Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

Chương 3:

NỘI DUNG VÀ TRÌNH TỰ LẬP QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH, LĨNH VỰC

Điều 25. Các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu sau đây phải lập quy hoạch phát triển

1. Các ngành kinh tế - kỹ thuật phải lập quy hoạch gồm: nông nghiệp; lâm nghiệp; thủy sản; công nghiệp khai thác mỏ; công nghiệp chế biến nông, lâm sản; công nghiệp dệt, da, may; công nghiệp hoá chất; công nghiệp cơ khí và gia công kim loại; thương mại; tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; du lịch; giao thông vận tải; bưu chính, viễn thông; thủy lợi và sử dụng tổng hợp nước; năng lượng; hệ thống giáo dục - đào tạo; hệ thống cơ sở y tế và chăm sóc sức khoẻ; thể dục thể thao; khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường.

2. Các sản phẩm chủ yếu phải lập quy hoạch bao gồm: mạng lưới giao thông đường bộ; đường sắt; đường hàng không và hệ thống sân bay; hệ thống cảng biển; hệ thống các khu công nghiệp và đô thị gắn với các khu công nghiệp; hệ thống các trường đại học, các trung tâm dạy nghề; sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng cao cấp; luyện kim; điện, điện tử và tin học; ô tô, xe máy; đóng và sửa chữa tàu thuyền; phát triển nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản; quy hoạch phát triển một số cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả; quy hoạch rừng nguyên liệu.

Điều 26. Nội dung chủ yếu của dự án quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực

1. Nội dung chủ yếu của quy hoạch phát triển các ngành sản xuất kinh doanh.

Quy hoạch phát triển các ngành sản xuất kinh doanh được gọi là quy hoạch “mềm” có tính chất định hướng và phải phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường.

Nội dung chủ yếu của quy hoạch phát triển các ngành sản xuất kinh doanh bao gồm:

a) Phân tích, dự báo các yếu tố phát triển ngành, trong đó có phân tích, dự báo đầy đủ yếu tố thị trường và yêu cầu về năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ.

b) Phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển và phân bố ngành trên các vùng lãnh thổ. Phân tích cơ cấu ngành, sản phẩm chủ yếu, đầu tư, công nghệ, lao động, tổ chức sản xuất.

c) Xác định vị trí, vai trò của ngành đối với nền kinh tế quốc dân và các mục tiêu phát triển của ngành. Phân tích cung cầu trên thế giới và khu vực; phân tích tình hình cạnh tranh trên thế giới và trong nước.

d) Luận chứng các phương án phát triển cơ cấu ngành, sản phẩm chủ yếu và các điều kiện chủ yếu đảm bảo mục tiêu quy hoạch được thực hiện (đầu tư, công nghệ, lao động).

đ) Luận chứng phương án phân bố ngành trên các vùng lãnh thổ, nhất là đối với các công trình then chốt và phương án bảo vệ môi trường.

e) Xác định các giải pháp về cơ chế, chính sách và đề xuất các phương án thực hiện.

g) Xây dựng danh mục công trình, dự án đầu tư trọng điểm có tính toán cân đối nguồn vốn để bảo đảm thực hiện, trong đó có chia ra bước đi cho 5 năm đầu tiên; tổ chức thực hiện quy hoạch.

h) Thể hiện các phương án quy hoạch phát triển ngành trên bản đồ quy hoạch.

2. Nội dung chủ yếu của quy hoạch phát triển các ngành thuộc kết cấu hạ tầng.

Quy hoạch phát triển các ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng (gồm cả kết cấu hạ tầng kinh tế và kết cấu hạ tầng xã hội) được gọi là quy hoạch “cứng” có thời gian định hướng quy hoạch là 20 năm hoặc xa hơn và có tính ổn định lâu dài, tính ràng buộc cao.

Nội dung chủ yếu của quy hoạch phát triển các ngành thuộc kết cấu hạ tầng gồm:

a) Xác định nhu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.

b) Dự báo tiến bộ khoa học, công nghệ và phát triển kết cấu hạ tầng của khu vực tác động tới phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước trong thời kỳ quy hoạch.

c) Luận chứng các phương án phát triển kết cấu hạ tầng trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ.

d) Luận chứng các giải pháp, công trình ưu tiên đầu tư và tổ chức thực hiện.

3. Nội dung chủ yếu của quy hoạch sản phẩm chủ yếu bao gồm:

a) Xác định vai trò, nhu cầu tiêu dùng nội địa và khả năng thị trường nước ngoài của sản phẩm.

b) Phân tích hiện trạng phát triển và tiêu thụ sản phẩm.

c) Dự báo khả năng công nghệ và sức cạnh tranh của sản phẩm.

d) Luận chứng các phương án phát triển và khuyến nghị phương án phân bố sản xuất trên các vùng và các tỉnh.

đ) Xác định các giải pháp, cơ chế, chính sách, phương hướng hợp tác quốc tế.

e) Thể hiện các phương án quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên bản đồ quy hoạch.

Điều 27. Căn cứ lập quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực

1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

3. Các nghị quyết, quyết định về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ có liên quan.

4. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng giai đoạn trước.

5. Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực (cấp quốc gia) có liên quan.

6. Quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7. Hệ thống số liệu thống kê, các kết quả điều tra cơ bản, khảo sát và hệ thống số liệu, tài liệu liên quan. Các kết quả dự báo về thị trường và tiến bộ khoa học công nghệ trong nước và quốc tế.

Điều 28. Trình tự lập quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực

1. Tổng hợp các kết quả nghiên cứu liên quan đến việc lập quy hoạch ngành; trên cơ sở đó tiến hành phân tích, đánh giá các yếu tố và điều kiện phát triển và dự báo tác động của chúng đến quy hoạch ngành. Thu thập tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường liên quan, nếu thiếu cần có kế hoạch điều tra bổ sung.

2. Nghiên cứu các tác động của các yếu tố đến quá trình phát triển của ngành. Đánh giá và dự báo các yếu tố và nguồn lực phát triển, các yếu tố tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới và các yếu tố phát triển kinh tế - xã hội khác tác động đến quy hoạch phát triển của ngành trong tương lai.

3. Xác định vị trí, vai trò của các ngành đối với nền kinh tế của cả nước và các vùng; nghiên cứu các quan điểm chỉ đạo và một số chỉ tiêu vĩ mô về phát triển ngành; cung cấp các thông tin đó cho các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm cơ sở phục vụ lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, đồng thời thu nhận thông tin phản hồi để điều chỉnh, bổ sung.

4. Xây dựng và lựa chọn phương án quy hoạch ngành. Dựa vào các mục tiêu đặt ra của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, yếu tố thị trường trong và ngoài nước, khả năng các nguồn lực để luận chứng quan điểm, mục tiêu phát triển ngành cho các năm mốc của thời kỳ quy hoạch. Luận chứng các giải pháp chủ yếu và điều kiện đảm bảo thực hiện quy hoạch ngành. Định hướng tổ chức không gian phân bố ngành. Các giải pháp thực hiện.

5. Lập báo cáo quy hoạch ngành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Thông báo quy hoạch ngành trong vòng 30 ngày sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp. Các ngành, các địa phương căn cứ vào đó hiệu chỉnh quy hoạch ngành, tỉnh và triển khai các quy hoạch cụ thể.

Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

  • Số hiệu: 92/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 07/09/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 23/09/2006
  • Số công báo: Từ số 43 đến số 44
  • Ngày hiệu lực: 08/10/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH