Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công cho dự án, công trình, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, bao gồm:

1. Quản lý, thanh toán vốn đầu tư công cho:

a) Dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

b) Nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư sử dụng vốn đầu tư công.

c) Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) gồm: vốn đầu tư công thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm; hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được tách thành tiểu dự án trong dự án PPP và chi phí bồi thường chấm dứt hợp đồng trước thời hạn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP.

d) Dự án đầu tư công sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.

2. Quyết toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước theo năm ngân sách (quyết toán theo niên độ).

3. Quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành, bao gồm các nhiệm vụ, dự án quy định tại khoản 1 Điều này sau khi hoàn thành hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn theo văn bản cho phép dừng hoặc cho phép chấm dứt thực hiện của người có thẩm quyền quyết định phê duyệt quyết định đầu tư.

Dự án, công trình, hạng mục công trình sử dụng một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư công: thực hiện thống nhất theo quy định tại Nghị định này, trừ dự án có quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Dự án có nguồn đóng góp bằng hiện vật, ngày công lao động hoặc công trình hoàn thành: căn cứ đơn giá hiện vật, giá trị ngày công lao động hoặc giá trị công trình hoàn thành để hạch toán vào giá trị công trình, dự án để theo dõi, quản lý.

Dự án thực hiện theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ bằng vật liệu xây dựng, các hình thức hỗ trợ hiện vật khác: các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể việc quyết toán phần vốn hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị thực hiện và của Nhà nước.

4. Đối với vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài bố trí cho dự án đầu tư công: quy trình, thủ tục kiểm soát thanh toán và quyết toán thực hiện theo các quy định tại Nghị định này; riêng thủ tục rút vốn và quản lý rút vốn thực hiện theo điều ước quốc tế về ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

5. Nghị định này không quy định việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công để cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công trong phạm vi quy định tại Điều 1 Nghị định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công bao gồm: Chính phủ, Bộ Tài chính, cơ quan tài chính các cấp và các cơ quan được giao nhiệm vụ hoặc ủy quyền kiểm soát, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

2. Dự án đầu tư công bí mật nhà nước là dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước có độ mật gồm Mật, Tối mật, Tuyệt mật thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Dự án đầu tư công tại nước ngoài được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

4. Giải ngân vốn đầu tư công đối với vốn trong nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư là việc cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện tạm ứng vốn, thanh toán khối lượng hoàn thành (bao gồm cả thanh toán để thu hồi vốn tạm ứng) cho nhiệm vụ, dự án trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư; giải ngân vốn đầu tư công đối với vốn nước ngoài theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

5. Tạm ứng vốn là việc cơ quan kiểm soát, thanh toán chuyển tiền trước cho cá nhân, đơn vị thụ hưởng theo đề nghị của chủ đầu tư để thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết triển khai các công việc của nhiệm vụ, dự án.

6. Thanh toán khối lượng hoàn thành là việc cơ quan kiểm soát, thanh toán chuyển tiền cho cá nhân, đơn vị thụ hưởng (hoặc thanh toán để thu hồi vốn tạm ứng) theo đề nghị của chủ đầu tư để thanh toán cho phần giá trị khối lượng công việc đã thực hiện, được các bên nghiệm thu, xác định là công việc hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ theo hợp đồng hoặc thỏa thuận, đảm bảo yêu cầu về chất lượng theo quy định hiện hành. Riêng thanh toán khối lượng hoàn thành đối với bảo hiểm công trình là việc thanh toán hợp đồng được ký kết; đối với chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán là việc chủ đầu tư thanh toán cho cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán theo văn bản đề nghị của cơ quan này.

7. Thanh toán trước kiểm soát sau vốn đầu tư công là hình thức thanh toán áp dụng đối với một số khoản chi. Trong đó, cơ quan kiểm soát, thanh toán làm thủ tục thanh toán ngay sau khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan. Việc kiểm soát chi và xử lý kết quả kiểm tra được cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện sau khi đã thanh toán khoản chi.

8. Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án PPP trong Nghị định này bao gồm các nhiệm vụ theo quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 11 và trường hợp được bố trí vốn đầu tư công để triển khai theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

9. Tabmis là hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc.

10. Vốn nước ngoài thuộc nguồn ngân sách nhà nước gồm vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (kể cả vốn nước ngoài thanh toán theo cơ chế tài chính trong nước).

11. Vốn trong nước là vốn ngân sách nhà nước (kể cả vốn trái phiếu Chính phủ) không bao gồm vốn nước ngoài quy định tại khoản 10 Điều này.

Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công

  • Số hiệu: 99/2021/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/11/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Minh Khái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH