Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/NQ-HĐND | Bình Phước, ngày 17 tháng 01 năm 2023 |
THÔNG QUA QUY HOẠCH TỈNH BÌNH PHƯỚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 9 (CHUYÊN ĐỀ)
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết 119/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;
Căn cứ Quyết định số 518/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Xét Tờ trình số 01/TTr-UBND ngày 03 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 02/BC-HĐND-KTNS ngày 11 tháng 01 năm 2023 của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chính như sau:
I. Phạm vi, ranh giới quy hoạch
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ phạm vi ranh giới hành chính của tỉnh Bình Phước; tổng diện tích tự nhiên là 6.873,56 km2, ở tọa độ địa lý từ 11°22’ đến 12°16’ độ vĩ Bắc, 102°8’ đến 107°8’ độ kinh Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia.
II. Quan điểm, mục tiêu và các đột phá phát triển
- Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; phù hợp với Nghị quyết số 24-NQ-TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, bền vững và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia và thích nghi tốt trước những thay đổi khó lường trên thế giới;
- Phát huy các lợi thế chiến lược (đất đai và vị trí địa lý) trong xu hướng dịch chuyển và lan tỏa của vùng, giải quyết những nút thắt chiến lược để đưa tỉnh Bình Phước từ vị trí “dự trữ” thành một “động lực” tăng trưởng và phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và sự lan tỏa của địa phương kết nối với Tây Nguyên. Phát huy lợi thế của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; bảo đảm hài hòa và cân đối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, trong đó ưu tiên tập trung phát triển cho vùng phía Nam: thành phố Đồng Xoài - huyện Đồng Phú - thị xã Chơn Thành;
- Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo đà để nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng; chủ động tận dụng tốt nhất cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm và là yếu tố then chốt để phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài và năng lực hội nhập quốc tế; tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tổ chức, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội hợp lý để khai thác hiệu quả lợi thế vị trí của Bình Phước trong vùng kinh tế Đông Nam bộ và chuyển tiếp Tây Nguyên;
- Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội, góp phần vào việc hoàn thành 17 chỉ tiêu đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 đã được xác định cho cả nước;
- Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh con người; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
2.1. Mục tiêu tổng quát
Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng “cứng và mềm”, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam bộ.
Đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh.
2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
a) Chỉ tiêu kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9%, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8,5%, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,5%; giai đoạn 2031 - 2050 đạt 8 - 9%;
- Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP
Đến năm 2025: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 48%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 34%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 18%. Kinh tế số chiếm tỷ trọng 20%;
Đến năm 2030: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%. Kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%.
- GRDP bình quân/người đến năm 2025 đạt 106 triệu đồng (4.600 USD); năm 2030 đạt 180 triệu đồng (7.500 USD); đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD;
- Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7%/năm;
- Thu ngân sách nhà nước vào năm 2025 đạt 19.500 tỷ đồng, năm 2030 đạt 30.000 tỷ đồng;
- Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 là 600 nghìn tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 210 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 390 nghìn tỷ đồng;
- Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 5 tỷ USD; đến năm 2030 đạt 8 - 9 tỷ USD;
- Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 42%, đến năm 2030 đạt 50%; đến năm 2050 đạt 75 - 80%;
- Số doanh nghiệp thành lập mới thời kỳ 2021 - 2030 là 15.000 doanh nghiệp;
- Phấn đấu xếp hạng PCI, PAPI, ICT Index đến năm 2025 đứng thứ 35; đến năm 2030 đứng thứ 25 so với cả nước;
- Khách du lịch đến năm 2025 đạt 02 triệu lượt khách; năm 2030 đạt 3,5 triệu lượt khách.
b) Chỉ tiêu xã hội, môi trường
- Đến năm 2025, có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% số xã đạt nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2030, có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 60% số xã đạt nông thôn mới nâng cao, 30% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu;
- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt 70%, trong đó bậc mầm non đạt 50%, bậc tiểu học đạt 70%, bậc trung học cơ sở đạt 80%, bậc trung học phổ thông đạt 90%; đến năm 2030 đạt 90%, trong đó bậc mầm non đạt 80%, bậc tiểu học đạt 90%, bậc trung học cơ sở đạt 90%, bậc trung học phổ thông đạt 100%;
- Phấn đấu đạt 10 bác sĩ và 32 giường bệnh/vạn dân vào năm 2025; 12 bác sĩ và 32 giường bệnh/vạn dân vào năm 2030;
- Mức tăng dân số bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 1,6%, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 1,4%, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 1,8%;
- Đến năm 2030, tạo việc làm mới cho 200 nghìn lao động, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%;
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 70%, năm 2030 đạt 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ năm 2025 đạt 30%, năm 2030 đạt 40%;
- Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 đạt < 1%, năm 2030 đạt < 0,5%;
- Đến năm 2030, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 100%;
- Đến năm 2030, 100% các khu, cụm công nghiệp, đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường;
- Đến năm 2030, tỷ lệ độ che phủ rừng và cây lâu năm đạt khoảng 65%.
c) Chỉ tiêu quốc phòng, an ninh
Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện.
d) Chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng
Phát triển các tuyến giao thông nhằm kết nối tỉnh Bình Phước với các địa phương khác (đường Đồng Phú - Bình Dương, tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), tuyến đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Bàu Bàng - Chơn Thành - Hoa Lư, tuyến ĐT 753,...), hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, hệ thống kết nối giao thông giữa các trục động lực phát triển của tỉnh.
a) Về kết cấu hạ tầng
- Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nhất là cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); tuyến giao thông ĐT 753 kết nối với sân bay Quốc tế Long Thành (Đồng Nai), cảng Cái Mép, Thị Vải; đường Đồng Phú - Bình Dương. Phát triển hệ thống đường giao thông liên huyện, trong đó mở mới đường Minh Lập - Phú Riềng quy mô 4 - 6 làn xe để kết nối Phước Long - Phú Riềng với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; chú trọng phát triển, kết nối giao thông đến các khu, điểm du lịch; đảm bảo việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến giao thông trên địa bàn. Phát triển hệ thống bến bãi, cảng cạn, cầu vượt và dịch vụ logistics;
- Ưu tiên phát triển hạ tầng số gắn với phát triển thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số, trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển mạng lưới truyền tải điện vào nhà máy, khu, cụm công nghiệp, phục vụ cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Xây dựng các dự án xử lý rác thải tập trung, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, hệ thống quan trắc môi trường, hệ thống khai thác, cung cấp nước sinh hoạt, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp;
- Phát triển hạ tầng xã hội đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển và cải thiện đời sống nhân dân. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hệ thống trường học trong tỉnh, đáp ứng mục tiêu phổ cập giáo dục. Đầu tư phát triển các cơ sở y tế bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo quy hoạch phát triển dân cư. Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, lắp đặt trang thiết bị an ninh, camera giao thông hỗ trợ công tác quản lý.
b) Về phát triển nguồn nhân lực
- Phát triển lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thu hút, hỗ trợ lao động nhập cư; chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ;
- Rà soát, xác định thị trường lao động chiến lược để thu hút lao động, xúc tiến hoạt động kết nối, ký kết thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh. Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác cụ thể tại từng địa phương, đảm bảo việc triển khai có trọng tâm, đúng mục tiêu;
- Thúc đẩy các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến giới thiệu việc làm với nhiều hình thức; củng cố, sắp xếp lại nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu việc làm;
- Đẩy mạnh công tác phân luồng gắn với tư vấn, hướng nghiệp, nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh nhằm giữ chân, bổ sung lực lượng học sinh, sinh viên cho thị trường lao động trong tỉnh;
- Tiếp tục rà soát, phối hợp nguồn lực địa phương và các chương trình của trung ương trong đào tạo, đào tạo lại cho người lao động tại doanh nghiệp nhỏ và vừa, lao động nông thôn; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tăng năng suất lao động;
- Xây dựng, ban hành cơ chế hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tiến đến cơ chế tự chủ, nhà nước đặt hàng các gói dịch vụ cơ bản, thiết yếu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm được phép thu phí dịch vụ các dịch vụ công không sử dụng ngân sách nhà nước trên cơ sở định mức được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Về cải cách thủ tục hành chính
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về cải cách thủ tục hành chính;
- Rà soát, xây dựng bộ thủ tục hành chính thực sự đơn giản, dễ thực hiện; quy trình, cách thức giải quyết phải tinh gọn; sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết thủ tục hành chính phải chặt chẽ, hiệu quả;
- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công bằng, minh bạch. Đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện;
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính;
- Thiết lập các kênh thông tin hiệu quả để theo dõi, tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định, thủ tục và công tác giải quyết thủ tục hành chính. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính hàng năm đạt tối thiểu 95% trở lên, trong đó mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 90%;
- Kiên quyết xử lý nghiêm các hiện tượng “tiêu cực” trong thực thi công vụ; khắc phục, chấn chỉnh, loại bỏ tình trạng “đi trước về sau” trong giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai.
III. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực
1. Các ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2021 - 2030
a) Công nghiệp
Phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, phụ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu, công nghệ thông tin,... Chú trọng nâng cao trình độ công nghệ. Mở rộng và phát triển mới các khu, cụm công nghiệp.
- Công nghiệp chế biến: phát triển công nghiệp chế biến sâu phải theo hướng cụm ngành; tăng tốc phát triển 03 nhóm ngành điều, gỗ và thực phẩm xuất khẩu chủ lực (các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm) một cách bền vững trước năm 2025, đóng góp cao vào tỷ trọng trong GRDP, thu ngân sách và tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh;
- Công nghiệp chế tạo: tận dụng cơ hội tham gia Hiệp định CPTPP, EVFTA để thu hút đầu tư nâng cấp chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích các doanh nghiệp có hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị và hướng tới các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn;
- Công nghiệp hỗ trợ: hình thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ đủ lớn, có khả năng đào tạo, nghiên cứu, có năng lực dẫn dắt ngành điện - điện tử trong tương lai;
- Công nghiệp năng lượng tái tạo: phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các dự án điện năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh;
- Công nghiệp vật liệu xây dựng: phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của tỉnh, có hiệu quả kinh tế cao. Sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội tỉnh, trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng GRDP của tỉnh;
- Công nghệ thông tin: chủ động triển khai những công việc cần thiết để đón đầu các tín hiệu thị trường bằng cách tìm kiếm và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này để nắm nhu cầu và khả năng, từ đó đưa ra những chính sách chủ động để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
b) Nông, lâm nghiệp và thủy sản
Phát triển nông nghiệp với tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn an toàn, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống người nông dân và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
c) Thương mại - dịch vụ
Phát triển thương mại dịch vụ tập trung vào các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics; thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ nông thôn,... nhằm đảm bảo việc hỗ trợ, gắn kết giữa sản xuất với thương mại và nhu cầu tiêu dùng của người dân; kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, giữa khu vực thành thị và nông thôn. Tích cực thúc đẩy thương mại thị trường trong nước, thương mại điện tử, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới.
Tập trung triển khai hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực tỉnh nhằm duy trì kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, truyền thống; mở rộng thị trường xuất khẩu tại các thị trường mới, tiềm năng; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm chế biến sâu sử dụng nguồn nguyên liệu của tỉnh, các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.
Đầu tư xây dựng 6 sân gôn tại các huyện, thị xã, thành phố: khu vực thành phố Đồng Xoài 1 sân; khu vực thị xã Chơn Thành 1 sân, khu vực thị xã Phước Long 1 sân, khu vực huyện Đồng Phú 2 sân, khu vực huyện Bù Đăng 1 sân. Việc thu hút đầu tư sân gôn được thực hiện trên cơ sở đáp ứng hiệu quả đầu tư, sự phù hợp với thời kỳ phát triển, bảo vệ môi trường, đáp ứng quy định tại Nghị định số 52/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn và các văn bản pháp luật liên quan.
d) Du lịch
Tập trung thu hút một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư về hạ tầng và vận hành các cơ sở du lịch. Xây dựng các khách sạn từ 4-5 sao. Xây dựng, phát triển các tuyến du lịch, tua du lịch nội địa và quốc tế.
Tiếp tục tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư 04 dự án du lịch hình thành các sản phẩm du lịch đặc trung, điểm đến hấp dẫn gồm: Dự án Khu đô thị, du lịch sinh thái hồ Suối Giai và tây hồ Bà Mụ (huyện Đồng Phú), Dự án Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng), Dự án Khu Quần thể văn hóa - cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long) và Dự án Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh).
2. Phương hướng phát triển các ngành văn hóa - xã hội
a) Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Tiếp tục hoàn thiện thể chế và cơ chế quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; quy hoạch nguồn nhân lực khoa học công nghệ và mạng lưới các tổ chức khoa học công nghệ.
Kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở và chuyển đổi số sâu rộng; nâng cao vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, doanh nghiệp, nghiên cứu các xu hướng thay đổi trong kinh tế, xã hội và nhân văn.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng, kiến tạo mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng suất, chất lượng, phân phối, lưu thông; nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa và các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.
b) Giáo dục và đào tạo
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI; ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt và học tốt, nâng cao ý thức trách nhiệm và lòng yêu nghề vì quê hương Bình Phước, tích cực khắc phục khó khăn xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại. Nâng cao chất lượng dạy học tin học, ngoại ngữ, thực hiện chương trình trường học thông minh phục vụ yêu cầu cần phát triển xã hội của thời đại công nghiệp 4.0.
c) Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân
Phát triển hệ thống y tế đồng bộ, cân đối giữa y tế dự phòng và điều trị; giữa y tế phổ cập, y tế cộng đồng và y tế chuyên sâu; chú trọng phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập thực hiện phương châm mọi người dân trong tỉnh đều được tiếp cận thuận lợi với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho công nhân các khu công nghiệp tại tỉnh. Xây dựng hệ thống y tế đáp ứng yêu cầu xử lý dịch bệnh trong tình hình mới.
d) Văn hóa, thể thao
Xây dựng bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Bình Phước. Thúc đẩy các ngành dịch vụ văn hóa, văn hóa cộng đồng, bảo tàng, bảo tồn và thúc đẩy sáng tác văn học nghệ thuật.
Xây dựng mới sân vận động tỉnh tại thành phố Đồng Xoài gắn với trung tâm huấn luyện thể dục thể thao tỉnh Bình Phước. Phát triển phong trào thể dục thể thao cho mọi người; ưu tiên đầu tư cho công tác huấn luyện các đội tuyển thể thao trẻ, phát triển thể thao chuyên nghiệp.
đ) Lao động, việc làm và an sinh xã hội
Đẩy mạnh hướng nghiệp và phân luồng học sinh song song với nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn các nghề đào tạo với nhu cầu của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội công lập của tỉnh tại thành phố Đồng Xoài nhằm chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng yếu thế cần sự trợ giúp, từng bước tiến tới cung cấp các dịch vụ cao về chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng có nhu cầu.
e) Quốc phòng an ninh
Bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ngày càng vững mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Không ngừng tăng cường và củng cố tiềm lực quốc phòng gắn với chiến lược phòng thủ của vùng và cả nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
IV. Phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế của tỉnh
1. Phương án tổ chức không gian theo vùng phát triển
a) Vùng phía Nam: đây là trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ và là tam giác phát triển của tỉnh bao gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú.
b) Vùng phía Tây: bao gồm thị xã Bình Long, huyện Hớn Quản và huyện Lộc Ninh với trung tâm phát triển là thị xã Bình Long.
c) Vùng phía Đông Bắc: bao gồm huyện Bù Đốp, huyện Bù Gia Mập, thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng, huyện Bù Đăng với trung tâm phát triển là thị xã Phước Long.
2. Phương án tổ chức không gian theo các trục động lực
a) Trục phía Đông (Chơn Thành - Bù Đăng): trọng tâm là Quốc lộ 14, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và đường phía Đông Nam Quốc lộ 14.
b) Trục phía Tây (Chơn Thành - Lộc Ninh): phát triển công nghiệp gắn với Quốc lộ 13 và cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành, kết nối lên Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư.
c) Trục trung tâm (Đồng Phú - Phước Long): phát triển kinh tế gắn với ĐT 741, kết nối thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng với Quốc lộ 14 và cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
V. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, khu chức năng và phát triển nông thôn
1. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị
a) Giai đoạn 1 (2021 -2025)
Nâng cấp các xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V để hình thành 07 đô thị mới đối với các xã: Đức Liễu, huyện Bù Đăng; Bù Nho, huyện Phú Riềng; Đồng Nơ, huyện Hớn Quản; Tân Lập và Tân Hòa, huyện Đồng Phú; Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh; Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Số lượng đô thị toàn tỉnh đến năm 2025 là 18 đô thị.
b) Giai đoạn 2 (2026 - 2030)
- Đầu tư phát triển các đô thị: Đồng Xoài hướng đến là đô thị loại II; Bình Long, Phước Long, Chơn Thành hướng đến là đô thị loại III; Tân Khai, huyện Hớn Quản và Tân Phú, huyện Đồng Phú hướng đến là đô thị loại IV;
- Nâng cấp các xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V để hình thành 04 đô thị mới đối với các xã: Tân Tiến, huyện Đồng Phú; Lộc Thái, huyện Lộc Ninh; Thanh An, huyện Hớn Quản; Tân Hưng, huyện Hớn Quản, số lượng đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 là 22 đô thị.
2. Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp
a) Quy hoạch khu công nghiệp
Số khu công nghiệp đến năm 2025 là 20 khu công nghiệp và đến năm 2030 là 27 khu công nghiệp.
Đất công nghiệp đến năm 2025 là 7.584 ha, cao hơn 1.523 ha so với số quy hoạch được phê duyệt và đến năm 2030 là 18.105 ha, cao hơn 10.521 ha so với thời kỳ 2021 - 2025 và so với Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó:
- Quy hoạch phát triển mới các Khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 với diện tích 6.283 ha;
- Quy hoạch phát triển mới các Khu công nghiệp giai đoạn 2026 - 2030 với diện tích 4.117 ha;
- Quy hoạch đất Công nghiệp tại Khu kinh tế 1.640 ha.
b) Quy hoạch khu kinh tế
Khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 1 khu và đến năm 2030 là 1 khu. Giảm diện tích Khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư từ 28.364 ha xuống còn 25.864 ha (đưa ra khỏi quy hoạch 2.500 ha sang đất quy hoạch mở rộng thị trấn Lộc Ninh và xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh).
c) Quy hoạch cụm công nghiệp
Quy hoạch 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.827,41 ha phân bố tại các huyện trên địa bàn tỉnh; hình thành ít nhất 3 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến nông sản: hạt điều, tiêu, cà phê, trái cây,...
3. Phương án quy hoạch phát triển nông thôn
Tổ chức bố trí sắp xếp, ổn định dân cư nông thôn phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn, quy hoạch nông thôn mới, đảm bảo bền vững, định cư lâu dài, giảm thiểu những thiệt hại tiềm ẩn do thiên tai gây ra.
Phát triển các khu dân cư tập trung gắn với phát triển thương mại, dịch vụ nông thôn tại các xã trên địa bàn tỉnh.
VI. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật
1. Phương án phát triển hạ tầng giao thông
a) Đường bộ
Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, đặc biệt là các trục giao thông quan trọng như: cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương, tuyến đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Bàu Bàng - Chơn Thành - Hoa Lư, tuyến ĐT 753,... nhằm kết nối tỉnh Bình Phước với các trung tâm kinh tế lớn của Khu vực miền Đông Nam bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam như: thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và kết nối xuống Cảng nước sâu Cái Mép, Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Sân bay quốc tế Long Thành.
Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, đặc biệt là các trục giao thông kết nối tam giác phát triển gồm: thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú; ba vùng đô thị có sức lan tỏa của tỉnh gồm: thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long và thị xã Phước Long; và các trung tâm kinh tế khác của tỉnh.
Phát triển hệ thống kết nối giao thông giữa 3 trục phát triển và các tuyến đường chính của tỉnh như: (1) Trục phát triển dọc theo tuyến Quốc lộ 14 kết nối Bù Đăng - Đồng Xoài - Chơn Thành; (2) Trục phát triển dọc theo tuyến Quốc lộ 13, gắn kết Hoa Lư - Lộc Ninh - Bình Long - Hớn Quản - Chơn Thành; (3) Trục trung tâm phát triển dọc theo tuyến ĐT 741 kết nối huyện Đồng Phú, thành phố Đồng Xoài, huyện Phú Riềng và thị xã Phước Long; dự kiến mở thêm đường Minh Lập - Phú Riềng để kết nối thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng với Quốc lộ 14 và cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành nhằm phá thế độc đạo của Phước Long và Phú Riềng; (4) Phát triển dọc theo tuyến ĐT 752, ĐT 758 và tuyến ĐT 753 (dự kiến được nâng cấp thành Quốc lộ 13C); (5) Phát triển dọc theo tuyến ĐT 759B (Lộc Tấn - Bù Đốp), tuyến ĐT 759 và tuyến ĐT 755B dự kiến được nâng cấp thành Quốc lộ 55B, nhằm gắn kết các huyện khu vực biên giới như Lộc Ninh, Bù Đốp với các huyện, thị xã còn lại của tỉnh như: Đồng Xoài, Phước Long, Phú Riềng, Bù Đăng.
b) Đường sắt
- Tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước dài 73,3 km;
- Tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước), đoạn Chơn Thành - Đắk Nông với chiều dài tuyến khoảng 102 km.
c) Sân bay
Quy hoạch Sân bay quân sự Technic thành sân bay chuyên dụng Hớn Quản, quy mô diện tích khoảng 350ha.
d) Cảng cạn ICD
- Cảng cạn ICD tại cửa khẩu Hoa Lư huyện Lộc Ninh với quy mô 24,43 ha;
- Cảng cạn ICD tại thị xã Chơn Thành với quy mô dự kiến 45,47 ha;
- Cảng cạn ICD tại huyện Đồng Phú với quy mô dự kiến 39,5 ha.
2. Phương án phát triển hạ tầng điện
a) Lưới điện và Trạm biến áp 500Kv
Xây mới 05 tuyến: Thuận Nam - Chơn Thành; Ninh Sơn - rẽ Thuận Nam - Chơn Thành; Tây Ninh 1 - rẽ Chơn Thành - Đức Hòa; Bình Dương 1 - Chơn Thành; Đức Hòa - Chơn Thành.
b) Lưới điện và Trạm biến áp 220Kv
Xây mới 07 tuyến: Phước Long - rẽ Bình Long - Đắk Nông; Bến Cát 2 - rẽ Chơn Thành - Bến Cát; Lai Uyên - rẽ Chơn Thành - Bến Cát; Chơn Thành - Bến Cát; Đồng Xoài - Chơn Thành; Bình Long - Chơn Thành (mạch 3,4); điện mặt trời Hải Lý Bình Phước 1 - trạm cắt Lộc Tấn.
c) Lưới điện và Trạm biến áp 110kV
Xây dựng mới và nâng cấp cải tạo 62 tuyến.
3. Phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông
a) Hạ tầng thông tin
Phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số. Hạ tầng bưu chính chuyển phát trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, thương mại điện tử; góp phần thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số.
Khai thác tối đa ưu thế mạng lưới bưu chính công cộng, bưu chính công ích tại địa phương nhằm tiếp nhận và cung cấp dịch vụ công, kết nối cơ quan, chính quyền với công dân, tổ chức, doanh nghiệp.
b) Hạ tầng truyền thông
Phát triển hạ tầng số hướng tới chính quyền số, đô thị thông minh ở Bình Phước. Phát triển hạ tầng số rộng khắp, đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh, nhất là hạ tầng liên kết vùng, đảm bảo kết nối và liên thông từ Trung ương đến địa phương, liên thông với tất cả các ngành, lĩnh vực.
4. Phương án phát triển hạ tầng thủy lợi và cấp nước
a) Hạ tầng thủy lợi
Xây dựng mới các công trình thủy lợi giai đoạn 2021 - 2030 là 18 công trình.
Nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi đã xuống cấp giai đoạn 2021 - 2030 là 17 công trình.
b) Hạ tầng cấp nước: 5 vùng tập trung, bao gồm:
Vùng 1: thị xã Bình Long, thị xã Chơn Thành, huyện Hớn Quản. Đây là vùng gần nguồn nước ổn định từ hồ Phước Hòa và các đối tượng sử dụng nước chủ yếu nằm trên một trục (Quốc lộ 13).
Vùng 2: thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú và huyện Phú Riềng. Đây là vùng gần nguồn nước ổn định từ sông Bé và có hai hồ chứa nước dung tích lớn là hồ Đồng Xoài và hồ Suối Giai, đồng thời là khu vực có diện tích quy hoạch phát triển khu công nghiệp và đô thị lớn nhất toàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030.
Vùng 3: thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập. Đây là khu vực phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh, với nguồn cấp nước chính là hồ Thác Mơ.
Vùng 4: huyện Lộc Ninh và huyện Bù Đốp. Đây là vùng biên giới phía Tây và Tây Bắc của tỉnh, với nguồn cấp nước chính là hồ Cần Đơn và các công trình thủy lợi cỡ nhỏ trên địa bàn huyện Lộc Ninh.
Vùng 5: toàn bộ huyện Bù Đăng, đây là vùng có khoảng cách khá xa các khu vực còn lại nên được xác định là một vùng cấp nước riêng. Nguồn cấp nước chính được xác định là từ hồ Thác Mơ và một số công trình thủy lợi cỡ nhỏ trên địa bàn huyện.
5. Phương án phát triển các khu xử lý chất thải
Xây dựng 05 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung theo mô hình khu liên hợp xử lý cho các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh để đảm bảo xử lý hết lượng chất thải rắn sinh hoạt.
VII. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội
1. Các thiết chế văn hóa, thể thao
a) Giai đoạn 2021 - 2025
Đầu tư xây dựng Thư viện tỉnh diện tích khoảng 5.000 m2 tại đường Trường Chinh, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, đảm bảo đủ diện tích cho Thư viện cấp tỉnh theo quy định. Công trình gồm khối nhà chính và các hạng mục phụ trợ.
Đầu tư xây dựng nhà ở vận động viên quy mô khoảng 625 m2 trong Khu Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh.
Đầu tư xây dựng hồ bơi thi đấu cấp tỉnh với tổng diện tích 5.000 m2 nằm trong Khu Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh.
b) Giai đoạn 2026 - 2030
Đầu tư xây dựng mới sân vận động tỉnh có sức chứa 20.000 - 30.000 chỗ ngồi.
Đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh tại thành phố Đồng Xoài.
2. Hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Đầu tư xây dựng khu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có diện tích khoảng 200 ha tại thành phố Đồng Xoài.
3. Hạ tầng giáo dục và đào tạo
Giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng thêm 4.251 phòng học.
Giai đoạn 2026 - 2030, căn cứ tình hình thực tế phát triển của giai đoạn 2021 - 2025 và quy hoạch quốc gia về mạng lưới trường học để bố trí cho phù hợp.
Đến năm 2030, hệ thống cơ sở y tế tỉnh Bình Phước có 11 bệnh viện công lập, 2 bệnh viện tư nhân, 10 trung tâm y tế cấp huyện, 111 trạm y tế cấp xã và các đơn vị y tế dự phòng, kiểm soát bệnh tật, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số, kiểm nghiệm.
5. Hạ tầng lao động, việc làm và trợ giúp xã hội
Nâng cấp trung tâm dịch vụ việc làm hiện tại; thành lập 02 cơ sở mới tại các khu công nghiệp Chơn Thành và Đồng Phú.
Xây dựng mới hoặc xem xét tái thành lập Trung tâm Công tác xã hội theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp dân cư và nâng cấp chất lượng đô thị.
Chuyển đổi trung tâm bảo trợ xã hội công lập hỗn hợp hiện tại thành trung tâm cung cấp dịch vụ cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt.
Xây dựng mới trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi trong giai đoạn 2026 - 2030.
Nâng cấp, sửa chữa, xây dựng và mở rộng Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Phát triển và nâng cấp trung tâm điều trị methadone thành cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện kết hợp các giải pháp trợ giúp dựa vào cộng đồng.
Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội ở những nơi có quy hoạch nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế như Bình Long, Chơn Thành, Đồng Phú, Hớn Quản, Phú Riềng, Lộc Ninh.
Gắn quy hoạch các khu công nghiệp mới với các dự án nhà ở xã hội; bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp; khuyến khích chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trực tiếp đầu tư nhà ở xã hội gắn với khu công nghiệp.
a) Hệ thống hạ tầng thương mại bán buôn - Chợ đầu mối: giai đoạn 2021 - 2025: xây dựng 01 chợ đầu mối tại Đồng Xoài. Giai đoạn 2026 - 2030: xây dựng 01 chợ đầu mối tại Chơn Thành.
b) Hệ thống cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh: giai đoạn 2021-2025: Xây dựng 100 cửa hàng. Giai đoạn 2026 - 2030: xây dựng 100 cửa hàng.
c) Mạng lưới siêu thị: Giai đoạn 2021 - 2025: xây dựng 04 siêu thị tại Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long và Chơn Thành. Giai đoạn 2026 - 2030: mỗi địa phương quy hoạch mới 01 siêu thị.
d) Các trung tâm thương mại: Giai đoạn 2021 - 2025: xây dựng 06 Trung tâm thương mại mới tại: Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long, Chơn Thành, Phú Riềng, Đồng Phú. Giai đoạn 2026 - 2030: Xây dựng 7 Trung tâm thương mại tại thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Hớn Quản, huyện Lộc Ninh, huyện Bù Đăng, huyện Bù Đốp và huyện Bù Gia Mập.
đ) Phát triển hạ tầng thương mại biên giới: đầu tư xây dựng hạ tầng khu thương mại - dịch vụ - công nghiệp cửa khẩu Hoàng Diệu, Lộc Thịnh, Tân Thành và phát triển thêm các cửa khẩu mới khi có điều kiện.
e) Đầu tư xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm tại thành phố Đồng Xoài.
a) Đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch, xây dựng 6 sân gôn, thu hút đầu tư xây dựng các khách sạn 4-5 sao, các khu vui chơi giải trí với quy mô lớn, hiện đại.
b) Xây dựng và cải tạo, nâng cấp hệ thống trung tâm thương mại và chợ tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ khách du lịch.
9. Hạ tầng phòng cháy, chữa cháy
Đầu tư xây dựng mới 6 công trình hạ tầng phòng cháy, chữa cháy với tổng diện tích 8,6 ha tại thị xã Bình Long và 5 huyện: Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đốp, Hớn Quản, Đồng Phú.
VIII. Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai
1. Đất nông nghiệp
Chỉ tiêu quốc gia phân bổ đến năm 2030 là 569.787 ha, tỉnh đề xuất thấp hơn 25.383 ha so với chỉ tiêu sử dụng đất đã được quốc gia phân bổ, trong đó:
- Đất trồng lúa: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 5.493 ha, phù hợp với phân bổ Quốc gia;
- Đất rừng phòng hộ: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ: 43.090 ha, phù hợp với phân bổ Quốc gia;
- Đất rừng đặc dụng: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 31.348 ha, phù hợp với phân bổ Quốc gia;
- Đất rừng sản xuất: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 73.019 ha, phù hợp với phân bổ Quốc gia.
2. Đất phi nông nghiệp
Chỉ tiêu quốc gia phân bổ đến năm 2030 là 117.496 ha, tỉnh đề xuất cao hơn 25.383 ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ, trong đó:
- Đất quốc phòng: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 3.627 ha, phù hợp với phân bổ Quốc gia;
- Đất an ninh: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 1.314 ha, tỉnh đề xuất cao hơn 110 ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ;
- Đất khu công nghiệp: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 18.105 ha, cao hơn 10.521 ha so với phân bổ Quốc gia;
- Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 51.623 ha, cao hơn 1.376 ha so với phân bổ Quốc gia;
Đất giao thông: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 18.239 ha, cao hơn 1.124 ha so với phân bổ Quốc gia;
Đất xây dựng cơ sở văn hóa: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 1.081 ha, cao hơn 800 ha so với phân bổ Quốc gia;
Đất xây dựng cơ sở y tế: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 974 ha, phù hợp với phân bổ Quốc gia;
Đất xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 1.144 ha, phù hợp với phân bổ Quốc gia;
Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 1.560 ha, cao hơn 1.116 ha so với phân bổ Quốc gia;
Đất công trình năng lượng: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 23.121 ha, phù hợp với phân bổ Quốc gia;
Đất công trình bưu chính viễn thông: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 26 ha, phù hợp với phân bổ Quốc gia;
- Đất xây dựng kho dự trữ quốc gia: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 3 ha, phù hợp với phân bổ Quốc gia;
- Đất có di tích lịch sử văn hóa: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 320 ha, phù hợp với phân bổ Quốc gia;
- Đất bãi thải, xử lý chất thải: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 296 ha, phù hợp với phân bổ Quốc gia;
- Đất chưa sử dụng: diện tích đề xuất đưa vào phương án phân bổ là 73 ha, phù hợp với phân bổ Quốc gia;
- Đất khu công nghệ cao: chỉ tiêu quốc gia phân bổ đến năm 2030 là 0 ha, tỉnh đề xuất cao hơn 200 ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ;
- Đất khu kinh tế: chỉ tiêu quốc gia phân bổ đến năm 2030 là 28.364 ha, tỉnh đề xuất thấp hơn 2.500 ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ;
- Đất đô thị: chỉ tiêu quốc gia phân bổ đến năm 2030 là 58.392 ha, tỉnh đề xuất cao hơn 71.383 ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ.
IX. Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm:
- Khu dân cư tập trung ở đô thị (khu vực nội thành, nội thị) của các đô thị loại II, loại III trên địa bàn tỉnh;
- Nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt;
- Các khu bảo tồn thiên nhiên như: Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập, phần rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc Gia Cát Tiên, Khu di tích lịch sử văn hóa Núi Bà Rá;
- Vùng đất ngập nước quan trọng hồ Thác Mơ và vùng đất ngập nước quan trọng hồ Phước Hòa;
- Các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
1. Giải pháp về huy động vốn đầu tư
a) Huy động vốn ngân sách nhà nước
Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, nguồn vốn hỗ trợ ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh.
b) Huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước
- Tiếp tục khẳng định huy động nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là nguồn lực quan trọng, chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2030;
- Sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác; tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; tập trung đầu tư, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng tâm, trọng điểm có tính lan tỏa và kết nối, liên kết vùng. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; có chế tài xử lý các dự án chậm triển khai thực hiện.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu biện pháp tài chính theo quy định của pháp luật;
- Rà soát, đánh giá lại các nguồn thu nhằm xác định rõ những nguồn thu không ổn định, nguồn thu còn thất thu và nguồn thu còn tiềm năng; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới;
- Tăng cường công tác chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại và gian lận giá; đẩy mạnh công tác quản lý và tập trung thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh.
3. Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển
a) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và theo đúng pháp luật nhằm hình thành và phát triển mối quan hệ lâu dài, bền vững làm cơ sở phát huy lợi thế, khai thác các tiềm năng của từng địa phương, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
b) Mở rộng hợp tác quốc tế
Tăng cường hiệu quả kinh tế trong các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu, nắm tốt các xu thế vận động, diễn biến của tình hình quốc tế và trong nước, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Đảng vào điều kiện đặc thù của tỉnh. Tăng cường thu hút các nguồn lực về tri thức, vốn, công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh thực thi và tranh thủ các cam kết quốc tế, nhất là các cam kết trong khuôn khổ các FTA "thế hệ mới" như Hiệp định CPTPP, EVFTA...
4. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức và năng lực tốt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;
- Nâng cao năng lực giáo dục, đào tạo cho các cơ sở đào tạo;
- Tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, truyền thông, quảng bá, xúc tiến giới thiệu việc làm;
- Xây dựng hạ tầng xã hội, nâng cao mức độ cạnh tranh của tỉnh trong thu hút lao động;
- Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm, đảm bảo đời sống của người lao động.
5. Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ
a) Về bảo vệ môi trường
- Rà soát hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Nâng cao hiệu quả áp dụng các công cụ trong quản lý môi trường;
- Tăng cường ngân sách đầu tư cho bảo vệ môi trường;
- Nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
b) Về phát triển khoa học và công nghệ
- Tăng cường công tác thẩm định công nghệ của các dự án thu hút đầu tư. Quan tâm công tác chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt là trong quá trình đàm phán, xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án FDI, các dự án tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật,...;
- Đưa khoa học, công nghệ gắn liền với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực để nâng cao năng suất, chất lượng, đạt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu;
- Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện dự án đổi mới khoa học công nghệ. Tăng cường hiệu quả quản lý, năng lực kỹ thuật của hoạt động đo lường thử nghiệm về năng suất, chất lượng của các sản phẩm hàng hóa chủ lực tại địa phương; đánh giá trình độ, chất lượng của sản phẩm hàng hóa.
6. Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn
- Nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai lập, thẩm định quy hoạch; kịp thời công bố, công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch;
- Kiểm soát chặt chẽ nguồn lực quỹ đất; đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung thống nhất mang tính tích hợp. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
7. Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
- Tổ chức công bố công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong triển khai thực hiện;
- Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch;
- Triển khai xây dựng kế hoạch hành động và thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa các nội dung quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, hàng năm;
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý thực hiện quy hoạch.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch được duyệt.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa X, kỳ họp thứ 9 (chuyên đề) thông qua ngày 17 tháng 01 năm 2023 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 275/NQ-HĐND năm 2021 thông qua nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đến năm 2045
- 2Kế hoạch 148/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 3Nghị quyết 66/NQ-HĐND năm 2022 thông qua Quy hoạch chung đô thị mới Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đến năm 2045
- 4Nghị quyết 67/NQ-HĐND năm 2022 thông qua Quy hoạch chung đô thị mới La Vang, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đến năm 2045
- 5Nghị quyết 68/NQ-HĐND năm 2022 thông qua nội dung cơ bản Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 6Nghị quyết 01/NQ-HĐND năm 2023 thông qua Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 7Nghị quyết 08/NQ-HĐND năm 2023 thông qua Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 1Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Luật Quy hoạch 2017
- 4Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch do Chính phủ ban hành
- 5Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quy hoạch
- 6Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 7Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 8Thông báo 50/2018/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership)
- 9Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 10Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 11Quyết định 518/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn
- 13Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)
- 14Nghị quyết 275/NQ-HĐND năm 2021 thông qua nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đến năm 2045
- 15Nghị quyết 119/NQ-CP năm 2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 do Chính phủ ban hành
- 16Quyết định 326/QĐ-TTg năm 2022 về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 17Kế hoạch 148/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 18Nghị quyết 66/NQ-HĐND năm 2022 thông qua Quy hoạch chung đô thị mới Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đến năm 2045
- 19Nghị quyết 67/NQ-HĐND năm 2022 thông qua Quy hoạch chung đô thị mới La Vang, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đến năm 2045
- 20Nghị quyết 68/NQ-HĐND năm 2022 thông qua nội dung cơ bản Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 21Nghị quyết 01/NQ-HĐND năm 2023 thông qua Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 22Nghị quyết 08/NQ-HĐND năm 2023 thông qua Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Nghị quyết 01/NQ-HĐND năm 2023 thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Số hiệu: 01/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 17/01/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
- Người ký: Huỳnh Thị Hằng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra