Hệ thống pháp luật

Điều 46 Nghị định 90/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Nhà ở

Điều 46. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với nhà ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở lần đầu (sau đây gọi tắt là cấp mới)

1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị cấp giấy và nộp cho Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nếu là tổ chức, nộp cho Phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện nếu là cá nhân. Trường hợp là cá nhân trong nước ở khu vực nông thôn thì có thể nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã và trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho Phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện.

Trường hợp doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở để bán thì doanh nghiệp có trách nhiệm thay mặt bên mua nhà làm thủ tục để cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận cho người mua theo quy định của Điều này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (theo mẫu do Bộ Xây dựng hướng dẫn);

b) Bản sao giấy tờ về tạo lập nhà ở theo quy định tại Điều 43 Nghị định này. Đối với tổ chức trong nước đề nghị cấp giấy chứng nhận thì phải có thêm bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc bản sao Quyết định thành lập. Đối với nguời Việt Nam định cư ở nước ngoài đề nghị cấp giấy chứng nhận thì phải có thêm bản sao giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam;

c) Bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 của Luật Nhà ở, Bản vẽ sơ đồ nhà ở đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 của Luật Nhà ở, trừ trường hợp trong giấy tờ về tạo lập nhà ở quy định tại điểm b khoản này đã có bản vẽ sơ đồ và trên thực tế không có thay đổi.

Bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở phải thể hiện được vị trí, hình dáng, kích thước, diện tích thửa đất; hình dáng, kích thước, diện tích mặt bằng các tầng nhà ở; vị trí nhà ở trên khuôn viên đất, tường chung, tường riêng. Riêng đối với căn hộ trong nhà chung cư thì thể hiện vị trí ngôi nhà, hình dáng, kích thước mặt bằng tầng có căn hộ và vị trí, hình dáng, kích thước, diện tích của căn hộ đề nghị cấp giấy.

Bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở có thể do tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận tự đo vẽ hoặc thuê tổ chức có tư cách pháp nhân về hoạt động xây dựng đo vẽ hoặc do cơ quan cấp giấy chứng nhận đo vẽ. Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy tự đo vẽ thì bản vẽ sơ đồ phải có thẩm tra xác nhận của Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nếu là tổ chức, của Phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện nếu là cá nhân tại đô thị, của Ủy ban nhân dân xã nếu là cá nhân tại khu vực nông thôn. Đối với nhà ở xây dựng mới trong các dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới thì sử dụng bản vẽ do chủ đầu tư cung cấp.

3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, đối chiếu các bản sao với giấy tờ gốc, nếu hồ sơ đã có đủ các giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phải viết giấy biên nhận cho người đề nghị cấp giấy, trong đó ghi rõ thời gian giao trả giấy chứng nhận. Trường hợp bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở do tổ chức, cá nhân tự đo vẽ mà chưa có thẩm tra xác nhận của cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm c khoản 2 Điều này thì trong giấy biên nhận phải hẹn thời gian đến thẩm tra; thời gian hẹn thẩm tra không được quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy và không tính vào thời hạn cấp giấy chứng nhận.

Trường hợp hồ sơ không đủ các giấy tờ theo quy định thì người tiếp nhận hồ sơ phải nêu rõ lý do và có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể ngay khi nhận hồ sơ để người đề nghị cấp giấy biết, bổ sung hồ sơ.

4. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy có trách nhiệm nộp ngay lệ phí cấp giấy cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ khi nộp hồ sơ. Lệ phí cấp giấy được hoàn trả lại cho các trường hợp không được cấp giấy, trừ trường hợp người đề nghị cấp giấy kê khai hồ sơ không đúng sự thật hoặc không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

5. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, Phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, thể hiện các nội dung trên giấy chứng nhận, trình cơ quan có thẩm quyền ký giấy chứng nhận, thông báo cho người đề nghị cấp giấy chứng nhận nộp các khoản nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, vào sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở và giao trả giấy chứng nhận cho người đề nghị cấp giấy, đồng thời có trách nhiệm sao 01 bản giấy chứng nhận chuyển cho cơ quan quản lý đất đai cùng cấp để lưu theo quy định tại khoản 6 Điều 45 Nghị định này.

Người đề nghị cấp giấy có trách nhiệm nộp các khoản nghĩa vụ tài chính đã được thông báo để được nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

6. Chủ sở hữu nhà ở nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ, trường hợp người khác nhận thay thì phải có giấy uỷ quyền của chủ sở hữu nhà ở có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Khi nhận giấy chứng nhận, chủ sở hữu phải nộp biên lai thu các khoản nghĩa vụ tài chính đã được thông báo, các giấy tờ gốc về tạo lập nhà ở mà trong hồ sơ là bản sao cho cơ quan giao trả giấy để lưu hồ sơ (trừ quyết định phê duyệt dự án phát triển nhà ở; Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 của Luật Nhà ở); chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền nhận giấy phải ký nhận vào sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở.

Trường hợp Ủy ban nhân dân xã giao trả Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm thu các giấy tờ quy định tại khoản này và trong thời hạn 15 ngày làm việc, phải nộp cho cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện để đưa vào hồ sơ lưu trữ.

Nghị định 90/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Nhà ở

  • Số hiệu: 90/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 06/09/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 23/09/2006
  • Số công báo: Từ số 43 đến số 44
  • Ngày hiệu lực: 08/10/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH