Hệ thống pháp luật

Điều 19 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

Điều 19. Nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh

Nội dung chủ yếu của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh bao gồm:

1. Xác định các nội dung nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển, khả năng khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả lợi thế so sánh của tỉnh trong vùng và so sánh với các tỉnh lân cận: phân tích, đánh giá thực trạng khai thác lãnh thổ; phân tích, đánh giá những lợi thế so sánh về các yếu tố và điều kiện phát triển của lãnh thổ trong tổng thể vùng lớn hơn và cả nước, có tính tới mối quan hệ khu vực và quốc tế. Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội và thực trạng khai thác lãnh thổ tỉnh; đánh giá tiềm năng đóng góp vào ngân sách của tỉnh.

a) Phân tích, đánh giá và dự báo khả năng huy động các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội vào mục tiêu phát triển của tỉnh trong vùng và cả nước.

Vị trí địa lý, mối quan hệ lãnh thổ và khả năng phát huy các yếu tố này cho quy hoạch phát triển.

Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và dự báo khả năng khai thác, bảo vệ chúng.

Phân tích, đánh giá phát triển và dự báo dân số, phân bố dân cư gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các giá trị văn hoá phục vụ phát triển.

Phân tích, đánh giá hệ thống kết cấu hạ tầng về mức độ đáp ứng yêu cầu phát triển cao hơn.

Phân tích, đánh giá quá trình phát triển và hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khi phân tích và dự báo các yếu tố và điều kiện phát triển cần chú trọng yếu tố thị trường và xác định các lợi thế so sánh so với các tỉnh khác và có tính tới cạnh tranh quốc tế.

b) Phân tích, dự báo ảnh hưởng của các yếu tố trong nước và quốc tế đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tác động của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

c) Đánh giá về các lợi thế so sánh, hạn chế và cơ hội cùng các thách thức đối với phát triển của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.

2. Luận chứng mục tiêu, quan điểm và phương hướng phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng.

Xác định vị trí, vai trò của tỉnh đối với nền kinh tế của vùng và cả nước, từ đó luận chứng mục tiêu và quan điểm phát triển của tỉnh. Tác động của chiến lược và quy hoạch cả nước, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành đối với tỉnh trong thời kỳ quy hoạch. Luận chứng mục tiêu phát triển (gồm cả mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể).

- Đối với mục tiêu kinh tế: tăng trưởng GDP, tổng GDP, giá trị xuất khẩu và tỷ trọng đóng góp của tỉnh đối với vùng và cả nước, đóng góp vào ngân sách, GDP/người, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh có so sánh với bình quân chung của vùng và cả nước.

- Đối với mục tiêu xã hội: mức tăng việc làm, giảm thất nghiệp, giảm đói nghèo, mức độ phổ cập về học vấn, tỷ lệ tăng dân số, tỷ lệ lao động qua đào tạo, mức giảm bệnh tật và tệ nạn xã hội.

- Đối với mục tiêu môi trường: giảm mức độ ô nhiễm môi trường và mức đảm bảo các yêu cầu về môi trường trong sạch theo tiêu chuẩn môi trường (tiêu chuẩn Việt Nam).

- Đối với mục tiêu quốc phòng, an ninh: ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng.

3. Xác định nhiệm vụ cụ thể để đạt các mục tiêu đề ra trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Luận chứng phát triển cơ cấu kinh tế, luận chứng các phương án phát triển; xác định hướng phát triển ngành, lĩnh vực then chốt và sản phẩm chủ lực, trong đó xác định chức năng, nhiệm vụ và vai trò đối với tỉnh và vùng của các trung tâm đô thị và tiểu vùng trọng điểm.

Lựa chọn phát triển cơ cấu kinh tế, luận chứng và lựa chọn phương án phát triển; phương hướng phát triển và phân bố các ngành, các sản phẩm chủ yếu và lựa chọn cơ cấu đầu tư (kể cả đề xuất các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm trong giai đoạn 5 năm đầu và cho thời kỳ quy hoạch).

Luận chứng phát triển nguồn nhân lực và các giải pháp phát triển và đào tạo nguồn nhân lực.

4. Luận chứng phương án tổng hợp về tổ chức kinh tế, xã hội trên lãnh thổ tỉnh (lựa chọn phương án tổng thể khai thác lãnh thổ).

Tổ chức lãnh thổ hệ thống đô thị và khu công nghiệp; phát triển hệ thống khu, cụm công nghiệp; khu kinh tế thương mại, các khu kinh tế đặc thù khác.

Tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn; phát triển các vùng cây trồng, vật nuôi hàng hoá; phát triển làng nghề.

Xác định phương hướng phát triển cho những lãnh thổ đang kém phát triển và những lãnh thổ có vai trò động lực; phát triển các vùng khó khăn gắn với ổn định dân cư, xoá đói, giảm nghèo.

Xác định biện pháp giải quyết chênh lệch về trình độ phát triển và mức sống dân cư giữa các khu vực, giữa thành thị và nông thôn và giữa các tầng lớp dân cư.

5. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đảm bảo yêu cầu trước mắt và lâu dài của các hoạt động kinh tế, xã hội của tỉnh và gắn với các tỉnh khác trong vùng và cả nước.

a) Lựa chọn phương án phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh trong tổng thể mạng lưới giao thông của cả vùng.

b) Lựa chọn phương án phát triển thông tin liên lạc, bưu chính, viễn thông.

c) Lựa chọn phương án phát triển mạng lưới chuyển tải điện gắn với mạng lưới chuyển tải điện của cả vùng.

d) Lựa chọn phương án phát triển các công trình thủy lợi, cấp nước.

đ) Lựa chọn phương án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội và phúc lợi công cộng. Phát triển mạng lưới giáo dục - đào tạo (cả đào tạo nghề), hệ thống y tế - chăm sóc sức khỏe và các cơ sở văn hoá - xã hội.

6. Định hướng quy hoạch sử dụng đất (dự báo các phương án sử dụng đất căn cứ vào định hướng phát triển ngành, lĩnh vực).

7. Luận chứng danh mục dự án ưu tiên đầu tư.

8. Luận chứng bảo vệ môi trường; xác định những lãnh thổ đang bị ô nhiễm trầm trọng, những lãnh thổ nhạy cảm về môi trường và đề xuất giải pháp thích ứng để bảo vệ hoặc sử dụng các lãnh thổ này.

9. Xác định các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu quy hoạch; đề xuất các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm có tính toán cân đối nguồn vốn để bảo đảm thực hiện và luận chứng các bước thực hiện quy hoạch; đề xuất phương án tổ chức thực hiện quy hoạch.

a) Giải pháp về huy động vốn đầu tư.

b) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực.

c) Giải pháp về khoa học công nghệ, môi trường.

d) Giải pháp về cơ chế, chính sách.

đ) Giải pháp về tổ chức thực hiện.

10. Thể hiện phương án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trên bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/250.000 và 1/100.000 đối với các khu vực kinh tế trọng điểm.

Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

  • Số hiệu: 92/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 07/09/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 23/09/2006
  • Số công báo: Từ số 43 đến số 44
  • Ngày hiệu lực: 08/10/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH