Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 90/2012/NĐ-CP tổ chức và trong hoạt động thanh tra ngành Nội vụ

Chương 2.

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN THỰC HIỆN CHỨC NĂNG THANH TRA NGÀNH NỘI VỤ

Điều 3. Các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Nội vụ

1. Cơ quan thanh tra nhà nước:

a) Thanh tra Bộ Nội vụ.

b) Thanh tra Sở Nội vụ.

2. Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành:

a) Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

b) Ban Tôn giáo Chính phủ.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ Nội vụ

Thanh tra Bộ Nội vụ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 18 của Luật thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Nội vụ.

2. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra viên, người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nội vụ và công chức làm công tác thanh tra thuộc Bộ Nội vụ.

3. Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ Nội vụ thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra.

4. Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.

5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ

Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 19 của Luật thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Báo cáo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình.

2. Tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Nội vụ việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành đối với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ.

3. Thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ Nội vụ trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

4. Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia hoạt động thanh tra.

5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở Nội vụ

Thanh tra Sở Nội vụ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 24 của Luật thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành nội vụ cho Thanh tra viên, công chức làm công tác thanh tra thuộc Sở Nội vụ.

2. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Giám đốc Sở Nội vụ, thanh tra Sở Nội vụ.

3. Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Sở Nội vụ trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

4. Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra nội vụ trong phạm vi quản lý nhà nước của Sở Nội vụ.

5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Sở Nội vụ

Chánh Thanh tra Sở Nội vụ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 25 của Luật thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Báo cáo Giám đốc Sở Nội vụ, Chánh thanh tra tỉnh, Chánh thanh tra Bộ Nội vụ về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình.

2. Thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Sở Nội vụ trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

3. Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia hoạt động thanh tra.

4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nội vụ

1. Xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng, tôn giáo gửi Thanh tra Bộ Nội vụ để tổng hợp trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng, tôn giáo.

3. Thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ giao.

4. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng, tôn giáo.

5. Tổng hợp, báo cáo Thanh tra Bộ Nội vụ kết quả thanh tra chuyên ngành.

6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan đươc giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nội vụ

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra chuyên ngành.

2. Quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ; phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về thi đua, khen thưởng, tôn giáo.

3. Kiến nghị Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra trong phạm vi quản lý của cơ quan mình.

4. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ hoặc hủy bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra.

5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành

1. Bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ được tổ chức thành Vụ.

2. Bộ phận tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc cơ quan mình xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra trình Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp.

b) Thực hiện thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên, thanh tra đột xuất khi được Thủ trưởng cơ quan giao.

c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật khi được phân công.

d) Tổng hợp, đánh giá và báo cáo kết quả công tác thanh tra chuyên ngành; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

đ) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

e) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra.

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan giao và theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Nghị định 90/2012/NĐ-CP tổ chức và trong hoạt động thanh tra ngành Nội vụ

  • Số hiệu: 90/2012/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/11/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 657 đến số 658
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH