Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 159-CT

Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 1983 

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 56-HĐBT NGÀY 7-6-1983 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ CẤP BÁCH TRONG PHÂN CẤP QUẢN LÝ KINH TẾ NĂM 1983.

Hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành trung ương Đảng (khoá V) đã quyết định những nhiệm vụ cấp bách về phân cấp quản lý kinh tế từ trung ương đến các cấp địa phương . Hội đồng bộ trưởng đã ra Nghị quyết nhằm thực hiện những nhiệm vụ đó.

Thực hiện chủ trương đó là một nội dung quan trọng trong chương trình công tác của Hội đồng bộ trưởng, của các Bộ, các địa phương.

Do tính chất bao quát của việc này, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này. Các Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng phụ trách từng khối chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết trong khối được phân công.

Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương giúp Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng thường trực trong việc nghiên cứu , cụ thể hoá Nghị quyết; xin ý kiến các Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng phụ trách khối về những vấn đề có liên quan, cùng với Văn phòng Hội đồng bộ trưởng giúp giám định đề án của các Bộ nhằm bảo đảm tính đồng bộ của các Quyết định của Hội đồng bộ trưởng.

Văn phòng Hội đồng bộ trưởng giúp Phó chủ tịch thường trực Hội đồng bộ trưởng trong công tác chỉ đạo và điều hành việc thực hiện Nghị quyết này.

Dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Hội đồng bộ trưởng, các đồng chí bộ trưởng , chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm.

-Tổ chức phổ biến và quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội đồng lần thứ 3 của Ban chấp hành  trung ương Đảng và nghị quyết của Hội đồng bộ trưởng về phân cấp quản lý kinh tế , bảo đảm nhất trí với nghị quyết.

- Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các nội dung của Nghị quyết ; xúc tiến việc nghiên cứu , cụ thể hoá nghị quyết theo chức trách. nhiệm vụ được giao.

Trong khi đồng thời triển khai nghiên cứu để thực hiện trên cả 3 lĩnh vực chính sách, chế độ quản lý; phân cấp quản lý cơ sở; tổ chức bộ máy quản lý.

Cần kết hợp với tổ chức sản xuất với sắp xếp lại sản xuất và xúc tiến nghiên cứu cơ cấu tiến hành phân cấp sớm cho thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh (kể cả khu công nghiệp Biên Hoà) để rút kinh nghiệm.

I.VỀ CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ

Các cơ quan tổng hợp cần nghiên cứu và trình Thường vụ Hội đồng bộ trưởng từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1983 những vấn đề trọng yếu nhất sau đây:

1. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chuẩn bị đề án trình Thường vụ Hội đồng bộ trưởng xét quyết định này:

- Phân cấp quản lý danh mục vật tư - thiết bị - hàng tiêu dùng, trong đó có danh mục hàng nhập khẩu do trung ương quản lý.

- Quy định lại hạn ngạch công trình cho các lĩnh vực đầu tư.

- Uỷ ban Kế hoạch  Nhà nước hướng dẫn phương pháp kế hoạch hoá theo tinh thần nghị quyết hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành trung ương Đảng.

- Hướng dẫn thực hiện các cân đối chủ yếu trên lãnh thổ, phù hợp với tình hình cụ thể hiện nay.

2. Bộ Tài chính cùng với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương , Văn phòng Hội đồng bộ trưởng và các cơ quan liên quan khác trình đề án về các vấn đề cải tiến và phân cấp quản lý tài chính, ngân sách. Đặc biệt, trong tháng 6 cần trình đề án về phân cấp quản lý tài chính , trong đó cần giải quyết trước việc ổn định tỷ lệ giao nộp lợi nhuận và thu quốc doanh của các xí nghiệp; khuyến khích địa phương giao nộp nông, lâm, hải sản bằng một khoản thu và ngân sách địa phương.

Những vấn đề khác sẽ được trình tiếp sau.

3. Ngân hàng Nhà nước cần trình đề án cải tiến quản lý và cân đối tiền mặt, quản lý và cân đối tín dụng, công tác kiều hối và xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và nhiệm vụ của chi nhánh ngân hàng tỉnh và huyện trong quan hệ với chính quyền và kinh tế địa phương .

4. Uỷ ban Vật giá Nhà nước trình đề án về phân công, phân cấp quản lý giá và xét duyệt giá.

5. Bộ Nội thương trình đề án về phân công , phân cấp quản lý nội thương, cụ thể hoá và hướng dẫn thực hiện nghị quyết về xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện, Nghị quyết số 188-HĐBT ngày 23-11-1982 và Nghị quyết về phân cấp quản lý kinh tế.

6. Bộ Vật tư trình đề án và cải tiến cung cấp vật tư và tổ chức lại mạng lưới cung ứng vật tư (kể cả vật tư nông nghiệp), trong đó có vấn đề công ty vật tư huyện.

7. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính cùng với cơ quan liên quan trình đề án quy định các chế độ về Nhà nước với nhân dân cùng làm,,trung ương với địa phương cùng làm, về huy động vốn vật tư và lao động của nhân dân, của địa phương và hướng đầu tư, loại công trình; hợp tác và liên kết kinh tế giữa các địa phương và cơ sở.

8. Bộ Lương thực trình đề án về phân cấp quản lý trong tổ chức thu mua và cung ứng lương thực,quỹ lương thực huyện.

Trong quý III và đầu quý IV sẽ tiếp tục xét các đề án sau đây:

9. Bộ Ngoại thương và tổng cục dược sĩ lịch trình đề án và xuất khẩu tại chổ, phân cấp quản lý du lịch , tăng cường công tác hải quan...

10. Bộ Lao động trình đề án về phân cấp quản lý lao động, tiền lương, tiền công, kể cả việc bổ sung chế độ đãi ngộ đối với cán bộ địa phương, về cân đối lao động trên lãnh thổ.

11. Tổng cục Thống kê trình đề án về tăng cường công tác thống kê và thông tin kinh tế đối với kinh tế địa phương tỉnh, huyện, đặc biệt chú ý các địa phương và ngành trọng điểm.

12. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước trình án về phân cấp quản lý khoa học và kỹ thuật.

Tuỳ theo nội dung của đề án, Văn phòng Hội đồng bộ trưởng sẽ xếp lịch làm việc để Thường vụ Hội đồng bộ trưởng xét duyệt , các Phó chủ tịch phụ trách khối xem xét trước.

II. VỀ PHÂN CÔNG VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ CƠ SỞ

1. Uỷ ban Phân vùng và quy hoạch trung ương phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuậtnn và các cơ quan liên quan trình Hội đồng bộ trưởng trong quí III năm 1983 kế hoạch xúc tiến việc chuẩn bị và xây dựng tổng sơ đồ phân bố lực lượng sản xuất, quy hoạch phát triển tổng thể của cả nước, quy hoạch ngành và quy hoạch vùng (chú ý các ngành và vùng trọng điểm), có kế hoạch và biện pháp cụ thể kiện toàn cơ quan quy hoạch ngành ở Bộ và cơ quan phân vùng và quy hoạch ở tỉnh. Xác định rõ trách nhiệm , quyền hạn và nhiệm vụ của Bộ, tỉnh cũng như các cơ quan giúp việc trong lĩnh vực này.

Xúc tiến việc xây dựng cơ quan nghiên cứu chiến lược kinh tế, kiện toàn Uỷ ban Phân vùng và quy hoạch trung ương và các cơ quan nghiên cứu tổng hợp khác.

2. Trong tháng 6 năm 1983, Uỷ ban nhân dân tỉnh lập phương án , chủ động gặp các Bộ, Tổng cục quản lý các ngành sản xuất vật chất (bao gồm cả nông nghiệp , công nghiệp, thuỷ sản, xây dựng, giao thông  vận tải), có Văn phòng Hội đồng bộ trưởng , Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cùng tham dự thảo luận đề nghị của tỉnh về phân giao cơ sở. Bộ và tỉnh xin ý kiến của các Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng phụ trách khối và cùng trình ra Thường Vụ Hội đồng bộ trưởng kiến nghị phân giao cơ sở , có ghi rõ phần nhất trí và chưa nhất trí.

Trong năm 1983 cần hoàn thành về cơ bản việc phân giao cơ sở. Bắt đầu từ tháng 6 năm 1983 , Thường vụ Hội đồng bộ trưởng sẽ xem xét và quyết định về việc phân giao cơ sở . Văn phòng Hội đồng bộ trưởng, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước , Viện nghiên cứu kinh tế trung ương phải chuẩn bị chu đáo đề án phân giao cơ sở đối với các địa phương trọng điểm là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ( kể cả khu công nghiệp Biên Hoà), Hải Phòng, Vĩnh Phú, Bắc Thái, Hà Nam Ninh.

Các Bộ cần có thông tư hướng dẫn tăng cường quản lý kiểm tra, kiểm soát theo ngành đối với cơ sở thuộc kinh tế địa phương.

3. Từ quý III năm 1983, các tỉnh thành phố có kế hoạch phân cấp quản lý cho các quận, huỵên, trong đó có vấn đề phân giao cơ sở và báo cáo lên ban xây dựng huyện để theo dõi; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phải có kế hoạch tăng cường quản lý lãnh thổ, các Bộ quản lý các ngành phải hướng dẫn các cơ sở tăng cường quản lý ngành đối với các cơ sở giao cho địa phương trực tiếp quản lý.

4. Các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp , Thuỷ sản, Công nghiệp thực phẩm , Công nghiệp nhẹ,  Liên hiệp hợp tác xã trung ương phối hợp với các Ban kinh tế của Đảng, các tỉnh và thành phố xây dựng đề án kiện toàn quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa , cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với ngành phụ trách, trình Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng bộ trưởng trong quý III năm 1983.

Sau khi được phê chuẩn, các Bộ phối hợp với các tỉnh chỉ đạo thực hiện.

III. KIỆN TOÀN CÁC ĐƠN VỊ CƠ SỞ VÀ CÁC HÌNH THỨC LIÊN HIỆP SẢN XUẤT, KINH DOANH; PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP  VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CÁC BỘ

1. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phối hợp với các Bộ, các Ban của Đảng xây dựng đề án kiện toàn các đối với cơ sở phù hợp với chủ trương sắp xếp lại sản xuất, phân công và phân cấp quản lý, bao gồm hoàn thiện cơ chế quản lý của cơ sở, chấn chỉnh phương hướng tổ chức sản xuất và đội ngũ cán bộ cơ sở và của cấp trên quản lý cơ sở.

Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức sơ kết kinh nghiệm về lập, hoạt động hiệu quả của các liên hiệp xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, công ty trong lĩnh vực sản xuất và phân phối lưu thông và lập đề án kiện toàn của các tổ chức đó, trình Thường vụ Hội đồng bộ trưởng váo quý III năm 1983.

2. Các Bộ và cơ quan tổng hợp trình đề nghị sửa đổi , bổ sung điều lệ hoạt động của Bộ và Sở thuộc ngành, trình Thường vụ Hội đồng bộ trưởng váo quý III năm 1983.

Các Bộ và  các cơ quan quản lý ngành sản xuất kinh doanh đề nghị sửa đổi bổ sung điều lệ hoạt động của Bộ , trình Thường vụ Hội đồng bộ trưởng váo quý III năm 1983.

3. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương  phối hợp với các Bộ lập đề án về sự phân công và hiệp tác giữa các Bộ quản lý chức năng với các Bộ quản lý ngành, và giữa các Bộ quản lý ngành với nhau trình Hội đồng bộ trưởng váo quý III năm 1983.

4. Ban tổ chức của Chính phủ xây dựng đề án kiện toàn và tính giản tổ chức bộ máy quản lý hành chính Nhà nước các cấp từ các bộ phận đến các tỉnh , huyện, xã, giảm bớt các tổ chức trung gian và tính giản biên chế,  trình Hội đồng bộ trưởng vào quý IV năm 1983 . Bộ Lao động xúc tiến việc xây dựng các chức danh chủ yếu của bộ máy quản lý Nhà nước và sớm trình Hội đồng bộ trưởng ban hành .

Bộ Lao động, Ban tổ chức của Chính phủ cùng với các  cơ quan liên quan xây dựng định mức biên chế trình Hội đồng bộ trưởng ban hành.

5. Văn phòng Hội đồng bộ trưởng , Ban tổ chức của Chính phủ xây dựng đề án cải tiến chế độ và phương pháp làm việc, trình Hội đồng bộ trưởng vào quý III năm 1983.

Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương xây dựng đề án về hệ thống bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế ở các tỉnh, và kế hoạch triển khai thực hiện đề án này trong 3 năm 1983-1985 ,trình Hội đồng bộ trưởng vào quý III năm 1983.

6. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương trình đề án về quan hệ giữa Uỷ ban nhân dân xã và hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp ở các vùng khác nhau ( vào quý IV năm 1983).

Quý IV năm 1983 sẽ tổ chức sơ kết tình hình thực hiện và Hội đồng bộ trưởng sẽ có quyết định cần thiết về những biện pháp cần tiếp tục thực hiện trong năm 1984.

 

 

 

K.T CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
PHÓ CHỦ TỊCH

 


Tố Hữu

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 159-CT thực hiện Nghị quyết 56-HĐBT về nhiệm vụ cấp bách trong phân cấp quản lý kinh tế năm 1983 do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 159-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/06/1983
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản