Hệ thống pháp luật

Điều 13 Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu của Công ước khung của Liên hợp quốc

Điều 13

1. Hội nghị các Bên, cơ quan tối cao của Công ước, sẽ là cuộc họp của các Bên của Nghị định thư này.

2. Các Bên của Công ước không phải là các Bên của Nghị định thư này có thể tham gia với tư cách quan sát viên trong tiến trình của bất kỳ khoá họp nào của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này. Trong Hội nghị các Bên là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, các nghị quyết theo Nghị định thư sẽ chỉ được thông qua bởi các Bên là các Bên của Nghị định thư này.

3. Trong Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, bất kỳ thành viên nào của Ban điều hành Hội nghị các Bên đại diện cho một Bên của Công ước, nhưng vào lúc đó không phải là một Bên của Nghị định thư này, sẽ được thay thế bởi một thành viên bổ sung được lựa chọn trong số các Bên của Nghị định thư này.

4. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ thường xuyên duyệt lại việc thực hiện Nghị định thư này và trong phạm vi chức năng của mình, sẽ đưa ra các nghị quyết cần thiết để đẩy mạnh việc thực hiện chúng một cách có hiệu quả. Nó sẽ thực hiện các chức năng mà Nghị định thư này giao phó và sẽ:

a) Trên cơ sở mọi thông tin nó có được, phù hợp với những điều khoản của Nghị định thư này, đánh giá việc các Bên thực hiện Nghị định thư này, những ảnh hưởng toàn diện của những biện pháp tiến hành theo Nghị định thư này, đặc biệt các ảnh hưởng về môi trường, kinh tế và xã hội, cũng như những tác động tổng hợp của chúng và mức độ tiến bộ đạt được trong quá trình thực hiện mục tiêu của Công ước;

b) Xem xét thường kỳ những nghĩa vụ của các Bên theo Nghị định thư này, có xem xét thích đáng bất kỳ việc xét duyệt nào theo yêu cầu của Điều 4, mục 2(d), và Điều 7, mục 2 của Công ước, chiếu theo mục tiêu của Công ước, kinh nghiệm thu được trong việc thực hiện Công ước và sự tiến triển của trình độ khoa học và Công nghệ, và về mặt này, xem xét, thông qua các báo cáo thường kỳ về việc thực hiện Nghị định thư này;

c) Đẩy mạnh và tạo điều kiện trao đổi thông tin về các biện pháp do các Bên thông qua nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó, có tính đến những hoàn cảnh, trách nhiệm và năng lực khác nhau của các Bên và những cam kết tương ứng của họ theo Nghị định thư này;

d) Theo yêu cầu của hai hay nhiều Bên, tạo điều kiện cho việc điều phối các biện pháp do họ tán thành nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó, có tính đến những hoàn cảnh, trách nhiệm và năng lực khác nhau của các Bên và những cam kết tương ứng của họ theo Nghị định thư này;

e) Phù hợp với mục tiêu của Công ước và những điều khoản của Nghị định thư này, và có xem xét đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên, đẩy mạnh và hướng dẫn việc phát triển và thanh lọc các phương pháp so sánh được nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định thư này, như đã được nhất trí tại hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này;

f) Đưa ra kiến nghị về bất kỳ vấn đề nào cần thiết cho việc thực hiện Nghị định thư này;

g) Tìm cách động viên các nguồn tài chính bổ sung phù hợp với Điều 11, mục 2;

h) Thiết lập những cơ quan bổ trợ cần thiết cho việc thực hiện Nghị định thư này;

i) Khi thích hợp, tìm cách và sử dụng các dịch vụ, hợp tác và thông tin từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên chính phủ và phi chính phủ có thẩm quyền; và

j) Thực hiện các chức năng khác khi thấy cần thiết cho việc thực hiện Nghị định thư này, và xem xét bất kỳ công tác nào do nghị quyết của Hội nghị các Bên đưa ra.

5. Các qui tắc về thủ tục của Hội nghị các Bên và các thủ tục tài chính áp dụng theo Công ước sẽ được áp dụng với những sửa đổi thích đáng về chi tiết theo Nghị định thư này, trừ khi có quyết định khác được nhất trí tại Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này.

6. Khoá họp đầu tiên của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ được triệu tập bởi ban thư ký cùng với khoá họp đầu tiên của Hội nghị các Bên được xắp xếp sau ngày Nghị định thư này có hiệu lực. Các khoá họp thường lệ tiếp theo của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ được triệu tập hàng năm và đi đôi với các khoá họp thường lệ của Hội nghị các Bên, trừ khi Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này có quyết định khác.

7. Các khoá họp bất thường của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ được tổ chức vào những thời gian khác nếu Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này thấy cần thiết, hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của bất kỳ Bên nào, miễn là trong vòng sáu tháng được Ban thư ký thông báo cho các Bên, yêu cầu đó được ít nhất một phần ba các Bên ủng hộ.

8. Liên hợp quốc, các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế, cũng như bất kỳ quốc gia thành viên nào hoặc các quan sát viên của chúng, không phải là bên của Công ước, có thể có đại diện tại các khoá họp của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này với tư cách quan sát viên. Bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức nào, dù là quốc gia hay quốc tế, chính phủ hay phi chính phủ, có đủ tư cách về những vấn đề thuộc Nghị định thư này và đã thông báo cho Ban thư ký về ý định của mình muốn có đại diện tại một khoá họp của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này với tư cách quan sát viên, có thể được chấp nhận trừ phi ít nhất một phần ba các Bên có mặt phản đối. Việc chấp nhận và tham gia của các quan sát viên sẽ tuân theo các qui tắc thủ tục như nêu trong mục 5 ở trên.

Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu của Công ước khung của Liên hợp quốc

  • Số hiệu: khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 11/12/1997
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/02/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH