Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/NQ-HĐND

Yên Bái, ngày 05 tháng 10 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ “VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VÀ CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA: XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025, TỈNH YÊN BÁI”

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XIX - KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Sau khi xem xét Báo cáo số 115/BC-ĐGS ngày 22 tháng 8 năm 2023 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và của Hội đồng nhân dân tỉnh về các Chương trình mục tiêu quốc gia; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Yên Bái”; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành kết quả giám sát chuyên đề về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và của Hội đồng nhân dân tỉnh về các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Yên Bái” và nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

1. Kết quả đạt được

Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương; thành lập Ban Chỉ đạo các cấp, ban hành quy chế, phân công cụ thể cho các thành viên; đồng thời, ban hành các quyết định, kế hoạch, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình. Từ đó, tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Việc lập kế hoạch, thẩm định, phê duyệt, giao dự toán của các Chương trình mục tiêu quốc thực hiện bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn theo quy định của Trung ương, của tỉnh, có trọng tâm, trọng điểm không chồng chéo. Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chủ trì của các chương trình thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra, giám sát, tổ chức các hội nghị để nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc, chủ động hướng dẫn giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền nhằm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình.

Qua 2 năm triển khai việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, toàn tỉnh có 03/09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (bằng 33,3%); có 99/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 66%), trong đó 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 06 xã đạt đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2022 giảm 5,15%; số thôn có nhà văn hóa đạt 96,8%; 13/59 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới và ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Tính đến 30/6/2023, tỉnh đã phân bổ vốn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là 1.923.683 triệu đồng bằng 83,97% kế hoạch vốn; giải ngân 1.053.363 triệu đồng, đạt 45,98%. Những kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mang lại những kết quả quan trọng; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp và làm mới, tạo thuận lợi cho người dân trong giao thông đi lại, giao thương hàng hóa, sản xuất phát triển, ổn định, nâng cao đời sống; xây dựng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả; có 193 sản phẩm OCOP (trong đó: 172 sản phẩm đạt 3 sao, 21 sản phẩm đạt 4 sao); chất lượng giáo dục và đào tạo nâng lên; hoạt động văn hóa thể thao phát triển; việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm; thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo; nhận thức của người dân được nâng lên, chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; cảnh quan, môi trường ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang; hệ thống chính trị được củng cố, trật tự, an toàn xã hội được ổn định.

2. Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

Công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt nội dung các Chương trình mục tiêu quốc gia của một số địa phương chưa thực sự toàn diện, sâu rộng. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của một số sở, ban, ngành của tỉnh, phòng, ban chuyên môn của huyện có lúc chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương có nội dung còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Một số văn bản quy định và hướng dẫn của Trung ương chậm ban hành nên công tác giao kế hoạch vốn trung hạn, phân bổ vốn của một số nội dung còn chậm, dẫn đến việc triển khai một số nội dung của các chương trình gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các nội dung, dự án, tiểu dự án, đặc biệt là liên quan đến triển khai và giải ngân nguồn vốn sự nghiệp.

Hoạt động của Ban chỉ đạo một số xã còn hạn chế, chưa tích cực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ; nhất là công chức được giao tham mưu, giúp việc chưa nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng các văn bản, do đó, còn lúng túng, chưa nắm rõ các nhiệm vụ, quy trình, thủ tục triển khai thực hiện các chương trình.

Việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của một số xã đạt chuẩn nông thôn mới còn hạn chế. Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất chưa ổn định; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn; năng lực hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế. Số lượng sản phẩm OCOP được công nhận nhiều nhưng sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm hàng hóa chưa cao.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ:

1. Chỉ đạo thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền với hình thức linh hoạt phù hợp với từng đối tượng, từng vùng. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vào việc tuyên truyền đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các nội dung, chương trình, dự án, tiểu dự án, công trình thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương:

a) Bám sát các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh để tổ chức triển khai đảm bảo đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục rà soát nội dung các văn bản quy định, hướng dẫn việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh để tổ chức thực hiện. Sớm ban hành quy định về quản lý, vận hành, quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.

b) Nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nghiên cứu, chủ động giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, tránh tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành là chủ đầu tư các dự án, tiểu dự án, công trình và các địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ cấp xã trong xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình và từng nội dung dự án, tiểu dự án cụ thể.

c) Rà soát, đăng ký, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư theo đúng quy định; khẩn trương hoàn thành các thủ tục để phân bổ ngay vốn chưa phân bổ chi tiết. Đôn đốc các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân để đảm bảo hoàn thành giải ngân nguồn vốn năm 2023.

3. Chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo cấp xã; hoạt động của các Ban chỉ đạo, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng thực hiện đầy đủ, đúng vai trò, trách nhiệm được giao, thực hiện chế độ họp, báo cáo đúng quy định.

4. Chỉ đạo công tác tập huấn cho cán bộ, công chức các phòng, ban của huyện và cấp xã về triển khai các văn bản của trung ương và của tỉnh mới ban hành để tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất nội dung các Chương trình mục tiêu quốc gia đến từ tỉnh đến cơ sở.

5. Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thực hiện các nội dung, dự án, tiểu dự án, công trình hiệu quả.

6. Theo dõi, tổng hợp việc giải quyết các vướng mắc đối với các văn bản, hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã nêu tại Báo cáo số 115/BC-ĐGS ngày 22/8/2023 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và của Hội đồng nhân dân tỉnh về các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Yên Bái”. Khi có các quy định, hướng dẫn cụ thể của Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời ban hành các văn bản để chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết này và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia tuyên truyền đoàn viên, hội viên, nhân dân thực hiện có hiệu quả các nội dung, chương trình, dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XIX, Kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 05 tháng 10 năm 2023./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các ban của HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Tạ Văn Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 54/NQ-HĐND năm 2023 về kết quả giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và của Hội đồng nhân dân tỉnh về các Chương trình mục tiêu quốc gia; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Yên Bái”

  • Số hiệu: 54/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 05/10/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Tạ Văn Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/10/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản