Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 88-CP | Hà Nội, ngày 06 tháng 3 năm 1979 |
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ THỦY LỢI
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ vào Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14/7/1960;
Căn cứ vào Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực kinh tế ban hành theo Nghị định số 172-CP ngày 01/11/1973.
Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Thủy lợi.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo nghị định này bản Quy định về tổ chức và hoạt động của Bộ Thủy lợi.
TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ THỦY LỢI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 88-CP ngày 06/3/1979 của Hội đồng Chính phủ)
- Quản lý tài nguyên nước, phân phối sử dụng và bảo vệ môi trường nước (bao gồm nước trên mặt đất và nước ngầm);
- Xây dựng và quản lý xây dựng các công trình thủy lợi;
- Quản lý khai thác các công trình thủy lợi;
- Quản lý công tác phòng chống lũ lụt, quản lý dòng sông và công tác đê điều, nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân và đời sống nhân dân, trước hết là phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
- Nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ quyết định các quy hoạch, dự đoán phát triển toàn diện về công tác thủy lợi được phân bố hợp lý ở các vùng và trên phạm vi cả nước.
- Xây dựng và quản lý việc thực hiện các quy hoạch khai thác, điều hoà, phân phối, sử dụng và bảo vệ nguồn nước và môi trường nước trên từng lưu vực sông, từng vùng và toàn lãnh thổ (bao gồm nước trên mặt đất và nước ngầm);
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm về phát triển thủy lợi.
- Nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo sự ủy nhiệm của Hội đồng Chính phủ các chính sách, chế độ, các định mức, tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật về quản lý ngành thủy lợi; hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các chính sách chế độ và các định mức, tiêu chuẩn ấy;
- Tổ chức quản lý và chỉ đạo việc khảo sát, thiết kế, thi công các công trình thủy lợi;
- Tổ chức quản lý và chỉ đạo việc khai thác các công trình thủy lợi, phân phối nguồn nước cho các ngành, các hộ dùng nước trên các lưu vực sông và các công trình thủy lợi; kiểm tra và xử lý theo pháp luật những vi phạm trong việc sử dụng và bảo vệ các nguồn nước và môi trường nước;
- Tổ chức quản lý và chỉ đạo công tác phòng chống lũ, lụt, quản lý dòng sông và bảo vệ đê điều;
- Nghiên cứu khoa học, quản lý kỹ thuật và ứng dụng những thành tựu hoặc tiến bộ kỹ thuật mới vào công tác thủy lợi;
- Tổ chức và quản lý thống nhất việc trang bị kỹ thuật, sản xuất, sửa chữa thiết bị, xe, máy chuyên dùng và cung ứng các loại vật tư chuyên dùng trong ngành thủy lợi theo sự phân công của Hội đồng Chính phủ;
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật thủy lợi. Quản lý biên chế cán bộ trong các tổ chức thuộc Bộ theo chế độ chung của Nhà nước;
- Phối hợp với các đoàn thể để tổ chức, lãnh đạo và phát triển mạnh mẽ phong trào thi đua trong ngành thủy lợi.
Điều 3. Công tác kế hoạch hóa:
1. Bộ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn, kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm trong toàn ngành thủy lợi, từ việc xây dựng số kiểm tra để thống nhất với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đến việc đề ra các chủ trương, biện pháp nhằm bảo đảm tổ chức, chỉ đạo toàn ngành thực hiện sau khi được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn kế hoạch.
2. Bộ phối hợp với Ủy ban kế hoạch Nhà nước và các bộ hữu quan, trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ, thể lệ… về kế hoạch hóa, chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư trong ngành thủy lợi.
3. Bộ xét công nhận hoàn thành kế hoạch Nhà nước; kiểm tra việc quản lý tài chính, vật tư, lao động, tiền lương, chất lượng sản phẩm… đối với các đơn vị trực thuộc Bộ; kiểm tra các cấp được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu kế hoạch về thủy lợi ở địa phương.
Điều 4. Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước và môi trường nước:
1. Bộ phối hợp với các bộ hữu quan nghiên cứu đề nghị với Hội đồng Chính phủ trình Quốc hội thông qua các dự án luật và pháp lệnh về quản lý việc thực hiện các luật và pháp lệnh đó.
2. Bộ quản lý và chỉ đạo việc lập quy hoạch khai thác, quy hoạch sử dụng và bảo vệ các nguồn nước mặt, nước ngầm trên toàn lãnh thổ, điều hoà phân phối nguồn nước cho các ngành, các hộ sử dụng, trên cơ sở quy hoạch, kết hợp với cân đối khả năng nguồn nước có trong từng thời gian.
3. Bộ phối hợp với Bộ Y tế trong việc quản lý và chỉ đạo việc bảo vệ chống ô nhiễm môi trường nước trên từng lưu vực sông, kiểm tra và yêu cầu các cơ quan dùng nước thực hiện các biện pháp xử lý các nguồn nước thải nhằm bảo đảm cho các dòng sông được ổn định và giữ được sinh thái trong sạch của các dòng sông.
4. Bộ tham gia ý kiến với Bộ Lâm nghiệp và các bộ hữu quan trong việc nuôi trồng và khai thác rừng đầu nguồn, khai thác đất đai và các tài nguyên khác liên quan đến bảo vệ nguồn nước và môi trường nước.
Điều 5. Công tác quản lý xây dựng công trình thủy lợi:
1. Đối với công trình thủy lợi nông, ngành thủy lợi xây dựng và quản lý xây dựng công trình từ đầu mối đến mặt ruộng có kết hợp chặt chẽ với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch giao thông vận tải và các yêu cầu về điện khí hóa, cơ giới hóa nông nghiệp…
2. Đối với các công trình thủy lợi lợi dụng tổng hợp, ngành thủy lợi làm chủ quản đầu tư xây dựng; riêng đối với các công trình có quy mô lớn đặc biệt quan trọng sẽ tùy theo sự phân công của Hội đồng Chính phủ.
3. Đối với các công trình thủy điện, Bộ thực hiện các nhiệm vụ mà Hội đồng Chính phủ đã quy định trong bản quyết định số 166-CP ngày 08/9/1976 về phân công quản lý phát triển thủy điện.
4. Đối với các công trình cấp nước cho khu công nghiệp và đô thị, ngành thủy lợi xây dựng và quản lý xây dựng công trình tạo nguồn nước; ngành xây dựng phụ trách xây dựng các công trình lấy nước và phân phối nước đến hộ dùng nước.
5. Công trình thủy lợi chuyên dùng của các ngành do các ngành đầu tư và tổ chức xây dựng theo quy hoạch phân phối và các chế độ về quản lý sử dụng nguồn nước của ngành thủy lợi.
Điều 6. Công tác quản lý khai thác công trình:
1. Công trình thủy nông: ngành thủy lợi quản lý và chỉ đạo công tác khai thác, tu sửa, bảo quản công trình thủy nông từ đầu mối đến mặt ruộng; hướng dẫn các đội thủy nông trong các đơn vị sản xuất về kỹ thuật tưới tiêu nước theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.
2. Đối với công trình thủy lợi lợi dụng tổng hợp: ngành thủy lợi quản lý khai thác công trình thủy lợi; ngành điện và than quản lý vận hành nhà máy thủy điện ; ngành hải sản quản lý việc nuôi và khai thác nguồn thủy sản trong lòng hồ; ngành giao thông vận tải quản lý khai thác các công trình âu tàu, nâng hạ tàu và các luồng vận chuyển trong lòng hồ chứa. Trong quá trình khai thác cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa 4 ngành nói trên để thực hiện có hiệu quả nhất.
3. Công trình thủy lợi chuyên dùng của các ngành do các ngành quản lý theo quy hoạch khai thác nguồn nước và chế độ về quản lý sử dụng nguồn nước của ngành thủy lợi.
Điều 7. Công tác phòng chống lũ lụt, quản lý dòng sông và công tác đê điều:
1. Bộ quản lý và chỉ đạo các mặt sau đây:
- Lập và thực hiện quy hoạch toàn diện về công tác phòng, chống lũ lụt;
- Tổ chức quản lý và chỉ đạo các công tác bảo vệ, tu bổ các hệ thống đê sông, đê biển và các công trình phòng, chống lũ lụt khác. Quản lý dòng sông nhằm mục đích thoát lũ;
- Lập và thực hiện các phương án phòng, chống lũ lụt ở các lưu vực sông, các phương án ngăn nước mặn ở vùng ven biển, các biện pháp kỹ thuật xử lý công trình đê, kè, cống bị hư hỏng và những trường hợp bất trắc xảy ra. Kiểm tra công tác phòng, chống lũ lụt.
