Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2017/NQ-HĐND

Tiền Giang, ngày 14 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NƯỚC THẢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

Xét Tờ trình số 146/TTr-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Báo cáo thẩm tra số 48/BC-HĐND ngày 06 tháng 7 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định tỷ lệ để lại phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt; quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đơn vị cung cấp nước sạch, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan việc quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Điều 3. Tỷ lệ để lại phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt

1. Để lại 5% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt thu được cho đơn vị cung cấp nước sạch và 25% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt thu được cho Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí.

2. Phần còn lại sau khi trừ số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được trích để lại, đơn vị cung cấp nước sạch nộp vào ngân sách cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nộp vào ngân sách cấp xã để sử dụng theo quy định tại khoản 1, Điều 4 của Nghị quyết này.

Điều 4. Quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

1. Quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt

Số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt nộp vào ngân sách nhà nước, được sử dụng như sau:

a) Số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt nộp vào ngân sách cấp tỉnh phát sinh trên địa bàn của cấp huyện nào thì Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung có mục tiêu lại cho địa phương đó để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường;

b) Số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt nộp vào ngân sách cấp xã để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường thuộc cấp xã.

2. Quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp

Số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp nộp vào ngân sách địa phương theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 9 Nghị định số 154/2016/NĐ-CP, được sử dụng như sau:

a) Số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp do Sở Tài nguyên và Môi trường thu được nộp vào ngân sách cấp tỉnh để sử dụng cho: công tác bảo vệ môi trường; bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải;

b) Số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp do Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố và thị xã thu được nộp vào ngân sách cấp huyện để sử dụng cho: công tác bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải.

3. Việc thực hiện các nhiệm vụ chi cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang Khóa IX, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2017.

Nghị quyết này bãi bỏ Nghị quyết số 72/2014/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang./.

 

 

Nơi nhận:
- UB.Thường vụ Quốc hội;
- VP. Quốc hội, VP. Chính phủ;
- Các Ủy ban của Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu (UBTVQH);
- Các Bộ: TN&MT, Tài chính,
Tư pháp, Kế hoạch - Đầu tư;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Vụ Công tác đại biểu (VPQH);
- Cục Hành chính - Quản trị (VPCP);
- Cơ quan TT Bộ Nội vụ;
- Kiểm toán Nhà nước khu vực IX;
- Các đ/c UVBTV Tỉnh uỷ;
- UBND, UB. MTTQ tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- ĐB. Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang;
- ĐB. HĐND tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thành, thị;
- TT. HĐND các xã, phường, thị trấn;
- Báo Ấp Bắc;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Danh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 16/2017/NQ-HĐND quy định về quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 16/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Nguyễn Văn Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2017
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản