Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2010/NQ-HĐND

Đồng Xoài, ngày 23 tháng 7 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH DỰ TOÁN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG VÀ PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH TỈNH NĂM 2010, TỈNH BÌNH PHƯỚC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ MƯỜI TÁM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Báo cáo số 87/BC-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2010 và báo cáo bổ sung số 2241/BC-UBND ngày 13/7/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 26/BC-HĐND-KTNS ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương năm 2010 của tỉnh như sau:

1. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn: 1.960.000 triệu đồng; phấn đấu 2.025.000 triệu đồng.

2. Tổng chi ngân sách địa phương: 3.267.622 triệu đồng.

(Chi tiết có phụ biểu đính kèm)

Điều 2. Điều chỉnh phân bổ dự toán chi ngân sách tỉnh năm 2010 như sau:

1. Tổng chi ngân sách tỉnh là: 2.636.553 triệu đồng, trong đó:

1.1. Chi trong cân đối ngân sách tỉnh: 1.531.903 triệu đồng.

1.2. Các khoản chi được quản lý qua ngân sách Nhà nước: 190.100 triệu đồng.

1.3. Chi bổ sung cho ngân sách các huyện, thị xã: 914.550 triệu đồng

Điều 3. Để hoàn thành nhiệm vụ thu - chi ngân sách năm 2010, các ngành, các cấp cần triển khai thực hiện tốt các nội dung trọng tâm sau:

1. Trong lĩnh vực thu ngân sách:

- Tiếp tục triển khai đôn đốc các doanh nghiệp có số thuế giãn, hoãn năm 2009 sang năm 2010 nộp các khoản giãn, hoãn kịp thời vào ngân sách nhà nước; giải quyết, xử lý cơ bản các khoản nợ đọng thuế; phấn đầu thu đạt và vượt dự toán được giao;

- Tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Thuế tài nguyên và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính đã có hiệu lực thi hành từ năm 2010; đồng thời tổ chức thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu theo chính sách, pháp luật thuế mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhằm tập trung nguồn thu cho ngân sách nhà nước;

- Khai thác tốt các nguồn thu mới phát sinh trên địa bàn như thuế đối với sản xuất xi măng, thuế tài nguyên, thu tiền thuê đất, phí bảo vệ môi trường…; quyết liệt thu nợ đọng, thu hồi các khoản thu, chi theo kết luận của Kiểm toán, Thanh tra;

- Tiếp tục thực hiện việc thu phí, lệ phí theo đúng quy định của pháp luật, các huyện, thị và các xã, phường, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc khai báo, kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân; phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp để có biện pháp chấn chỉnh; đồng thời tổ chức thu triệt để các khoản nợ đọng thuế có khả năng thu hồi của các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh; tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các khoản nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi; tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm và việc thực hiện miễn, giảm, gia hạn nộp thuế để truy thu đầy đủ vào ngân sách nhà nước các khoản tiền thuế bị gian lận;

- Các ngành, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo công tác quản lý tài sản công, quản lý sử dụng đất đai từ khâu quy hoạch, sử dụng đất, chuyển nhượng đất đai để quản lý thu ngân sách đầy đủ, kịp thời theo đúng chế độ quy định; đẩy mạnh sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 và Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Trong lĩnh vực chi ngân sách:

Sáu tháng cuối năm 2010, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực do nền kinh tế cả nước đang có dấu hiệu phục hồi nhanh sau suy giảm kinh tế, nhưng do đặc thù của nền kinh tế tỉnh nhà với số thu chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào giá cả các mặt hàng nông sản; hoạt động sản xuất - kinh doanh nhất là sản xuất nông nghiệp dễ bị tác động xấu bởi thời tiết, khí hậu và các yếu tố môi trường khác. Vì vậy, để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, các ngành, các cấp cần thực hiện các giải pháp về chi ngân sách cụ thể sau:

- Thực hiện nghiêm chủ trương tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi chưa cấp thiết, giảm tối đa các hội nghị, tổ chức lễ hội, đi công tác nước ngoài không thật sự thiết thực; tiếp tục thực hiện rà soát vốn đầu tư cho từng công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung vốn đầu tư cho các dự án, công trình có hiệu quả, các công trình chào mừng Đại hội Đảng và các ngày lễ lớn của đất nước; không bố trí vốn cho các dự án, công trình chưa đủ thủ tục đầu tư; ưu tiên bố trí vốn để thu hồi các khoản vốn ứng trước, thanh toán nợ xây dựng cơ bản thuộc vốn ngân sách nhà nước. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các chủ đầu tư phải quản lý chặt chẽ, chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản;

- Các địa phương thực hiện phân bổ, kiểm soát dự toán ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp theo nguyên tắc khuyến khích các đơn vị có nguồn thu sự nghiệp, thu phí dịch vụ phấn đấu nâng mức tự trang trải nhu cầu chi từ nguồn thu phí của mình để dành nguồn ưu tiên bố trí cho các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo;

- Các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với cơ quan tài chính thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ở các đơn vị cơ sở; thực hiện tiết kiệm chi và chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng; bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tiền lương. Trường hợp phát hiện các cấp, đơn vị sử dụng ngân sách không đúng chế độ, chính sách, nhất là các chính sách liên quan đến an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo… cần có biện pháp xử lý kịp thời để đảm bảo chính sách, chế độ thực hiện đúng đối tượng và có hiệu quả.

Điều 4. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 16 tháng 7 năm 2010 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Hưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐND điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và phân bổ dự toán chi ngân sách tỉnh Bình Phước năm 2010

  • Số hiệu: 01/2010/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 23/07/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Nguyễn Tấn Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/07/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản