Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2023/NQ-HĐND

Bình Dương, ngày 26 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ, ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập;

Xét Tờ trình số 3397/TTr-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết ban hành Quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Báo cáo thẩm tra số 63/BC-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khóa X, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 21 tháng 7 năm 2023 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng: Quốc hội, Chính phủ;
- Ủy ban Tài chính - Ngân sách;
- Ban Công tác đại biểu - UBTVQH;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- LĐVP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND và UBND cấp huyện;
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (Sở Tư pháp);
- Trung tâm Công báo tỉnh Bình Dương;
- Website, Báo, Đài PTTH Bình Dương;
- Các phòng thuộc Văn phòng, AT, App, Web;
- Lưu: VT, Tuấn (4).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Lộc

 

QUY ĐỊNH

VỀ NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ, ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 26 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị quyết này quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương áp dụng cho các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội.

2. Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các quy định hiện hành và các quy định áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách tại Nghị quyết này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sở, ban, ngành, các cơ quan Đảng, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện), các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến lập, phân bổ, chấp hành dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Điều 3. Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên

1. Có kế thừa định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương giai đoạn 2017 - 2021 và theo các quy định hiện hành.

2. Định mức chi thường xuyên ngân sách địa phương được áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội. Trong quá trình thực hiện, căn cứ các quy định có liên quan và tình hình thực tế, khả năng cân đối ngân sách,.. Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

3. Đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đã ban hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 và nhu cầu kinh phí thực hiện tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng.

4. Định mức phân bổ kinh phí cho biên chế/năm là cơ sở thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước theo các quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.

5. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, định mức chi thường xuyên là cơ sở xây dựng dự toán chi. Ngân sách nhà nước cấp phần chênh lệch thiếu giữa nguồn thu được để lại đơn vị và dự toán chi theo đúng quy định, đúng lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công theo các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

6. Định mức phân bổ chi thường xuyên đối với các huyện, thị xã, thành phố được xác định theo tiêu chí dân số là tiêu chí chính kết hợp với tiêu chí bổ sung phù hợp với thực tế và đặc thù của từng địa phương.

7. Đối với mức khoán chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tính theo học sinh được quyết toán theo kinh phí thực tế sử dụng, hàng năm kinh phí còn thừa và không còn nhu cầu sử dụng sẽ hủy theo quy định.

8. Thủ trưởng các đơn vị dự toán cấp I căn cứ định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương để tiến hành giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, công khai, minh bạch và có cân đối với nguồn thu sự nghiệp hàng năm.

9. Từ năm ngân sách 2022, việc ban hành và thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước, các địa phương phải sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định để thực hiện; ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ đối với các huyện, thị xã, thành phố sau khi sử dụng các nguồn lực trên mà chưa cân đối đủ để thực hiện. Trường hợp địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh hoặc sự cố nghiêm trọng, thì địa phương phải chủ động sử dụng dự toán ngân sách địa phương, bao gồm cả dự phòng và các nguồn tài chính hợp pháp theo quy định để khắc phục; nếu vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân sách cấp trên sẽ xem xét, hỗ trợ.

10. Khoán thêm kinh phí hoạt động đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có ít biên chế, cụ thể: đơn vị có từ 06 - 09 biên chế được tính thêm 5%, đơn vị có từ 05 biên chế trở xuống được tính thêm 10% kinh phí hoạt động so với định mức quy định.

Điều 4. Nội dung khoán chi hoạt động thường xuyên

1. Các khoản chi hành chính phục vụ hoạt động thường xuyên của bộ máy các cơ quan, gồm tiền thưởng theo chế độ, phúc lợi, thông tin, tuyên truyền, liên lạc, công tác phí, hội nghị, đoàn ra, đoàn vào, vật tư văn phòng, thanh toán dịch vụ công cộng…

2. Các khoản chi nghiệp vụ mang tính thường xuyên phát sinh hàng năm của đơn vị gồm cả chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; chi sơ kết, tổng kết, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của cơ quan đơn vị; chi thực hiện chỉ đạo, kiểm tra, chi cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, rà soát văn bản quy phạm pháp luật…

3. Các khoản kinh phí mua sắm tài sản (trừ các khoản mua sắm, thay thế có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên cho 01 tài sản), công cụ, dụng cụ, vật rẻ tiền mau hỏng, kinh phí sửa chữa thường xuyên tài sản.

4. Kinh phí thực hiện ký kết hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng lao động của nhân viên lái xe (theo tiêu chuẩn, định mức quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô) và làm công việc thừa hành, phục vụ để thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ nội bộ của cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp công lập.

Chương II

ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN CÁC ĐƠN VỊ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH

Điều 5. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cơ quan nhà nước, Đảng, đoàn thể

1. Quỹ tiền lương theo biên chế được cấp có thẩm quyền giao, gồm:

a) Quỹ tiền lương: gồm mức lương theo ngạch, bậc hoặc mức lương chức vụ, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định của số biên chế thực tế.

b) Đối với số biên chế chưa được tuyển dụng so với biên chế được giao sẽ khoán theo hệ số lương bậc 1 ngạch cán bộ, công chức tương ứng theo yêu cầu vị trí việc làm và các khoản đóng góp theo chế độ.

2. Kinh phí khoán chi hoạt động thường xuyên theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao

a) Cấp tỉnh

- Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh: 100.000.000 đồng/biên chế/năm.

- Các sở, ngành, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và các đoàn thể: 82.000.000 đồng/biên chế/năm.

- Các đơn vị dự toán trực thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể: 64.000.000 đồng/biên chế/năm.

b) Cấp huyện

- Văn phòng Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố: 90.000.000 đồng/biên chế/năm.

- Các phòng, các cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và các đoàn thể: 72.000.000 đồng/biên chế/năm.

c) Cấp xã: 70.000.000 đồng/cán bộ, công chức/năm.

Điều 6. Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các Hội đặc thù: được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên đơn vị sự nghiệp giáo dục

1. Quỹ tiền lương: gồm tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định của số người làm việc thực tế, không vượt số lượng người làm việc do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Kinh phí hoạt động của bộ máy theo số người làm việc thực tế

a) Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh: khoán chi hoạt động thường xuyên cho số người làm việc thực tế (không vượt số lượng người làm việc do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt): Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh, các trường trung học phổ thông (THPT): 30.000.000 đồng/người/năm. Riêng trường THPT chuyên và THPT chất lượng cao: 34.000.000 đồng/người/năm.

b) Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện: khoán chi hoạt động thường xuyên cho số người làm việc thực tế (không vượt số lượng người làm việc do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt): Cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở: 27.000.000 đồng/người/năm; Trường tạo nguồn: 30.000.000 đồng/người/năm; Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp: 30.000.000 đồng/người/năm.

3. Chi cho hoạt động giảng dạy và học tập theo số học sinh thực tế

a) Cấp tỉnh: Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh, THPT: 400.000 đồng/học sinh/năm; riêng trường THPT chuyên: 1.500.000 đồng/học sinh/năm; trường THPT chất lượng cao: 1.000.000 đồng/học sinh/năm. Việc thanh quyết toán theo thực tế phát sinh, đúng quy định hiện hành, trong phạm vi dự toán được giao. Cuối năm ngân sách, số kinh phí được giao không sử dụng hết sẽ hủy.

b) Cấp huyện: mầm non: 500.000 đồng/học sinh/năm; tiểu học: 450.000 đồng/học sinh/năm; trung học cơ sở: 400.000 đồng/học sinh/năm. Đối với các trường tạo nguồn, trường có lớp tạo nguồn: 650.000 đồng/học sinh lớp tạo nguồn/năm; Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp: đối với học sinh giáo dục thường xuyên: 400.000 đồng/học sinh/năm, đối với giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông thực hiện theo nhiệm vụ được giao và chế độ quy định. Việc thanh quyết toán theo thực tế phát sinh, đúng quy định hiện hành, trong phạm vi dự toán được giao. Cuối năm ngân sách, số kinh phí được giao không sử dụng hết sẽ hủy.

Điều 8. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên đơn vị sự nghiệp đào tạo, dạy nghề

1. Quỹ tiền lương: gồm tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định của số người làm việc thực tế, không vượt số lượng người làm việc do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Kinh phí hoạt động của bộ máy theo số người làm việc thực tế

a) Trường Chính trị tỉnh: 82.000.000 đồng/người/năm; Trung tâm Chính trị cấp huyện: 72.000.000 đồng/người/năm.

b) Các đơn vị còn lại: 33.000.000 đồng/người/năm.

3. Chi cho hoạt động giảng dạy và học tập theo số học sinh thực tế: trường cao đẳng: 4.000.000 đồng/học sinh/năm; trường trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa: 7.000.000 đồng/học sinh/năm; các trường trung cấp khác: 3.500.000 đồng/học sinh/năm. Việc thanh quyết toán theo thực tế phát sinh, đúng quy định hiện hành, trong phạm vi dự toán được giao. Cuối năm ngân sách, số kinh phí được giao không sử dụng hết sẽ hủy.

Điều 9. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên đơn vị sự nghiệp y tế

1. Công tác khám bệnh, chữa bệnh: ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu vào giá dịch vụ.

2. Công tác phòng bệnh và lĩnh vực dân số kế hoạch hóa gia đình.

a) Quỹ tiền lương: gồm tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định của số người làm việc thực tế, không vượt số lượng người làm việc do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

b) Kinh phí hoạt động thường xuyên theo số người làm việc thực tế

- Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh: 41.000.000 đồng/người/năm.

- Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện: 35.000.000 đồng/người/năm.

3. Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh

a) Quỹ tiền lương: gồm tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định của số người làm việc thực tế, không vượt số lượng người làm việc do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

b) Kinh phí hoạt động thường xuyên theo số người làm việc thực tế: 68.000.000 đồng/người/năm.

4. Kinh phí hoạt động của Phòng khám đa khoa khu vực; Phòng khám đa khoa khu vực đồng thời thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Trạm y tế xã, phường, thị trấn: 121.000.000 đồng/phòng khám/năm.

5. Kinh phí hoạt động của Trạm y tế xã, phường, thị trấn: 92.000.000 đồng/trạm/năm.

Điều 10. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên đơn vị sự nghiệp còn lại

1. Quỹ tiền lương: gồm tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định của số người làm việc thực tế, không vượt số lượng người làm việc do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Kinh phí hoạt động tính theo người làm việc thực tế

a) Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh: 48.000.000 đồng/người/năm.

b) Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện: 43.000.000 đồng/người/năm.

Điều 11. Kinh phí đặc thù và kinh phí thực hiện ký kết hợp đồng lao động thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập

1. Kinh phí đặc thù để thực hiện ký kết hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng lao động thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ (trừ các hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ đã bố trí trong định mức chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị) theo số hợp đồng lao động thực tế, không vượt số hợp đồng lao động được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, như sau:

a) Nhân viên lái xe, nhân viên kỹ thuật, nhân viên y tế cơ quan, nhân viên y tế học đường, thư ký y khoa, hộ lý, y công (được ký hợp đồng lao động theo Bộ luật lao động, không phải là viên chức): 100.000.000 đồng/hợp đồng/năm;

b) Nhân viên bảo vệ (kể cả nhân viên quản giáo), nhân viên phục vụ (tạp vụ, trông giữ xe, bảo mẫu, thủ kho), nhân viên nấu ăn, nhân viên lễ tân, văn thư (được ký hợp đồng lao động theo Bộ luật lao động, không phải là viên chức): 90.000.000 đồng/hợp đồng/năm.

c) Cơ sở cai nghiện ma túy và Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội được tính thêm 25% so với mức quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này.

2. Kinh phí thực hiện ký kết hợp đồng lao động thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ

a) Quỹ tiền lương, tiền công: gồm tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp, đóng góp theo số hợp đồng thực tế, không vượt tổng số hợp đồng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

b) Kinh phí hoạt động tối đa theo số hợp đồng thực tế: 27.000.000 đồng/hợp đồng/năm. Riêng hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ của sự nghiệp giáo dục tối đa là 24.000.000 đồng/hợp đồng/năm. Việc thanh quyết toán theo thực tế phát sinh, đúng quy định hiện hành, trong phạm vi dự toán được giao. Cuối năm ngân sách, số kinh phí không sử dụng hết sẽ hủy.

Chương III

ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ

Điều 12. Tiêu chí, định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục

1. Chi tiền lương, phụ cấp, tiền công, các khoản có tính chất lương của biên chế thực tế và tiền lương, các khoản đóng góp của biên chế chưa tuyển theo hệ số lương bậc 1 ngạch viên chức tương ứng yêu cầu vị trí việc làm (biên chế không vượt quá số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

2. Chi thường xuyên phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập: bố trí trên cơ sở đảm bảo cơ cấu chi thường xuyên phục vụ giảng dạy và học tập tối thiểu là 19% và chi tiền lương theo quy định tại khoản 1 Điều này tối đa là 81%.

3. Phân bổ theo tiêu chí bổ sung đảm bảo các chế độ, chính sách: chính sách phát triển giáo dục mầm non; hỗ trợ học bổng, chi phí học tập cho học sinh khuyết tật; hỗ trợ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, kinh phí hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ 3-5 tuổi, kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách của địa phương quy định.

Điều 13. Tiêu chí, định mức phân bổ chi sự nghiệp đào tạo, dạy nghề

Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số (không kể dân số từ 1-18 tuổi)

1. Đô thị: 21.700 đồng/người dân/năm.

2. Vùng còn lại: 24.000 đồng/người dân/năm.

Điều 14. Tiêu chí, định mức phân bổ chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình

1. Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số

a) Đô thị: 31.800 đồng/người dân/năm.

b) Vùng còn lại: 43.000 đồng/người dân/năm.

2. Phân bổ theo tiêu chí bổ sung: kinh phí ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng được hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hoặc chính sách địa phương.

Điều 15. Tiêu chí, định mức phân bổ chi quản lý hành chính

1. Chi tiền lương, phụ cấp, tiền công, các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn) theo quy định hiện hành. Biên chế hành chính nhà nước do cấp có thẩm quyền phê duyệt, số lượng và mức khoán quỹ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo quy định hiện hành; phụ cấp đại biểu Hội đồng nhân dân, phụ cấp đại biểu cấp ủy.

2. Chi hoạt động thường xuyên: bố trí trên cơ sở đảm bảo cơ cấu chi hoạt động thường xuyên tối thiểu là 25% và chi tiền lương theo quy định tại khoản 1 Điều này tối đa là 75%.

3. Phân bổ theo tiêu chí bổ sung: đơn vị hành chính cấp huyện được phân bổ thêm 2.500.000.000 đồng/huyện, thị xã, thành phố; 700.000.000 đồng/xã, phường, thị trấn; các chế độ, chính sách địa phương quy định.

Điều 16. Tiêu chí, định mức phân bổ chi sự nghiệp văn hóa - thông tin

Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số:

1. Đô thị: 30.200 đồng/người dân/năm.

2. Vùng còn lại: 50.100 đồng/người dân/năm.

Điều 17. Tiêu chí, định mức phân bổ chi sự nghiệp thể dục thể thao

Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số:

1. Đô thị: 8.000 đồng/người dân/năm.

2. Vùng còn lại: 13.000 đồng/người dân/năm.

Điều 18. Định mức phân bổ chi sự nghiệp khoa học và công nghệ

Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ, số phân bổ của Trung ương và nhu cầu thực tế bố trí nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sự nghiệp khoa học công nghệ khác theo quy định.

Điều 19. Định mức phân bổ chi hoạt động kinh tế

1. Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số

a) Đô thị: 316.000 đồng/người dân/năm.

b) Vùng còn lại: 534.000 đồng/người dân/năm.

Đối với những huyện có tỷ lệ dân số vùng còn lại chiếm từ 50% trở lên trên tổng dân số thì được tính thêm 50% định mức theo dân số vùng còn lại.

2. Định mức phân bổ theo nhiệm vụ

a) Phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố theo mức đô thị: đô thị loại I: 140.000.000.000 đồng; đô thị loại II: 85.000.000.000 đồng; đô thị loại III: 24.000.000.000 đồng; đô thị loại IV: 17.000.000.000 đồng; đô thị loại V: 8.500.000.000 đồng.

b) Hỗ trợ kinh phí sử dụng giá dịch vụ, sản phẩm công ích.

c) Hỗ trợ kinh phí cho địa phương sản xuất lúa theo chế độ quy định.

Điều 20. Phân bổ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường

Phân bổ ngân sách nhà nước đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Mục II Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 05/2023/NQ-HĐND quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương

  • Số hiệu: 05/2023/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 26/07/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Nguyễn Văn Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản