Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/2008/NQ-HĐND

Đà Lạt, ngày 11 tháng 12 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2009

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

Sau khi xem xét các báo cáo của UBND tỉnh về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2008 và phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa VII kỳ họp thứ 13 (từ ngày 9/12 đến ngày 11/12/2008) nhất trí tán thành báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2008 và phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.

HĐND tỉnh thống nhất với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, cụ thể như sau:

I. Các chỉ tiêu cần đạt được trong năm 2009

1. Mục tiêu chủ yếu của năm 2009

Năm 2009 là năm thứ tư triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng lần thứ VIII với mục tiêu “Đoàn kết, đổi mới, đột phá, tăng tốc, đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển”.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển theo hướng đột phá tăng tốc, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao mức sống cho nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; với chủ đề: “Chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm; phát triển kinh tế bền vững”.

2. Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế- xã hội so với năm 2008:

a) Các chỉ tiêu về kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12,5 - 13,5%; trong đó: ngành nông lâm nghiệp tăng 7,5 - 8%, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 22 - 23%, ngành dịch vụ tăng 16 - 17%.

- Cơ cấu kinh tế: ngành nông lâm thủy sản 49 - 50%, ngành công nghiệp - xây dựng 20 - 21% và ngành dịch vụ 29 - 30%.

- GDP bình quân đầu người 16,5 triệu đồng, tăng 32%.

- Tổng mức đầu tư xã hội 8.000 - 8.200 tỷ đồng, tăng 23% - 26%.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu 275 triệu USD, tăng 17%.

- Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 2.650 tỷ đồng, tăng 20,45%.

- Tổng chi ngân sách địa phương 3.737,328 tỷ đồng, tăng 29,98% so với dự toán năm 2008.

- Thu hút khoảng 2,6 - 2,7 triệu khách du lịch, tăng 13 - 17%, trong đó khách quốc tế 200.000 lượt khách, chiếm 7,14%.

b) Các chỉ tiêu xã hội:

- Giải quyết việc làm 30.000 lao động, tăng 7%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 18 - 19%.

- Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2009 còn dưới 8,5%, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 29%.

- Phủ sóng phát thanh là 100% và truyền hình là 93%; 100% xã có trạm truyền thanh.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 18%, giảm 0,97%.

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1,35%.

c) Các chỉ tiêu về môi trường:

- Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 62%, bằng năm 2008.

- Cung cấp nước hợp vệ sinh nông thôn đạt 68 - 70%.

- Số hộ ở nông thôn được sử dụng điện đạt 85%.

- Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt trên 78%, phấn đấu xây dựng 2 - 3 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa.

Trong quá trình điều hành, căn cứ vào những thuận lợi, khó khăn của tình hình thế giới, trong nước; UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh kịp thời những mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên cho phù hợp với tình hình thực tế đặt ra.

II. Nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh – xã hội năm 2009

1. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp

Thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong toàn xã hội; đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, tài nguyên khoáng sản, rừng và môi trường...; triển khai việc thanh tra công vụ, kịp thời xử lý những thiếu sót, sai phạm nhằm tạo bước thay đổi căn bản trong tác phong, thái độ làm việc, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức các cấp, tạo thuận lợi cho các giao dịch của tổ chức và cá nhân.

Tiếp tục nghiên cứu để khẩn trương điều chỉnh, bãi bỏ những thủ tục rườm rà; đồng thời rà soát, sắp xếp, củng cố bộ máy cho phù hợp với nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính và giải quyết các thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, thực hiện đồng bộ cơ chế một cửa liên thông.

2. Thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

Thực hiện triệt để chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp Nhà nước, gắn với phòng chống tham nhũng; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức và người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Tăng cường kiểm soát chi để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng dự phòng chi ngân sách các cấp và nguồn tăng thu ngân sách. Hạn chế tối đa chi ngân sách ngoài dự toán.

Thực hiện bình ổn giá, thường xuyên kiểm tra theo dõi biến động của thị trường, đấu tranh phòng chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp pháp, kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân sản xuất hàng giả, hàng kém phẩm chất, tung tin đồn thất thiệt làm phương hại đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Tăng cường thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm thiểu tác động của lạm phát đến đời sống của nhân dân, nhất là hộ nghèo, vùng bị thiên tai, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động có thu nhập thấp. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo ở các huyện nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa.

3. Về huy động các nguồn vốn đầu tư

Sơ kết các chương trình trọng tâm, các công trình trọng điểm của tỉnh để có hướng tập trung nguồn lực đầu tư nhằm thực hiện có hiệu quả 9 chương trình trọng tâm, 12 dự án trọng điểm, đồng thời đưa các công trình, dự án lớn đi vào hoạt động, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đẩy mạnh công tác quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch sử dụng đất nhất là quy hoạch quỹ đất để xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Tranh thủ các nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thông qua các chương trình phát triển. Sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước và vốn vay của các tổ chức tín dụng để tập trung cho chi đầu tư phát triển.

Khuyến khích các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm sản, ngành nghề truyền thống, thương mại nông thôn.... Mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh. Vận động nhân dân đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế- xã hội với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận.

Tiếp tục rà soát các dự án đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai.

4. Phát triển các ngành kinh tế

a) Phát triển nông nghiệp, nông thôn

Đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển đổi giống nhằm tiếp tục hình thành các vùng chuyên canh có năng suất và chất lượng cao. Khuyến khích và hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư hạ tầng nông thôn, phát triển thủy lợi, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đến cơ sở. Gắn sản xuất nông nghiệp với bảo quản sau thu hoạch và công nghiệp chế biến. Xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Nâng cao số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm; phát triển chăn nuôi cá nước lạnh; phấn đấu nâng cao cơ cấu chăn nuôi trong nông nghiệp.

Tăng cường quản lý bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng, chủ động phòng chống cháy rừng, duy trì độ che phủ rừng 62%. Triển khai có hiệu quả đề án phát triển ngành lâm nghiệp, ban hành đề án phát triển ngành chế biến lâm sản theo hướng nâng cao tỷ trọng chế biến tinh chế trong tỉnh; quy hoạch và đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, trồng cây cao su trên đất trống, rừng nghèo kiệt. Đẩy mạnh hỗ trợ nhân dân mà trọng tâm là đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng kinh tế.

Tích cực chuẩn bị các biện pháp phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống. Xây dựng nông thôn mới toàn diện và nâng cao đời sống nông dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X).

Nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất đai, phát huy tối đa tiềm năng nguồn lực về đất đai để phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường công tác quản lý đất đai, kiểm soát thị trường bất động sản. Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính, cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

b) Phát triển công nghiệp:

Tập trung phát triển công nghiệp khai khoáng, công nghiệp thủy điện và công nghiệp chế biến nông, lâm, khoáng sản. Chú trọng đổi mới công nghệ tại các cơ sở công nghiệp chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm hướng về xuất khẩu. Khuyến khích phát triển dịch vụ cơ khí sửa chữa và các ngành tiểu thủ công nghiệp có sử dụng nguyên liệu tại địa phương phục vụ dụ lịch và xuất khẩu.

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, gắn với thu hút đầu tư; bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường.

Tiếp tục rà soát các dự án đầu tư để có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án thủy điện Đa Khai, BOT Bảo Lộc, Đasiat, Đa Dâng 1-2, Đam Ri... thu hút đầu tư các dự án thủy điện còn lại trong quy hoạch. Tạo điều kiện thuận lợi đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng để góp phần hoàn thành đúng tiến độ thủy điện Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, nhà máy sản xuất chế biến bauxite-alumin Bảo Lâm.

c) Phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ

Đầu tư nâng cấp hệ thống chợ, chú trọng phát triển chợ nông thôn, hệ thống phân phối xăng dầu, các công trình dịch vụ thương mại. Thu hút đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại tại Bảo Lộc, Đức Trọng. Thúc đẩy hoàn thành siêu thị Phan Đình Phùng, trung tâm thương mại Phan Chu Trinh, Triển khai xây dựng trung tâm thương mại Trần Hưng Đạo. Tăng cường công tác xúc tiến du lịch, thương mại. Chỉ đạo thành phố Đà Lạt tổ chức tốt Festival Hoa năm 2009.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành du lịch theo hướng ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, đẩy mạnh qui hoạch chi tiết các khu, du lịch. Rà soát tiến độ đầu tư của các dự án du lịch và tôn tạo các danh lam thắng cảnh, không để tình trạng chậm đầu tư kéo dài; nhất là các dự án tại Khu du lịch hồ Tuyền Lâm; thu hút đầu tư vào khu du lịch Đan Kia - Đà Lạt, khu du lịch hồ Đại Ninh.

Xây dựng mạng lưới dịch vụ bưu chính viễn thông đáp ứng yêu cầu cơ bản về thông tin cho các địa phương trong tỉnh, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh đầu tư về lĩnh vực công nghệ thông tin, đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

d) Lĩnh vực xây dựng cơ bản:

Tiếp tục rà soát quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Lạt, lập quy hoạch chi tiết các khu đô thị, thị trấn, thị tứ. Rà soát đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc và các huyện. Thúc đẩy tiến độ lập dự án đầu tư khu đô thị Liên Khương- Prenn. Chú trọng đầu tư các khu tái định cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư.

Tập trung giải quyết ngay từ đầu năm các thủ tục về đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, tái định canh, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình gắn với quản lý chặt chẽ về chất lượng; khắc phục tình trạng chậm thi công; không giải ngân được vốn.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư XDCB của ngân sách địa phương, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và các nguồn vốn khác để đảm bảo tổng nguồn XDCB từ ngân sách năm 2009 đạt khoảng 1.300 - 1.400 tỷ đồng.

5. Thu chi ngân sách, tài chính, tín dụng

Huy động tối đa các nguồn thu, đảm bảo tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 2.650 tỷ đồng, tăng cường chống thất thu thuế phí, nuôi dưỡng và tạo nguồn thu mới, triệt để khai thác và tăng nhanh nguồn thu.

Tăng cường quản lý, điều hành chi ngân sách, đảm bảo chi đúng kế hoạch, hạn chế chi phát sinh ngoài dự toán, triệt để tiết kiệm trong sử dụng ngân sách, chú trọng chi đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội và chi thường xuyên.

Chủ động, kịp thời triển khai các chủ trương chính sách liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, hoạt động tín dụng, ngân hàng, đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho các dự án trọng tâm, chương trình trọng điểm của tỉnh.

6. Đổi mới và phát triển doanh nghiệp

Tập trung đổi mới, sắp xếp và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Tiếp tục cổ phần hóa 04 doanh nghiệp Nhà nước và 5 bộ phận doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để các công ty cổ phần kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh việc phát triển kinh tế hợp tác trên cơ sở đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã hiện có, vận động thành lập các hợp tác xã mới từ phát triển các tổ hợp tác.

7. Phát triển các lĩnh vực xã hội

Đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc như xoá đói, giảm nghèo, việc làm, tệ nạn xã hội.

Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa, hạn chế dần sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng và giữa các dân tộc. Tiếp tục huy động và lồng ghép các chương trình đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Chương trình 134,135, di dãn dân nội vùng và ổn định dân di cư tự do, định canh định cư, trung tâm cụm xã, hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, sắp xếp bố trí quy hoạch dân cư nông thôn. Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo; phát triển thị trường lao động ở tỉnh ngoài và xuất khẩu lao động. Tập trung đầu tư để giảm nhanh số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây nguyên.

Đa dạng hoá các loại hình trường lớp và các hình thức học tập. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, dạy nghề. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường lớp và đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy và học. Xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Duy trì và nâng cao chất lượng kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, giữ vững kết quả đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS, phấn đấu 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS; chống tái mù chữ ở các vùng sâu, vùng xa;

Tăng cường đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường và theo địa chỉ; đặc biệt tại các khu, cụm, công nghiệp, du lịch của tỉnh; chú trọng đào tạo nghề cho khu vực nông thôn, vùng dân tộc.

Triển khai đồng bộ các chương trình y tế quốc gia nhằm khống chế dịch bệnh và giảm tỷ lệ mắc bệnh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế. Kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế và nâng cao y đức. Tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, tăng cường hoạt động giáo dục truyền thông về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hoá gia đình. Phấn đấu giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1,35% và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3.

Phát triển phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử cách mạng, các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh; phát triển hệ thống bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, các khu vui chơi giải trí. Nâng cao chất lượng và tỷ lệ phủ sóng PTTH đến các địa bàn trong tỉnh, bảo đảm 100% xã có trạm truyền thanh.

8. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng chống tham nhũng

 Tiếp tục rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính và giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000. Tăng cường công tác thanh kiểm tra công vụ mà trước mắt là tập trung kiểm tra công tác cải cách hành chính.

Nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp; lấy chất lượng giải quyết công việc, giải quyết yêu cầu của tổ chức và công dân làm thước đo về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Cương quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm, có thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhân dân.

Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngân sách Nhà nước, nhất là trong chi thường xuyên. Hạn chế việc mua sắm trang bị, tài sản ngoài kế hoạch; không sử dụng ngân sách để tổ chức tham quan trong và ngoài nước.

Tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng. Thực hiện tốt các biện pháp công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện nghiêm quy định về tặng quà, nhận quà tặng; xây dựng, thực hiện tốt các nguyên tắc ứng xử của cán bộ, công chức; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; minh bạch về tài sản, thu nhập. Tăng cường thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vụ, việc tham nhũng; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình.

9. Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở. Cải tiến phương thức chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp. Phân cấp mạnh cho cơ sở. Tiếp tục thực hiện tốt các nội dung của Quyết định 253/QĐ-TTg ngày 05/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây nguyên” giai đoạn 2002 - 2010.

Thường xuyên gắn việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở với củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị để lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia thực hiện dân chủ.

Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, công chức các ngành, các cấp nhằm chuẩn hóa trình độ cán bộ công chức. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học về công tác tại xã. Xây dựng phong cách làm việc khoa học, năng động, hiệu quả, thực hiện kỷ luật nghiêm minh đi đôi với tăng cường trách nhiệm, khen thưởng kịp thời, đối với đội ngũ cán bộ công chức.

10. Tăng cường an ninh, quốc phòng và đảm bảo trật tự an toàn xã hội

Đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao cảnh giác cách mạng, phòng chống có hiệu quả âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Thường xuyên củng cố nền quốc phòng toàn dân, kết hợp với thế trận an ninh nhân dân, từng bước xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Chăm lo xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; bảo đảm công tác tuyển quân; tổ chức các đợt diễn tập khu vực phòng thủ, vận hành cơ chế từ tỉnh đến cơ sở đạt chất lượng cao.

Chủ động đấu tranh ngăn chặn làm thất bại các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, không để nhen nhóm hình thành các tổ chức phản động mới; không để các phần tử xấu liên kết “trong - ngoài”; không để xảy ra biểu tình, gây rối, bạo loạn chính trị trong mọi tình huống. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/CP của Chính phủ về chương trình quốc gia phòng chống tội phạm; kiềm chế và giảm đến mức thấp nhất các tội phạm, tệ nạn; giảm thiểu tai nạn giao thông và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch vững mạnh.

Tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại từ cơ sở; tăng cường công tác trực tiếp đối thoại, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo, dân chủ để gây mất ổn định trong nhân dân.

11. Công tác thi đua khen thưởng

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua ở tất cả các ngành, địa phương; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước bằng những công việc cụ thể như thi đua sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng, xây dựng và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa,...

Mở rộng hình thức và nội dung, đổi mới phương pháp phát động phong trào thi đua yêu nước trong mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp nhân dân. Nội dung, chủ đề và hình thức phải thiết thực, phù hợp với khả năng và điều kiện thực hiện của từng đối tượng. Kịp thời khen thưởng những cá nhân, tập thể tiêu biểu và nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến, làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành đòn bẩy động viên mọi cấp, mọi ngành, mọi người quyết tâm thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của địa phương.

Điều 2. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, điều hành các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện Nghị quyết này.

HĐND tỉnh giao Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện Nghị quyết này; xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung những biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện Nghị quyết theo đề nghị của UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Nghị quyết này đã được Đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng khoá VII kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 11/12/2008./-

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Tiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 104/2008/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2009 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 104/2008/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 11/12/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Xuân Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/12/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 20/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản