Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/NQ-HĐND

Bình Định, ngày 10 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA CÁC NỘI DUNG CƠ BẢN QUY HOẠCH TỈNH BÌNH ĐỊNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA XIII KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Pháp lệnh số 01/2018/QH14 ngày 22 tháng 12 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Quyết định số 136/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét Tờ trình số 193/TTr-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua các nội dung cơ bản Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra số 126/BC-KTNS ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất các nội dung cơ bản Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể như sau:

1. Quan điểm:

- Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, các quy hoạch ngành quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới sáng tạo, thực hiện hiệu quả các khâu đột phá về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng; đầu tư có trọng điểm vào các trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh.

- Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định trên cơ sở thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài, nhất là nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện thành công chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khai thác cơ hội đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch logistics khi các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia được triển khai trên địa bàn tỉnh.

- Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Bình Định là yếu tố, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

- Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh và đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030:

a) Mục tiêu tổng quát:

- Đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 bình quân từ 8,5% trở lên, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 204-213 triệu đồng/người tương đương 7.500-7.900 USD (theo giá hiện hành)[1]. Chỉ số phát triển con người (HDI): 0,7-0,8 tiếp tục nằm trong nhóm cao của cả nước.

- Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa; phát triển tất cả các lĩnh vực lấy nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu.

- Là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

- Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm cao của cả nước.

- Có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế, trong đó tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội.

- Giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hóa các dân tộc, phát triển Quy Nhơn thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 8,5%/năm trở lên, trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 7-7,5%/năm. Kinh tế số trong GRDP đến năm 2030 đạt 30%.

- Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030: Ngành nông, lâm và thủy sản chiếm 16,8%-17,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 41,3%-43,3%; dịch vụ chiếm 34,8%- 35,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,1%-5,3%.

- GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đến năm 2030 là 204-213 triệu đồng/người tương đương 7.500-7.900 USD (theo giá hiện hành).

- Thu ngân sách: Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 18,5 nghìn tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 30-35 nghìn tỷ đồng.

- Tổng lượt khách du lịch đến năm 2030 đạt 12 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 9,5 triệu lượt khách du lịch nội địa.

- Vốn đầu tư huy động giai đoạn 2021-2030: Khoảng 800-850 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 29-30 tỷ USD).

3. Các trụ cột phát triển, các khâu đột phá:

a) Các trụ cột phát triển:

(1) Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao. Thu hút đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi, công nghiệp sản xuất thép công nghệ tiên tiến, công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thủy sản, khoáng sản, sản xuất dược phẩm, linh kiện điện tử, bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo…, tạo nền tảng và góp phần quyết định thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cho tỉnh.

(2) Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Xây dựng Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực với những nét đặc trưng riêng: du lịch biển thanh bình, du lịch văn hóa đặc sắc và các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh như du lịch khám phá khoa học, du lịch gắn với võ cổ truyền, bài chòi dân gian Bình Định, ẩm thực... Tập trung phát triển, quảng bá thương hiệu du lịch, lấy điểm nhấn là “Quy Nhơn - điểm đến hàng đầu của châu Á, trung tâm văn hóa của vùng”; hình thành, phát triển các tuyến du lịch mới trong tỉnh; kết nối hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh lân cận, trong vùng và liên vùng.

(3) Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ để hiện đại hóa và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh chăn nuôi công nghệ cao, thực hành khai thác, nuôi trồng thủy sản và trồng rừng bền vững; nâng cấp chuỗi giá trị nông nghiệp bằng việc thu hút các nhà đầu tư lớn vào các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, phân phối.

(4) Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Xây dựng đô thị thông minh, phát triển đô thị gắn với hình thành, phát triển đô thị khoa học, thung lũng sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI), các trường đại học. Phát triển, mở rộng thành phố Quy Nhơn về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu Kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ. Tiếp tục phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội và các đô thị trên địa bàn theo quy hoạch; xây dựng chuỗi đô thị biển gắn với tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Đề Gi - Mỹ Thành - Cầu Lại Giang; phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với phát triển các khu công nghiệp và việc nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông đường bộ (bao gồm cả đường bộ cao tốc), đường sắt (bao gồm cả đường sắt đô thị) và nâng cấp sân bay Phù Cát.

(5) Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng - logistics, khai thác hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất và trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của tỉnh. Tăng cường kết nối, mở rộng hoạt động logistics gắn với quá trình đô thị hóa, đồng bộ hóa kết nối giao thông và phát triển kinh tế. Đầu tư, nâng cấp và khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị kết nối Quy Nhơn - Nhơn Hội - Phù Cát và vùng phụ cận. Tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất hiện có; nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng; khai thác tốt vận tải hàng không; xúc tiến việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp sản xuất gia công hàng điện tử, bán dẫn gần sân bay nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của sân bay Phù Cát. Nâng cấp sân bay Phù Cát trở thành sân bay quốc tế phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Xây dựng đô thị sân bay gắn với KCN Hòa Hội để phát triển công nghiệp điện tử, bán dẫn. Phát triển công nghiệp, đô thị, logistics dọc các tuyến cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

b) Các khâu đột phá:

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và duy trì ổn định môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh trên địa tỉnh.

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong giai đoạn mới. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng, đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với mở rộng hội nhập, giao lưu khu vực và quốc tế.

- Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh, tiến tới hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng cho các ngành, lĩnh vực và địa bàn trong toàn tỉnh.

4. Tầm nhìn phát triển đến năm 2050:

Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam.

Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và AI; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả.

Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số ngành, sản phẩm mà tỉnh có lợi thế.

Các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc phòng, an ninh, bao gồm an ninh trên biển, và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được bảo đảm vững chắc.

(Chi tiết có phụ lục kèm theo)

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Khóa XIII Kỳ họp thứ 9 thông qua và có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2022./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng

 

PHỤ LỤC

CÁC NỘI DUNG CƠ BẢN KHÁC CỦA QUY HOẠCH TỈNH BÌNH ĐỊNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Nghị quyết số 68/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định)

I. PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

1. Phương hướng phát triển các ngành quan trọng:

a) Ngành dịch vụ:

Phát triển dịch vụ theo hướng tỉnh Bình Định trở thành trung tâm văn hóa, du lịch (du lịch biển, du lịch văn hóa và sinh thái), thương mại - dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, tài chính, y tế, giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên. Ưu tiên phát triển các dịch vụ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ khác. Quy hoạch xây dựng trung tâm logistics mới có công suất khoảng 500.000 TEU tại Phù Cát.

Gắn phát triển dịch vụ với tiến trình chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tỉnh. Xây dựng thương hiệu và phát triển Bình Định trở thành một trung tâm dịch vụ quan trọng của vùng, cả nước và khu vực, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ mà tỉnh có thế mạnh như du lịch, logistics và vận tải, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa các dịch vụ thiết yếu như thương mại, bán buôn, bán lẻ để đáp ứng nhu cầu dịch vụ cơ bản của nhân dân.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế, lĩnh vực khác cùng phát triển, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đưa Bình Định trở thành trung tâm du lịch vùng, điểm đến du lịch đẳng cấp, hiện đại, xanh, an toàn và thân thiện và giàu bản sắc văn hóa; tăng cường kết nối các địa bàn trọng điểm du lịch trong tỉnh, liên kết vùng và liên vùng.

b) Ngành công nghiệp và xây dựng

Phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo và công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Ngành công nghiệp của tỉnh tăng trưởng nhanh, bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh, là trụ cột để phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ngành chế biến, chế tạo công nghệ cao (dịch chuyển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sang lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao như: chế biến thủy hải sản, linh kiện điện tử, bán dẫn, dược phẩm), công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những lĩnh vực đột phá, góp phần đưa tỉnh Bình Định trở thành một trung tâm khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Chú trọng thu hút đầu tư các dự án sản xuất thép quy mô lớn có công nghệ tiên tiến để nâng cấp xây dựng hạ tầng kỹ thuật sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế; sản xuất phụ kiện ô tô để tham gia mạnh mẽ chuỗi cung ứng với các trung tâm lắp rắp ô tô khác tại Việt Nam; phát triển điện gió ngoài khơi các địa phương ven biển để khuyến khích gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng sạch, đảm bảo an ninh năng lượng.

c) Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản:

Phát triển nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2030, Bình Định trở thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với các trung tâm chế biến xuất khẩu nông sản của tỉnh và khu vực. Đưa ngành nông nghiệp của tỉnh đứng vào tốp đầu của các tỉnh duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Khẳng định giá trị và thương hiệu nông sản thông qua sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thương mại điện tử hàng nông sản. Duy trì diện tích trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực; Phát triển trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao, khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Hiện đại hóa ngành thủy sản, nhất là nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ. Đầu tư phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành huyện Phù Mỹ. Thành lập Khu bảo tồn biển Vịnh Quy Nhơn và một số khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển của tỉnh Bình Định. Bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh, phục hồi các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi thủy sản (thảm cỏ biển, rạn san hô...), góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.

Bảo tồn, phát triển diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, rừng tự nhiên sản xuất và phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế đối với diện tích rừng sản xuất, khuyến khích trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng theo hướng phát triển bền vững.

2. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác:

a) Dân số và lao động:

Công tác dân số được chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố; đặc biệt là chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Nâng cao chất lượng và năng suất lao động; đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm mạnh lao động nông nghiệp sang phát triển lao động làm công ăn lương khu vực phi nông nghiệp. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề theo định hướng phát triển của tỉnh.

b) Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân:

Phát triển hệ thống y tế tỉnh Bình Định công bằng, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, bền vững, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Phát triển hài hòa giữa công tác khám chữa bệnh và phục hồi chức năng với y tế dự phòng. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có năng lực chuyên môn vững vàng và chuyên sâu đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Y tế công lập giữ vai trò chủ đạo trong công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; tạo điều kiện thuận lợi cho y tế ngoài công lập phát triển các dịch vụ y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

c) An sinh xã hội:

Mở rộng và phát triển toàn diện các lĩnh vực an sinh xã hội. Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đa tầng, linh hoạt và có khả năng hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau. Không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội và phát triển đa dạng hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản. Phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội trong mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, cân bằng với phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc xã hội đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ ngày càng tăng của người dân. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo hiệu quả, bền vững.

d) Giáo dục và đào tạo:

Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo ở các cấp, bậc học trong hệ thống giáo dục của tỉnh. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị đồng bộ, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của các cấp học. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng, đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với mở rộng hội nhập, giao lưu khu vực và quốc tế. Đến năm 2030, hơn 70% số trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia; có từ 80-85% số trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia; từ 92-95% số trường THCS và hơn 60% số trường THPT đạt trường chuẩn quốc gia.

Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề theo hướng tăng cường gắn kết giữa nhu cầu của người học, của nhà trường, người sử dụng lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ. Chú trọng các ngành nghề đào tạo phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, các ngành là thế mạnh hoặc mũi nhọn phát triển của tỉnh.

e) Văn hóa và thể thao:

Phát triển văn hóa, thể thao đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa Bình Định; tu bổ, bảo tồn các di tích, phát huy văn hóa phi vật thể, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian; xây dựng, phát triển thành phố Quy Nhơn trở thành Trung tâm văn hóa phía Nam của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa với thể thao và phát triển du lịch.

g) Khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông:

Xây dựng Bình Định trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn của các doanh nghiệp công nghệ, nhà khoa học trên thế giới và trong nước. Xây dựng, phát triển và phát huy hiệu quả của Khu Đô thị khoa học Quy Hòa, các dự án trí tuệ nhân tạo và các dự án khoa học, công nghệ khác, góp phần tăng nhanh tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh, nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data). Phát huy vai trò của Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo trong việc tăng cường đổi mới sáng tạo trong hoạt động của doanh nghiệp. Phát triển hạ tầng dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi từ Chính quyền điện tử sang Chính quyền số gắn với hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng kinh tế số và xã hội số. Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu tại các đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã.

h) Quốc phòng, an ninh, đối ngoại:

Xây dựng Bình Định trở thành khu vực phòng thủ vững mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ về quốc phòng, an ninh; trung tâm quan trọng của vùng, cả nước về đối ngoại, hội nhập quốc tế.

3. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng

3.1. Phát triển mạng lưới giao thông:

Các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển quốc gia: Thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch quốc gia.

a) Đường bộ:

- Phát triển các tuyến giao thông quốc gia bao gồm đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

- Phát triển mạng lưới đường quốc lộ: Nâng cấp, xây dựng, duy tu, bảo trì 05 đoạn tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh: Quốc lộ 1, Quốc lộ 1D, Quốc lộ 19, Quốc lộ 19B, Quốc lộ 19C.

- Phát triển mạng lưới đường tỉnh: Xây dựng hệ thống đường tỉnh kết nối các tuyến đường cao tốc, đường Quốc lộ đến các khu kinh tế, khu du lịch, dịch vụ trọng điểm, đường vào khu, cụm công nghiệp tạo nên mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh liên hoàn liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa đô thị và nông thôn và kết nối với các tỉnh lân cận.

- Quy hoạch đầu tư nâng cấp, xây dựng mới tuyến đường phía Tây tỉnh.

- Phát triển mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, nhựa hóa 100%, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, liên hệ thuận lợi trong và ngoài đô thị.

- Hoàn thiện cơ bản mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, theo tiêu chí giao thông trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phù hợp với chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

b) Đường sắt:

- Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên hành lang Bắc - Nam tầm nhìn đến năm 2050.

- Nâng cấp tuyến đường sắt hiện có; kết nối hệ thống đường sắt hiện hữu với xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối Quy Nhơn - Nhơn Hội - Phù Cát và vùng phụ cận tạo hệ thống giao thông đa dạng, liên hoàn cho thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận.

- Nâng cấp, xây dựng hệ thống các ga đường sắt theo hướng là các trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa chất lượng cao, khối lượng lớn; đầu tư nâng cấp ga tổng hợp Diêu Trì, xây dựng ga tổng hợp tại Phù Cát, các ga hàng hóa tại khu vực Phước Lộc (Tuy Phước) và Canh Vinh (Vân Canh) phục vụ vận chuyển hàng hóa khu vực cảng cạn Quy Nhơn và các trung tâm logistics; xây dựng mới đoạn tuyến Diêu Trì - Nhơn Bình, bổ sung ga Nhơn Bình phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa qua cảng Quy Nhơn; xây dựng mới ga đường sắt trung tâm Quy Nhơn.

c) Đường hàng không:

Đầu tư mới nhà ga, mở rộng sân đỗ, xây dựng thêm đường cất hạ cánh thứ 2 và các đường lăn, nâng cấp cảng hàng không Phù Cát lên cấp 4E và trở thành sân bay quốc tế, đến năm 2030 công suất thiết kế 7 triệu hành khách/năm và tầm nhìn đến năm 2050 có công suất thiết kế 12 triệu hành khách/năm.

d) Đường thủy nội địa:

Đầu tư xây dựng phát triển các tuyến thủy nội địa và hệ thống bến thủy theo đề án phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Bình gồm khoảng 15 tuyến đường thủy nội địa phục vụ dân sinh và du lịch, trong đó có 03 tuyến phục vụ dân sinh và 12 tuyến phục vụ du lịch; 23 bến thủy nội địa trong đó 11 bến phục vụ dân sinh, 11 bến phục vụ du lịch và 01 bến hỗn hợp;

Nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường bộ kết nối đến các bến thủy phục vụ dân sinh và du lịch chính trên địa bàn tỉnh.

e) Mạng lưới đường biển:

Mở rộng, nâng cấp cảng Quy Nhơn; xây dựng mới cảng Nhơn Hội, khu bến cảng tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn và các cảng biển theo quy hoạch; đầu tư xây dựng cảng du lịch trên cơ sở di dời cảng cá Quy Nhơn ra Vĩnh Lợi, Mỹ Thành, Phù Mỹ.

Nâng cấp các tuyến đường thủy chính đạt cấp kỹ thuật theo quy định. Tập trung khai thác tối đa luồng tuyến sẵn có kết hợp phát triển du lịch

g) Hệ thống cầu trên các tuyến chính:

Tất cả các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh qua các sông lớn đều được xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ không còn phù hợp. Các cầu lớn vượt qua các sông, gồm: cầu Thị Nại, cầu Tam Quan, cầu Đề Gi và 01 cầu vượt đầm Thị Nại phía Bắc KKT Nhơn Hội

h) Mạng lưới bến bãi để xe và các công trình phục vụ GTVT đường bộ:

Quy hoạch hệ thống bến xe khách đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định tổng số 21 bến xe (trong đó gồm: 1 bến xe loại 1; 07 bến xe loại 2; 02 bến xe loại 3; 07 bến xe loại 4; 04 bến xe loại 6). Trong đó có 02 bến xe tổng hợp đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa là bến xe tổng hợp Nhơn Hội và bến xe tổng hợp Diêu Trì.

Xây dựng bãi đỗ xe hàng đủ để có thể đáp ứng tối thiểu tại các đô thị và các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực khai thác vật liệu xây dựng, thủy hải sản và khu đầu mối vận tải.

Quy hoạch hệ thống cảng cạn trên địa bàn tỉnh, trước mắt gồm 03 khu vực với tổng diện tích khoảng 71ha.

3.2. Hạ tầng cấp điện:

a) Phương án phát triển nguồn điện:

Ngoài nguồn điện được cấp từ lưới điện Quốc gia qua các trạm nguồn 220kV, tỉnh Bình Định còn được cung cấp điện trực tiếp từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, các nhà máy điện mặt trời, điện gió. Phát triển điện gió ngoài khơi vùng ven biển thuộc các huyện, thị xã và thành phố; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại các khu vực có tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo 100% các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia.

- Thủy điện: Hiện tại có 10 nhà máy thủy điện với tổng công suất là 318,9 MW; tiếp tục triển khai hoàn thành 08 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã được phê duyệt với tổng công suất là 172,9 MW; chọn lọc, bổ sung một số công trình thủy điện tích năng trên cơ sở tận dụng các hồ thủy điện hiện có trên địa bàn tỉnh.

- Điện mặt trời: Hiện tại có 5 nhà máy ĐMT với tổng công suất 529,5 MWp, đề nghị bổ sung vào quy hoạch 18 dự án, tổng công suất 1.169 MWp.

- Điện gió: Phát triển 18 dự án điện gió với tổng công suất lắp đặt là 6.174,5 MW, trong đó có 07 dự án điện gió ngoài khơi

b) Phương án phát triển lưới điện 500kV:

- Trạm nguồn 500kV: Xây dựng mới TBA 500 kV Bình Định và đường dây đấu nối để giải phóng hết công suất các nguồn năng lượng tái tạo.

- Lưới truyền tải 500kV:

Xây dựng mới đường dây 500 kV Krông Buk - TBA 500kV Bình Định đấu nối TBA 500kV Bình Định và đường dây 500kV từ TBA500kV Bình Định - Tua bin khí miền Trung.

Xây dựng mới đường dây 500kV mạch kép Vân Phong - Bình Định.

c) Phương án phát triển lưới điện 220kV:

Trạm nguồn 220kV: Xây dựng mới trạm biến áp 220kV Nhơn Hội và trạm biến áp 220kV Gang thép Long Sơn.

Xây dựng mới các tuyến đường dây 220 kV Quảng Ngãi - Phước An, Pleiku 2 - Phước An, đường dây mạch kép Tuy Hòa - Phước An, Phước An - Nhơn Hội, Bình Định 500kV - Nhơn Hội, Trạm biến áp Phù Mỹ và các trạm biến áp khác phục vụ các dự án quy mô lớn; đường dây 4 mạch Bình Định 500kV - Rẽ Phước An - Phù Mỹ, đường dây 4 mạch Bình Định 500kV - Rẽ An Khê - Phước An và Pleiku 2 - Quy Nhơn, tuyến đấu nối chuyển tiếp thêm 1 mạch đường dây Phù Mỹ - Rẽ Phước An - Quảng Ngãi.

Nâng khả năng tải đường dây 220 kV Tuy Hòa - Quy Nhơn.

d) Phương án phát triển lưới điện 110kV:

Hoàn thiện kết cấu lưới điện 110kV đảm bảo các trạm nguồn 110kV được cấp điện từ ít nhất từ 2 tuyến 110kV.

e) Phương án phát triển lưới trung thế:

Dần dần xóa bỏ trạm biến áp trung gian, thay thế bằng các trạm 110kV hoặc xuất các tuyến trung áp mới. Các tuyến trung áp vận hành theo đúng chỉ tiêu kỹ thuật đề ra, không có tuyến trung áp nào có tổn thất điện áp >5%.

3.3. Hạ tầng thông tin và truyền thông:

Phát triển hạ tầng số toàn diện bao gồm hạ tầng băng rộng và các nền tảng như IoT, AI, Big Data, an ninh mạng, định danh số và thanh toán điện tử. Trong đó, hạ tầng di động băng rộng 5G và hạ tầng băng rộng cố định sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của Bình Định.

Xây dựng và triển khai nền tảng điều hành, tác nghiệp đến 100% các cơ quan chính quyền các cấp, kết nối với nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh, đảm bảo kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị. Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh đảm bảo tích hợp, kết nối, liên thông 100% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài. Xây dựng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp của tỉnh nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính quyền số, hướng tới việc hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh.

Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh theo hướng sử dụng nền tảng điện toán đám mây, kết nối với nền tảng điện toán đám mây; đồng thời phát triển hạ tầng phục vụ lưu trữ, tính toán và dự phòng, đảm bảo năng lực phục vụ 24/7 cho các ứng dụng dùng chung của Chính quyền số, đô thị thông minh; nâng cao năng lực an toàn, an ninh thông tin; các máy tính tính toán hiệu năng cao để xây dựng các hệ thống lớn như: tính toán song song, trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối (Blockchain)...

Xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh trên cơ sở vừa cung cấp dữ liệu phục vụ công tác điều hành, quản lý và khai thác trực tiếp để xây dựng các ứng dụng mới, bảo đảm an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả các tài liệu lưu trữ điện tử của tỉnh hình thành trong quá trình chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Xây dựng 3 đô thị thông minh gồm: thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn theo hướng đô thị thông minh, với các dịch vụ đô thị thông minh phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế và gắn liền với hệ thống chính quyền số.

Xây dựng Trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh (IOC), quản lý và xử lý tập trung, đa nhiệm để kết nối và phân tích dữ liệu liên ngành, thiết bị đầu cuối IoT (camera, cảm biến…) cho phép theo dõi các chỉ số kinh tế - xã hội trực quan trên màn hình, đưa ra các cảnh báo sớm để hỗ trợ ra quyết định, phục vụ chỉ đạo, điều hành kịp thời (có kế thừa hạ tầng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng hiện có).

Ưu tiên triển khai chuyển đổi số và dịch vụ đô thị thông minh trước tại một số ngành, lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, du lịch, giáo dục, y tế.

3.4. Hạ tầng thủy lợi, cấp thoát nước:

Xây dựng hệ thống chuyển nước Lại Giang - Bắc Phù Mỹ để tạo nguồn cấp nước cho các xã phía Bắc huyện Phù Mỹ; nâng cấp dung tích hồ Định Bình thêm 150 triệu m3 để tăng khả năng cấp nước và phòng lũ; xây dựng hệ thống chuyển nước từ hồ Định Bình sang kênh tưới Thượng Sơn; xây dựng hệ thống chuyển nước từ lưu vực sông Kôn sang lưu vực sông La Tinh; nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy lợi Tân An - Đập Đá và tràn Dương Thiện để tăng cường khả năng thoát lũ; nâng cấp hồ Núi Một tăng thêm dung tích 40 triệu m3 để tăng khả năng cấp nước và phòng lũ.

Xây dựng các dự án cấp nước liên vùng, ưu tiên sử dụng nước mặt từ các hồ lớn như hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh), đập dâng Văn Phong (Tây Sơn), hồ Núi Một (An Nhơn), hồ Hội Sơn (Phù Cát), hồ Đồng Mít (An Lão).

Giải quyết cơ bản nhu cầu nước sinh hoạt vào mùa khô cho các xã vùng cao như xã Canh Liên thuộc huyện Vân Canh, xã Vĩnh Hòa thuộc huyện Vĩnh Thạnh, xã An Quang, An Vinh thuộc huyện An Lão.

Đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Tập trung triển khai đầu tư xây dựng mới 19 công trình với tổng công suất khoảng 114.160 m3/ngày.đêm, cấp nước cho khoảng 444.500 người. Nâng cấp 18 công trình với tổng công suất khoảng 56.210 m3/ngày.đêm, cấp nước cho khoảng 373.740 người.

Đầu tư các dự án cấp nước đô thị: Nâng công suất Nhà máy nước Quy Nhơn giai đoạn 2 từ 30.000m3/ngày lên 60.000 m3/ngày đêm. Xây dựng mới Nhà máy nước hồ Núi Một công suất 20.000m3/ngày đêm để cấp nước cho các đô thị và KCN phía Nam Thị xã An Nhơn. Xây dựng mới Nhà máy cấp nước KKT Nhơn Hội công suất giai đoạn 1 đến 2025 10.000m3/ngày đêm, giai đoạn 2 đến 2030 25.000m3/ngày đêm và giai đoạn 3 sau 2030 50.000m3/ngày đêm.

3.5. Hạ tầng công nghiệp, dịch vụ:

- Hạ tầng công nghiệp: Đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tăng tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp. Hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng các Khu công nghiệp Nhơn Hòa (giai đoạn 2), Long Mỹ (giai đoạn 2), các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nhơn Hội; đưa vào hoạt động và mở rộng Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định; hình thành vành đai công nghiệp Vân Canh - An Nhơn - Phù Cát, phát triển khu công nghiệp điện tử, bán dẫn Hoà Hội và khu công nghiệp Cát Trinh gắn với đô thị sân bay Phù Cát; đầu tư xây dựng khu công nghiệp Bình Nghi, Tây Giang (Tây Sơn), Bồng Sơn (Hoài Nhơn), một số khu công nghiệp trên địa bàn các địa phương, mở rộng các khu công nghiệp hiện có khi có điều kiện. Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, thiết kế các khu chức năng linh hoạt để có thể tăng cơ hội chia sẻ nguồn lực trong khu công nghiệp, nâng tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp còn thấp hiện nay.

Tập trung thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật phát triển 67 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.110 ha; giai đoạn triển khai đầu tư xây dựng đến năm 2030. Tiếp tục đầu tư nâng cấp, tu sửa hạ tầng kỹ thuật bên ngoài để kết nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, ưu tiên đầu tư các tuyến đường vào cụm công nghiệp; triển khai Đề án Bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025, trong đó ưu tiên bố trí khoảng 50% diện tích phục vụ chế biến nông, lâm, thủy, hải sản trong cụm công nghiệp; hoàn thành di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp Quang Trung và cụm công nghiệp Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn; cụm công nghiệp Gò Đá Trắng, thị xã An Nhơn. Chuyển đổi ngành nghề đối với cụm công nghiệp Bình Định, thị xã An Nhơn theo hướng công nghiệp sạch và thương mại dịch vụ.

- Hạ tầng Du lịch: Đầu tư phát triển du lịch Bình Định cần tập trung vào các địa bàn trọng điểm trong các không gian thuận lợi phát triển du lịch của Bình Định, cụ thể: Thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận với trọng tâm là Ghềnh Ráng đến Mũi Tấn, khu vực dọc tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu; Khu du lịch quốc gia Phương Mai - Núi Bà kết nối với đầm thị Nại; Khu vực Tây Sơn và phụ cận; Khu vực Hoài Nhơn và phụ cận; Các khu, điểm du lịch có ý nghĩa vùng đã được xác định trong tổ chức không gian du lịch Bình Định. Việc đầu tư cho du lịch cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững, chú trọng tới việc bảo vệ, bảo tồn tài nguyên và thiên nhiên.

- Hạ tầng thương mại, logistics:

Thương mại:

Đẩy mạnh phát triển mới các loại hình siêu thị, trung tâm thương mại tại các đô thị gắn với phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Từng bước thay thế các cơ sở bán lẻ truyền thống tại tất cả các đô thị quy mô loại III trở lên.

Đến năm 2030, đầu tư xây dựng 22 trung tâm thương mại, siêu thị trong đó chủ yếu là siêu thị hạng II và hạng III. Các trung tâm thương mại, siêu thị chủ yếu tập trung tại thành phố Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước. Hình hành tối thiểu tại mỗi huyện 1 trung tâm thương mại và 1 siêu thị hạng III. Phát triển trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp chất lượng cao tại trung tâm khu đô thị mới Nhơn Hội, quy mô khoảng 20 ha.

Đối với chợ hạng I, nâng cấp, cải tạo các chợ: chợ Phú Phong (huyện Tây Sơn), chợ Đập Đá (thị xã An Nhơn), chợ Phù Cát (huyện Phù Cát), chợ Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn), chợ Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn). Đối với các chợ hạng II và hạng III, đầu tư xây mới khoảng 20 chợ, đồng thời tập trung nâng cấp hệ thống chợ hiện có, bao gồm cả nâng cấp hạng chợ và tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật chợ đảm bảo các điều kiện môi trường, nâng cao trình độ văn minh thương mại. Xây dựng chợ đầu mối quy mô 4ha tại huyện Tây Sơn; xây dựng chợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn.

Logistics:

Xây dựng trung tâm logistics hạng II (cấp vùng) tại khu vực thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, phục vụ phát triển hành lang kinh tế Quốc lộ 19, kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch trên hành lang kinh tế Đông - Tây gồm Quốc lộ 19, Quốc lộ 19B và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, gắn kết Bình Định với các tỉnh Tây Nguyên và các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Phát triển công nghiệp, đô thị, logistics dọc các tuyến cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Hình thành cụm logistics số 1-cụm logistics cầu Gành tại Phước Lộc, huyện Tuy Phước phục vụ phát triển khu vực cảng Quy Nhơn và khu kinh tế Nhơn Hội; kết nối với các trục giao thông Bắc - Nam (Quốc lộ 1), trục Đông - Tây (Quốc lộ 19), đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo quy hoạch; tại đây xây dựng hệ thống kho bãi, dịch vụ hậu cần với trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu giao nhận, trung chuyển hàng hóa với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu trong và ngoài tỉnh.

Hình thành cụm logistics số 2 (cụm phía Tây Nam tỉnh) tại phía tây cầu Nhị Hà, thuộc xã Canh Vinh, huyện Vân Canh phục vụ phát triển công nghiệp phía Tây Nam dọc trục Quốc lộ 19C; kết nối với cụm cảng Quy Nhơn qua ĐT.638, gần nút giao tuyến cao tốc Bắc Nam và các tuyến đường huyện kết nối khu vực cụm logistics với tuyến đường Quốc lộ 19C, kết nối về phía thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn qua Quốc lộ 19.

Xây dựng trung tâm logistics Cát Tân (Phù Cát) tại khu vực giao Quốc lộ 1 và Quốc lộ 19B; phục vụ phát triển công nghiệp dọc trục Quốc lộ 1 và logistics hàng không; kết nối với trục giao thông Bắc - Nam (Quốc lộ 1), trục Đông - Tây (Quốc lộ 19B) và cảng hàng không Phù Cát…

3.6. Hạ tầng xã hội:

a) Hạ tầng y tế:

Xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật y tế tỉnh Bình Định từ tỉnh đến cơ sở đồng bộ, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, bền vững, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, theo hướng phát triển cân đối, hài hòa giữa công tác khám bệnh, chữa bệnh với y tế dự phòng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của từng địa phương trong tỉnh. Tiếp tục thực hiện việc nâng cấp nâng cấp, mở rộng, hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở y tế. Tăng số giường bệnh cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình nhằm đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của người dân.

Khuyến khích đầu tư phát triển y tế ngoài công lập đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân; ưu tiên tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các bệnh viện ngoài công lập (đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa như mắt, sản nhi, ung bướu…) bố trí tại các vùng đô thị, khu công nghiệp - dịch vụ, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện mở các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và các dịch vụ y tế ngoài công lập, đặc biệt là tại các vùng khó khăn nơi không có điều kiện để xây dựng các bệnh viện hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ y tế quy mô lớn.

b) Hạ tầng an sinh xã hội:

Huy động tối đa các nguồn lực để tập trung xây dựng, nâng cấp đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng an sinh xã hội trong tỉnh theo hướng hiện đại. Đặc biệt, chú trọng đầu tư nâng cấp và xây mới các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở vui chơi giải trí công cộng với chất lượng cung cấp dịch vụ ngày càng cao. Nghiên cứu quy hoạch

Viện dưỡng lão để nuôi dưỡng người già neo đơn theo hướng xã hội hóa có thu phí phục vụ ở các trung tâm đô thị.

Tiếp tục xây dựng và mở rộng mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng có cả dịch vụ có thu phí đối với người cao tuổi, khuyết tật, người tâm thần có nhu cầu vào cơ sở trợ giúp xã hội để được chăm sóc, nuôi dưỡng. Tiếp tục rà soát, sắp xếp và đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở trợ giúp xã hội hiện có; đồng thời ưu tiên và khuyến khích nâng cấp một số cơ sở trợ giúp xã hội cả công lập và ngoài công lập nhằm đảm bảo đầy đủ điều kiện chăm sóc, trợ giúp cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp.

c) Hạ tầng giáo dục và đào tạo:

Phát triển mạng lưới trường, lớp học và cơ sở vật chất các cấp từ mầm non đến đại học theo hướng hiện đại và an toàn, thuận lợi cho việc dạy và học phù hợp với điều kiện của từng địa phương trong tỉnh. Phát triển hệ thống hạ tầng giáo dục và đào tạo các cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh và đầu tư, nâng cấp mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục các cấp theo hướng hiện đại, phù hợp hơn. Xây dựng và đảm bảo hạ tầng giáo dục và đào tạo hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục hiện đại. Triển khai có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và đảm bảo quỹ đất phục vụ việc mở rộng, xây mới hạ tầng giáo dục các cấp học trong tỉnh. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ hiện đại cho Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn để nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đạt mục tiêu Trường thuộc nhóm 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Đầu tư xây dựng trường THPT trọng điểm của tỉnh.

d) Hạ tầng khoa học và công nghệ:

Tiếp tục đầu tư nâng cấp các thiết chế khoa học và công nghệ đã và đang hoạt động hiệu quả của tỉnh như: Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo, Trung tâm Phân tích và đo lường chất lượng, Trung tâm Thông tin ứng dụng Khoa học và công nghệ, Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Quan trắc môi trường,...

Hoàn thiện, phát triển các tổ chức đào tạo khoa học và công nghệ thông qua mở rộng, nâng cao năng lực cho Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Quang Trung, phân hiệu Đại học FPT tại Quy Nhơn.

Tăng cường triển khai để hoàn thành đề án phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hoà; thành lập vườn ươm các công ty khởi nghiệp AI; nâng cấp Trung tâm đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ, thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.

Hoàn thành và đưa vào hoạt động Dự án Tổ hợp giáo dục - trí tuệ nhân tạo và đô thị FPT và Dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ; xúc tiến dự án thành lập trung tâm nghiên cứu độc học môi trường và phân tích rủi ro sinh thái tại Quy Nhơn

e) Hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch:

Sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục công trình thể dục thể thao đã xuống cấp. Xây dựng thêm các sân bóng đá để đảm bảo đạt trên 80% xã, phường, thị trấn có sân bóng vào năm 2030 và khoảng 40% huyện, thị xã, thành phố có sân điền kinh đúng tiêu chuẩn để có thể tổ chức các cuộc thi đấu theo quy mô cấp huyện.

Đầu tư xây dựng Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh đáp ứng yêu cầu tập luyện và thi đấu các môn thể thao.

Tiếp tục phát huy tối đa và bền vững các bãi biển. Phát triển các đô thị biển, các “tiểu thị trấn ven biển” là các tổ hợp dân cư - dịch vụ ven biển từ bán đảo Phương Mai đến bãi biển Phù Cát và dọc theo tuyến ven biển của tỉnh. Quy hoạch, đầu tư một số sân golf tại địa bàn huyện, thị xã trong tỉnh; phát huy khu vực rừng chưa được khai thác ở Vĩnh Thạnh và An Lão bằng cách thành lập trung tâm thể thao mạo hiểm với các hoạt động như chạy bộ trong rừng, leo núi, đi bộ dã ngoại. Đầu tư xây dựng tại vùng cao phía Tây Bắc tỉnh các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe cao cấp. Phát triển tuyến đường du lịch kết nối thành phố Quy Nhơn và huyện Tây Sơn và các chương trình biểu diễn quy mô lớn trong không gian mở. Phát triển các tuyến, khu, điểm du lịch mới trên địa bàn tỉnh.

Đầu tư tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, nhất là các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh. Đầu tư xây dựng Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định. Chú trọng việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch sinh thái miền núi trong tỉnh.

3.7. Hạ tầng xử lý chất thải, nước thải:

Đầu tư xây dựng, nâng cấp các khu xử lý chất thải rắn cấp vùng: Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, thành phố Quy Nhơn công suất 800 tấn/ngày, quy mô khoảng 61 ha; Khu xử lý chất thải rắn xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát công suất 1.500 tấn/ngày, quy mô khoảng 30 - 70 ha; Khu xử lý chất thải rắn đô thị Hoài Nhơn công suất: 400 tấn/ngày, quy mô khoảng 15-20 ha và các khu xử lý chất thải cấp địa phương. Phân định phạm vi phục vụ cho từng điểm quy hoạch; lựa chọn quy mô sử dụng đất cho phù hợp với công nghệ sử dụng; gắn quy hoạch quản lý và xử lý chất thải với quy hoạch tổng thể về kinh tế- xã hội của tỉnh. Thu gom và quản lý tối đa lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trong thành phố và tại các ngành công nghiệp và làng nghề đúng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Cải thiện điều kiện vệ sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí) do chất thải rắn gây ra, nâng cao sức khoẻ cho người dân. Xây dựng hệ thống thoát nước và thu gom, xử lý nước thải tập trung, đặc biệt tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các bệnh viện, trạm y tế. Tạo môi trường xanh, sạch, đẹp góp phần thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước cho tỉnh. Góp phần hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan các khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của tỉnh đến năm 2030.

II. PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN LÃNH THỔ

1. Phân bố phát triển không gian công nghiệp:

Không gian công nghiệp toàn tỉnh được phân bố theo 03 vùng chính như sau:

- Vùng dọc tuyến Quốc lộ 19 và thành phố Quy Nhơn bao gồm thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, đô thị Tây Sơn và huyện Tuy Phước: Phát triển mạnh các ngành, sản phẩm công nghiệp gồm: công nghiệp chế biến đồ gỗ, chế biến đá, thức ăn chăn nuôi, nhựa, công nghiệp sản xuất và lắp ráp điện, điện tử, dệt may, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp hỗ trợ.

- Vùng đồng bằng ven biển và ven Quốc lộ 1 bao gồm Hoài Nhơn, Phù Mỹ và Phù Cát: Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: chế biến thủy sản, chế biến khoáng sản; chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng (sản phẩm gạch ngói, bêtông, đá granite…), sản phẩm nhựa, may mặc; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất và lắp ráp điện, điện tử gắn với phát triển vùng sân bay Phù Cát; tập trung đầu tư xây dựng và khai thác có hiệu quả trung tâm khai thác, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá tại Vĩnh Lợi (Phù Mỹ). Hoàn thành xây dựng các cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) và Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn). Phát triển điện gió ngoài khơi vùng ven biển các huyện, thị xã và thành phố. Xây dựng khu liên hợp gang thép gắn với cảng biển tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.

- Vùng trung du miền núi bao gồm 4 huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh và Vân Canh: Tiếp tục hình thành và phát triển các vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp tập trung, lâm nghiệp, vùng nguyên liệu giấy, gỗ, lâm đặc sản, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Ngoài ra, hình thành, phát triển vành đai công nghiệp từ khu vực Canh Vinh, Canh Hiển (Vân Canh) đi An Nhơn, Phù Cát gắn kết với vùng phía Tây các huyện theo tuyến đường phía Tây tỉnh.

2. Phân bố không gian phát triển dịch vụ:

a) Không gian các hoạt động thương mại, logistics:

- Hành lang thương mại Bắc - Nam: Theo tuyến Quốc lộ 1 là trục phát triển kinh tế quan trọng kết nối Bình Định với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và hệ thống đô thị cả nước chung. Theo tuyến Quốc lộ 1D là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, kết nối Bình Định với Phú Yên.

- Hành lang thương mại Đông - Tây: Theo tuyến Quốc lộ 19 là trục động lực chính, quan trọng phát triển thương mại, logsitics của toàn vùng. Đây là tuyến giao thông tạo ra sự kết nối mạnh mẽ, thông suốt giữa tỉnh Bình Định và các khu vực phía Tây. Tuyến Quốc lộ 19B là trục hỗ trợ kết nối Khu kinh tế Nhơn Hội với các đô thị phía Tây của tỉnh. Tuyến Quốc lộ 19C là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Tây Nam của tỉnh Bình Định, kết nối với Phú Yên. Tuyến Quốc lộ 19 mới là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, kết nối Quốc lộ 1 với cảng Quy Nhơn. Trọng tâm là phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, cảng cạn.

- Hành lang thương mại ven biển theo tuyến đường tỉnh ĐT.639: Là trục phát triển phía Đông của tỉnh kéo dài từ Tam Quan đến hết Bình Định đi Phú Yên. Trọng tâm phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ du lịch, công nghiệp, đô thị.

b) Không gian phát triển du lịch:

- Phát triển các tuyến du lịch quốc tế kết nối Quy Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung với các nước ASEAN thông qua các tuyến giao thông đường bộ kết nối Đông - Tây và cảng Quy Nhơn. Đặc biệt nâng cấp cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế mở ra cơ hội kết nối du lịch Quy Nhơn với các nước trên thế giới. Xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, kết nối các không gian du lịch của tỉnh Bình Định với các tỉnh. Phát triển các không gian du lịch của tỉnh: tuyến du lịch nghỉ dưỡng cao cấp dọc ven biển; tuyến du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch cộng đồng khu vực phía Tây và Tây Bắc; tuyến du lịch văn hóa - lịch sử với các di tích văn hóa - lịch sử, văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

- Hình thành các điểm, khu du lịch gắn với tài nguyên thiên nhiên: Ghềnh Ráng (Quy Nhơn), đầm Thị Nại (Quy Nhơn), đầm Trà Ổ (Phù Mỹ), đầm Đề Gi (Phù Cát), Hầm Hô (Tây Sơn), hồ Núi Một (An Nhơn, Vân Canh)...

- Phát triển các khu du lịch gắn với tài nguyên văn hóa: Thành Đồ Bàn, hệ thống các tháp Chăm (Tháp Bánh Ít, tháp Đôi, tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long, tháp Phú Lốc, tháp Thủ Thiện, tháp Bình Lâm), hệ thống chùa (Long Khánh, Phổ Quang, Thập Tháp, Linh Phong, Khu thiền viện Cát Tiến…), các di tích lịch sử - văn hóa khác phục vụ tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu.

3. Phân bố không gian phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản:

- Vùng phát triển trồng trọt: Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Vùng đồng bằng, vùng trũng: tập trung phát triển các vùng chuyên canh sản xuất rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, hình thành các vùng sản xuất rau sạch, canh tác lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ nhu cầu cho người dân ở các khu đô thị trên địa bàn tỉnh và khách du lịch. Các vùng địa hình tương đối bằng phẳng, có thể chủ động trong việc tưới tiêu, diện tích canh tác lớn: bố trí luân canh với một số cây trồng cạn khác để nâng cao giá trị sử dụng đất. Vùng tương đối bằng phẳng nhưng có độ chênh cao, hạn chế trong tưới tiêu, phân bổ chủ yếu ở các xã trung du miền núi: định hướng chuyển toàn bộ sang trồng cây trồng cạn khác phù hợp theo từng địa phương.

- Vùng phát triển chăn nuôi: Vùng đồng bằng: tập trung phát triển các dự án chăn nuôi công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến. Vùng trung du, miền núi: Phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, ưu tiên trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Vùng đô thị: Di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư tập trung xây dựng nhà ở liền kề - khu vực không được phép chăn nuôi.

- Vùng phát triển thủy sản: Phát triển vùng chuyên canh thủy sản ở các địa phương ven biển, chạy theo trục QL1A và đường ven biển. Vùng chế biến thủy sản tập trung tại thành phố Quy Nhơn và thị xã Hoài Nhơn. Vùng đấu giá cá ngừ đại dương khu vực Đông Nam Á tại Hoài Nhơn. Xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nuôi tôm) tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Vùng chuyên sản xuất giống tập trung tại Phù Mỹ. Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tại Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn), Đề Gi (huyện Phù Cát). Di dời cảng cá Quy Nhơn ra Vĩnh Lợi, Mỹ Thành, Phù Mỹ.

- Vùng phát triển lâm nghiệp: Bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng của các huyện phía Tây tỉnh; bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ và rừng ngập mặn, ven biển.

4. Phương án phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp

a) Về phát triển hạ tầng khu công nghiệp:

Đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tăng tỷ lệ lấp đầy trong khu công nghiệp. Hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng 07 khu công nghiệp đã có trong danh mục Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam gồm: Khu công nghiệp Nhơn Hòa, Bình Nghi, Hoà Hội, Cát Trinh, Long Mỹ, Phú Tài và các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nhơn Hội. Tiếp tục chuyển đổi đất công nghiệp trong Khu kinh tế Nhơn Hội sang đất đô thị, dịch vụ; tập trung hoàn thành xây dựng đưa vào hoạt động Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định; hình thành vành đai công nghiệp Vân Canh - An Nhơn - Phù Cát, phát triển khu công nghiệp điện tử, bán dẫn Hoà Hội và khu công nghiệp Cát Trinh gắn với đô thị sân bay Phù Cát; đầu tư xây dựng mới các khu công nghiệp Bồng Sơn (Hoài Nhơn), Tây Giang (Tây Sơn) và tại các địa phương có điều kiện phù hợp.

b) Về phát triển hạ tầng cụm công nghiệp:

Định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 67 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.110 ha phân bổ trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố. Tiếp tục đầu tư nâng cấp, tu sửa hạ tầng kỹ thuật bên ngoài để kết nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, ưu tiên đầu tư các tuyến đường vào cụm công nghiệp; triển khai Đề án Bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên bố trí khoảng 50% diện tích phục vụ chế biến nông, lâm, thủy, hải sản trong cụm công nghiệp; hoàn thành di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong Cụm công nghiệp Quang Trung và Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn. Chuyển đổi ngành nghề đối với Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng và Cụm công nghiệp Bình Định (thị xã An Nhơn) theo hướng công nghiệp sạch và thương mại dịch vụ; phát triển các cụm công nghiệp mới tại các địa phương khi có điều kiện.

5. Phương án phát triển vùng liên huyện:

Tỉnh Bình Định được chia làm 02 vùng liên huyện chính: Vùng liên huyện Bắc, vùng liên huyện Nam với định hướng cụ thể:

- Vùng liên huyện Bắc gồm 04 đơn vị hành chính: Thị xã Hoài Nhơn, huyện An Lão, huyện Hoài Ân, huyện Phù Mỹ. Định hướng xây dựng tiểu vùng chế biến thủy sản áp dụng công nghệ cao, vùng phát triển nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. Lấy Đô Thị Hoài Nhơn là trung tâm của vùng liên huyện, tổ chức các trung tâm dịch vụ công cộng tại Hoài Nhơn. Quy hoạch không gian kinh tế xoay quanh hạt nhân là đô thị Hoài Nhơn.

- Vùng liên huyện Nam gồm các đơn vị hành chính: Thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Vân Canh, huyện Phù Cát, huyện Tây Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định, là vùng động lực chính của Tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế cho toàn tỉnh.

6. Phương án phát triển khu vực kinh tế trọng điểm và các trục hành lang động lực phát triển:

a) Khu vực kinh tế trọng điểm (vùng động lực):

Khu vực kinh tế trọng điểm bao gồm thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận, thị xã An Nhơn; tiếp tục đảm nhận vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định; là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng Nam Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; là đầu mối giao thông thủy, bộ quan trọng của vùng Nam Trung Bộ, là cửa ngõ ra biển Đông của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan; là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

b) Các hành lang động lực giao lưu phát triển, liên kết vùng và không gian kinh tế - xã hội tỉnh:

- Tuyến Quốc lộ 19: Là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng. Đây là tuyến giao thông tạo ra sự kết nối mạnh mẽ, thông suốt giữa tỉnh Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên với cửa ngõ ra biển là cảng Quy Nhơn. Quốc lộ 19 hỗ trợ phát triển kinh tế phía Đông Nam và Tây Nam tỉnh Bình Định mà trọng tâm là phát triển công nghiệp gắn với Khu kinh tế Nhơn Hội, các Khu công nghiệp Nhơn Hòa, Bình Nghi và hàng loạt các cụm công nghiệp dọc trục. Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn.

- Tuyến Quốc lộ 1: Là trục phát triển kinh tế quan trọng kết nối Bình Định với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và hệ thống đô thị cả nước chung. Dọc tuyến tập trung phát triển hệ thống thương mại dịch vụ lớn, công nghiệp (Khu công nghiệp Phú Tài, Khu công nghiệp Long Mỹ), dịch vụ hàng không gắn với sân bay Phù Cát, dịch vụ logistics tại Phước Lộc, Tuy Phước và dịch vụ đường sắt gắn với ga tổng hợp Diêu Trì. Ngoài ra, Quốc lộ 1 có vai trò là trung điểm gắn kết các giữa vùng kinh tế phía Đông và phía Tây của Tỉnh. Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và các thị trấn Ngô Mây, Phù Mỹ, Bình Dương, Phước Lộc, Diêu Trì.

- Tuyến Quốc lộ 19B: Là trục hỗ trợ kết nối Khu kinh tế Nhơn Hội với các đô thị phía Tây của tỉnh. Phục vụ phát triển kinh tế công nghiệp, đô thị, du lịch. Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thành phố Quy Nhơn, thị trấn Cát Tiến, huyện Tây Sơn.

- Tuyến Quốc lộ 19C: Là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Tây Nam của tỉnh Bình Định, kết nối với Phú Yên; phục vụ phát triển Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định và các khu logistics dọc tuyến. Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thị trấn Diêu Trì, Vân Canh và Canh Vinh.

- Tuyến Quốc lộ 1D: Là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, kết nối Bình Định với Phú Yên. Đây là tuyến trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh Bình Định gắn với các khu vực Xuân Vân - Ghềnh Ráng, bãi tắm Hoàng Hậu, các bãi biển, khu du lịch trong chuỗi liên kết Quy Nhơn - Sông Cầu và dải du lịch miền Trung. Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thành phố Quy Nhơn.

- Tuyến đường tỉnh ĐT.638: Là trục hỗ trợ thúc đẩy phát triển vùng phía Tây của tỉnh Bình Định, kết nối Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định đến Cảng Quy Nhơn, tuyến đường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.

- Tuyến đường tỉnh ĐT.629, ĐT.630: Là trục hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng phía Tây Bắc của tỉnh Bình Định và làm tăng tính liên kết giữa chuỗi đô thị ven biển với các huyện miền núi. Hỗ trợ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, công nghiệp gắn với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp và các vùng chuyên canh nông lâm nghiệp tại các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh. Mặt khác, gắn kết khu bảo tồn của tỉnh Bình Định với khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tạo ra cơ hội liên kết đẩy mạnh phát triển du lịch của hai tỉnh. Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thị xã Hoài Nhơn và các thị trấn An Lão, An Hòa, Tăng Bạt Hổ, Ân Tường Tây.

7. Phương án phát triển vùng khó khăn:

Khu vực khó khăn có 30 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 5 huyện Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân và An Lão:

- Về phát triển kinh tế:

Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, tiếp tục hình thành và phát triển vùng chuyên canh với quy mô hợp lý.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, phát triển lĩnh vực ngành nghề thủ công mỹ nghệ; thu hút đầu tư lấp đầy diện tích đất công nghiệp các cụm công nghiệp hiện có, bổ sung vào quy hoạch cụm công nghiệp mới ở huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh

Tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển du lịch cộng đồng với các sản phẩm, dịch vụ: homestay, ẩm thực, tour tham quan bản làng, trải nghiệm một ngày làm người Bana/H’rê, hoạt động du lịch sinh thái núi rừng, du lịch giáo dục và tình nguyện

Thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân sản xuất. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về rừng, đất rừng bảo đảm các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều có đất, có rừng sản xuất.

- Về phát triển văn hóa - xã hội: Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu:

Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, các thôn, làng đặc biệt khó khăn, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là chú trọng cứng hóa 100% đường đến trung tâm xã và đường trục thôn, làng, công trình thủy lợi, ngầm tràn, đường tránh lũ, cầu qua suối, một số hồ, đập tại các vùng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt; các hồ, đập chưa đảm bảo an toàn, hệ thống chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa.

Đầu tư, nâng cấp các hệ thống điện tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, vận hành ổn định, đáp ứng nhu cầu 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Xây dựng hạ tầng viễn thông làm nền tảng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Đảm bảo 100% các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh có sóng thông tin di động chất lượng tốt nhất.

8. Phương án phát triển hệ thống đô thị, hệ thống nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới:

a) Phương án phát triển hệ thống đô thị:

- Đến năm 2025, toàn tỉnh Bình Định sẽ có 22 đô thị, gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Quy Nhơn), 02 đô thị loại III (thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn), 01 đô thị loại IV (huyện Tây Sơn), 18 đô thị loại V (TT. Vĩnh Thạnh, TT. Vân Canh, TT. An Lão, TT. Tăng Bạt Hổ, TT. Phù Mỹ, TT. Bình Dương, TT. Tuy Phước, TT. Diêu Trì, TT. Ngô Mây, TT. Cát Tiến, xã Mỹ Chánh, xã Phước Lộc, xã Phước Hòa, xã Phước Sơn, xã An Hòa, xã Cát Khánh, xã Canh Vinh, xã Mỹ Thành). Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đạt khoảng 56,2%.

- Đến năm 2030, toàn tỉnh Bình Định sẽ có 21 đô thị, gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Quy Nhơn), 02 đô thị loại III (thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn), 02 đô thị loại IV (huyện Tây Sơn, huyện Tuy Phước), 16 đô thị loại V (TT. Vĩnh Thạnh, TT. Vân Canh, TT. An Lão, TT. Tăng Bạt Hổ, TT. Phù Mỹ, TT. Bình Dương, TT. Ngô Mây, TT. Cát Tiến, xã Mỹ Chánh, xã An Hòa, xã Cát Khánh, xã Canh Vinh, xã Mỹ Thành, xã Mỹ An, xã Cát Hanh, xã Ân Tường Tây). Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đạt trên 61,8%.

- Quy hoạch, xây dựng đô thị sân bay Phù Cát nhằm khai thác triệt để lợi thế của sân bay Phù Cát sau khi được đầu tư nâng cấp, gắn với thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp điện, điện tử và công nghiệp nhẹ.

- Phát triển, mở rộng thành phố Quy Nhơn về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu Kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông xung quanh đầm Thị Nại để phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

b) Phương án quy hoạch hệ thống nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới:

Phát triển hệ thống điểm dân cư nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn với 03 mô hình phát triển chính: mô hình dân cư vùng nông nghiệp; mô hình dân cư vùng nông, lâm nghiệp; mô hình dân cư vùng ven biển.

III. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC; KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN; PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1. Phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học:

a) Phương án phân vùng bảo vệ môi trường:

Phân vùng môi trường tỉnh Bình Định theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác như sau:

- Vùng bảo vệ nghiêm ngặt: Thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn; các trạm cấp trước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; các Khu bảo tồn thiên nhiên; Khu vực bảo vệ 1 của di tích lịch sử - văn hóa; vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt tại các khu bảo tồn; hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; Khu dân cư tập trung nông thôn; nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V.

- Vùng hạn chế phát thải: Vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt; các khu vui chơi giải trí dưới nước; các khu vực khai thác khoáng sản; khu vực bố trí cơ sở xử lý chất thải; khu vực đất nguy hiểm, không ổn định; các khu vực tiềm ẩn nguy cơ tai biến thiên nhiên; khu vực nhạy cảm sinh thái trong hành lang bảo vệ nguồn nước.

- Vùng khác: Các khu vực còn lại trên địa bàn quản lý của tỉnh Bình Định.

b) Phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học:

Quy hoạch hành lang đa dạng sinh học (ĐDSH) gồm lang ĐDSH kết nối Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn với Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; hành lang ĐDSH kết nối Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (Bình Định) với Khu bảo tồn thiên nhiên Tây huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).

Xác lập và khoanh vùng bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái chính của tỉnh Bình Định gồm 47.420ha được phân bố ở các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân canh. Ngoài Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn, An Lão (diện tích là 22.450ha), cần bảo vệ và phát triển diện tích 23.232,69 ha rừng tự nhiên phòng hộ sang quy hoạch rừng đặc dụng trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh và bảo tồn diện tích rừng tự nhiên không thuộc khu bảo tồn phân bố rải rác ở các huyện phía Tây của tỉnh.

Xác lập và khoanh vùng bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên ven biển (đầm Đề Gi, đầm Thị Nại và đầm Trà Ổ); Xác lập và khoanh vùng bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên thủy vực nội địa; hệ sinh thái cồn cát ven biển.

Điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ, vùng lộng của tỉnh. Đến năm 2030 hoàn thành việc triển khai thực hiện đề án Thành lập Khu bảo tồn biển Vịnh Quy Nhơn và một số khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển tỉnh Bình Định.

Rà soát, xây dựng mô hình đồng quản lý theo Luật Thủy sản năm 2017 cho 3 mô hình đồng quản lý tại đầm Trà Ổ huyện Phù Mỹ, đầm Đề Gi huyện Phù Cát và đầm Thị Nại huyện Tuy Phước.

Điều tra, đánh giá, xây dựng phương án bảo vệ và quản lý các bãi đẻ rùa biển trên địa bàn tỉnh.

Thành lập Khu Dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại; thành lập Vườn quốc gia An Toàn.

c) Phương án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường:

Đến năm 2030 tỉnh có 200 điểm quan trắc môi trường; 06 trạm quan trắc tự động (02 trạm quan trắc không khí tại thị xã Hoài Nhơn và huyện Tuy phước; 01 trạm quan trắc nước dưới đất tại Tây Sơn, 01 trạm quan trắc nước biển ven bờ tại thành phố Quy nhơn; 02 trạm quan trắc nước mặt tại thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước).

d) Phương án ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường:

Rà soát và xây dựng các phương án xử lý các điểm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, tập trung vào những vấn đề môi trường bức xúc như: hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, làng nghề; xử lý ô nhiễm do chăn nuôi, hỗ trợ phát triển các mô hình chăn nuôi ít ô nhiễm tại địa phương; rà soát, xử lý các cơ sở có phát sinh nước thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Nâng cấp hoàn thiện hệ thống nước thải các khu đô thị.

Xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ nguồn. Triển khai thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ môi trường. Thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải; tăng cường bảo vệ môi trường các lưu vực sông, cải thiện, phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm.

e)Phương án phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh:

Xác định và khoanh vùng bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng. Nâng cao chất lượng và diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ; bảo tồn và có kế hoạch bảo vệ hiệu quả hơn 22.000 ha rừng tự nhiên đặc dụng tại khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn (huyện An Lão), hơn 23.000 ha rừng tự nhiên phòng hộ sang quy hoạch rừng đặc dụng (huyện Vĩnh Thạnh) và diện tích rừng tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh; bảo vệ và phát triển 100 ha rừng ngập mặn tại đầm Thị Nại; bảo vệ hệ sinh thái các rạn san hô ở vùng biển phía Nam thành phố Quy Nhơn; bảo vệ hệ sinh thái đầm Thị Nại, Trà Ổ và Đề Gi.

2. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên:

Rà soát tổng thể, khoanh định chi tiết khu vực mỏ và tài nguyên khoáng sản cần đầu tư; xây dựng phương án bố trí tham dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ hợp lý tài nguyên khoáng sản thời kỳ 2021-2030 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tập trung thanh tra, kiểm tra việc khai thác khoáng sản, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Rà soát, hoàn thiện các quy định về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng quy định đầy đủ kinh phí cho các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường, làm rõ phương án, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

3. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra:

a) Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước:

Phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên nước: Bình Định được chia thành 10 tiểu vùng. Căn cứ đặc điểm của nguồn nước và mục đích nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, nguồn nước trong vùng quy hoạch được phân chia thành các chức năng chính gồm: cấp cho sinh hoạt; nông nghiệp; công nghiệp; nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ.

b) Bảo vệ tài nguyên nước:

Đầu tư nâng cấp, sửa chữa 49 hồ chứa nước đang bị xuống cấp trầm trọng nhằm đảm bảo an toàn công trình và điều tiết hiệu quả nguồn nước; lập hành lang bảo vệ hồ chứa đối với các hồ thủy điện, thủy lợi có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên; kiểm soát các nguồn thải vào hồ bằng cách xử lý nước trước khi xả vào nguồn nước, kiểm soát chất lượng nước hồ, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm nước hồ. Các dự án phát triển kinh tế xã hội trong vùng lưu vực cần phải xem xét kỹ lưỡng, tránh gia tăng các hoạt động có khả năng phát sinh thêm nguồn ô nhiễm.

c) Phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra:

Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước cần bảo tồn, bảo vệ nguồn sinh thủy đặc biệt là các khu rừng phòng hộ huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, nguồn sinh thủy trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh và sông Lại Giang. Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, gắn với cơ sở dữ liệu về môi trường, đất đai. Xây dựng kế hoạch, chương trình để xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xử lý nước thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường để bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ nguồn nước nói riêng.

Đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước mặt. Thường xuyên ra thông báo về tình hình diễn biến nguồn nước tại các vị trí quan trắc. Trước mắt, ưu tiên thực hiện đối với các khu vực có nguy cơ ô nhiễm, suy giảm nguồn nước, các khu vực ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Sửa chữa, xây mới hệ thống cống, đập, đê, bờ bao các cấp để kiểm soát xâm nhập mặn, trữ nước ngọt và điều tiết nguồn nước, có biện pháp cách ly mặn quanh các khu vực nuôi trồng thủy sản nước lợ. Tận dụng tối đa nguồn nước được chuyển từ công trình thủy điện An Khê - Kanak trên sông Ba sang, chủ động trữ nước kiểm soát mặn hạ du sông Kôn - Hà Thanh; tăng cường khả năng cấp nước từ các hệ thống thủy lợi như hệ thống đập Lại Giang, Văn Phong. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước từ các hồ điều tiết chính trên các lưu vực sông, cụ thể như hồ Định Bình, hồ Núi Một, Thuận Ninh, Hội Sơn; khẩn trương đầu tư xây dựng hoàn thành hồ Đồng Mít.

4. Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu:

a) Phân vùng rủi ro thiên tai giai đoạn 2021-2030:

- Bão, áp thấp nhiệt đới: Bão ảnh hưởng đến toàn bộ địa bản của tỉnh gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất cũng như đời sống của người dân.

- Lũ lụt: Nguy cơ cao xảy ra tại các huyện thị xã thành phố đồng bằng như Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và Quy Nhơn.

- Hạn hán: Nguy cơ cao xảy ra tại các huyện An Lão, Phù Mỹ, Tuy Phước, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh; Nguy cơ trung bình: Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, Tuy Phước, TP. Quy Nhơn.

- Lũ quét, sạt lở đất: Xảy ra cục bộ với mức nguy cơ cao tại các huyện: An Lão, Hoài Ân. Nguy cơ trung bình xảy ra cục bộ tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát.

b) Phương án phòng chống lũ của các tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều và kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh:

Rà soát giảm diện tích sản xuất vùng thường xuyên ngập úng, kém hiệu quả; nạo vét, khơi thông, hoàn chỉnh các cống tiêu của hệ thống kênh mương, đường giao thông trong vùng nhằm đảm bảo khả năng tiêu thoát nước đối với các vùng thường xuyên ngập úng tại hạ sông Kôn - La Tinh.

Quy hoạch mùa vụ sản xuất và giống cây trồng thích hợp với từng khu vực trong vùng nhằm lách, tránh lũ chính vụ; kiên cố những đoạn đê sông thường bị lũ chính vụ tràn qua và gia cố những đoạn đê sông bị xói lở nghiêm trọng trên các trục sông chính An Lão, Kim Sơn, Lại Giang; đầu tư nạo vét mở rộng các trục thoát lũ từ các lưu vực suối về đầm Trà Ổ, cải tạo mở cửa Hà Ra để tăng khả năng thoát lũ và kết hợp nơi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Mở rộng kênh tiêu các khu vực úng cục bộ thuộc huyện Phù Mỹ, huyện Tây Sơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn. Tiếp tục hoàn chỉnh, kiên cố và xây dựng các công trình phòng chống và kiểm soát lũ trên sông La Tinh, sông Kôn, sông Hà Thanh, ưu tiên cho các công trình tiêu thoát lũ bảo vệ khu vực thành phố Quy Nhơn và các khu dân cư tập trung, các khu, cụm công nghiệp.

c) Phương án phòng chống xâm nhập mặn:

Nâng cấp các công trình ngăn mặn sông Kôn - Hà Thanh; Nâng cấp các tuyến đê ngăn mặn và đê biển Tam Quan - Chương Hòa, tuyến đê Hoài Hương - Hoài Mỹ, đê biển Hoài Hải và các tuyến đê cửa sông hạ lưu đập Ông Khéo; Xây dựng các tuyến đê biển Phú Hà (Mỹ Đức), Xuân Thạnh (Mỹ An), Tân Phụng (Mỹ Thọ) chống xói lở bờ biển và bảo vệ dân cư; hoàn chỉnh hệ thống đê Đông và nâng cấp các đập ngăn mặn để đảm bảo tiêu thoát lũ và chống xâm nhập mặn vùng hạ lưu sông Kôn - Hà Thanh; Nâng cấp các tuyến đê bao ngăn mặn và các đập cửa sông vùng hạ lưu sông La Tinh, ven đầm Đề Gi để chống xâm nhập mặn và tăng khả năng thoát lũ; xây dựng các tuyến đê kè biển Vĩnh Lợi (Mỹ Thành), Dốc Gành - Cầu Ngòi (Cát Khánh), Trung Lương (Cát Tiến), kè biển Nhơn Lý, Nhơn Hải, Hải Giang, Hải Minh, Quy Hòa (KV1, KV2 phường Ghềnh Ráng), kè bảo vệ đảo Nhơn Châu.

d) Phương án phòng chống hạn hán:

Điều tiết hiệu quả các hồ thủy điện để cấp nước cho vùng hạ du; vận hành hợp lý hệ thống hồ chứa trên lưu vực sông đảm bảo an toàn công trình và hạ du, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, phòng chống thiên tai. Áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, công nghệ tái sử dụng nước; ưu tiên đáp ứng nhu cầu cấp nước, tiêu thoát nước cho các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, vùng nông nghiệp công nghệ cao. Rà soát chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn sang các loại cây trồng cạn, cây công nghiệp và chăn nuôi có giá trị kinh tế cao; rà soát giải pháp cấp nước cho các vùng khô hạn, góp phần chống sa mạc hóa. Ưu tiên cấp nước sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu của sản xuất nông nghiệp trong trường hợp hạn hán, thiếu nước. Xây dựng hệ thống giám sát vận hành để nâng cao hiệu quả công trình.

Kiên cố hóa kênh mương phục vụ tưới tiêu; xây dựng công trình nâng cao dung tích tại hồ Định Bình; xây dựng các hồ chứa lớn, tạo nguồn, tích trữ nguồn nước tại Hồ Suối Lớn; xây dựng các tuyến đường ống từ hồ Định Bình - Hội Sơn, Hội Sơn - Hội Khánh.

e) Phương án phòng chống bão:

Xây dựng khu neo, đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn. Hoàn thiện Khu neo, đậu tránh trú bão cho tàu cá đầm Đề Gi kết hợp cảng cá Đề Gi, huyện Phù Cát.

Đầu tư nâng cấp các công trình xây dựng dân sinh theo chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của Chính phủ; xây dựng các khu tái định cư cho các vùng có nguy cơ thiên tai.

IV. PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2030

1. Phương án phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất:

Đến năm 2030, tổng diện tích tự nhiên là 606.640 ha, trong đó: đất nông nghiệp là 501.681 ha, giảm 20.433 ha; đất phi nông nghiệp là 103.246 ha, tăng 28.351 ha; đất chưa sử dụng là 1.533 ha, giảm 7.908 ha.

2. Phương án thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng thời kỳ 2021-2030:

Thực hiện thu hồi 28.966 ha, trong đó 26.874 ha đất nông nghiệp và 2.092 ha đất phi nông nghiệp.

Đưa 7.908 ha đất chưa sử dụng vào sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó: đất nông nghiệp là 5.811 ha, đất phi nông nghiệp 2.097 ha.

Chỉ tiêu sử dụng đất tỉnh Bình Định đến năm 2030

TT

Chỉ tiêu sử dụng đất

Diện tích cấp quốc gia phân bổ

Diện tích cấp tỉnh xác định, xác định bổ sung

Tổng diện tích

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

I

Tổng diện tích tự nhiên

 

606,640

 

606,640

1

Đất nông nghiệp

NNP

515,187

-15,401

499,786

 

Trong đó:

 

 

 

 

1.1

Đất trồng lúa

LUA

51,489

-2,579

48,910

 

Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước

LUC

46,742

-4,449

42,293

1.2

Đất trồng cây lâu năm

CLN

 

40,255

40,255

1.3

Đất rừng phòng hộ

RPH

172,998

-20,639

152,359

1.4

Đất rừng đặc dụng

RDD

36,241

19,970

56,211

1.5

Đất rừng sản xuất

RSX

162,323

-6,269

156,054

 

Trong đó: đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên

RSN

50,537

0

50,537

2

Đất phi nông nghiệp

PNN

88,298

17,187

105,485

 

Trong đó:

 

 

 

 

2.1

Đất quốc phòng

CQP

7,274

0

7,274

2.2

Đất an ninh

CAN

981

0

981

2.3

Đất khu công nghiệp

SKK

3,055

1,047

4,102

2.4

Đất cụm công nghiệp

SKN

 

2,450

2,450

2.5

Đất thương mại, dịch vụ

TMD

 

6,549

6,549

 

Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

SKC

 

2,617

2,617

2.7

Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản

SKS

 

579

579

2.8

Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh

DHT

28,107

6,975

35,082

 

Trong đó:

 

 

 

 

-

Đất giao thông

DGT

14,237

2,305

16,542

-

Đất thủy lợi

DTL

 

7,054

7,054

-

Đất xây dựng cơ sở văn hóa

DVH

617

-190

427

-

Đất xây dựng cơ sở y tế

DYT

191

-12

179

-

Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo

DGD

1,143

-75

1,068

-

Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao

DTT

508

51

559

-

Đất công trình năng lượng

DNL

3,100

-626

2,474

-

Đất công trình bưu chính, viễn thông

DBV

11

0

11

-

Đất xây dựng kho dự trữ quốc gia

DKG

8

0

8

-

Đất cơ sở tôn giáo

TON

 

236

236

-

Đất làm nghĩa trang, nhà tang lễ, nhà hỏa táng

NTD

 

5,661

5,661

-

Đất có di tích lịch sử - văn hóa

DDT

272

-12

260

-

Đất bãi thải, xử lý chất thải

DRA

372

60

432

2.9

Đất danh lam thắng cảnh

DDL

 

24

24

2.10

Đất ở tại nông thôn

ONT

 

11,411

11,411

2.11

Đất ở tại đô thị

ODT

 

10,370

10,370

2.12

Đất xây dựng trụ sở cơ quan

TSC

 

206

206

2.13

Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp

DTS

 

90

90

2.14

Đất xây dựng cơ sở ngoại giao

DNG

 

 

 

3

Đất chưa sử dụng

CSD

3,155

-1,785

1,370

V. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Giải pháp về huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút vốn đầu tư:

Tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư của tỉnh, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cấp điện, hạ tầng xã hội quanh các khu công nghiệp và hạ tầng khác. Điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Đảm bảo và cam kết về sự minh bạch của các định hướng chính sách trong dài hạn, cập nhật kịp thời những thay đổi trong chính sách của tỉnh trên trang web của cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định. Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thu hút đầu tư và sử dụng vốn đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực:

Tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuận lợi cho việc lập nghiệp và định cư lâu dài của người lao động; tăng cường thông tin, truyền thông về

Bình Định là một nơi đáng sống và cơ hội việc làm trong tỉnh; có cơ chế đãi ngộ để khuyến khích nhân tài chọn Bình Định là nơi sống và làm việc.

Nâng cao trình độ và đào tạo bổ sung kỹ năng mới cho lực lượng lao động của địa phương, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch.

Đổi mới phương pháp về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm đối với CBCCVC; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ, công chức tự học tập nâng cao trình độ, xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực từ bên ngoài, các nguồn tài trợ để tăng cường đào tạo cán bộ. Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào làm việc trong hệ thống chính trị và các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh.

3. Giải pháp bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên:

Ưu tiên bảo vệ môi trường tự nhiên Bình Định, tính toán kỹ lưỡng khi xây dựng kế hoạch phát triển các ngành năng lượng, vật liệu xây dựng và công nghiệp nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường. Phát triển nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và lâm nghiệp theo hướng bền vững; đảm bảo đầu tư và thực hiện các giải pháp ứng phó và kiểm soát tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Xây dựng kế hoạch toàn diện về phân bổ tài nguyên nước, giám sát chất lượng nước, xử lý và tái chế nước thải, đặc biệt là các công trình xử lý nước thải gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Xây dựng và thực hiện đồng bộ quy hoạch sử dụng đất, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động quản lý đất đai.

4. Giải pháp tăng trưởng xanh và bền vững:

Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về các mục tiêu phát triển bền vững, kêu gọi sự tham gia, hợp tác của toàn xã hội; đảm bảo việc xây dựng khung chính sách, lựa chọn các mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình hành động có tính đến tác động đến từng mục tiêu của khung mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên các lĩnh vực, nội dung có ảnh hưởng tích cực góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.Thường xuyên rà soát các dự án đã được quy hoạch và triển khai nhằm đảm bảo bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các di sản.

5. Giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo:

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả theo hướng hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, làm cơ sở hình thành nền kinh tế tri thức.

Xây dựng cơ chế tăng cường sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp cho các nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp.

Đa dạng hóa các loại hình, trình độ đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có chính sách khuyến khích liên doanh, liên kết mở các cơ sở đào tạo trình độ sau đại học với các trường đại học nổi tiếng trong nước và quốc tế, các viện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu trong nước, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, trọng điểm.

6. Giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số:

Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cơ bản phục vụ kết nối mạng cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh triển khai chính quyền số, góp phần nâng cao hiệu quả dịch vụ công, cũng như đa dạng hóa và chuyển đổi hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo động lực cho doanh nghiệp và người dân tìm hiểu, tham gia vào môi trường mạng và các công cụ trực tuyến tiết kiệm thời gian, chi phí và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

7. Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển:

Liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên trong việc xây dựng vùng nguyên liệu nông - lâm sản, phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản, hợp tác logistics và vận tải, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh Tây Nguyên. Liên kết với các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ để phát triển kinh tế biển, du lịch biển, dịch vụ logistics và vận tải, đào tạo nhân lực...

Phối hợp với các tỉnh lân cận xây dựng các chương trình vận động, xúc tiến đầu tư chung giữa các tỉnh để thu hút một số tập đoàn kinh tế, công ty lớn của nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp; hợp tác, trao đổi kinh nghiệm hoạt động và hình thức quản lý trong các lĩnh vực thương mại, du lịch - dịch vụ; khảo sát xây dựng và khai thác các tour du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, nghỉ dưỡng.

Tăng cường hợp tác với các địa phương khác, nhất là các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, thương mại, du lịch, giao thông vận tải để tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển của Bình Định.

Đẩy mạnh kết nối với các nước trong khu vực, nhất là Campuchia, Lào, Thái Lan giúp Bình Định gia tăng vị thế là điểm trung chuyển, quá cảnh hàng hóa dịch vụ cảng biển logictics, đồng thời là một trung tâm phát triển du lịch của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của Vùng Tây Nguyên.

Xúc tiến, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác ở các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; tích cực kết nối, thu hút các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp của Bình Định. Luôn cập nhật và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như UNDP, WHO, JICA... để nâng cao năng lực cạnh tranh của Bình Định theo tiêu chuẩn quốc tế và duy trì hình ảnh tích cực của tỉnh trước các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài.

8. Giải pháp quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn:

Ứng dụng hiệu quả khoa học, công nghệ trong quản lý, phát triển đô thị và nông thôn. Kiểm soát chặt quỹ đất rừng, tài nguyên - môi trường rừng và tỷ lệ bao phủ rừng, cân bằng và chuyển hóa một phần quỹ đất nông nghiệp hiện có trong đô thị sang đất xây dựng để đáp ứng tiêu chí phát triển đô thị và nhu cầu tăng trưởng kinh tế cho xã hội. Đảm bảo các khu đô thị, khu dân cư có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và đầy đủ hạ tầng xã hội thiết yếu, có kiến trúc cảnh quan tuân thủ quy chế quản lý kiến trúc theo quy định Phần quỹ đất nông nghiệp còn lại phải tương ứng với cơ cấu quy hoạch sử dụng đất cho phát triển đô thị, đồng thời phải thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để gia tăng năng suất cây trồng, đảm bảo quy mô sản lượng và chất lượng cao, cải thiện cuộc sống cư dân được sống tốt với làng nghề trong lòng đô thị.

Tổ chức thực hiện tốt việc kiểm soát gia tăng dân số tạm trú, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao do tăng cơ học và thu hút du khách, để đảm bảo động lực phát triển kinh tế bền vững, nhất là đối với thành phố Quy Nhơn, Khu kinh tế Nhơn Hội nói riêng, vùng kinh tế động lực của tỉnh nói chung.

Xây dựng định hướng và chính sách rõ ràng để huy động các nguồn lực tự nhiên và xã hội cho phát triển đô thị và nông thôn như phân bổ đất, cấp nước, đầu tư cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động và các yếu tố khác.

9. Giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch:

Công bố công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tổ chức chính trị, chính trị nghề nghiệp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân.

Triển khai xây dựng kế hoạch hành động và thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa các nội dung quy hoạch; điều phối, đảm bảo thống nhất và liên kết giữa các quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục cải cách dịch vụ công và thủ tục hành chính; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ những quy định, thủ tục không phù hợp, không cần thiết; tục sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa quy trình thực hiện./.

 



[1] GDP bình quân đầu người của cả nước năm 2020 là 2.779 USD, cao hơn của Bình Định. Mục tiêu GDP bình quân đầu người cả nước năm 2030 là 7.500 USD.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 68/NQ-HĐND năm 2022 thông qua nội dung cơ bản Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

  • Số hiệu: 68/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Hồ Quốc Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản