Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 94-CP

Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 1962

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ KINH TẾ VÀ VĂN HÓA DO ỦY BAN HÀNH CHÍNH TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 07 năm 1960,
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ trong ngày 10 tháng 03 năm 1962,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo nghị định này những quy định về phân cấp quản lý kinh tế và văn hóa do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 2. - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính tỉnh (kể cả các tỉnh thuộc khu tự trị), thành phố trực thuộc trung ương, khu Hồng Quảng và khu vực Vĩnh Linh chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Lê Thanh Nghị

NHỮNG QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ KINH TẾ VÀ VĂN HÓA CHO ỦY BAN HÀNH CHÍNH TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Miền Bắc nước ta đang đứng trước một nhiệm vụ to lớn: “Ra sức thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của công nghiệp, nhằm củng cố quan hệ sản xuất mới đẩy mạnh sản xuất phát triển, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và tăng cường củng cố quốc phòng”. (Trích nghị quyết hội nghị lần thứ bảy của Trung ương Đảng). Nhiệm vụ to lớn và nặng nề ấy đòi hỏi Nhà nước phải cải tiến và tăng cường công tác tổ chức, công tác quản lý kinh tế và văn hóa để động viên, khai thác triệt để và sử dụng hợp lý mọi lực lượng, mọi khả năng vào công cuộc xây dựng nước nhà. Do đó, việc phân cấp quản lý là một vấn đề cấp bách cần được giải quyết. Đại hội lần thứ III của Đảng đã quyết nghị: “Trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Chính phủ trung ương, phải tiến hành từng bước việc phân cấp quản lý, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý công tác của địa phương hay của ngành mình”.

Trong việc tiến hành phân cấp quản lý, cần tính toán đến hoàn cảnh và điều kiện của miền Bắc nước ta. Nến kinh tế của ta hiện nay vẫn còn là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp mới bắt đầu phát triển, còn non yếu, khả năng tự cung cấp về thiết bị và nguyên liệu, vật liệu còn rất hạn chế, cán bộ kỹ thuật còn thiếu và yếu, trình độ quản lý kinh tế còn kém. Những đặc điểm trên đây đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Nhà nước trong việc quản lý kinh tế và văn hóa. Sự lãnh đạo tập trung thống nhất ấy có điều kiện thuận lợi là diện tích miền Bắc nước ta không lớn lắm, đường giao thông liên lạc có phần thuận tiện. Mặt khác, chúng ta cũng có những điều kiện thuận lợi để tiến hành phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương do công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã căn bản hoàn thành, nền kinh tế quốc dân phát triển với tốc độ nhanh và dần dần đi vào kế hoạch hóa có nề nếp.

Căn cứ vào hoàn cảnh và điều kiện như trên, để chấp hành Nghị quyết của Đảng, để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, nay quy định những nguyên tắc về phân cấp quản lý kinh tế và văn hóa giữa Chính phủ trung ương với các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương như sau:

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. - Việc phân cấp quản lý giữa Chính phủ trung ương (Hội đồng Chính phủ, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ) với các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm tăng cường sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Chính phủ trung ương, đồng thời mở rộng một cách thích đáng nhiệm vụ và quyền hạn của các Ủy ban hành chính địa phương và các ngành của địa phương, phát huy tính tích cực, tính chủ động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương để đẩy mạnh công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, cải thiện đời sống.

Trong việc tổ chức, quản lý kinh tế và văn hóa, quyền lãnh đạo tập trung đối với tất cả các địa phương thuộc về Chính phủ trung ương, quyền lãnh đạo tập trung trong mỗi tỉnh, thành phố thuộc về Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về toàn bộ công tác của mình trước Hội đồng nhân dân địa phương và trước Hội đồng Chính phủ.

Điều 2. - Quyền lãnh đạo tập trung thống nhất của Chính phủ trung ương thực hiện chủ yếu về mặt quản lý và chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước, quản lý kế hoạch và ngân sách Nhà nước. Chính phủ quy định các chính sách chế độ, thể lệ áp dụng chung cho các ngành, các địa phương, xét duyệt kế hoạch, ngân sách Nhà nước của các ngành, các địa phương, bảo đảm sự phát triển cân đối giữa các ngành kinh tế quốc dân.

Các Ủy ban hành chính địa phương có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp tổ chức, quản lý mọi hoạt động kinh tế, văn hóa của địa phương mình theo đúng các chính sách, chế độ, thể lệ đã được quy định, bảo đảm trong phạm vi trách nhiệm của mình, hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

Hội đồng Chính phủ, các Bộ, các ngành ở trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương chấp hành các chính sách, chế độ, thể lệ, thực hiện kế hoạch và ngân sách Nhà nước.

Điều 3. - Việc phân quyền cho các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chủ yếu về mặt quản lý các hoạt động kinh tế và văn hóa, theo phương hướng như sau:

- Về nông nghiệp: Ủy ban hành chính địa phương chịu trách nhiệm lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong địa phương mình, trừ các nông trường mà hiện nay do Bộ chủ quản trực tiếp quản lý. Dưới sự chỉ đạo chung của Hội đồng Chính phủ và sự chỉ đạo về kỹ thuật, nghiệp vụ của các Bộ các ngành ở trung ương, các Ủy ban hành chính địa phương lãnh đạo việc củng cố và phát triển phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, phát huy triệt để mọi khả năng của địa phương mình để phát triển sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước (yêu cầu về lương thực, thực phẩm của nhân dân địa phương và các chỉ tiêu thu mua của trung ương).

- Về công nghiệp và xây dựng cơ bản: Các Bộ, các ngành ở trung ương trực tiếp quản lý những xí nghiệp, những công trình có tính chất mấu chốt, quy mô lớn, đòi hỏi nhiều vốn, trình độ kỹ thuật cao, hoặc đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong phạm vi toàn ngành.

Các Ủy ban hành chính địa phương tận dụng mọi khả năng của địa phương mình để phát triển công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp nhằm phục vụ chủ yếu cho nhu cầu phát triển nông nghiệp, nhu cầu về vật phẩm tiêu dùng của nhân dân địa phương và một phần cho kế hoạch trung ương. Ủy ban hành chính địa phương xây dựng và quản lý những xí nghiệp, công trường của địa phương dưới sự chỉ đạo chung của Hội đồng Chính phủ và sự chỉ đạo về kỹ thuật, nghiệp vụ và kế hoạch của các Bộ, các ngành ở trung ương.

Tùy theo điều kiện và khả năng của từng địa phương, và trong phạm vi không ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, các Bộ, các ngành chủ quản ở trung ương có thể giao cho Ủy ban hành chính địa phương quản lý một số xí nghiệp (kể cả xí nghiệp lâm nghiệp) thuộc Bộ, ngành mình xây dựng, bằng hai cách:

Hoặc giao hẳn xí nghiệp cho địa phương, sát nhập xí nghiệp đó vào công nghiệp địa phương.

Hoặc nói chung giao cho địa phương quản lý xí nghiệp, nhưng Bộ, ngành chủ quản còn tiếp tục quản lý những chỉ tiêu chủ yếu (như: giá trị tổng sản lượng sản lượng các mặt hàng chủ yếu, vốn, lãi…). Trong trường hợp này, ngân sách địa phương được hưởng một tỷ lệ lãi và một tỷ lệ sản phẩm vượt mức kế hoạch (quy thành tiền) – do Hội đồng Chính phủ quy định theo từng loại xí nghiệp – góp với ngân sách địa phương để sử dụng vào việc phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương.

Danh sách những xí nghiệp giao (giao hẳn hoặc giao từng phần) cho các Ủy ban hành chính địa phương quản lý do các Bộ, các ngành ở trung ương đề nghị, Hội đồng Chính phủ quyết định.

- Về công tác giáo dục, văn hóa, xã hội: Các Bộ, các ngành ở trung ương trực tiếp quản lý những đơn vị sự nghiệp quy mô lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, phục vụ chung cho các ngành và các địa phương.

Dưới sự chỉ đạo chung của Hội đồng Chính phủ và sự chỉ đạo về kỹ thuật, nghiệp vụ của các Bộ, các ngành ở trung ương, các Ủy ban hành chính địa phương mình, lãnh đạo phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa, xã hội của địa phương, xây dựng và quản lý các đơn vị sự nghiệp phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế ở địa phương và nhu cầu của nhân dân địa phương.

Điều 4. - Đối với mọi hoạt động kinh tế, văn hóa của địa phương, các Bộ, các ngành ở trung ương, trong phạm vi trách nhiệm của ngành mình, có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

a) Giúp đỡ, chỉ đạo việc lập quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo về kỹ thuật, nghiệp vụ.

b) Nhận báo cáo và theo dõi tình hình sản xuất, hoạt động của các ngành kinh tế, văn hóa của địa phương; giám đốc việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, kiểm tra việc chấp hành các chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước.

c) Giúp đỡ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ, công nhân chuyên nghiệp.

d) Cung cấp các thiết bị, nguyên liệu, vật liệu do Nhà nước thống nhất quản lý và giúp đỡ tiêu thụ sản phẩm theo chỉ tiêu đã ghi trong kế hoạch Nhà nước, và theo đúng hàng hóa đã ký kết giữa các Bộ, các ngành ở trung ương với địa phương.

Điều 5. - Đối với hững xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp, công trường, nông trường do các Bộ, các ngành ở trung ương trực tiếp quản lý mà hoạt động ở địa phương, thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sở tại có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

a) Tham gia ý kiến vào việc xây dựng kế hoạch và giám đốc việc thực hiện kế hoạch của những đơn vị đó trong phạm vi những vấn đề cần thiết tùy theo tính chất từng xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp, góp ý kiến với thủ trưởng đơn vị và với Bộ, ngành chủ quản ở trung ương về những biện pháp cải tiến công tác quản lý và sản xuất nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước.

b) Kiểm tra các đơn vị đó về mặt chấp hành các chính sách chế độ, thể lệ của Nhà nước và các thể lệ của địa phương.

c) Tham gia ý kiến vào việc thiết lập, mở rộng, thu hẹp, bãiu bỏ những đơn vị ấy, vào việc thay đổi kế hoạch hay phương thức sản xuất, công tác của những đơn vị ấy mỗi khi những thay đổi đó có ảnh hưởng đến việc sử dụng nhân lực, cung cấp nguyên liệu, vật liệu, đến hoạt động kinh tế, văn hóa của địa phương hoặc đến tình hình sức khỏe và đời sống của nhân dân địa phương (trong những trường hợp kể trên, thủ trưởng đơn vị hoặc Bộ, ngành chủ quản ở trung ương cần hỏi ý kiến Ủy ban hành chính địa phương).

d) Cung cấp nhân lực, nguyên liệu, vật liệu lương thực, thực phẩm, bảo vệ vật tư, an ninh và bằng mọi cách giúp đỡ các đơn vị ấy hoàn thành nhiệm vụ.

e) Bàn bạc với các đơn vị ấy để tận dụng mọi khả năng vật chất, và kỹ thuật của các đơn vị ấy (kể cả những phế liệu phế phẩm không thuộc loại vật tư mà Nhà nước thống nhất quản lý) nhằm phục vụ lợi ích phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương, với điều kiện là không ảnh hưởng đến kế hoạch Nhà nước.

g) Tham gia ý kiến vào việc sử dụng quỹ xí nghiệp và quỹ phúc lợi tập thể của các đơn vị ấy, nhằm phục vụ tốt đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức của đơn vị.

h) Chỉ đạo phong trào thể dục, thể thao, văn hóa quần chúng, vệ sinh phòng bệnh trong các đơn vị ấy.

Trên đây là nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban hành chính, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với những xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp, công trường, nông trường… do các Bộ, các ngành ở trung ương trực tiếp quản lý và hoạt động ở địa phương. Việc lãnh đạo công tác tư tưởng, chính trị, lãnh đạo phong trào thi đua trong các đơn vị ấy là công việc của cấp ủy Đảng ở địa phương.

Chương 2:

PHÂN CẤP QUẢN LÝ CỤ THỂ CHO ỦY BAN HÀNH CHÍNH TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu như sau:

Điều 6. - Về kế hoạch và thống kê:

a) Có nhiệm vụ quản lý toàn bộ kế hoạch của địa phương mình. Căn cứ vào sự hướng dẫn và bảng số kiểm tra của Chính phủ, căn cứ vào nhu cầu của địa phương và trên cơ sở tận dụng mọi khả năng về nhân lực, tài nguyên của địa phương, lập dự án kế hoạch dài hạn và hàng năm về phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương, trình Chính phủ xét duyệt. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp thuộc quyền thực hiện kế hoạch, ưu tiên thực hiện đầy đủ những chỉ tiêu kế hoạch do Nhà nước thống nhất quản lý.

b) Tham gia xây dựng và giám đốc việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước của các Bộ, các ngành ở trung ương thực hiện tại địa phương.

c) Tổ chức và chỉ đạo công tác thống kê theo sự hướng dẫn của Tổng cục Thống kê, bảo đảm thực hiện đúng các chế độ báo cáo thống kê của Nhà nước.

Điều 7. - Về ngân sách, tài chính:

a) Căn cứ vào sự hướng dẫn của Chính phủ, căn cứ vào dự án kế hoạch Nhà nước và kế hoạch địa phương, lập dự án ngân sách địa phương trình Chính phủ xét duyệt; tham gia xây dựng dự án ngân sách trung ương; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp thuộc quyền chấp hành ngân sách theo đúng chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước. Quản lý sử dụng ngân sách của địa phương để phát triển kinh tế và văn hóa theo đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ.

b) Bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch thu của ngân sách Nhà nước và của ngân sách địa phương; đôn đốc việc thu các thứ nợ cho Nhà nước (của tài chính và của ngân hàng) ở địa phương.

c) Bảo đảm cấp phát kịp thời vốn và kinh phí đã ghi trong ngân sách cho các xí nghiệp, cơ quan thuộc quyền, bảo đảm chấp hành kỷ luật tài chính, kỷ luật biên chế, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.

Quản lý và cấp phát những kinh phí được các Bộ, các ngành ở trung ương ủy nhiệm.

d) Tham gia xây dựng kế hoạch tài vụ của các xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp, công trường, nông trường… của trung ương hoạt động ở địa phương, tham gia giám đốc việc chấp hành kế hoạch tài vụ đó.

Điều 8. - Về tín dụng, ngân hàng:

a) Thông qua kế hoạch tiền mặt và kế hoạch tín dụng do Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở địa phương xây dựng để trình Chính phủ xét duyệt; giám đốc hoạt động của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trong việc chấp hành các kế hoạch đó, để thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất và lưu thông hàng hóa, nhằm giữ vững cân đối giữa tiền và hàng theo kế hoạch Nhà nước; đôn đốc các xí nghiệp, cơ quan, các tổ chức kinh tế và văn hóa hoạt động ở địa phương chấp hành các chỉ tiêu thu, chi tiền mặt: căn cứ vào tình hình và nhu cầu sản xuất của địa phương, lãnh đạo việc điều hòa một số chỉ tiêu tín dụng trong từng ngành kinh tế theo như thể lệ quy định; lãnh đạo việc chấp hành kỷ luật tín dụng, thanh toán và tiền mặt trong địa phương.

b) Lãnh đạo việc củng cố và phát triển các hợp tác xã tín dụng và quỹ tiết kiệm ở địa phương; căn cứ vào tình hình vật tư ở địa phương, lãnh đạo việc sử dụng một phần (không quá 50%) vốn tiết kiệm huy động vượt mức kế hoạch, nhằm tăng nguồn vốn cho vay ngắn hạn ở địa phương.

c) Kiểm tra việc bảo vệ, bảo quản các kho và quỹ tiền bạc của Nhà nước ở địa phương.

Điều 9. - Về công nghiệp, thủ công nghiệp:

a) Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, trên cơ sở phát huy triệt để khả năng của địa phương, lãnh đạo phát triển công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp nhằm phục vụ cho nông nghiệp, cho nhu cầu của địa phương và cho kế hoạch Nhà nước; xây dựng và quản lý những xí nghiệp công nghiệp địa phương (quốc doanh và công tư hợp doanh).

Kiểm tra việc sử dụng, điều hòa, phân phối vật tư trong các xí nghiệp và công trình của địa phương.

b) Tham gia quản lý những xí nghiệp, công trường của trung ương hoạt động ở địa phương theo như quy định ở điều năm trên đây.

c) Lãnh đạo việc củng cố và phát triển các hợp tác xã thủ công nghiệp theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Điều 10. - Về quy hoạch các đô thị và xây dựng cơ bản:

a) Tổ chức khảo sát, thiết kế và xét duyệt quy hoạch các thị trấn thuộc huyện và quy hoạch nông thôn.

Theo yêu cầu của Bộ chủ quản và tùy theo khả năng của địa phương, tiến hành điều tra, khảo sát, đo đạc, thăm dò địa chất để thu thập những tài liệu cần thiết cung cấp cho việc thiết kế những quy hoạch thuộc Bộ phụ trách; dựa vào quy hoạch chung và quy hoạch ngắn hạn đã được xét duyệt, tiến hành thiết kế cụ thể để hướng dẫn, việc xây dựng các thành phố, thị xã theo đúng bản đồ quy hoạch.

b) Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, tổ chức khảo sát, thiết kế và thi công những công trình công nghiệp, công trình công cộng, công trình dân dụng dưới hạn ngạch, quy mô vừa và nhỏ, kỹ thuật ít phức tạp. Tùy theo khả năng, có thể được Bộ chủ quản giao cho phụ trách khảo sát, thiết kế thì công cả những công trình trên hạn ngạch, những đồ án thiết kế phải được Bộ chủ quản xét duyệt.

c) Quản lý những công ty xây dựng, những đội công trình, những xí nghiệp vật liệu của địa phương.

Tham gia quản lý những công ty xây dựng, những đội công trình, những xí nghiệp vật liệu của trung ương hoạt động ở địa phương theo như quy định ở điều 5 trên đây.

Điều 11. - Về nông nghiệp:

a) Phát huy triệt để khả năng của địa phương, lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp địa phương một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, bảo đảm các chỉ tiêu thu mua của Nhà nước, nhu cầu về lương thực, thực phẩm và các nhu cầu khác của địa phương.

b) Lãnh đạo việc củng cố và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

c) Áp dụng mọi biện pháp cải tiến kỹ thuật cho thích hợp với hoàn cảnh và điều kiện nông nghiệp của địa phương. Tổ chức và chỉ đạo công tác nghiên cứu, thí nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, sáng kiến về sản xuất nông nghiệp. Tổ chức và quản lý các cơ sở sự nghiệp nông nghiệp của địa phương; đội máy kéo, trại thí nghiệm, trạm kỹ thuật, kho giống, v.v…

d) Tham gia quản lý các nông trường, các trại thí nghiệm và các cơ sở khác của trung ương hoạt động ở địa phương theo như quy định ở điều 5 trên đây.

Điều 12. - Về thủy lợi:

a) Xây dựng và thực hiện quy hoạch trị thủy các dòng sông nhỏ, quy hoạch thủy lợi các vùng trong địa phương.

b) Chỉ đạo xây dựng các công trình thủy lợi loại nhỏ.

Tổ chức khảo sát, thiết kế, thi công các công trình thủy nông loại vừa, nhưng kế hoạch xây dựng phải được Bộ chủ quản xét duyệt.

Tùy theo khả năng, có thể được Bộ chủ quản giao cho phụ trách khảo sát, thiết kế các công trình thủy nông lớn; tổ chức thi công các công trình ấy theo đúng đồ án kỹ thuật và kế hoạch thi công do Bộ chủ quản xây dựng.

Tổ chức quản lý tất cả các công trình thủy nông loại nhỏ, vừa, lớn ở địa phương (trừ các công trình thủy nông lớn, có tính chất đặc biệt).

c) Tổ chức việc xây dựng và quản lý các trạm thí nghiệm tưới nước, trạm thuỷ văn của địa phương, và các trạm của trung ương đặt ở địa phương do Bộ chủ quản khảo sát, thiết kế, trang bị máy móc, cung cấp kinh phí.

d) Tổ chức khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý các đê quai, đê bồi, đê biển loại nhỏ thuộc địa phương. Tổ chức khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý các hệ thống đê sông lớn, đê biển trong phạm vi địa phương do Bộ chủ quản xét duyệt đồ án kỹ thuật, kế hoạch thi công và cung cấp kinh phí.

e) Tổ chức và chỉ đạo công tác phòng, chống bão, lụt trong địa phương.

Điều 13. - Về thủy sản:

a) Tận dụng khả năng của địa phương, lãnh đạo phát triển nghề cá, phát triển và củng cố các hợp tác xã nghề cá, bảo đảm các chỉ tiêu thu mua, chế biến, phân phối của Nhà nước và nhu cầu của nhân dân địa phương.

b) Tổ chức và quản lý những cơ sở đóng thuyền, đan lưới, khai thác, chế biến thủy sản của địa phương.

c) Chỉ đạo thực hiện các biện pháp cải tiến kỹ thuật về khai thác cá, nuôi cá, chế biến cá, sản xuất công cụ nghề cá ở địa phương.

Điều 14. - Về lâm nghiệp:

a) Tổ chức việc quản lý đất rừng và rừng trong địa phương, việc bảo vệ rừng (phòng chống cháy, sói mòn, sâu bệnh), việc trồng cây gây rừng, cải tạo tu bổ rừng, việc khai thác các loại lâm sản theo đúng chính sách, chế độ và kế hoạch của Nhà nước, bảo đảm cung câấ làm sản cho nhu cầu của kế hoạch trung ương và cho nhu cầu của địa phương theo kế hoạch Nhà nước. Quyết định việc cấp đất rừng cho nhân dân khai hoang và cho các công trình khác trong phạm vi quyền hạn được luật lệ quy định và theo sự hướng dẫn của ngành chủ quản ở trung ương.

b) Tổ chức và quản lý những lâm trường và xí nghiệp lâm nghiệp của địa phương, lãnh đạo các hợp tác xã trồng cây gây rừng, khai thác lâm sản.

Tham gia quản lý những lâm trường của trung ương hoạt động ở địa phương theo như quy định ở điều 5 trên đây.

Điều 15. - Về thương nghiệp:

a) Lãnh đạo xây dựng thương nghiệp quốc doanh (kể cả nội thương và ngoại thương) và thương nghiệp hợp tác xã; tổ chức màng lưới thương nghiệp trong địa phương theo đúng đường lối, phương châm của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất của địa phương, bảo đảm điều hòa, lưu thông hàng hóa, cung cấp kịp thời cho nhu cầu của Nhà nước, cho sản xuất và cho tiêu dùng của nhân dân địa phương.

b) Tổ chức thu mua, bảo quản, vận chuyển các mặt hàng chủ yếu vầ nông sản, lâm sản, lương thực, thực phẩm cho kế hoạch Nhà nước theo đúng chính sách thu mua, chính sách giá cả của Nhà nước, bảo đảm thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu kế hoạch của các Bộ, các ngành ở trung ương về phân phối, điều động, vốn lãi đối với mặt hàng đó.

c) Tổ chức bán lẻ những mặt hàng được trung ương phân phối; tổ chức thu mua, bán buôn và bán lẻ những mặt hàng không ghi trong kế hoạch Nhà nước và kế hoạch của Bộ chủ quản chấp hành đúng chính sách giá cả của Nhà nước theo sự hướng dẫn của Bộ chủ quản.

d) Tổ chức và quản lý các cơ sở kinh doanh thương nghiệp, các cơ sở chế biến do Bộ chủ quản phân cấp hay ủy quyền cho địa phương quản lý. Lãnh đạo các cửa hàng công tư hợp doanh, cửa hàng hợp tác, tổ hợp tác về mặt quản lý, kinh doanh. Lãnh đạo việc tiếp tục cải tạo tư thương; thực hiện việc quản lý thị trường ở địa phương.

Tham gia quản lý các công ty, các cơ sở sản xuất và chế biến, các trạm thu mua bán buôn của trung ương hoạt động ở địa phương theo như quy định ở điều 5 trên đây.

Điều 16. - Về Giao thông, bưu điện:

a) Phát triển mạng lưới giao thông vận tải, mạng lưới bưu điện, phát hành báo chí trong địa phương theo kế hoạch Nhà nước. Tổ chức việc xây dựng, tu sửa và quản lý các đường bộ, đường sông, cầu cống, bến xe, bến sông… thuộc trách nhiệm của địa phương (kể cả đường nông thôn miền núi và thành phố). Tổ chức việc xây dựng, tu sửa các đường bộ, đường sông và các công trình thuộc trung ương do Bộ chủ quản giao cho địa phương làm.

b) Tổ chức và quản lý các lực lượng vận tải đường bộ, đường sông của địa phương (quốc doanh vận tải, công tư hợp doanh, kể cả các lực lượng vận tải thô sơ và thô sơ cải tiến) bảo đảm khối lượng vận tải của trung ương giao và nhu cầu vận tải của địa phương, huy động và tổ chức lực lượng vận tải của địa phương, phục vụ cho các kế hoạch cấp thiết của trung ương theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải.

Tham gia quản lý các lực lượng vận tải, các cơ sở giao thông vận tải, thông tin, liên lạc của trung ương hoạt động ở địa phương theo như quy định ở điều 5 trên đây.

c) Lãnh đạo việc củng cố và phát triển các công tự hợp doanh, các hợp tác xã vận tải và sửa chữa phương tiện vận tải.

d) Tổ chức và quản lý các cơ sở bưu điện, các công trình thông tin, liên lạc, truyền thanh thuộc địa phương theo quy định của Tổng cục Bưu điện.

Điều 17. - Về giáo dục:

a) Lãnh đạo phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương theo kế hoạch Nhà nước (mẫu giáo, vỡ lòng, thanh toán nạn mù chữ, phổ thông cấp I, II, III, sư phạm cấp I, II, bổ túc văn hóa, phổ thông công nghiệp và nông nghiệp, chuyên nghiệp trung cấp trừ một số trường có tính chất đặc biệt về chuyên môn như về hóa, về điện…).

b) Lãnh đạo các trường lớp (nhất là các trường phổ thông và bổ túc văn hóa) giảng dạy theo đúng chương trình, tài liệu giáo khoa, chế độ, quy tắc do Bộ chủ quản quy định, bảo đảm trình độ kiến thức cơ bản cho học sinh.

c) Chuẩn bị các mặt: giáo viên, trường sở, và các phương tiện, dụng cụ cho các trường thuộc địa phương trực tiếp quản lý theo đúng quy cách và sự hướng dẫn của Bộ chủ quản.

d) Bảo đảm thực hiện các chính sách, chế độ đối với các loại giáo viên. Tổ chức việc đào tạo giáo viên từ cấp II trở xuống.

Bảo đảm việc thu, chi học phí của học sinh theo chế độ chung.

Điều 18. - Về công tác văn hóa:

a) Lãnh đạo phát triển sự nghiệp văn hóa trong địa phương. Tổ chức và quản lý các cơ sở văn hóa, các đoàn nghệ thuật, các đội chiếu bóng, đội đèn chiếu của địa phương. Lãnh đạo phong trào văn nghệ quần chúng.

b) Lãnh đạo việc xuất bản những tài liệu, sách, báo phục vụ nhu cầu của địa phương. (Việc xuất bản báo, tập san của địa phương phải được ngành chủ quản ở trung ương cho phép và quy định quy mô, số lượng phát hành). Tổ chức công tác phát hành sách, báo ở địa phương, bảo đảm các chỉ tiêu phát hành sách, báo của trung ương.

c) Tổ chức các cuộc triển lãm về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, về khoa học nghệ thuật…theo nhu cầu của địa phương và những cuộc triển lãm do Bộ chủ quản hướng dẫn và cung cấp hiện vật.

d) Tổ chức bảo vệ và bảo quản những di tích lịch sử, di tích cách mạng, những danh lam thắng cảnh ở địa phương.

e) Tổ chức và lãnh đạo công tác thông tin và truyền thanh ở địa phương.

Điều 19. - Về y tế, thể dục, thể thao:

a) Lãnh đạo phát triển sự nghiệp y tế trong địa phương theo kế hoạch Nhà nước. Lãnh đạo phong trào vệ sinh phòng bệnh, phong trào thể dục thể thao ở địa phương lãnh đạo thực hiện các biện pháp để bảo vệ phụ nữ và nhi đồng.

b) Tổ chức và quản lý các cơ sở y tế và dược phẩm của địa phương: các bệnh viện, nhà điều dưỡng, xí nghiệp dược phẩm, trường y sĩ, lớp đào tạo y tá… của địa phương và các bệnh viện liên tỉnh, nhà điều dưỡng… do Bộ chủ quản giao cho địa phương quản lý. Lãnh đạo phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh, bán thuốc và cấp thuốc, phát triển các sân vận động, bể bơi…

Bảo đảm thực hiện các chính sách, chế độ đối với cán bộ y tế Nhà nước và dân lập.

Điều 20. - Về sự nghiệp phục vụ lợi ích công cộng:

a) Lãnh đạo phát triển và quản lý những cơ sở phục vụ đời sống của nhân dân địa phương: nhà ăn tập thể, cửa hàng ăn uống, công viên, cống rãnh, điện, nước, giao thông công cộng… trong các thành phố, thị xã, thị trấn.

b) Lãnh đạo việc xây dựng những nhà ở tập thể cho cán bộ, công nhân, viên chức ở địa phương. Quản lý, bảo quản, cho thuê những nhà ở địa phương thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, hoặc địa phương Nhà nước quản lý.

c) Tổ chức và chỉ đạo công tác phòng cháy và chữa cháy, công tác phòng không nhân dân trong địa phương.

d) Tổ chức, bảo quản những nghĩa trang trong địa phương.

Điều 21. - Về lao động tiền lương và an toàn xã hội:

a) Quản lý và điều hòa nhân lực ở địa phương, bảo đảm cung cấp nhân lực cho kế hoạch trung ương và cho nhu cầu của địa phương; đào tạo bồi dưỡng công nhân kỹ thuật cho địa phương và theo yêu cầu của trung ương.

b) Lãnh đạo các ngành, các cấp thuộc quyền thi hành các chính sách, chế độ về lao động tiền lương, về an toàn xã hội (bảo hiểm xã hội, cứu tế xã hội), về kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động, thực hiện các chỉ tiêu lao động và quỹ lương của Nhà nước. Kiểm tra việc chấp hành các chính sách, chế độ ấy trong các xí nghiệp, công trường, nông trường… của trung ương hoạt động ở địa phương.

c) Quản lý biên chế và quản lý tổ chức bộ máy của các cơ sở sản xuất và các ngành, các cấp thuộc quyền, bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

d) Thực hiện các biện pháp nhằm thu xếp công việc cho những người chưa có việc.

Tổ chức công tác cứu tế xã hội ở địa phương.

Điều 22. - Quản lý cán bộ, công nhân, viên chức theo quy định chung của Đảng và Nhà nước.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. - Việc phân cấp quản lý cần tiến hành theo tinh thần mạnh dạn, tích cực, nhưng đồng đời phải thận trọng, có kế hoạch, làm từng bước, có chỉ đạo chặt chẽ, tránh buông lỏng, tránh tập trung quan liêu, cục bộ, địa phương chủ nghĩa. Căn cứ vào những quy định này, các Bộ, các ngành ở trung ương quy định việc phân cấp cụ thể trong ngành mình và trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt; cần tùy theo khả năng của từng địa phương mà tiến hành phân cấp cho thích hợp; cần giúp đỡ địa phương có điều kiện cần thiết để làm tròn nhiệm vụ được giao.

Điều 24. - Việc phân cấp quản lý phải đi đôi với việc cải tiến tổ chức là lề lối làm việc phải bảo đảm tổ chức gọn, nhẹ và hợp lý, không bị phân cấp quản lý mà làm cho bộ máy trở nên nặng nề, cồng kềnh.

Các Ủy ban hành chính địa phương khi nhận nhiệm vụ cần xem xét toàn diện, phối hợp các mặt công tác để bố trí tổ chức, cán bộ cho thích hợp, bảo đảm làm tròn nhiệm vụ được giao.

Các Bộ, các ngành ở trung ương cần cải tiến tổ chức, tính giản bộ máy của mình, đồng thời giúp đỡ các Ủy ban hành chính địa phương tăng cường cơ quan chuyên môn cấp dưới thuộc ngành mình. Điều rất quan trọng là các Bộ, các ngành ở trung ương phải ra sức tăng cường cán bộ có năng lực cho địa phương. Phải tinh giản bộ máy và giảm nhẹ cán bộ ở trung ương để tăng cường cho địa phương.

Điều 25. - Những quy định này thi hành đối với tất cả các Ủy ban hành chính tỉnh (kể cả những tỉnh thộc khu tự trị), thành phố trực thuộc trung ương, khu Hồng Quảng, khu vực Vĩnh Linh.

Trong quá trình thi hành những quy định này, gặp trường hợp cụ thể mà Bộ, ngành chủ quản ở trung ương và Ủy ban hành chính địa phương không thỏa thuận được với nhau thì báo cáo lên Hội đồng Chính phủ quyết định.

Số 95-CP ban hành kèm theo Nghị định số 94-CP ngày 27 tháng 08 năm 1962.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 94-CP năm 1962 về phân cấp quản lý kinh tế và văn hóa do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.

  • Số hiệu: 94-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 27/08/1962
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: 11/09/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản