Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/NQ-HĐND

Quảng Bình, ngày 13 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA HĐND TỈNH VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TỪ NĂM 2018 - 2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 77/NQ-HĐND ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình về Chương trình giám sát năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Nghị quyết số 118/NQ-HĐND ngày 24 tháng 3 năm 2023 về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Tình hình thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh từ năm 2018-2022”;

Trên cơ sở Báo cáo số 109/BC-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát tình hình thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh từ năm 2018-2022; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo cáo số 109/BC-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2023 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về “Tình hình thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh từ năm 2018-2022” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Kết quả đạt được

Công tác tổ chức, chỉ đạo về bảo vệ môi trường được tập trung đẩy mạnh. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã được kiện toàn, từng bước được củng cố, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong các hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ, đồng bộ. Tình hình vệ sinh môi trường đã có nhiều cải thiện so với giai đoạn trước, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường được giải quyết ngày càng cơ bản, chất lượng môi trường đang được giữ vững. Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt tăng dần qua từng năm. Quản lý thoát nước, xử lý nước thải đã được triển khai, bước đầu có hiệu quả. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,... và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh cơ bản tuân thủ và chấp hành tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đa dạng sinh học, hệ sinh thái được bảo tồn và phát huy. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,69%, đứng thứ 2 cả nước, góp phần nâng cao giá trị của rừng, cải thiện môi sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

2. Tồn tại, hạn chế

Hiệu quả của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường chưa cao. Triển khai thực hiện các quy hoạch về quản lý chất thải rắn, thoát nước và xử lý nước thải, giết mổ tập trung,... còn khó khăn. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát, quản lý, chấn chỉnh vi phạm về thu gom chất thải rắn ở một số địa phương chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là ở cấp xã; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương có lúc chưa được chặt chẽ, thiếu kịp thời. Công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực môi trường hiệu quả thấp. Công tác bảo vệ, phát triển rừng còn bất cập, vướng mắc, điều kiện làm việc của lực lượng bảo vệ trực tiếp còn khó khăn; tiến độ xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững còn chậm. Nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp môi trường, kinh phí bảo vệ, phát triển rừng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học còn bất cập. Công tác thanh tra, kiểm tra, nắm bắt, phát hiện, xử lý vi phạm quy định pháp luật bảo vệ môi trường có lúc chưa chủ động, kịp thời.

3. Nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế

Một số cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thường sửa đổi, bổ sung. Một số quy định chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc chưa được quy định. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân có nơi còn hạn chế. Đặc thù của tỉnh thường bị ảnh hưởng thiên tai, bão, lũ, nhất là hậu quả dịch Covid-19 và lụt lịch sử năm 2020. Xu thế chung về phát triển kinh tế - xã hội làm tăng áp lực đến công tác bảo vệ môi trường. Bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu quản lý theo quy định. Khả năng đáp ứng ngân sách còn hạn chế. Cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích công tác bảo vệ môi trường chưa đủ mạnh.

Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp

1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành những đề xuất, kiến nghị trong Báo cáo của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh. Những đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổng hợp kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội để kiến nghị với Trung ương xem xét.

2. Để nâng cao công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị UBND tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các kiến nghị tại Báo cáo số 109/BC-ĐGS ngày 10 tháng 7 năm 2023 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh có giải pháp đồng bộ, kịp thời để khắc phục những tồn tại, hạn chế mà báo cáo đã nêu. Trước mắt tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

(1) Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản có liên quan đảm bảo hiệu quả nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Đặc biệt đối với bảo vệ môi trường biển, ven biển; hạn chế đến mức tối đa rác thải nhựa, túi nilon... thải ra môi trường. Tích cực hơn nữa công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường; tự giác thu gom bao, bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón để hạn chế ô nhiễm.

(2) Rà soát, triển khai các quy hoạch khu xử lý rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng, rác thải nguy hại, quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung, quy hoạch làng nghề để bổ, sung, điều chỉnh phù hợp với các quy hoạch liên quan và điều kiện cụ thể của từng địa phương; nghiên cứu, bố trí các điểm tập kết rác thải trong khu dân cư, ban hành quy định cụ thể việc tập kết rác thải và phương pháp thu gom, vận chuyển để giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu dân cư.