2. Bộ Xây dựng trình Hội đồng Chính phủ ban hành hoặc tự mình ban hành, theo sự ủy nhiệm của Hội đồng Chính phủ, điều lệ và các quy định về quản lý, bảo vệ công trình phòng, chống lũ lụt; về quản lý việc thoát lũ lòng sông, hướng dẫn chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các điều lệ và quy định ấy.
3. Bộ chỉ đạo các địa phương tổ chức và trang bị cho các lực lượng làm công tác hộ đê, tổ chức lực lượng và chuẩn bị phương tiện hộ đê (kể cả đê biển) khi xảy ra bão, lũ lớn.
4. Dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ huy chống bão lụt Trung ương, Bộ tổ chức và hướng dẫn mọi hoạt động văn phòng thường trực của Ban.
Điều 8. Công tác khoa học - kỹ thuật.
1. Bộ trình Chính phủ phương hướng, nhiệm vụ và các biện pháp áp dụng khoa học kỹ thuật mới để nhanh chóng phát triển khoa học kỹ thuật của ngành.
2. Bộ lập dự án kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới của Bộ gửi Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tổng hợp trình Hội đồng Chính phủ; quản lý, chỉ đạo thực hiện các kế hoạch ấy.
3. Bộ nghiên cứu, kiến nghị với Hội đồng Chính phủ chủ trương và kế hoạch hiện đại hoá quá trình xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy lợi; chỉ đạo việc sử dụng có hiệu quả phương tiện cơ giới hiện đại kết hợp với công cụ cải tiến và công cụ thường trong xây dựng và quản lý công trình thủy lợi;
4. Bộ thống nhất quản lý kế hoạch đầu tư trang bị kỹ thuật trong ngành và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ấy.
5. Bộ nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ ban hành hoặc tự mình ban hành trong phạm vi quyền hạn được giao các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, các quy trình, quy phạm kỹ thuật trong toàn ngành, từ điều tra cơ bản, quy hoạch, khảo sát thiết kế, thi công đến quản lý khai thác công trình, quản lý chỉ đạo thực hiện các tiêu chuẩn định mức ấy.
6. Bộ tổ chức chỉ đạo các hoạt động thông tin, kịp thời giới thiệu những thành tựu về khoa học, kỹ thuật, về quản lý kinh tế thủy lợi trong và ngoài nước và về kinh nghiệm làm thủy lợi của nhân dân nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công tác thủy lợi hóa.
Điều 9. Công tác tổ chức cán bộ và đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công nhân:
1. Bộ nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ phương hướng, nguyên tắc tổ chức, bộ máy và tiêu chuẩn cán bộ của ngành theo đường lối chính sách và tiêu chuẩn chung của Đảng và Nhà nước. Bộ hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy các cấp của ngành ở địa phương và chỉ đạo thực hiện theo quy định chung của Nhà nước.
2. Bộ lập và quản lý thực hiện quy hoạch cán bộ và công nhân của ngành thủy lợi; quản lý đội ngũ cán bộ, công nhân của Bộ và của ngành theo chế độ và quy định của Đảng và Nhà nước.
Bộ lập kế hoạch dài hạn và hàng năm về đào tạo bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế và công nhân kỹ thuật của ngành gửi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Lao động và các Bộ hữu quan để tổng hợp thành kế hoạch chung trình Hội đồng Chính phủ. Tổ chức chỉ đạo và quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế và công nhân kỹ thuật của ngành theo sự phân công của Hội đồng Chính phủ.
1. Bộ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hợp tác khoa học, kỹ thuật và hợp tác kinh tế thủy lợi với nước ngoài gửi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, cơ quan quản lý quan hệ kinh tế với nước ngoài của Nhà nước và cơ quan hữu quan khác để tổng hợp thành kế hoạch chung trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch đó trong phạm vi trách nhiệm của Bộ.
2. Được Hội đồng Chính phủ ủy nhiệm, Bộ ký các văn kiện hợp tác khoa học kỹ thuật và kinh tế về thủy lợi với nước ngoài và tổ chức thực hiện các văn kiện đó theo đúng quy định của Nhà nước về quan hệ đối ngoại.
Trong phạm vi quyền hạn được giao, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi ra các quyết định, thông tư, chỉ thị và kiểm tra các ngành, các cấp thi hành những quyết định, thông tư, chỉ thị ấy; sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của cơ quan chuyên môn cấp dưới thuộc ngành mình; đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân địa phương có liên quan đến lĩnh vực thống nhất quản lý ngành thủy lợi.
Xét yêu cầu cần thiết, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi được thành lập một số hội đồng làm tư vấn cho mình trong từng mặt công tác quan trọng như hội đồng kinh tế, hội đồng khoa học - kỹ thuật,… nhiệm vụ và thành viên của các hội đồng này do Bộ trưởng quyết định.
2. Các thứ trưởng giúp Bộ trưởng trong việc lãnh đạo chung và được Bộ trưởng ủy nhiệm chỉ đạo một số lĩnh vực công tác của Bộ. Mỗi thứ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về lĩnh vực công tác được phân công; được ủy quyền quyết định những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn được giao trên cơ sở kế hoạch, chương trình công tác của Bộ và không trái với quyết định, chỉ thị của Bộ trưởng.
3. Trong các thứ trưởng, có một thứ trưởng thường trực giúp Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, điều hoà, phối hợp công việc chung của Bộ, thay mặt Bộ trưởng giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng khi Bộ trưởng vắng mặt.
Điều 12. Cơ cấu tổ chức của Bộ Thủy lợi gồm có:
A. Các tổ chức sản xuất, kinh doanh trực thuộc Bộ, gồm liên hiệp các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp xây dựng ở các khu vực và các xí nghiệp độc lập.
Trước mắt các tổ chức sản xuất, kinh doanh trực thuộc Bộ gồm có:
1. Liên hiệp các xí nghiệp cơ khí điện thủy lợi;
2. Xí nghiệp liên hợp xây dựng thủy lợi khu vực I (Bắc Bộ);
3. Xí nghiệp liên hợp xây dựng thủy lợi khu vực II (Bắc Trung Bộ);
4. Xí nghiệp liên hợp xây dựng thủy lợi khu vực III (Trung Trung Bộ và Tây nguyên);
5. Xí nghiệp liên hợp xây dựng thủy lợi khu vực IV (Nam Bộ);
6. Các xí nghiệp độc lập do Bộ quyết định.
Liên hiệp các xí nghiệp, các xí nghiệp liên hợp xây dựng thủy lợi ở các khu vực và các xí nghiệp độc lập… là những đơn vị kế hoạch tự chịu trách nhiệm về sản xuất, kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, theo kế hoạch của Nhà nước và pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Bộ trưởng Bộ Thủy lợi có trách nhiệm nghiên cứu sắp xếp về tổ chức, quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị sản xuất kinh doanh trực thuộc Bộ.
B. Các cơ quan sự nghiệp gồm có:
1. Viện nghiên cứu khoa học thủy lợi.
Viện có nhiệm vụ:
- Xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm về nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, tổ chức và phối hợp các tổ chức nghiên cứu, các cơ sở thực nghiệm thuộc viện thực hiện các kế hoạch ấy sau khi được cấp có thẩm quyền xét duyệt và ghi vào kế hoạch Nhà nước;
- Tổ chức thực nghiệm các đề tài và kết qủa đã nghiên cứu; xây dựng các quy trình, quy phạm thực hiện những thành tựu đã nghiên cứu, trước khi đưa ra áp dụng rộng rãi.
- Thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học kỹ thuật thủy lợi theo sự phân công của Bộ hoặc Nhà nước.
2. Viện kinh tế thủy lợi.
Viện có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan của Bộ tổ chức nghiên cứu các chính sách đầu tư xây dựng, khai thác công trình thủy lợi; phương pháp tính toán hiệu quả kinh tế trong xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy lợi; giá thành sản phẩm; phương thức, chế độ quản lý và hạch toán kinh tế trong sản xuất; kinh doanh của ngành; tổ chức lao động của ngành theo phương pháp khoa học;
- Nghiên cứu về mặt kinh tế các dự án phát triển ngành, dự án kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm của ngành do các cơ quan chức năng của Bộ lập nên để tham gia ý kiến trước khi Bộ quyết định các dự án ấy;
- Tổ chức việc thu thập và thông tin về kinh tế thủy lợi trong và ngoài nước.
3. Viện quy hoạch và quản lý Nhà nước.
Viện có nhiệm vụ:
- Lập và quản lý quy hoạch, điều hoà, phân phối, sử dụng nước trên từng lưu vực sông và trên toàn lãnh thổ;
- Lập và quản lý quy hoạch khai thác, tổ chức bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông lớn có liên quan nhiều tỉnh, các lưu vực sông và các vùng có vị trí kinh tế quan trọng ở từng địa phương.
- Hướng dẫn chỉ đạo việc lập quy hoạch khai thác và tổ chức bảo vệ nguồn nước ở các lưu vực sông, các vùng thuộc diện quản lý của địa phương;
- Phân phối điều hòa nguồn nước giữa các lưu vực sông, giữa các ngành, các địa phương trong các kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân dài hạn và hàng năm.
- Thẩm tra để giúp Bộ xét duyệt nhiệm vụ thiết kế các công trình thủy lợi và tham gia xét duyệt các công trình thủy lợi chuyên dùng của các ngành khác;
- Kiểm tra việc sử dụng và các biện pháp bảo vệ nguồn nước thải và bảo vệ môi trường nước của các hộ dùng nước trên các lưu vực sông;
- Tổ chức quản lý hệ thống thủy văn chuyên dùng.
4. Viện khảo sát và thiết kế thủy lợi.
Viện có nhiệm vụ:
- Khảo sát địa hình, địa chất phục vụ việc làm quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch vùng và các giai đoạn thiết kế công trình thủy lợi có quy mô lớn do Bộ phụ trách xây dựng;
- Thiết kế các giai đoạn thiết kế công trình thủy lợi lớn (bao gồm cả thủy điện); thiết kế mẫu các công trình thủy lợi;
- Hướng dẫn công tác khảo sát thiết kế thủy lợi địa phương.
- Lập sơ đồ tổng thể trên từng lưu vực sông, từng vùng kinh tế lớn nhằm khai thác và bảo vệ nguồn nước theo sự phân công của Bộ.
5. Trường Đại học thủy lợi: trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế thủy lợi bậc đại học và bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật trên đại học và cán bộ quản lý kinh tế.
6. Trường cao đẳng thủy lợi: có nhiệm vụ đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế thủy lợi tương đương đại học về một số bộ môn.
7. Các trường trung học kỹ thuật, trung học nghiệp vụ và trường công nhân kỹ thuật thuộc diện quản lý của Bộ.
C. Các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước gồm có:
1. Vụ Kế hoạch và thống kê.
2. Vụ quản lý khoa học - kỹ thuật.
3. Vụ cơ giới – cơ khí.
4. Vụ kế toán – tài vụ.
5. Vụ lao động - tiền lương.
6. Vụ tổ chức – cán bộ.
7. Vụ quản lý xây dựng cơ bản.
8. Vụ quản lý và khai thác thủy nông.
9. Vụ phòng chống lũ lụt và quản lý đê điều.
10. Ban thanh tra.
11. Văn phòng Bộ.
12. Hội đồng trọng tài kinh tế.
Thủ trưởng các vụ, viện, ban, hội đồng, văn phòng giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo nhiệm vụ và quyền hạn do Bộ trưởng quy định.
TỔ CHỨC NGÀNH THỦY LỢI Ở CẤP TỈNH, HUYỆN, XÃ
(Gọi là tổ chức ngành thủy lợi ở địa phương)
Điều 14. Tổ chức thủy lợi địa phương gồm có:
- Cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có Ty, Sở thủy lợi;
- Cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh và thị xã có ban thủy lợi;
- Cấp xã do Ủy ban nhân dân xã phụ trách.
Ty, Sở thủy lợi có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố:
1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thủy lợi trên lãnh thổ toàn tỉnh. Hướng dẫn, chỉ đạo và quản lý việc thực hiện và phát triển công tác thủy lợi của huyện, trực tiếp giúp huyện, trực tiếp giúp huyện tiến hành những công việc về thủy lợi mà huyện chưa có khả năng tự đảm nhiệm;
2. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển thủy lợi trên địa bàn tỉnh; tham gia với Bộ Thủy lợi trong việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành thủy lợi nói chung, tổ chức thực hiện công tác quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nước theo sự phân công của Bộ Thủy lợi;
3. Tham gia với Bộ Thủy lợi trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch trị thuỷ và khai thác các dòng sông, các nguồn nước có liên quan đến tỉnh mình, trực tiếp xây dựng và thực hiện quy hoạch trị thủy và khai thác dòng sông, các nguồn nước trong tỉnh;
4. Lập dự án kế hoạch thủy lợi dài hạn và hàng năm của tỉnh; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch ấy;
5. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác khảo sát, thiết kế, thi công các công trình thủy lợi của tỉnh (kể cả tu bổ hoàn chỉnh các công trình đã có) theo sự phân công của Bộ Thuỷ lợi và nhiệm vụ, quyền hạn được Ủy ban nhân dân tỉnh giao;
6. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi trong địa phương;
7. Tổ chức và chỉ đạo công tác phòng, chống lũ lụt, quản lý dòng sông, quản lý đê điều trong phạm vi tỉnh;
8. Nghiên cứu ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế tiên tiến về thủy lợi và các mặt hoạt động của mình theo kế hoạch của Bộ và của tỉnh. Thực hiện nghiêm chỉnh và đề xuất bổ sung các quy trình, quy phạm, các chỉ tiêu, định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành của Nhà nước của Bộ trên phạm vi toàn tỉnh.
9. Thống nhất quản lý trang thiết bị, vật tư chuyên dùng của ngành thủy lợi ở địa phương theo sự phân cấp của Bộ;
10. Thực hiện việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công nhân của ngành thủy lợi ở tỉnh theo phân công của Bộ Thủy lợi và nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban nhân dân tỉnh giao; quản lý tài chính, vật tư, lao động, ... của Ty, Sở theo đúng chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước.
Điều 17. Mỗi huyện có nhu cầu về công tác thủy lợi được thành lập ban thủy lợi huyện.
Ban thuỷ lợi huyện là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân huyện và sự chỉ đạo quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở, Ty thuỷ lợi.
Ban thủy lợi huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân huyện thống nhất quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện toàn bộ công tác thủy lợi trên địa bàn huyện. Cụ thể là:
- Nghiên cứu đề xuất phương hướng phát triển thủy lợi của huyện; tham gia xây dựng quy hoạch thủy lợi của tỉnh trong những phần có liên quan đến huyện mình, trực tiếp xây dựng quy hoạch thuỷ lợi huyện.
- Xây dựng kế hoạch thủy lợi của huyện;
- Quản lý phân phối điều hoà các nguồn nước, bảo vệ môi trường nước và công trình thuỷ lợi trên lãnh thổ huyện theo sự phân cấp của tỉnh và các thể chế hiện hành của Nhà nước;
- Chỉ đạo và đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kế hoạch xây dựng, sửa chữa và quản lý khai thác các công trình thủy lợi thuộc huyện quản lý; khảo sát thiết kế công trình thủy lợi theo sự phân công của tỉnh, tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác đê điều, phòng, chống, lũ lụt của huyện;
- Tổ chức, hướng dẫn và chỉ đạo phong trào nhân dân làm thuỷ lợi.
Ban thủy lợi huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thủy lợi đối với các đơn vị sản xuất thuộc ngành thủy lợi của huyện. Ban thuỷ lợi huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân huyện kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các đơn vị đó theo nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ủy ban nhân dân huyện giao.
- 1Nghị định 172-CP năm 1973 về Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và bản Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.
- 2Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ 1960
- 3Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của Nhà nước trong khi chưa có Hiến pháp mới do Quốc hội ban hành
Nghị định 88-CP năm 1979 Quy định về tổ chức và hoạt động của Bộ Thủy lợi do Hội đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 88-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 06/03/1979
- Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 2
- Ngày hiệu lực: 06/03/1979
- Ngày hết hiệu lực: 11/07/1994
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra