Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 2 Nghị định 90/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Nhà ở

Mục 3. PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ NHÀ Ở XÃ HỘI

Điều 18. Quỹ nhà ở xã hội

1. Quỹ nhà ở xã hội do Nhà nước, các tổ chức hoặc cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng trên cơ sở nhu cầu thuê và thuê mua của các đối tượng sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương theo quy định tại Điều 24, 25 và Điều 26 Nghị định này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Phê duyệt và công bố quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển nhà ở, quỹ đất và địa điểm cụ thể dành để phát triển nhà ở xã hội bảo đảm sự gắn kết với các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở thương mại hoặc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;

b) Lập kế hoạch phát triển nhà ở xã hội 5 năm và hàng năm, trong đó xác định cụ thể loại nhà ở; nhu cầu về diện tích nhà ở, cơ cấu căn hộ dành để cho thuê, cho thuê mua, cân đối cụ thể các nguồn vốn đầu tư phù hợp với các quy định tại Điều 52 của Luật Nhà ở; cơ chế khuyến khích để kêu gọi các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội;

c) Quyết định lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt các dự án và tổ chức chỉ đạo việc triển khai thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của địa phương trong từng giai đoạn.

Điều 19. Quỹ phát triển nhà ở

1. Quỹ phát triển nhà ở được hình thành từ các nguồn sau đây:

a) Tiền thu từ việc bán, cho thuê, cho thuê mua quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn;

b) Trích từ 30% đến 50% tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại và các dự án khu đô thị mới trên địa bàn. Mức cụ thể do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;

c) Ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

d) Tiền hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

đ) Tiền huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập Quỹ phát triển nhà ở của địa phương trên cơ sở các nguồn huy động quy định tại khoản 1 Điều này và ban hành quy chế quản lý quỹ này bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Quỹ phát triển nhà ở là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn vốn, bù đắp chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động và không vì mục đích lợi nhuận;

b) Quỹ phát triển nhà ở trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có tư cách pháp nhân, hoạt động hạch toán độc lập, có con dấu riêng, có bảng cân đối kế toán riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng để hoạt động theo quy định của pháp luật;

c) Quỹ phát triển nhà ở được quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và các quy định có liên quan của pháp luật;

d) Quỹ phát triển nhà ở được miễn giảm các loại thuế và nộp ngân sách nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

đ) Quỹ phát triển nhà ở của địa phương được sử dụng để phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi địa bàn;

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn việc tổ chức, hoạt động đối với Quỹ phát triển nhà ở của các địa phương.

Điều 20. Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội

1. Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xác định và bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn.

2. Căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xem xét, quyết định việc chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị mới trên địa bàn có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên có trách nhiệm dành một phần diện tích đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để chính quyền địa phương phát triển nhà ở xã hội nhưng trong mọi trường hợp không vượt quá 20% diện tích đất ở của dự án. Khoản chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của diện tích đất này được trừ vào tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định. Trong trường hợp khoản chi phí lớn hơn số tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư phải nộp ngân sách thì khoản chênh lệch đó sẽ được hoàn trả từ vốn ngân sách nhà nước ngay sau khi chủ đầu tư bàn giao diện tích đất đã có hạ tầng cho cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định.

Điều 21. Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn đơn vị làm chủ đầu t­ư các dự án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn được đầu tư từ quỹ phát triển nhà ở.

2. Đơn vị được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm quản lý quá trình đầu tư xây dựng, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý vận hành dự án sau khi kết thúc đầu tư xây dựng.

3. Đối với dự án phát triển nhà ở xã hội do tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng thì chủ đầu tư dự án được phép tổ chức quản lý, vận hành dự án đó sau khi kết thúc đầu tư xây dựng.

4. Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội có trách nhiệm tổ chức lập và trình duyệt dự án theo quy định tại Điều 5, 6 và Điều 7 Nghị định này.

Điều 22. Thực hiện dự án phát triển nhà ở xã hội

1. Thiết kế, dự toán nhà ở và công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở xã hội phải tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng và tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội quy định tại Điều 47 của Luật Nhà ở.

2. Việc lựa chọn tư vấn thiết kế, đơn vị xây dựng đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng.

3. Các đơn vị tư vấn khi thiết kế các dự án phát triển nhà ở xã hội phải áp dụng các giải pháp công nghệ thi công và sử dụng vật liệu hợp lý nhằm đảm bảo mục tiêu về tiến độ, chất lượng và hạ giá thành xây dựng, khuyến khích áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình.

Điều 23. Quản lý vận hành quỹ nhà ở xã hội

1. Trường hợp có từ 2 đơn vị trở lên đăng ký tham gia quản lý, vận hành và khai thác quỹ nhà ở xã hội thì việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành dự án thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu.

2. Việc thực hiện quản lý vận hành và khai thác quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu của các thành phần kinh tế khác do chủ đầu tư­ quyết định trên nguyên tắc đảm bảo cho thuê hoặc cho thuê mua đúng đối t­ượng quy định tại Điều 24 Nghị định này và mức giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được cao hơn mức giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trên địa bàn.

3. Đơn vị quản lý vận hành và khai thác quỹ nhà ở xã hội được hưởng các chế độ như đối với các đơn vị hoạt động dịch vụ công ích theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 24. Đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội

1. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

2. Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lư­ợng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

3. Công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

4. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ quy định tại khoản 4 Điều 40 Nghị định này.

Điều 25. Điều kiện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội

Người được thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

1. Thuộc đối t­ượng quy định tại Điều 24 Nghị định này.

2. Chư­a có sở hữu nhà ở và chư­a đư­ợc thuê hoặc thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dư­ới 5m2 sàn/ngư­ời; có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng là nhà ở tạm, hư hỏng hoặc dột nát.

3. Có mức thu nhập bình quân hàng tháng của hộ gia đình không vư­ợt quá 5 lần tổng số tiền thuê nhà ở xã hội phải trả hàng tháng đối với căn hộ có diện tích tối đa là 60 m2 sàn và không thấp hơn 4 lần số tiền thuê phải trả đối với căn hộ có diện tích tối thiểu là 30 m2 sàn, tính theo mức giá thuê do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

4. Người được thuê mua quỹ nhà ở xã hội ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này còn phải thanh toán lần đầu 20% giá trị của nhà ở được thuê mua.

5. Việc lựa chọn các đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Nhu cầu bức thiết về nhà ở (chưa có nhà ở, mới lập gia đình, diện tích nhà ở bình quân quá thấp);

b) Các đối tượng được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học trở lên, công nhân có tay nghề từ bậc 5 trở lên chưa được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở dưới mọi hình thức;

c) Cán bộ, công chức thuộc diện được hưởng chính sách nhà ở công vụ nhưng đã trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước mà có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn.

6. Căn cứ quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều này và điều kiện của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể và công bố công khai về đối tượng và điều kiện được thuê, thuê mua quỹ nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn trong từng thời kỳ và từng dự án cụ thể.

Điều 26. Xác định đối tư­ợng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội

1. Ng­ười có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải làm đơn, có ý kiến của cơ quan, đơn vị nơi mình đang làm việc xác nhận về đối tượng và điều kiện nhà ở hiện có của người xin thuê, thuê mua nhà ở. Đối với hộ gia đình thì phải có xác nhận của tất cả các cơ quan, đơn vị của từng thành viên đã có việc làm trong hộ gia đình đó và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đang sinh sống. Đơn đề nghị thuê, thuê mua nhà ở xã hội nộp tại cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh.

2. Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm đối chiếu với các quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định này và quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để kiến nghị danh sách cụ thể trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

3. Căn cứ vào quỹ nhà ở xã hội của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh sách những người được thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

4. Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo cho đơn vị được giao quản lý, vận hành quỹ nhà ở xã hội triển khai thực hiện việc bố trí và ký hợp đồng cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội đối với các trường hợp đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xét duyệt và thứ tự ưu tiên đối với các đối tượng đề nghị thuê, thuê mua nhà ở xã hội phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Điều 27. Xác định giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội

Giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội được xác định theo các nguyên tắc sau đây:

1. Tính đủ chi phí đảm bảo thu hồi vốn đầu tư xây dựng, quản lý vận hành quỹ nhà ở xã hội.

2. Không tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản ưu đãi về thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với khung giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Nghị định này, bao gồm:

a) Khung giá cho thuê nhà ở xã hội áp dụng đối với loại nhà ở thấp tầng tại khu vực nông thôn;

b) Khung giá thuê mua nhà ở xã hội áp dụng đối với loại nhà chung cư;

c) Khung giá thuê mua nhà ở xã hội;

d) Khung giá thuê nhà ở xã hội tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

4. Khung giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội được xem xét, điều chỉnh 5 năm một lần.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, quyết định ban hành khung giá mới hoặc điều chỉnh khung giá phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Nghị định 90/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Nhà ở

  • Số hiệu: 90/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 06/09/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 23/09/2006
  • Số công báo: Từ số 43 đến số 44
  • Ngày hiệu lực: 08/10/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH