Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

Chương 4:

THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Điều 29. Hồ sơ thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

1. Hồ sơ thẩm định dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cả nước, các vùng, tỉnh, huyện gồm:

a) Tờ trình cấp có thẩm quyền đề nghị phê duyệt quy hoạch.

b) Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lập theo nội dung quy định.

c) Các báo cáo chuyên đề, các phụ lục kèm theo.

d) Hệ thống bản đồ bao gồm: bản đồ hành chính; bản đồ vị trí và mối quan hệ liên vùng; bản đồ hiện trạng và quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng chủ yếu, hệ thống đô thị và các điểm dân cư; bản đồ tổ chức lãnh thổ các hoạt động kinh tế - xã hội chủ yếu; bản đồ hiện trạng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cả nước với các bản đồ tỷ lệ 1/1.000.000 và 1/500.000; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng với các bản đồ tỷ lệ 1/500.000 và 1/250.000; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh với các bản đồ tỷ lệ 1/250.000 và 1/100.000; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện với các bản đồ tỷ lệ 1/100.000 và 1/50.000.

đ) Các văn bản pháp lý có liên quan.

e) Báo cáo thẩm định của cấp cơ sở.

2. Hồ sơ thẩm định dự án quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các sản phẩm chủ yếu gồm:

a) Tờ trình cấp có thẩm quyền đề nghị phê duyệt quy hoạch.

b) Báo cáo tổng hợp quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực lập theo nội dung quy định.

c) Các báo cáo chuyên đề, các phụ lục kèm theo.

d) Hệ thống bản đồ bao gồm: bản đồ hiện trạng và quy hoạch phân bố các cơ sở sản xuất kinh doanh chủ yếu của ngành; bản đồ tổng hợp về hiện trạng và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các sản phẩm chủ yếu. Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các sản phẩm chủ yếu cấp quốc gia, bản đồ tỷ lệ 1/1.000.000; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh, bản đồ tỷ lệ 1/250.000 và 1/100.000.

đ) Các văn bản pháp lý có liên quan.

e) Báo cáo thẩm định của cấp cơ sở.

Điều 30. Nội dung thẩm định các dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

1. Cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, độ tin cậy của các thông tin, số liệu, tư liệu sử dụng để lập quy hoạch và nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

2. Sự phù hợp của quy hoạch với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

3. Các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của quy hoạch và phương án bố trí hợp lý các nguồn lực.

4. Tính thống nhất của các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cả nước, vùng, lãnh thổ, quy hoạch ngành và các quy hoạch khác liên quan.

5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch, tính khả thi của quy hoạch và các biện pháp quản lý thực hiện quy hoạch.

Điều 31. Thẩm quyền thẩm định các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

1. Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập với sự tham gia của các Bộ, ngành thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cả nước, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức thẩm định các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm chủ lực thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

3. Các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến quốc phòng, an ninh phải có sự tham gia thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức thẩm định các quy hoạch sản phẩm thuộc chức năng quản lý của ngành không thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức thẩm định các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện và các quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Các cơ quan chức năng của Nhà nước tổ chức thẩm định lấy ý kiến các Bộ, ngành, các địa phương liên quan và có thể thuê các tổ chức tư vấn, cá nhân có năng lực thích hợp tham gia thẩm định các dự án quy hoạch trong trường hợp thật cần thiết. Sau khi có kết quả thẩm định, cơ quan có chức năng thẩm định lập báo cáo thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch.

Điều 32. Về hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

Hội đồng thẩm định, các tổ chức thực hiện chức năng thẩm định cùng cơ quan chức năng của Nhà nước chịu trách nhiệm trình hồ sơ đề nghị phê duyệt lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Hồ sơ trình phê duyệt, gồm:

1. Tờ trình của cơ quan có thẩm quyền đề nghị phê duyệt quy hoạch.

2. Báo cáo quy hoạch theo nội dung quy định gồm: báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lập theo nội dung quy định; các báo cáo chuyên đề, các phụ lục kèm theo; hệ thống bản đồ quy hoạch.

3. Báo cáo tóm tắt quy hoạch trình duyệt.

4. Các văn bản pháp lý liên quan.

Hồ sơ cơ quan thẩm định trình, gồm:

1. Báo cáo thẩm định.

2. Các văn bản (bản sao) về ý kiến của các Bộ, ngành, các địa phương liên quan, của các nhà khoa học và các chuyên gia phản biện.

3. Dự thảo quyết định phê duyệt.

Điều 33. Nội dung phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

Nội dung phê duyệt đối với các dự án quy hoạch gồm:

1. Quan điểm và các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chủ yếu của quy hoạch.

2. Phương hướng và các phương án phát triển chủ yếu.

3. Các biện pháp chủ yếu để đạt mục tiêu quy hoạch như giải pháp về cơ cấu, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt, các sản phẩm chủ yếu; cơ chế, chính sách.

4. Phương án tổ chức lãnh thổ các hoạt động kinh tế, xã hội.

5. Tổ chức thực hiện.

Điều 34. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

1. Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cả nước; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua quy hoạch cấp mình trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cấp huyện thông qua quy hoạch cấp mình trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế - xã hội, các vùng kinh tế trọng điểm; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh; quy hoạch các ngành kết cấu hạ tầng, các ngành kinh tế - kỹ thuật, các sản phẩm quan trọng, quy hoạch sử dụng tài nguyên (khoáng sản, nước, rừng, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên).

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành, lĩnh vực, phê duyệt quy hoạch phát triển các phân ngành, lĩnh vực và các sản phẩm của ngành không thuộc phạm vi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương liên quan và quy hoạch cụ thể của các ngành.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện và các quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm chủ yếu của tỉnh.

Điều 35. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân nào có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này và của các quy định khác của pháp luật có liên quan, thực hiện không đúng theo các quy hoạch đã được phê duyệt thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Các cơ quan chức năng nhà nước, cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về quy hoạch, lập quy hoạch và thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành mà không làm đầy đủ nhiệm vụ được giao hoặc tự đặt ra các thủ tục, yêu cầu ngoài quy định, trì hoãn việc thẩm định, trình phê duyệt khi đã có đủ các điều kiện quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, bị xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

  • Số hiệu: 92/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 07/09/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 23/09/2006
  • Số công báo: Từ số 43 đến số 44
  • Ngày hiệu lực: 08/10/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH