Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 17/2013/NQ-HĐND

Yên Bái, ngày 19 tháng 07 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHĂN NUÔI TRÂU, BÒ CHO HỘ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG CÓ THU NHẬP THẤP TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2013 - 2016

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHOÁ XVII - KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg, ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015;

Sau khi xem xét Tờ trình số 86 /TTr-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ người có công với cách mạng có thu nhập thấp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013 - 2016; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc và tiếp thu các ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ người có công với cách mạng có thu nhập thấp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013 - 2016 với nội dung cụ thể như sau:

1. Đối tượng, phạm vi thực hiện Đề án:

a) Đối tượng hỗ trợ: Hỗ trợ các hộ người có công với cách mạng có thu nhập thấp.

b) Phạm vi: Đề án thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

- Năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 ưu tiên hỗ trợ nhóm hộ: Cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, gia đình liệt sĩ, gia đình nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và người hoạt động kháng chiến có con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, người có công với nước nghèo và cận nghèo.

- Từ giữa năm 2014 đến năm 2016, rà soát và mở rộng đối tượng người có công khác thụ hưởng theo chính sách này.

2. Nội dung và mức hỗ trợ:

a) Hỗ trợ mua một con trâu cái hoặc một con bò cái để nuôi sinh sản, mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/con/hộ.

b) Hỗ trợ làm chuồng nuôi, mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/hộ.

c) Hỗ trợ trồng cỏ hoặc làm cây rơm, mức hỗ trợ 0,2 triệu đồng/hộ.

d) Khuyến khích các gia đình trong dòng họ của người có công được thụ hưởng chính sách trong đề án này hỗ trợ thêm kinh phí.

3. Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ:

Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Đề án phải có đủ các điều kiện như sau:

a) Có trong danh sách hộ người có công với cách mạng được quy định tại các văn bản hiện hành của Nhà nước;

b) Có nhu cầu chăn nuôi và có điều kiện về lao động, chuồng nuôi, chăm sóc trâu, bò theo yêu cầu của đề án;

c) Được bình xét công khai tại thôn, bản, tổ dân phố và được lập thành danh sách theo thứ tự ưu tiên khi được hỗ trợ, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) là hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn quy định của Chính phủ;

d) Không hỗ trợ đối với hộ người có công với cách mạng đã được hưởng hỗ trợ mua trâu, bò từ các chương trình dự án khác.

4. Phương thức hỗ trợ:

a) Phương thức: Hỗ trợ thông qua Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đến đối tượng là hộ gia đình được hưởng lợi.

b) Thanh, quyết toán: Đối tượng và cấp huyện, xã tiếp nhận kinh phí hỗ trợ chịu trách nhiệm thanh quyết toán nguồn vốn theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.

5. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án:

a) Ngân sách cấp tỉnh đảm bảo kinh phí hỗ trợ mua trâu, bò cái nuôi sinh sản và hỗ trợ kinh phí làm chuồng nuôi là 13.893 triệu đồng.

b) Ngân sách cấp huyện đảm bảo kinh phí hỗ trợ mua giống cỏ hoặc làm cây rơm phục vụ chăn nuôi trâu, bò là 252,6 triệu đồng.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2013-2016 là: 14.145,6 triệu đồng.

(Mười bốn tỷ, một trăm bốn mươi lăm triệu sáu trăm nghìn đồng)

Điều 2. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, cần bổ sung thì Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét.

Điều 3. Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua. Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVII, kỳ họp thứ 8 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Dương Văn Thống