(3) Xem xét hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn việc mua sắm phương tiện chuyên dụng để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các huyện. Sớm ban hành phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý các loại rác thải đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tế của từng địa phương, theo đặc thù từng khu vực. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đưa giá thu gom xử lý chất thải vào giá dịch vụ khám chữa bệnh nội trú tại bệnh viện để đảm bảo nguồn kinh phí tự chủ cho các bệnh viện thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

(4) Quan tâm đầu tư, khắc phục hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải trong các khu dân cư; xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư hoặc ưu tiên nguồn vốn đầu tư hạ tầng xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp. Tiếp tục đầu tư mở rộng, hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn thành phố Đồng Hới; có giải pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn sớm hoàn thành, đi vào hoạt động tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư.

(5) Tập trung hoàn thành việc đóng cửa bãi rác Phong Nha, bãi rác Thanh Trạch, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xử lý điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật. Tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án về xử lý môi trường, phát triển công nghệ môi trường, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thân thiện với môi trường. Khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường bằng các chính sách phù hợp để mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường.

(6) Chỉ đạo việc rà soát, xem xét đối với Dự án nhà máy xử lý rác tại xã Quảng Tiến của Công ty TNHH Môi trường xanh miền Trung để đẩy nhanh tiến độ, trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực thì thu hồi dự án, kêu gọi nhà đầu tư khác. Đôn đốc Công ty TNHH dự án phát triển Việt Nam sớm thực hiện hoàn thành, vận hành toàn bộ các dây chuyền của Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ.

(7) Rà soát, kiểm tra xác định lại ranh giới, vị trí, diện tích rừng bị chồng lấn hoặc không đúng hiện trạng, hồ sơ chưa hợp lệ làm cơ sở đề xuất điều chỉnh hồ sơ quản lý đất, rừng đảm bảo phù hợp với quy định và đúng thực tế. Hỗ trợ kinh phí và chỉ đạo các chủ rừng hoàn thiện việc xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững đối với diện tích rừng còn lại. Có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích, nâng cao trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng trực tiếp.

(8) Quan tâm công tác duy trì, phát triển hệ sinh thái, bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học rừng và biển; nghiên cứu thành lập khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản tại Quảng Đông, Vũng Chùa Đảo Yến. Hạn chế việc chuyển rừng phòng hộ ven biển sang sử dụng mục đích khác. Xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về đánh giá tác động môi trường đối với việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án tại các khu vực đầu nguồn các sông suối, hồ chứa nước phục vụ sinh hoạt của người dân.

(9) Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực bảo vệ môi trường ở các cấp. Chỉ đạo bố trí đủ công chức có năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường.

(10) Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh, cần quan tâm công tác duy trì và phát triển hệ sinh thái rừng có khả năng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn; tạo nhiều khoảng xanh trong quy hoạch phát triển đô thị. Hạn chế việc san lấp, lấn chiếm mặt nước, ao hồ trong các khu dân cư, khu đô thị, các dự án nhà ở thương mại; đảm bảo khả năng thoát nước mặt, phòng chống ngập úng cục bộ và khả năng thoát lũ trên diện rộng. Nghiên cứu phát triển các khu đô thị mới theo hướng cân bằng sinh thái, giữ lại hiện trạng rừng trong các khu đô thị, bổ sung thêm các hồ điều hòa để hỗ trợ các chức năng bảo vệ môi trường.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình Khóa XVIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2023 và có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng: Quốc hội, Chính phủ;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT HĐND, UBND, UBMTTQVN, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Báo Quảng Bình, Đài PTTH Quảng Bình;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trần Hải Châu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 130/NQ-HĐND năm 2023 về kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ năm 2018-2022

  • Số hiệu: 130/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 13/07/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Hải Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/07/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản