạt của từng khu vực.

 

 

2.23

Yêu cầu Công ty thủy điện Nậm Bú thực hiện việc bồi thường hỗ trợ tài sản, cây cối hoa màu cho nhân dân (hiện nay trên địa bàn xã Mường Bú còn một số hộ có diện tích cây cối, hoa màu bị ngập úng nhưng chưa được bồi thường, hỗ trợ).

UBND huyện Mường La đã tổ chức kiểm tra, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Thủy điện Nậm Bú vẫn chưa hoàn thành việc phê duyệt cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập thủy điện theo quy định tại Công văn số 1620/UBND-KT ngày 20/5/2019 của UBND tỉnh Sơn La và Công văn số 208/SCT-QLNL ngày 13/02/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường. UBND tỉnh tiếp tục giao UBND huyện Mường La khẩn trương đôn đốc, kiểm tra Chủ đầu tư thủy điện Nậm Bú triển khai thực hiện, giải quyết dứt điểm kiến nghị cử tri.

 

 

2.24

Theo Công văn số 4260/UBND-KT ngày 26/12/2016 của UBND tỉnh Sơn La về việc “nhất trí cắt một phần diện tích đất của Công ty Cổ phần lương thực Sơn La thuê tại xã Cò Nòi cho tiểu khu 2, xã Cò Nòi để xây dựng Nhà văn hóa” nhưng đến nay vẫn không được triển khai. Đề nghị cho biết thời gian cụ thể bàn giao đất cho Tiểu khu để triển khai thi công góp phần hoàn thành các tiêu trí xây dựng nông thôn mới.

Ngày 10/3/2020 Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 594/STNMT-ĐĐ&ĐĐBĐ, trong đó đề nghị UBND huyện Mai Sơn hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất.

Sau khi UBND huyện Mai Sơn hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ trình UBND tỉnh xem xét, quyết định thu hồi một phần diện tích đất của Công ty Cổ phần Lương thực Sơn La theo Công văn số 4260/UBND-KT ngày 26/12/2016.

 

 

2.25

Xem xét thu hồi đất đai và tài sản trên đất nhà tập thể Cung giao thông tại bản Thanh Yên 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu để giao cho bản quản lý và sử dụng (UBND tỉnh Sơn La cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 31/01/2008 với diện tích 638 m2, hiện nay do Sở Giao thông - Vận tải Sơn La quản lý, sử dụng để làm nhà điều hành, quản lý bảo trì tuyến Quốc lộ 6C).

Lý do: Hiện nay Cung giao thông không còn công nhân, nhà điều hành không hoạt động, 01 hộ dân của bản mượn để làm nhà ở.

Ngày 06/4/2020 Sở Giao thông vận tải có Công văn số 895/SGTVT-KHTC về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xử lý tài sản công và giao quản lý sử dụng đất, nhà hạt quản lý đường bộ.

 

Trong đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết các nội dung đề nghị tại Tờ trình số 1012/TTr-SGTVT ngày 20/5/2019 của Sở Giao thông vận tải.

Sau khi Sở Tài chính xử lý xong tài sản công; Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu thực hiện theo quy định.

 

 

2.26

Trình các Bộ, ngành Trung ương cho sử dụng nguồn vốn dự phòng để tiếp tục triển khai tuyến đường từ Quốc lộ 6 vào 2 bản Lũng Xá, bản Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La

Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 2733/QĐ-UBND ngày 15/11/2016 của UBND tỉnh, với tổng mức đầu tư được duyệt là 80.002 triệu đồng, sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.

Năm 2017, dự án đã được giao vốn 73.000 triệu đồng (dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016) để triển khai thực hiện, tuy nhiên do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ dẫn đến triển khai chậm tiến độ, không giải ngân hết số vốn được giao (vốn giải ngân được 56.243,7 triệu đồng, đạt 77%).

Số vốn còn lại chưa giải ngân (16.756,3 triệu đồng), UBND tỉnh đã kiến nghị với Trung ương cho phép tiếp tục sử dụng để thực hiện dự án (Công văn số 3620/UBND-TH ngày 10/10/2018; Công văn số 1279/UBND-TH ngày 24/4/2019), đến nay chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 12/02/2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, cân đối nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án tại Công văn số 329/UBND-TH.

 

 

2.27

Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho các hoạt động tại cửa khẩu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hiện nay Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý 02 cửa khẩu chính, 02 cửa khẩu phụ, 07 Trạm Kiểm soát biên phòng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đang được thực hiện, cụ thể:

- Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cửa khẩu Lóng Sập đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2524/QĐ-UBND ngày 28/10/2016 (do khó khăn về nguồn vốn nên dự án chưa được triển khai).

- Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cửa khẩu phụ Nậm Lạnh và cửa khẩu phụ Nà Cài đã được UBND tỉnh giao lập chủ trương đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 tại Văn bản số 22/UBND-TH ngày 03/01/2020.

- Về đầu tư mua sắm phương tiện phục vụ cho hoạt động tại cửa cửa khẩu: Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang trình xin chủ trương đầu tư mua sắm trang thiết bị và phương tiện cho các cửa khẩu.

 

 

2.28

Xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn hiện có 19 bản với 700 người mắc nợ Công ty Dâu tằm tơ Sơn La, số tiền phải thi hành là 3,389 tỷ đồng (gốc 1,107 tỷ đồng; lãi: 2,281 tỷ đồng) theo Quyết định số 04/QĐ-TBPS ngày 01/12/2015 về tuyên bố phá sản, Thông báo số 23/TB-TA ngày 08/12/2015 về việc sửa chữa, bổ sung Quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án nhân dân tỉnh; Quyết định ủy thác thi hành án số 47/QĐ-CTHADS ngày 14/3/2019, Quyết định thi hành án số 284/QĐ-CCTHADS ngày 26/3/2019 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với các chủ nợ, Ngân hàng chính sách (đối với các khoản nợ thuộc ngân sách tỉnh) xem xét miễn, giảm phần lãi xuất (hiện nay cuộc sống của nhân dân khó khăn nên không có khả năng trả tiền gốc và lãi).

Ngày 28/6/2019, liên ngành Cục thi hành án dân sự tỉnh Sơn La, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La; Sở Tài chính tổ chức họp thống nhất phương án xử lý khoản tiền nợ lãi của Công ty Dâu tằm tơ Sơn La tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Căn cứ ý kiến thống nhất liên ngành, ngày 11/7/2019, Sở Tài chính có Tờ trình số 525/TTr-STC trình UBND tỉnh xem xét xóa khoản lãi vay của Công ty Dâu tằm tơ Sơn La tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, số tiền 4.111.986.177 đồng.

Hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang rà soát và lập hồ sơ xóa nợ để trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.

 

 

2.29

Đề nghị Ban Quản lý dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La sớm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng công trình đường giao thông liên xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn đi xã Mường Chùm, huyện Mường La cho 2 hộ (Đặng Thị Hồng Thái, bản Cang A và Đoàn Thị Thủy bản Cang B, xã Chiềng Sung) với số tiền 60.371.000 đồng (công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2018, nội dung này UBND xã đã trình Ban Quản lý dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được chi trả).

UBND tỉnh đã phân bổ vốn cho Dự án đường giao thông liên xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn đi xã Mường Chùm, huyện Mường La và đã trình Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến tại Tờ trình số 84/TTr-UBND ngày 23/4/2020. Sau khi được Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến, UBND tỉnh sẽ phân bổ vốn để thực hiện.

 

 

2.30

Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng tuyến đường từ xã Mường Tè đi xã Quang Minh của huyện Vân Hồ.

Dự án đường tỉnh lộ 101 (đoạn Mường Tè - Quang Minh), huyện Vân Hồ được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1244/QĐ-UBND ngày 16/5/2017, do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư (tổng mức đầu tư 45.211 triệu đồng, thời gian thực hiện dự án năm 2017 - 2020).

Do khó khăn về nguồn vốn nên dự án triển khai chậm so với kế hoạch, tính đến tháng 3/2020 dự án mới bố trí được 4.651 triệu đồng (đạt 10,29% so với TMĐT đã được phê duyệt).

Để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành chỉ tiêu cứng hóa đường đến trung tâm xã, dự án dự kiến đề xuất cân đối từ nguồn vốn dự phòng 10% trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, sau khi được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo số vốn dự phòng cho tỉnh.

 

 

2.31

Đề nghị Công ty Cổ phần Cao su Sơn La tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân xã Chiềng Sàng, xã Chiềng Pằn, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu để giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bức xúc của người dân góp đất trồng cây cao su: Thiếu việc làm, thu nhập thấp, chế độ người tham gia góp đất chưa đảm bảo, chưa rõ ràng...; xem xét hỗ trợ, tạo việc làm cho những hộ dân trồng cây Cao su, nhất là các hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn để nhân dân ổn định sản xuất và đời sống.

1. Về tổ chức đối thoại trực tiếp hàng năm Công ty đã phối hợp cùng với UBND huyện Yên Châu, Mai Sơn tổ chức các cuộc đối thoại với nhân dân (mà trực tiếp là các đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu và huyện Mai Sơn đồng chủ trì các cuộc đối thoại trên).

Các vướng mắc liên quan đến Công ty và người dân có đất góp, công nhân đều được giải quyết thỏa đáng với mong muốn của Công ty là người dân tham gia khai thác, và thực hiện các công việc khác trên vườn cây.

Tuy nhiên người dân đưa ra nhiều lý để không đi làm như nhà neo người, gia đình nhiều việc, bận trồng sắn, mía... từ năm 2017 đến nay hơn 274 ha tại Yên Châu và 140 ha tại Mai Sơn đã đến tuổi khai thác nhưng không có người đi làm.

2. Về khó khăn, vướng mắc

Tại xã Mường Bon: Diện tích không khai thác được từ năm 2017 của Mường Bon tập trung ở bản Un, bản Củ Pe, bản Bon, bản Đấu Mường với diện tích 130 ha.

Tuy nhiên tại khu vực do có sự xúi giục của Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) không cho người dân đi làm tất cả các công việc trên vườn cây (số tiền người công nhân được hưởng khi đi cạo một năm trên diện tích này là: 2,12 tỷ đồng và số tiền này sẽ tăng lên vào các năm cạo sau).

3. Giải pháp

- Đối với 140 ha tại xã Mường Bon, Mai Sơn do tổ chức LPSD vận động, tuyên truyền người dân chống đối. Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu và có những biện pháp hơn để răn đe, ngăn chặn hoạt động của tổ chức này.

- Đối với 274 ha Cao su trên địa bàn huyện Yên Châu hiện nay người dân không đi khai thác mà còn liên tục chặt phá cây Cao su. Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sớm có chỉ đạo xử lý các đối tượng chặt phá nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng chặt phá vườn cây của Công ty.

- Giao UBND các huyện Yên Châu; huyện Mai Sơn tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia khai thác mủ Cao su theo đúng cam kết (vì nếu không đưa vào khai thác thì người dân có đất góp và người công nhân bị thiệt hại tính trên 1 ha là 16,3 triệu đồng/1ha/1năm).

 

 

2.32

Sửa chữa tuyến đường từ Quốc lộ 279D đến bản Bủng, xã Mường Bú, huyện Mường La và tuyến đường từ Quốc lộ 279D đến xã Bó Mười, huyện Thuận Châu.

1. Hiện trạng tuyến đường và nguyên nhân hư hỏng

1.1. Tuyến đường từ QL.279D đến xã Bó Mười, huyện Thuận Châu thuộc ĐT.116 do Sở Giao thông vận tải quản lý bảo trì, được đầu tư và đưa vào khai thác năm 2008 với quy mô đường GTNT-A, mặt đường láng nhựa.

Do thời gian đưa vào vào khai thác đã lâu, đến nay chưa được cải tạo, nâng cấp theo quy định, dẫn đến tuyến đường đã và đang bị xuống cấp;

Hàng năm, Sở Giao thông vận tải đã thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, khắc phục lũ bão đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại, tuy nhiên, do kinh phí còn hạn hẹp và do tác động của điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, kết hợp với sự gia tăng của các phương tiện vận tải (cả về số lượng và tải trọng), tình trạng lấn chiếm, san lấp mặt bằng phía hạ lưu các công trình thoát nước gây ngập úng cục bộ, dẫn đến làm hư hỏng bong bật, trồi lún, cao su nền mặt đường tại một số vị trí.

1.2. Tuyến đường từ QL.279D đến bản Bủng, xã Mường Bú, huyện Mường La. Có chiều dài 5,5 km thuộc hệ thống đường xã do UBND huyện Mường La quản lý bảo trì, tuyến đường được đầu tư và đưa vào khai thác năm 2008, đến năm 2015 được duy tu sửa chữa bằng nguồn vốn tái định cư thủy điện Sơn La.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, mưa lũ bất thường cùng với sự gia tăng của các phương tiện vận tải nên công trình đã xuống cấp, mặt đường bị hư hỏng tạo thành ổ gà, ổ voi, lồi lõm gây khó khăn cho người dân tham gia giao thông.

2. Phương án khắc phục sửa chữa hư hỏng

2.1. Đối với đoạn từ QL.279D đến xã Bó Mười, huyện Thuận Châu

Để nâng cao chất lượng khai thác công trình, Sở Giao thông vận tải đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.116 (xã Mường Bú - xã Bó Mười - xã Chiềng Ngàm - xã Chiềng Khoang), tỉnh Sơn La dài 57 km để đưa vào Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 22/UBND-TH ngày 03/01/2020;

2.2. Đối với tuyến đường từ QL.279D đến bản Bủng, xã Mường Bú, huyện Mường La: UBDN tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Mường La (đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường theo phân cấp) có giải pháp sửa chữa, khắc phục hư hỏng, đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

 

 

2.33

Chỉ đạo kiểm tra việc công trình Thủy điện Keo Bắc, xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã (hiện nay do Công ty Cổ phần Thủy điện Thanh Thủy - Hà Nội đang quản lý, vận hành) và nhà máy thủy điện Nậm Sọi, xã Mường Cai, Sông Mã (do Công ty Cổ phần Thủy điện Tây Bắc quản lý, vận hành) tự ý cơi nới thêm, ngăn nước trên đập tràn tích nước của công trình, làm ảnh hưởng đến điều tiết nước cho vùng hạ lưu (không có nước phục vụ cho sản xuất vùng hạ lưu), an toàn đập,...

1. Đối với công trình Thủy điện Keo Bắc (hiện nay do Công ty Cổ phần Thủy điện Thanh Thủy - Hà Nội đang quản lý, vận hành)

- Công ty TNHH MTV QLKT công trình thủy lợi Sơn La đã phối hợp cùng UBND xã Nậm Mằn kiểm tra thực địa việc đảm bảo dòng chảy tối thiểu của nhà máy vào tháng 02/2020.

- Qua kiểm tra, Đoàn công tác đã xác nhận và có báo cáo kết quả, theo đó: Nhà máy đã thực hiện xả dòng chảy tối thiểu về hạ du đảm bảo nước tưới cho diện tích canh tác phía hạ du đập đầu mối.

- Nhà máy đã tháo dỡ tấm tôn cơi nới trên đỉnh đập để đảm bảo an toàn cho vận hành, đồng thời đảm bảo xả dòng chảy tối thiểu cấp nước cho hạ du đập đầu mối.

2. Đối với công trình Thủy điện Nậm Sọi (hiện nay do Công ty Cổ phần Thủy điện Tây Bắc đang quản lý, vận hành)

- Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Sông Mã, UBND xã Mường Cai tổ chức kiểm tra thực địa tại công trình thủy điện Nậm Sọi vào ngày 16/6/2020.

- Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển điện Tây Bắc đã xây dựng các tấm thép trên mặt đập có thể nâng hạ được để nâng chiều cao đập nhằm tích nước điều tiết phát điện.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư đã hạ các tấm thép trên mặt đập xuống nhưng chưa tháo dỡ hoàn toàn các tấm thép và khôi phục nguyên trạng mặt đập theo thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt; Chủ đầu tư công trình đã duy trì dòng chảy tối thiểu, tuy nhiên, thủy điện Nậm Sọi chưa duy trì thường xuyên, đầy đủ dòng chảy tối thiểu sau đập để đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du, chưa lắp đặt hệ thống giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước.

* Giải pháp khắc phục

- Về việc cơi nới đập: Sở Công Thương phối hợp với UBND huyện Sông Mã đôn đốc chủ đầu tư thực hiện tháo dỡ trước ngày 30/6/2020.

- Về quản lý an toàn đập, quản lý tài nguyên nước: Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện trong Quý III năm 2020.

- Xử lý vi phạm: Sở Xây dựng xử lý vi phạm của chủ đầu tư thủy điện Nậm Sọi theo quy định.

 

 

3

 Lĩnh vực văn hóa - xã hội (05 nội dung) 

 

3.1

Tiếp tục nghiên cứu nguồn hỗ trợ tiền làm nhà ở cho 09 hộ gia đình có công, hộ gia đình chính sách và hộ gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Phù Yên theo Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 18/02/2016 của UBND tỉnh Sơn La (trước đây là nguồn của Ban Chỉ đạo Tây Bắc).

1. Kết quả rà soát

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức rà soát và báo cáo kết quả tại Văn bản số 389/BC-LĐTBXH ngày 13/11/2018, trong tổng số 100 hộ được hỗ trợ từ nguồn kinh phí theo Quyết định số 130-QĐ/BCĐTB ngày 25/12/2015 của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đến hết năm 2018, đã có 44 hộ đã triển khai thực hiện, tương đương số tiền 2.200 triệu đồng (các huyện, thành phố đã cân đối 600 triệu đồng hỗ trợ 12 hộ; 32 hộ còn lại, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Sơn La hỗ trợ 1.600 triệu đồng).

Trong tổng số 56 hộ còn lại chưa triển khai thực hiện xây nhà ở, có 09 hộ trên địa bàn huyện Phù Yên (đến khi dừng hoạt động Ban Chỉ đạo Tây Bắc vẫn không chuyển kinh phí hỗ trợ cho tỉnh như cam kết).

2. Chỉ đạo của UBND tỉnh

Ngày 21/11/2018 UBND tỉnh đã có chỉ đạo tại Công văn số 4248/UBND-KGVX, Sở Tài chính đã ban hành Công văn số 4438/STC-QLNS ngày 23/11/2018 trong đó có đề nghị các huyện, thành phố chủ động cân đối từ ngân sách huyện, vận động các tổ chức cá nhân đề nghị tài trợ, viện trợ, để hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình đã được phê duyệt danh sách nhưng chưa có kinh phí làm nhà. Đến nay UBND huyện Phù Yên chưa bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ cho 09 hộ dân.

3. Về giải pháp tháo gỡ vướng mắc

3.1. UBND huyện Phù Yên chủ động rà soát, bố trí từ nguồn ngân sách huyện, đồng thời tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ, viện trợ, ủng hộ kinh phí để hỗ trợ cho các hộ gia đình.

3.2. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí từ nguồn ủng hộ, tài trợ, viện trợ để hỗ trợ tiền làm nhà ở cho 09 hộ gia đình trên địa bàn huyện Phù Yên theo Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 18/02/2016 của UBND tỉnh.

 

 

3.2

Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Nghiên cứu, xây dựng quy định về việc thực hiện chế độ phụ cấp độc hại đối với nhân viên thiết bị trường học. Lý do: Đây cũng là ngành nghề làm việc trong môi trường độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 608/UBND-TH ngày 09/3/2020.

 

 

3.3

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi Phụ lục số 3B kèm theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó bổ sung danh mục các loại máy nông nghiệp cầm tay (máy pha đất, máy cày, bừa cầm tay…) vào diện tính điểm để xác định hộ nghèo, cận nghèo.

Ngày 26/6/2019, Ban Chỉ đạo các CTMTQG đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-BCĐ về việc quy định mức điểm cho một số tài sản đất đai, chăn nuôi tại Phiếu B rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2019 - 2020.

 

 

3.4

Xem xét trình HĐND tỉnh sửa đổi, điều chỉnh đúng thực tế về khoảng cách từ nhà đến trường của một số bản trên địa bàn huyện Sốp Cộp tại Nghị quyết số 123/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh quy định cụ thể về khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày được hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, vì khoảng cách km từ nhà đến trường của một số bản trên địa bàn huyện Sốp Cộp không đúng với thực tế.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Báo cáo số 190/BC-SGDĐT ngày 12/3/2020 gửi UBND tỉnh, Ban VHXH-HĐND tỉnh nắm chỉ đạo để thực hiện điều chỉnh. Ngày 05/5/2020, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 95/TTr-UBND đề xuất xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị quyết số 123/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh.

 

 

3.5

Xem xét trình HĐND tỉnh sửa đổi, điều chỉnh đúng thực tế về khoảng cách từ nhà đến trường của một số bản trên địa bàn huyện Sốp Cộp tại Nghị quyết số 123/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh quy định cụ thể về khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày được hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, vì khoảng cách km từ nhà đến trường của một số bản trên địa bàn huyện Sốp Cộp không đúng với thực tế.

1. Kết quả rà soát

Toàn tỉnh gồm có 13 xã, 33 bản cần sửa đổi, điều chỉnh cho đúng với thực tế về khoảng cách từ nhà đến trường. Trong đó: Danh mục xã, bản thuộc địa bàn bình thường gồm 11 xã, 27 bản (huyện Sốp Cộp gồm 02 xã, 16 bản); danh mục xã, bản thuộc địa bàn cách trở giao thông khó khăn gồm 02 xã, 6 bản (huyện Sốp Cộp không có).

2. Về Nghị quyết trình HĐND tỉnh

Sở Giáo dục đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục chi tiết số 01, 02 ban hành kèm theo Nghị quyết số 123/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh quy định cụ thể về khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày được hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, trình kỳ họp thứ 14 của HĐND tỉnh xem xét, thông qua (trong đó có nội dung sửa đổi, điều chỉnh đúng thực tế về khoảng cách từ nhà đến trường theo kiến nghị cử tri của các huyện, thành phố).

 

 

II

THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP SAU CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 11 HĐND TỈNH

 

1

Lĩnh vực kinh tế - ngân sách (11 nội dung)

 

 

1.1

Tập trung thực hiện tốt các giải pháp đã báo cáo trước kỳ họp (Phụ lục số 01), phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020 (5.000 tỷ) coi đây là thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế tỉnh đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch UBND tỉnh giao tại Công văn số 173/UBND-TH ngày 16/01/2020.

 

 

1.2

Chỉ đạo Cục thuế tỉnh thường xuyên báo cáo tình hình nợ đọng thuế, nhất là nợ đọng tiền sử dụng đất, phân tích làm rõ nguyên nhân và đề xuất các biện pháp quyết liệt để thu hồi nợ đọng; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định, chính sách thuế, phát hiện những vi phạm và chống thất thu thuế, nhất là đối với các doanh nghiệp có mức nộp thuế không tương xứng với hoạt động sản xuất kinh doanh; Cải cách thủ tục hành chính thuế, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kê khai thuế cho người dân và doanh nghiệp.

Cục Thuế tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác thuế năm 2020 tại Kết luận số 118/TB-CT ngày 10/01/2020

 

 

1.3

Kịp thời nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất để tạo nguồn thu trong năm 2020.

Ngày 21/02/2020 Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình số 101/TTr-STNMT về việc đề nghị UBND tỉnh ban hành Kế hoạch khai thác quỹ đất để tạo nguồn thu từ đất năm 2020 trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Ngày 26/02/2020 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 344/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch khai thác quỹ đất để tạo nguồn thu từ đất năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Ngày 05/3/2020 Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 533/STNMT-ĐĐ&ĐĐBĐ về việc báo cáo định kỳ kết quả thực hiện Quyết định số 344/QĐ-UBND ngày 26/02/2020 của UBND tỉnh Sơn La.

 

 

1.4

Tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các vị trí khai thác khoáng sản trái phép hoặc có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép, lập danh sách theo dõi và có kế hoạch cụ thể giám sát, kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện theo nội dung Công văn số 209/STNMT-TNN, KS & KTTV ngày 03/02/2020; Công văn số 574/STNMT-TNN, KS & KTTV ngày 09/3/2020 về việc tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các vị trí khai thác khoáng sản trái phép hoặc có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép (lần 1, 2).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 31 điểm mỏ có vị trí khai thác khoáng sản trái phép hoặc có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép đã lập danh mục để báo cáo UBND tỉnh đề nghị UBND tỉnh giao UBND cấp huyện tổ chức thực hiện.

 

 

1.5

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép, trước mắt tập trung kiểm tra phát hiện, xử lý rõ các trường hợp “bảo kê” tiếp tay cho vi phạm (nếu có).

Hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang tổng hợp các Báo cáo của UBND các huyện, thành phố. Qua kiểm tra không phát hiện các trường hợp "bảo kê" tiếp tay cho vi phạm. Báo cáo UBND tỉnh đề nghị UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép.

 

 

1.6

Quản lý chặt chẽ việc thực hiện đối với các dự án đã được cấp phép; giám sát chặt chẽ việc thực hiện nội dung trong đánh giá tác động môi trường của các dự án để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai thực hiện và đã ban hành Công văn số 867/STNMT-TNN, KS & KTTV ngày 26/3/2020.

 

 

1.7

Tham mưu đề xuất với UBND tỉnh quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác quản lý khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, lĩnh vực quản lý;

Chỉ đạo các sở chuyên ngành, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác phối hợp, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1590/QĐ-UBND ngày 14/6/2017 của UBND tỉnh.

Sở Tài nguyên và môi trường đang triển khai thực hiện. Đồng thời đã có Tờ trình số 186/TTr-STNMT ngày 26/3/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường.

 

 

1.8

Tổ chức xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường, quản lý số liệu quan trắc môi trường và công bố kết quả quan trắc môi trường của địa phương theo đúng quy định tại Điều 127, Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường; báo cáo HĐND tỉnh về kết quả quan trắc môi trường theo quy định tại Khoản 2 Điều 125 Luật Bảo vệ môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường giao Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tiếp tục triển khai chương trình quan trắc môi trường tỉnh năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 306/QĐ-UBND ngày 19/12/2019 của UBND tỉnh.

 

 

1.9

Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng dự án tăng cường năng lực quan trắc môi trường của tỉnh; Trung tâm tiếp nhận, xử lý, lưu giữ số liệu do chủ sở hữu tiến hành.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1970/QĐ-UBND ngày 12/8/2019 ban hành kế hoạch kinh phí ngân sách nhà nước năm 2020 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2020 - 2022, trong đó đã đề xuất triển khai thực hiện dự án tăng cường năng lực quan trắc môi trường tỉnh với tổng kinh phí 150 tỷ, thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2022 (có đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc tự động, các trạm tiếp nhận, xử lý, lưu giữ số liệu...). Tiếp tục triển khai dự án tăng cường năng lực quan trắc môi trường tỉnh thời gian thực hiện từ năm 2020 – 2022.

 

 

1.10

Tập trung thực hiện tốt 10 nhiệm vụ, giải pháp đã báo cáo trước kỳ họp (Phụ lục số 02); chủ động chuẩn bị nội dung để tổ chức hội nghị thu hút đầu tư của tỉnh sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Cục thuế tỉnh đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch UBND tỉnh giao tại Công văn số 173/UBND-TH ngày 16/01/2020.

 

 

1.11

Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án thu hút đầu tư tại hội nghị thu hút đầu tư năm 2017 (tổ chức hội nghị có sự tham gia của các nhà đầu tư) để thống nhất về kế hoạch, lộ trình đầu tư dự án nếu tiếp tục thực hiện dự án hoặc thu hồi quyết định chủ trương đầu tư, huỷ bỏ bản cam kết đầu tư nếu không tiếp tục thực hiện dự án; thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các nhà đầu tư báo cáo tình hình triển khai, khó khăn vướng mắc (tại các Văn bản số 138/SKHĐT-KTĐN; Văn bản số 139/SKHĐT-KTĐN ngày 03/2/2020; Văn bản số 38/SKHĐT-KTĐN ngày 16/3/2020).

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã có Báo cáo số 543-BC/BCSĐ ngày 18/02/2020 về đánh giá kết quả thực hiện các dự án thu hút đầu tư tại Hội nghị thu hút đầu tư năm 2017 gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 

 

2

Lĩnh vực văn hóa - xã hội (05 nội dung)

 

2.1

Nghiên cứu, báo cáo đánh giá tác động và khả năng cân đối ngân sách địa phương để đề xuất về việc ban hành cơ chế hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (chỉ đề xuất ban hành chính sách đặc thù của địa phương khi bảo đảm cân đổi được nguồn kinh phí thực hiện).

Ngày 11/02/2020 Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có Báo cáo số 223/BC-BHXH về tình hình thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện giai đoạn 2008 - 2019 và đề xuất hỗ trợ mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện của ngân sách địa phương giai đoạn 2020 - 2025 gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và xã hội và đề xuất hỗ trợ (từ 27.200 đến 49.770) đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh Sơn La.

 

 

2.2

Thường xuyên để kịp thời can thiệp giải quyết quyền lợi của người lao động, các khoản nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khi doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ bảo hiểm xã hội (tránh tình trạng xảy ra và khó xử lý như trường hợp của Công ty Cổ phần Xi măng Sơn La).

Hằng tháng Bảo hiểm xã hội tỉnh đều tập trung đôn đốc các đơn vị tham gia Bảo hiểm xã hội nộp tiền, đối với các đơn vị nợ Bảo hiểm xã hội thời gian dài đã phối hợp với ngành Thuế để xác minh tình hình hoạt động của doanh nghiệp và dừng quản lý thu kịp thời, đối với các doanh nghiệp dừng thu Bảo hiểm xã hội đã tính toán đến thời gian đơn vị nộp đủ Bảo hiểm xã hội và chốt sổ Bảo hiểm xã hội để người lao động đi tham gia Bảo hiểm xã hội tại các đơn vị khác.

Tuy nhiên, việc khởi kiện của các đơn vị vẫn chưa thực hiện được do việc khởi kiện đơn vị là do Liên đoàn Lao động tỉnh và phải có đơn của người lao động đề nghị; còn hồ sơ chuyển ngành Công an để xử lý vi phạm hình sự thì chỉ được tính nợ phát sinh từ năm 2016 còn nợ từ trước năm 2016 không được xem xét.

 

 

2.3

Giao chỉ tiêu bảo hiểm xã hội tự nguyện và bắt buộc là chỉ tiêu pháp lệnh trong chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 năm 2021, 2021 - 2025.

Các cấp các ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện chỉ tiêu, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Quy định việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội là tiêu chí đánh giá, nhận xét, khen thưởng hàng năm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện và ban hành Kế hoạch số 518/KH-BHXH ngày 05/3/2020 về phân công nhiệm vụ thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện 6 giải pháp năm 2020

 

 

2.4

Giao Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Lao động thương binh và xã hội, Cục thuế tỉnh rà soát các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng chưa kê khai hoặc chưa đầy đủ bảo hiểm xã hội của người lao động, có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát các nhóm đối tượng thuộc bảo hiểm tự nguyện, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tư vấn nâng cao tỷ lệ người tham gia.

Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện và ban hành Kế hoạch số 518/KH-BHXH ngày 05/3/2020 về phân công nhiệm vụ thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện 6 giải pháp năm 2020

 

 

2.5

Kết quả thực hiện các giải pháp để tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện, cụ thể: Rà soát số lao động ngoại tỉnh tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các tỉnh khác (27.000 người) đề xuất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam phương pháp tính toán thống nhất trong cả nước, các đối tượng lao động có việc làm ổn định ở các tỉnh khác (vẫn tính trong chỉ tiêu dân số của tỉnh) được tính vào chỉ tiêu bao phủ Bảo hiểm xã hội (27.000/700.000 = 5,2%).

1. Nội dung đã thực hiện

Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có Công văn số 2110/BHXH-QLT ngày 11/12/2019 gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam về chỉ tiêu, đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Sơn La (trong đó: Đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, xác định số lượng dân số, lực lượng lao động còn lại sau khi trừ đi số lao động đi làm việc ngoại tỉnh để tính tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT - đến nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa có văn bản trả lời về nội dung này).

2. Lộ trình thực hiện trong thời gian tới

Căn cứ Kế hoạch số 518/KH-BHXH ngày 05/3/2020 Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ đề xuất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về phương pháp tính để tính chỉ tiêu bao phủ Bảo hiểm xã hội, cụ thể:

- Đối với chỉ tiêu bao phủ Bảo hiểm xã hội: Cho phép trừ số lao động đi làm việc ngoại tỉnh (kể cả đã tham gia Bảo hiểm xã hội hay chưa tham gia Bảo hiểm xã hội tại địa phương khác) khỏi lực lượng lao động của tỉnh trước khi tính tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm xã hội.

- Đối với chỉ tiêu bao phủ Bảo hiểm y tế: Cho phép trừ số lao động đi làm việc ngoại tỉnh đã tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế ở địa phương khác khỏi dân số của tỉnh trước khi tính tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế.

 

 

 



[1] Báo cáo số 249/BC-TTHĐND ngày 27/11/2019; Báo cáo số 265/BC-TTHĐND ngày 20/02/2020 của Thường trực HĐND tỉnh.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 199/NQ-HĐND năm 2020 về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Hội đồng nhân dân tỉnh trước kỳ họp thứ 13; việc thực hiện Kết luận của Chủ tọa kỳ họp về phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 11 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa XIV

  • Số hiệu: 199/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 30/06/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Nguyễn Thái Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/06/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản